Chương 2: Thần Tử Trì {*}

Ngục Bình Điện.
Khác với những nhà ngục thông thường, lúc nào cũng luẩn quẩn cái không khí nặng nề và thối hoăng cả lên, ngục Bình Điện lại giống như một dãy nhà ở của bình dân. Chỉ có vách tường cao đến bảy thước cùng những cọc sắt nhọn hoắc chỉa lên trời, mới có thể nhắc nhở người ta rằng nơi đây vẫn là chốn tù tội.
Tòa nhà này có mười tám phòng giam, tường cao sơn tuyền một màu xám. Phạm nhân trong ngục Bình Điện hoàn toàn không có dân chúng thông thường mà chỉ có quan lại bị buộc tội. Vào cuộc biến động triều chính hai mươi chín năm trước, tại đây có lúc đã giam đến ba mươi bảy vị quan đầu triều.
Ngục Bình Điện chỉ có một cổng ra vào duy nhất, cao lớn mà rạng rỡ, khác xa với câu nói “U tối như cổng nhà tù”. Hai cánh cửa gỗ dày nặng sơn đỏ thếp vàng, bên trên chạm khắc những hoa văn tinh xảo, dù kết hợp với mấy mũ đinh to bản thì quả thật không có bao nhiêu khí khái trấn áp của ngục môn. Trước cửa ngục có bày sẵn các lệ bộ đầy đủ như chậu than hay bàn ăn cơm.
Bởi vì không ai dám chắc rằng vị tù phạm hôm nay còn ngồi trong ngục, ngày mai sẽ biến thành đại quan hay phải đi thẳng ra pháp trường.
Bước ra khỏi cửa lớn của ngục Bình Điện, vốn chỉ có hai nơi đó để đi mà thôi.
Thế nhưng không một ai trong số cai ngục ở đây tin tưởng rằng quan Bình chương sự Trần Thành(*) có thể trở về triều đình. Là người đứng đầu của các văn quan, cánh tay mặt của hoàng thượng, từng một thời quyền nghiêng triều dã. Thế nhưng chỉ trong nửa tháng là đức ông họ Trần đã trở thành chướng ngại vật phải bị kéo đổ đầu tiên của phe cánh quan Chi hậu. Hoàng thượng ngã bệnh, thế lực của văn quan không đủ sức chống đỡ lại sự liên hợp của hai phe phái tăng sư và võ quan, nhanh chóng rã rời như giấy mỏng dưới mưa.
Cho nên khi trông thấy ngôi sao sáng đương thời của giới võ tướng, quan Tả cấm vệ Lý Công Uẩn ghé qua lúc trời còn âm ám. Lại chỉ đích danh căn phòng biệt lập đang giam giữ Trần Thành thì bọn cai ngục, vốn nhiều thời gian rảnh rỗi, liền cho ra đời cả trăm giả thuyết khác nhau.
ooo
Phòng giam nhỏ ấy không quá tối, không quá bí bức ẩm thấp nhưng cũng chẳng thơm tho khô ráo gì. Thậm chí còn có một ngọn đèn nhỏ trên vách tường, một cái ghế trúc cùng vài cuốn sách tùy thân của quan Bình chương sự. Trước khi có chỉ dụ của hoàng thượng hoặc phe thắng cuộc truyền tới đây, không ai dám ngược đãi với vị tù nhân danh tiếng lẫy lừng ấy.
Khi quan Tả vệ bước vào thì viên trưởng ngục đã sớm đặt thêm một tấm sàn gỗ lớn vào phòng, thậm chí còn cẩn thận chuẩn bị thêm một lọ hương nghi ngút khói và một mâm trà nóng nhỏ, ngõ hầu làm át đi thứ mùi ẩm thấp đặc hữu của trại giam. Hai vị quan đầu triều vốn đã nhiều lần gặp nhau, trên triều đình có, nơi phong nhã có, trong thư phòng có, trong nội điện đế đô có, thậm chí ngay trước ba quân giữa chiến trường cũng có, chỉ có chưa từng đối mặt trong một không gian chật hẹp đến nỗi không khí cơ hồ đặc quánh lại như thế này mà thôi.
