00. Lời dẫn
Đó là một năm đầy biến động.
Đức Phó Vương (*) trị vì chưa được bao lâu thì cả nước đã phải đã chứng kiến thêm một trận tranh giành ngai vàng nhộm đầy gió tanh mưa máu. Triều đình khi ấy chia năm xẻ bảy thành mấy phe mấy phái, các phiên vương hoàng tử dẫn theo tư quân dưới trướng xung đột khắp nơi.
Đại Cồ Việt đã trở thành mảnh đất vô chủ trong suốt tám tháng trời ròng rã.
Ấy vậy mà đức Trung Tông (*) vừa đăng cơ được ba ngày đã băng hà một cách bất đắc kỳ tử ngay trong cung cấm. Giữa tiếng bàn tán của cả nước về tội ‘giết anh’, Khai Minh Vương thượng vị, tự xưng Quang Hiếu hoàng đế (*).
Tân hoàng vừa mới ngồi trên ngai vàng chưa được bao lâu đã ra tay vô cùng quyết liệt tàn nhẫn. Từng đội Tứ Sương quân tỏa đi khắp nơi trong kinh thành Hoa Lư, hễ nghe thấy ai bàn tán phong thanh gì về hoàng đế thì đều tống hết vào ngục Cấm Vị chờ ngày luận tội. Cả những vị cao tăng vốn đức duyên thâm hậu cũng không tránh thoát được mấy cuộc lùng sục bắt bớ này. Cũng may đức Thống lĩnh quân Tứ Sương khi đó là Lý Công Uẩn, vốn có cảm tình với bọn học trò và giới tăng sư nên đối xử với tù phạm có phần nương nhẹ nhiều.
Kinh thanh vừa tạm yên ắng thì vua đã lại hạ chỉ cho quan Chi hậu họ Đào tận thu quân lương các châu, đích thân ngự giá đánh dẹp phiên vương bốn phương. Trong nhất thời chướng khí nổi lên mù mịt, phủ khắp cả đất nước vốn đang hồi biến động.
Thế nhưng với bàn tay sắt của mình và những đội quân, vốn cực kỳ thiện chiến từ những năm tháng chinh chiến với Tống, Chiêm, đức hoàng đế đã đè ép mọi thế lực chống đối.
Mãi đến bốn năm sau, Quang Hiếu hoàng đế sau khi chinh phạt đất Hoan, Đường trở về thì trở bệnh, nằm liệt giường không dậy nổi. Dân gian râm ran đồn thổi rằng vị con trời ấy hiếu sát thành tính, dẫn đến sự phẫn nộ của trời đất, sắp phải quay về thiên đình chịu tội rồi.
Kinh thành khi ấy trở nên thu liễm yên ắng rất nhiều, tựa như thời khắc trước cơn bão lớn, các thế lực trong tối ngoài sáng cũng đã bắt đầu mài nanh giũa vuốt. Tất cả dân chúng đều hồi hộp chờ đợi một cuộc chuyển dời triều đại sắp bắt đầu, trong lòng bọn họ lúc này chỉ cầu mong một điều rằng: Xin đừng để máu đỏ lại nhuộm ghế vàng.
-------------------------------------------------------------------------
(*) Đức Phó Vương: Chức vụ của Lê Hoàn (Lê Đại Hành) trước khi lên ngôi hoàng đế. Ông là vị vua sáng lập triều đại nhà Tiền Lê kéo dài hai mươi chín năm.
(*) Trung Tông hoàng đế: Lê Long Việt, anh trai Lê Long Đĩnh. Kế thừa ngôi vị của Lê Đại Hành được ba ngày thì bị mưu sát. Sử sách chép rằng ông bị chính em trai là Lê Long Đĩnh giết.
(*) Quang Hiếu hoàng đế: Lê Long Đĩnh, vị vua nổi danh tàn bạo nhà Tiền Lê, bị sử sách đặt cho cái tên Lê Ngọa Triều. Trị vì trong bốn năm, là vị hoàng đế cuối cùng nhà Tiền Lê.
