Ngày xưa, có lần nhạc sỹ Trần Tiến được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mời tới nhà chơi, cùng ăn cùng nghỉ ở đó. Trần Tiến ngại vì sợ tới lui nhiều sẽ làm phiền ông. Trịnh Công Sơn bảo: Tiến hãy để cuộc đời cưu mang, có như thế Tiến mới biết ơn cuộc đời!
Hôm qua sang thăm bạn; trong câu chuyện có nói tới việc sống một cuộc đời tự do và khi ở một mình, đã được thọ nhận của đời quá nhiều! Lại thấy lòng trùng xuống! Không phải vì lựa chọn của mình; mà bởi khi trong lòng ngập tràn biết ơn, thì có khi lại khiến những người thương trở nên hờn tủi!
Đã bao lâu nay, vì nhận thức phân biệt, người thương của ta luôn nghĩ ta chỉ nên có trách nhiệm với người thân, cha ta, mẹ ta, vợ con ta, anh chị em ta, ông bà ta... Nên khi nói tôi yêu thương tất cả mọi người thì là một lý lẽ không thể nào thuyết phục; thậm chí bị quy kết là sáo rỗng, giả tạo hoặc ngộ nhận...! Xin miễn bàn đúng sai; chỉ thấy rằng khi đã sống với quan điểm như thế thì phải sẵn sàng đối mặt với những điều ấy! Ta có lý của ta, họ có lý của họ.
Người biết sống một mình là người đáng quý và đáng tân trọng. Không phải họ đớn hèn, trốn chạy hay ảo tưởng. Mà bởi đó là họ đã thể nhập được tính bản năng, tính tự nhiên của tạo hoá. Suy cho cùng, thế giới loài người là tập hợp chung của những cái tôi không hơn không kém. Và cái tôi nào cũng to lớn, hùng hồn và độc lập! Người sống một mình; coi giang hồ là để tiêu dao; coi cuộc sống là hành trình trải nghiệm, để học những bài học, để tiến hoá... thì thường sẽ mở lòng ra và đón nhận những mối quan hệ, thọ nhận những tấm lòng và ngược lại, cũng sẵn sàng cho đi, thương yêu và tin tưởng tất cả mọi người. Không phán xét, không ghanh tị, không phiền não!
Ngày xưa, có lần nhạc sỹ Trần Tiến được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mời tới nhà chơi, cùng ăn cùng nghỉ ở đó. Trần Tiến ngại vì sợ tới lui nhiều sẽ làm phiền ông. Trịnh Công Sơn bảo: Tiến hãy để cuộc đời cưu mang, có như thế Tiến mới biết ơn cuộc đời!
Hay như hồi sư ông Nhất Hạnh mới về mở lán, trồng cây, khai hoang ở Phương Bối; cũng có nhiều bạn bè, đồng tu, Phật Tử tới lui, cùng sinh hoạt và giúp sức. Họ đã cùng nhau trao đổi những hạt giống của tình thân; những năng lượng của bình an, hạnh phúc và có mặt cho nhau. Họ đã từng cùng nhau đốt nương làm rẫy, trồng trà; xây nhà; nấu ăn và đặt biệt là những sự kiện lớn như gói bánh chưng Tết, đốt lửa, sinh hoạt văn nghệ... ầm vang cả núi rừng! Ấy là cuộc sống của những người tự do, cùng tần số; cùng lý tưởng!
Trải qua những lần "để cuộc đời cưu mang" đó; con người biết sống thiện hơn, trân trọng mình và mọi người xung quanh; trân trọng từng phút giây cuộc sống và biết ơn cuộc đời hơn!

Xét cho cùng, để là người hạnh phúc phải là người tự do. Ở đây là tự do về tâm trí. Không bị giam nhốt, ràng buộc bởi những sân giận, khổ ưu, phiền não hay si mê, cố chấp! Nôm na là tư duy phải được khai phóng!
Và để được khai phóng, cần thực tập nhìn cuộc đời như một hành trình để trải nghiệm, như một lớp học mà ở đó khó khăn, áp lực, đau khổ, tổn thương... chính là những bài học. Trả xong được bài nào, ta tiến hoá được chừng ấy. Càng trả nhiều bài, càng tiến bộ nhiều và nhanh "lên lớp".
Thêm nữa là cần phải chủ động "sống" cuộc đời của mình; không nên bị động, bị chi phối bởi sự điều khiển hay những tiếng lao xao từ phía người khác! Nếu có cái gọi là "kịch bản số phận" của cuộc đời mình, bạn phải là người viết nên nó! Nếu không chủ động trong việc tạo nên kịch bản số phận của mình, không chủ động tạo ra cho nó những khúc quanh, những thay đổi ly kỳ; cuộc đời bạn chẳng thể là một bộ phim hấp dẫn; chỉ đơn điệu và tẻ ngắt!
(Còn nữa)
SG 4/5/2020
"Bước tới đi. Đừng sợ"!