Xuyên qua làn sương khói lờ mờ, Trần Thành khẽ đặt quyển sách trên tay xuống, chăm chú nhìn vào ông bạn đồng liêu:
- Ông đến đây, nghĩa là hoàng thượng đã mất rồi sao?
Công Uẩn gật đầu:
- Khuya hôm qua hoàng thượng đã băng hà.
Trần Thành khẽ thở dài một tiếng, sau đó đứng dậy, xếp chiếc ghế trúc đưa cho quan Tả vệ:
- Phiền ông.
Lại thu dọn mấy quyển sách nằm vương vãi dưới sàn, bày ra một khoảng trống nho nhỏ rồi quỳ xuống, hướng về phía đế đô dập đầu chín lạy. Đó là lễ tiết cuối cùng ông có thể bày ra dành cho vị chủ thượng, cũng là học trò đắc ý nhất của mình.
Chờ cho Trần Thành ngồi lại vào ghế trúc, Công Uẩn mới lấy tờ giấy trong ngực của mình ra, đưa cho vị cựu quan, chậm rãi nói:
- Hôm qua hoàng thượng đã an bài cho tôi vài việc, những cái khác thì không có vấn đề gì, chỉ riêng việc của ông có chút khó khăn.
Ông thấy đó, thả ông và tướng quân Hổ không phải là không được, thế nhưng để hai người về lộ Bắc Giang thì lại đi ngược với chính sách trước nay của đại sư. Quả thật lúc này chúng ta không nên có hiềm khích gì với người Nùng và người Tống, cho đến khi ổn định được cục diện triều đình. Quan Chi hậu cũng đồng tình với sách lược ấy, thậm chí ngay buổi chiều hôm qua bộ binh đã gửi công hàm rút lui một trăm dặm đến biên quân rồi.
Trần Thành cũng không vội vã đọc tờ giấy trong tay, chỉ hỏi lại:
- Thế ý ông thế nào?
Đương kim điện tiền chỉ huy sứ, người đang nắm giữ trong tay mười hai đạo Thiên tử quân, tám đạo Phiên vương quân, trầm ngâm sắp xếp câu chữ một chút, mới trả lời:
- Ý tôi muốn đánh, Nùng Tồn Phúc là kẻ không đáng tin.
Chỉ một câu nói ấy, bản sắc võ tướng ngang dọc sa trường của Lý Công Uẩn mới khẽ hé lộ góc cạnh sắc bén của nó. Phản quân, thì phải đánh.
- Thế nhưng mật thám của ta trong triều Tống đã gửi tin về. Hiện giờ bên nước họ cũng nhiều chuyện rối ren, quyết sách của họ trong tương lai là án binh bất động, hòa hiếu với các nước lân bang. Nếu chúng ta thật sự hưng binh với Tồn Phúc thì sợ rằng nhà Tống sẽ cảm thấy bất an mà phản ứng kịch liệt. Vì thế đại thể là tôi nghiêng về sách lược của đại sư và Cam Mộc.
Trần Thành mỉm cười:
- Công Uẩn, biên cương nhìn qua thì có vẻ bình yên, thế nhưng có những chuyển động nho nhỏ bên dưới mà có lẽ hệ thống mật thám quân đội chưa để ý. Tháng trước tôi đã tập hợp mấy tin tức này lại, chỉ là chưa có dịp trình lên hoàng thượng.
- Nguyện nghe.
- Nùng Tồn Phúc muốn xưng đế.