 
01. Đế vương chí
Đêm đã khuya, ánh trăng trong trẻo bàng bạc, tựa như một tấm lụa mỏng ôm ấp lấy kinh thành Hoa Lư. Trời đầu thu không một ngọn gió, cả đế đô chìm trong sự im lặng tĩnh mịch thâm trầm, chỉ thi thoảng bị phá vỡ bởi tiếng mõ cầm canh.
Trong màn đêm thăm thẳm ấy, vẫn có một ngọn đèn tỏa sáng rực rỡ, dường như chẳng bao giờ cam chịu vùi mình vào tối tăm: ngọn Khai Minh ở nội cung hoàng đế.
Đã nửa tháng từ khi ngài trở về từ cuộc chinh phạt đất Hoan, ngọn đèn ấy vẫn chưa hề lụi tắt, ngày dài cũng như đêm thâu. Đám cấm quân Tùy Long canh giữ trong nội điện nổi tiếng vì kỷ luật quân đội sắt thép, tịnh không dám phát ra một tiếng động nào trong lúc tuần tra, thế nhưng mỗi khi đi qua trước ngọn đèn ấy thì đều không kìm được phải thoáng ngước nhìn lên.
Theo đúng quy củ triều đình, khi đèn Khai Minh còn sáng thì có nghĩa là hoàng đế vẫn còn làm việc. Thế nhưng trong lúc này ngọn đèn sáng rực đó đang đại biểu cho một điều lớn lao hơn ở trong nội điện kia.
Đèn chưa tắt, nghĩa là vị chí tôn ấy chưa băng hà.
Ngoài đám quan nội thị và vị quý phi, vốn được hoàng thượng sủng ái nhất, thì chỉ có duy nhất một mình quan Tả thân vệ Lý Công Uẩn là được tự do ra vào nội điện. Theo như lời vị nội thị chuyên lo việc cơm nước hằng ngày cho hoàng đế thì sức khỏe ngài đã yếu lắm rồi, mỗi ngày chỉ ăn được lưng bát cháo, sắc mặt thì vàng võ đến nỗi hai má hóp lại tận xương. Thậm chí bây giờ ngay cả việc ngồi thẳng lưng cũng hết sức khó khăn và hầu như ngài phải nằm nghiêng để phê duyệt chỉ dụ.
Mấy đội thân vệ thay nhau tuần tra nội điện ấy, không một ai không thầm cầu khẩn trời đất phù hộ cho ngọn đèn Khai Minh kia mãi mãi không bao giờ tắt.
Dân gian gọi ngài là vị ác đế, là kẻ giết anh đoạt ngôi. Giới sĩ phu rêu rao ngài lấy lạm sát làm oai, lấy khổ hình làm vui, không chuyện tàn nhẫn gì mà không làm. Phường vô lại thì truyền miệng những câu chuyện dâm loạn ô uế cung cấm. Những lời nói ấy không cánh mà bay đi khắp đất nước, khắc họa thành chân dung một vị hoàng đế ngang tàng bạo ngược. Sức mạnh của ngôn luận bao đời nay vẫn đáng sợ như thế.
Thế nhưng bốn đạo Tùy Long quân, tám đạo Tứ Sương quân vẫn một mực giữ vững lòng trung thành. Bốn năm chinh chiến từ nam ra bắc, ăn gió nằm sương cùng quân vương, đã tạo cho họ một niềm tin bất diệt với quân vương. Niềm tin ấy, thứ được viết bằng máu đỏ, không phải chỉ bằng vào mấy lời chót lưỡi đầu môi là có thể thay đổi được.
Các đại thần nội chính, các vương hầu thân gia, các phe phái thế lực có đe dọa chèn ép đến thế nào, có lôi kéo dụ dỗ đến thế nào, thì ngay cả một tên hiệu úy nhỏ xíu như hạt mè hạt đậu, vẫn ngang nhiên đáp trả lại rằng: Quân đội là của vua.
ooo
Ánh trăng rải vào khung cửa sổ, chỉ có thể chiếu sáng nửa căn nội điện.
Hương hoa thơm ngát ngoài sân, lại tràn ngập cả căn phòng.
Hoàng đế thích mùi lan ngọc, trong cung điện của ngài lúc nào cũng phải đặt một giò hoa, quanh năm suốt tháng tỏa hương ngào ngạt. Kể cả là khi hạ chỉ giết sạch cả nhà quan thủ phụ, hay điều quân bình định mấy người anh em đang nổi loạn phía tây nam.
Người thanh niên khoác trên mình một tấm áo choàng màu dụ thêu rồng, đang ngồi lặng lẽ trong nội điện, trước một tấm sa đồ rộng lớn. Tấm áo choàng này do chính tay quý phi Hoàng Lan may tặng đức vua, vốn rất đỗi vừa vặn với vóc người cao lớn của ngài, thế mà giờ đây rũ xuống bùng nhùng, khiến cho thân hình vốn đã còm cõi ấy lại càng lộ ra vẻ mệt nhọc suy kiệt rõ ràng hơn.
Ánh trắng đổ qua khung cửa, ánh trên mái tóc đen mun. Nhẹ nhàng mà điềm tĩnh, khẽ ve vuốt gương mặt trắng muốt như ngọc tạc của người con gái ngồi chếch phía sau ghế rồng.
Mày nhạt núi xa, mắt huyền vương sương, khóe miệng hơi vểnh lên, dù nét mặt đã có phần mệt mỏi thế nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp quốc sắc của vị quý phi họ Hoàng. Có điều tuy đã cố giữ dáng vẻ thật bình tĩnh cho phù hợp với thân phận, thế nhưng hai bàn tay khẽ run rẩy đã tố cáo tâm trạng đang xao động của nàng.
Mấy ngày theo sát bên hoàng thượng không rời, nàng biết rằng bệnh tình của ngài đã nguy kịch đến mức nào, đến nỗi ngay cả việc ngồi dậy cũng quá đỗi khó khăn. Ấy vậy mà lúc nãy khi hoàng thượng ra hiệu cho nàng đỡ ngài đến bên bàn, nàng có thể cảm nhận được có một luồng sức mạnh bùng nổ trong thân hình gầy yếu đó, mạnh mẽ đến mức tưởng như nàng có thể nghe thấy nó đang rần rật chảy trong từng đường huyết mạch. Ánh mắt vốn đã mờ đục của ngài bỗng dưng sáng lên một thứ ánh sáng kỳ dị, hừng hực lấp lánh, tựa như ngọn đèn Khai Minh đang bùng cháy ngoài hiên kia vậy.
Biết chút tri thức y lý, trong lòng nàng lúc này chỉ có một ý nghĩ: Hồi quang phản chiếu.
Thế nhưng kể từ khi đỡ hoàng thượng ngồi dậy, ngài chưa từng nhìn nàng lấy một lần. Bàn tay ngài khi vịn vào cánh tay nàng, lạnh đến ghê người. Lạnh đến se tim xé phổi, tựa như những cơn gió gầm thét quanh năm suốt tháng nơi quê nàng.
Hoàng Lan bỗng cảm thấy một nỗi tủi thân không tên dâng lên, ép ra một dòng nước mắt lăn dài, tựa như hạt trân châu rơi trên chiếu vàng. Nàng cúi đầu, cố gắng kềm nén xuống tiếng nấc nghẹn trong lòng cứ chực trào ra.
Hoàng thượng vẫn ngồi trước mặt nàng đó, tuy kề bên mà tưởng như xa cách nghìn trùng, đem hết tâm sức còn sót lại của mình nhìn vào tấm sa đồ trước mặt.
Bên trên tấm sa đồ ấy cắm chi chít những lá cờ nhỏ màu đỏ xanh. Nếu là kẻ thông thạo quân sự, ắt chỉ cần liếc qua là sẽ nhận ra ngay địa hình vùng đông bắc Đại Cồ Việt, bao gồm cả lộ Bắc Giang và đạo Quảng Nguyên, vùng chồng lấn tranh chấp bao nhiêu năm nay giữa người Việt và người Nùng. Xa hơn về phía bắc là một vùng tô màu xám xịt, vùng đất Quảng Nam Tây Lộ của nhà Tống.
Nơi đó là tâm nguyện, là chí hướng, là nỗi niềm đau đáu hai mươi mấy năm của ba vị hoàng đế. Thế nhưng có lẽ đời này của ngài, vẫn không thể hoàn thành mộng ước đó.
ooo
- Truyền, Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ vào nội điện.