Tin tức này khiến Lý Công Uẩn nhíu mày, dã tâm của đất Nùng không phải là chuyện mới mẻ gì. Có điều xưng đế giữa hai bề kềm kẹp của Đại Cồ Việt và Tống, không khác gì đang tìm đường diệt vong. Nhưng ông vẫn im lặng, không muốn cắt lời của Trần Thành.
- Hoàng thượng hồi đầu năm đã từng cho sứ sang nước Tống, đề nghị đặt ba chợ lớn ở các nơi dân cư đông đúc cho tiện việc trao đổi. Yêu cầu này bị triều Tống bác đi, chỉ công nhận một vài điểm trung chuyển hàng hóa nhỏ nằm sát biên giới. Lý do chính là bởi tấu chương bác bỏ của trấn phủ Quảng Nam Tây Lộ dâng lên (Quảng Tây sau này, kể từ giờ về sau sẽ dùng chữ Quảng Tây để thay thế). Trong tấu chương có nói bọn thương buôn người Tống phản đối rất dữ, bởi vì nếu đặt chợ thì những chuyến hàng qua lại trên ba đất nước của họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Kể từ đó đến nay đội buôn người Tống đi vào đất Nùng liên tục không dứt, theo tính toán thì số lượng nhiều gấp sáu lần lúc bình thường. Người của tôi trong trại Nùng vô tình phát hiện ra một chuyện bí mật. Thật ra xét cho cùng thì chuyện này quả thật không đáng gì, thế nhưng cách hai bên che giấu nó đi lại cho tôi cảm giác không yên tâm. Vì thế tôi đã chỉ thị đào sâu hơn nữa xem có tìm được tin tức gì đáng giá hay không.
Lý Công Uẩn hơi ngã người ra sau, lại càng lắng nghe chăm chú hơn. Ông biết đội thám báo dưới tay Trần Thành là một đội ngũ tinh nhuệ nhất của Đại Cồ Việt, do chính tay vị văn quan này tuyển chọn và bồi dưỡng. So với hệ thống thám báo của quân đội mà ông đang nắm trong tay thì tuy bọn họ ít hơn về lượng nhưng lại vượt trội hơn hẳn chất. Chính vì thế họ có khả năng tìm hiểu được những tin tức mà quân đội ở biên giới không thể nắm được.
- Hơn tám tháng trước, một đội buôn người Tống xuất phát từ Quảng Tây đã vào trại Nùng. Đoàn buôn bọn họ lúc vào có mười tám người, lúc trở về tuy vẫn đủ mười tám người nhưng mật thám của ta tình cờ phát hiện họ đã dùng một thành viên trong đoàn để đổi lấy một người trong trại Nùng. Trước tiên nói về người ở lại, đó là một cô em họ xa đằng vợ của tri châu Quảng Tây, hiện giờ đang là vợ thứ bảy của Tồn Phúc. Người theo đoàn buôn trở về đất Tống là con gái của y, sau khi về đến Quảng Tây đã được gả vào nhà của con trai thứ ba của tri châu làm thiếp.
Lúc nhận được tin tức này tôi cảm thấy có chút kỳ lạ. Thông hôn để giữ hòa hiếu không phải là chuyện cần phải giấu kín gì, dù sao đất Nùng muốn tồn tại giữa Tống và Việt thì bắt buộc phải thân cận với cả hai bên. Thế nhưng vì sao họ lại tiến hành rất bí mật, không muốn kẻ bên ngoài biết. Khi ấy tôi có ngờ rằng đây là một lời cam kết giữa đôi bên và việc trao đổi thân thích này giống như đang đặt con tin hơn là kết hôm thông thường.
Khi người của ta tiếp tục đào sâu hơn nữa thì phát hiện ra trong vòng bốn năm trở lại đây, tức là khi bắt đầu diễn ra biến cố trên triều ta, đất Nùng đã lén lút đưa mười mấy thanh thiếu niên tài trí vào đất Tống, theo học trường người Tống và rèn luyện trong các doanh trại binh Tống.