Lý Công Uẩn túc trực suốt ngày đêm ngoài chánh điện, vốn đang ngẩng mặt ngắm nhìn vầng trăng bạc treo trên mái lầu cong vút thì nghe thấy tiếng quan nội thị từ xa vọng tới. Bàn tay sắt đá từng trải trăm trận bất tri bấc giác siết chặt chuôi kiếm lễ, vị tướng quân trạc ngoài ba mươi ứng giọng một tiếng, vội vã sải bước vào trong. Đây không phải lần đầu hoàng thượng truyền gặp ông vào ban đêm, thế nhưng không hiểu vì sao lần này trong lòng ông lại cảm thấy bồi hồi lo lắng một cách vô cớ. Nỗi lo này khiến ông bỏ qua lễ nghĩa, đi như chạy, bỏ tên quan nội thị vừa truyền lệnh lại sau lưng.
Khi Công Uẩn bước vào nội điện, gần như trong một thoáng ông tưởng như mình trông thấy hình ảnh của người bạn vong niên ngày xưa. Thứ khí thế ngạo nghễ nắm gọn cả non sông, bao quát cả thiên hạ, khi y sải bước trên thảm vàng giữa đại điện, giữa ánh mắt của văn võ bá quan, tựa hồ như đã quay trở lại.
Lê Long Đĩnh cũng chăm chú quan sát vị tướng quân đang ở độ tuổi sung sức nhất của một người đàn ông, ánh mắt thoáng hiện lên một tia nuối tiếc. Trời đã không cho ngài sức khỏe, không cho ngài cơ hội để chống đỡ đất nước đang hồi rối ren này nữa rồi. Ngài không sợ lẽ sinh tử, chỉ cảm thấy tiếc nuối vì chẳng thể bước hết một đoạn hùng tâm của mình. Ngài vươn tay vẫy nhẹ, khẽ nói:
- Ngồi đi.
Giờ phút này trong nội điện cũng chỉ có ba người bọn họ, đám quan nội thị đã sớm bị hoàng thượng nghiêm lệnh phải tránh xa cửa phòng từ lúc ban chiều rồi. Quý phi Hoàng Lan đứng dậy, khẽ nhún mình chào vị chỉ huy sứ, rồi dợm bước ra ngoài. Sống trong cung cấm từ thuở thiếu niên, nàng sớm đã biết Long Đĩnh vô cùng căm ghét việc nội cung xen vào triều chính. Ấy vậy mà khi cúi người thi lễ, một bàn tay lạnh giá đã vươn ra, nắm chặt lấy tay nàng. Người đàn ông ấy vẫn ngang ngược mà ấm áp như vậy, khẽ kéo nàng dựa vào người y. Giọng ngài hơi khàn, chậm rãi:
- Công Uẩn, hôm nay, trong căn phòng này, không có vua tôi. Thời gian không còn nhiều nữa, ta cũng không dông dài làm gì, gọi ông đến đây là muốn nhờ ông ba việc.
Ngập ngừng một chút, ngài lại nói:
- Không, là trao đổi với ông.
Lý Công Uẩn nghe thế thì giật mình, vừa ngồi xuống đã bật dậy, thế nhưng chưa kịp đáp trả thì Long Đĩnh đã khoát tay, nói tiếp:
- Đừng vội ngắt lời ta. Ta biết ông là người trọng tình nghĩa, thế nhưng ta trao đổi đây không phải với người bạn năm xưa, mà là những thế lực phía sau ông. Cả hai chúng ta đều đã trưởng thành, không phải lúc nào cũng có thể vì nghĩa quên thân như ngày thiếu niên nữa.
Dứt lời, Long Đĩnh vươn tay, đặt lên bàn một bọc lụa gấm vàng. Đó là thứ mà Công Uẩn nhìn thấy nhiều nhất trong mấy ngày hôm nay, khi hoàng thượng phê duyệt tấu chương, ngọc tỷ truyền quốc. Kèm theo đó là một mặt hổ phù bằng ngọc trắng, rực sáng trong màn đêm.