Công Uẩn nghe tới đó thì gõ ngón tay xuống sàn trúc:
- Bọn họ đang đào tạo lực lượng kế thừa. Tuy nhiên áng theo tính cách quật cường của Tồn Phúc, việc y muốn bộ tộc mình phát triển cũng không lấy gì là lạ.
- Tôi biết, thế nên việc này thủy chung vẫn chỉ ở mức theo dõi, chưa hề được trình lên hoàng thượng. Mãi đến đầu mùa thu năm nay, phía Quảng Tây lại bí mật đưa sang trại Nùng khá nhiều sách vở, đều là những cuốn nói về lập quốc và trị quốc. Các đội buôn nhà Tống đã nhận được chỉ thị có thể bắt đầu trao đổi những yếu phẩm như muối và sắt thép. Ngoài ra trong đất Nùng đã dựng lên ba chỗ khai thác sắt thép và lò rèn binh khí, dưới sự hỗ trợ của thợ thủ công người Tống. Tuy người của ta vẫn chưa tìm được chính xác vị trí của mấy lò rèn này, nhưng ý đồ của Nùng Tồn Phúc đã quá rõ ràng rồi.
- Y muốn lập quốc sao. Điều này là bất lợi với chúng ta, nhưng cũng chưa hẳn là thuận lợi với nhà Tống. Chẳng lẽ họ không biết câu nuôi hổ thành hoạn. Hoặc là, hoặc là vị hoàng đế nhà Tống kia sẽ tự tay dựng lên một phiên vương nữa làm vùng đệm cho đất Quảng Tây. Khống chế nhu yếu phẩm và vũ khí, bồi dưỡng tham vọng và dã tâm, buộc người Nùng thành một tay đấm thuê.
“Để đặt sẵn một quân cờ, mở sẵn một bố cục, một khi giải quyết xong chuyện rối ren trong nước” – Trần Thành tiếp lời – “Sẽ là lúc họ tiến về phương nam”.
Hai vị đại quan nhìn nhau, là người tinh thông lịch sử, họ hiểu hơn ai hết về dã tâm của phương bắc, về sự nặng nề của hai chữ “tiến nam”. Đi kèm với hai chữ ấy, là đô hộ nghìn năm, máu và cái chết, sự tan nát của thành trì, sự sụp đổ của vương triều.
“Rất đúng thời điểm” – Lý Công Uẩn nhắm mắt lại – “Chúng ta có quá ít thời gian, nếu như hoàng thượng không… thì ắt hẳn chỉ trong mười năm, đất ấy sẽ là vùng phên dậu của Đại Cồ Việt”.
“Công Uẩn, để tôi về đông bắc” – Trần Thành ngồi thẳng người dậy, vẻ quyết liệt hiếm thấy xuất hiện trên nét mặt vị văn quan vốn có tính tình từ tốn điềm đạm ấy – “Lộ Bắc Giang không thể rối loạn, châu Quảng Nguyên không thể biến thành đất người Nùng. Nếu không, cửa ngõ phía bắc của chúng ta khác gì đã mở toang cho nhà Tống rồi”.
- Tôi hiểu tấm lòng của ông.
Lý Công Uẩn thốt lên một câu rồi im lặng. Chỉ còn lại một tiếng thở dài đầy xót xa.
Lăn lộn trong chốn quan trường bao nhiêu năm, Trần Thành làm sao không hiểu, nếu để một vị đại quan đầu triều như ông trở về đông bắc. Trong tay lại có binh lực, có thủ hạ có tướng quân, có đất đai vũ khí, chẳng khác gì thả một con hổ dữ về rừng. Chỉ e là trong mắt sư Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc, thậm chí ngay cả vị Tả vệ chính trực đang ngồi trước mặt đây, sự nguy hiểm của ông còn cao hơn cả Nùng Tồn Phúc.
Một tia bất cam lóe lên trong mắt Trần Thành, ông thả lỏng người, trầm giọng nói:
- Công Uẩn, ông vốn biết tôi không có vợ con. Từ lúc ra làm quan cho đến khi nhận chức Bình chương sự này, tôi chỉ có một học trò là hoàng thượng. Hai tháng trước, khi nhận được tin tức hoàng thượng trúng độc không thể chữa trị, tôi… đã tự mình yêm hoạn rồi.
Lý Công Uẩn giật nảy mình. Yêm hoạn vốn là con đường tiến thân cho những kẻ dưới đáy xã hội, chấp nhận từ bỏ đường con cháu sau này để có thể vào làm nội thị cho hoàng đế và các vương hầu. Tội không con vốn là tội bất hiếu lớn trong đạo Nho, nếu tin tức này lọt ra ngoài, một người xuất thân sĩ phu như Trần Thành sẽ bị cả giới học trò sỉ nhục, bất kể ông ta có địa vị cao tới đâu.
- Hoàng thượng đã băng hà, đáng lý tôi cũng chẳng có gì phải lưu luyến nữa. Thế nhưng ngài đã tin tưởng giao lại nhiệm vụ này cho tôi, ít nhất tôi cũng phải hoàn thành nó cho xong rồi mới có mặt mũi đi gặp ngài. Công Uẩn, hãy tin tôi, giờ đây ngoài Đại Cồ Việt, tôi chẳng còn gì nữa.
Đó, là một quyết tâm sắt đá đến nhường nào.
Là sự quyết tuyệt đến nhường nào.
Vua đãi ta bằng lễ quốc sĩ, ta đem mạng này trả lại cho vua.
Lý Công Uẩn nhắm mắt lại, quai hàm bạnh ra. Một lát sau, vị quan Tả vệ ấy mới đứng dậy, đặt tay lên vai đối thủ đã tranh đấu với mình hơn mười năm:
- Tôi tin ông. Chờ tôi.
Dứt lời, ông quay người sải bước ra khỏi phòng giam, bỏ lại Trần Thành đang cúi đầu ngẫm nghĩ sau làn khói hương mờ ảo.
ooo
Mười bốn ngày sau khi tin tức vua Long Đĩnh băng hà loan truyền cả nước, vị cựu tể tướng triều Tiền Lê ấy bị giáng chức thành quan thủ phụ lộ Bắc Giang, một trong những vùng đất nghèo nàn nhất Đại Cồ Việt. Lệnh ban xuống buộc ông phải rời khỏi đế đô ngay trong đêm, với sự hộ tống của tướng quân Hổ cùng một đạo Phiên vương quân.
Nghe nói rằng khi Trần Thành rời khỏi cổng thành, quan Tả vệ đích thân dẫn theo đội tùy tùng chặn người lại, buộc ông phải cởi bỏ mũ quan, dùng thân phận dân thường đi đến nhậm chức. Lại không thiếu được sỉ nhục một phen, bọn sĩ phu có kẻ chướng mắt liền hợp nhau viết mấy bài cáo phản đối, thế nhưng vị tướng quân quyền nghiêng triều dã ấy chẳng buồn để vào tai.
Khiến người ta chỉ còn biết chép miệng: Lên voi xuống chó mấy khi.
-------------------------------------------------------------------------

(*) Trì: có nghĩa là đảm đương, duy trì. Kiên quyết, cường ngạnh.
(*) Bình chương sự: Khi lên ngôi, Lê Long Đĩnh đã dần dần thay đổi hệ thống quan chức giống như triều Tống, thoát khỏi lề thói dùng binh làm chủ như thời Đinh. Bình chương sự là chức quan tương tự như tể tướng đầu triều sau này, đứng đầu văn quan.
(*) Quảng Nam Tây Lộ: Tên gọi ngày xưa của vùng đất Quảng Tây, giáp biên giới Việt Nam.