Tấm hổ phù này là vật quan trọng nhất và hùng mạnh nhất trong cả Đại Cồ Việt. Ai giữ hổ phù trong tay là có thể điều động mười hai đạo Thiên tử quân, thấy phù như thấy vua.
- Ngọc tỷ là thứ mà bọn họ muốn. Hổ phù là thứ ta trao cho ông. Ta đã cho điều Cam Mộc trở lại đế đô, hẳn người phía ông đã biết. Sáu đạo vương phủ quân hàng phục và binh lệnh đều đã đưa đến doanh trại của ông ta. Chỉ cần ông giao ngọc tỷ cho đại sư Vạn Hạnh cất giữ thì không một phiên vương hay đại thần nào trong triều có thể ngăn cản bước tiến của họ nữa.
Thế nhưng điều thứ nhất ta muốn ông làm là hãy bảo vệ cấm vệ quân, đừng để Vạn Hạnh và Cam Mộc mài cùn đi nanh vuốt con hổ này. Kể từ ngày mai họ không còn là Thiên tử quân nữa, nhưng hãy cho họ được chết trên chiến trường, chứ không phải trong ngục Cấm Vị.
Lý Công Uẩn lặng im, không đáp lời vùa, cũng không nhận lấy ngọc tỷ và hổ phù. Lê Long Đĩnh dường như cũng không hề chờ đợi câu trả lời rõ ràng nào từ vị tướng quân trước mặt, rút từ trong ngực áo ra một tờ giấy gấp đặt cạnh túi gấm vàng.
- Điều thứ hai khá dài dòng, ta đã ghi lại trong giấy này, chờ đến sáng mai ông mở ra sẽ rõ ràng tất cả.
“Điều thứ ba” – Long Đĩnh thoáng ngừng lại một chút, quay sang nhìn Hoàng Lan – “Điều thứ ba, hãy giúp ta đưa nàng ấy ra khỏi cung”.
Hoàng quý phi nghe đến đấy thì giật mình, ngẩng phắt đầu lên nhìn Long Đĩnh:
- Hoàng thượng.
Hai tiếng ấy vừa dứt, nước mắt đã ướt đẫm gương mặt nàng. Tựa như bao nhiêu năm uẩn ức, bao nhiêu năm kềm nén, tụ lại thành châu, rơi xuống thành rèm.
Vị quân vương tiều tụy trước mắt nàng khẽ mỉm cười, tay phải vẫn nắm chặt tay nàng, tay trái đưa lên nhẹ nhàng chùi đi dấu nước mắt trên gương mặt nàng:
- Lan, mấy năm nay cực khổ cho nàng nhiều. Không phải là ta không biết, nhưng ta là hoàng đế. Đừng giận ta, cũng đừng vì ta mà chôn thân trong chốn cung đình này nữa. Nơi nàng thuộc về là thế giới ngoài kia, là nơi chốn thỏa sức tự do. Nhớ về ta, nàng đem theo mấy giò lan trong phòng này là đủ.
Vỗ vỗ vào mái tóc đen huyền của người con gái đang rơi lệ, Long Đĩnh nói tiếp:
- Sau này có tặng áo cho ai, thì nhớ học cách may nách áo cho kỹ vào. Cái áo này của nàng ta cử động mấy lần đã sút chỉ rồi, phải nhờ bọn nội thị vá lại đấy.
Lúc này Lý Công Uẩn vốn đang ngồi yên bỗng đứng dậy, tiến lại gần Long Đĩnh.
Vị hoàng đế vẫn bình thản vòng tay ôm lấy người phụ nữ của mình, ngước mắt nhìn viên chỉ huy cấm vệ cao lớn. Ánh mắt ấy hào hùng và trầm tĩnh, tựa như đã nhìn thấu hết mọi lẽ xoay vần của đất trời. Hoàng quý phi trông thấy cử động của vị chỉ huy sứ, thốt nhiên khẽ cựa mình, mơ hồ có ý chắn giữa Long Đĩnh và Công Uẩn.
Chỉ thấy Lý Công Uẩn khẽ cúi người, giọng nói nhỏ nhẹ mà kiên quyết:
- Hoàng thượng. Cho đến khi thần gặp lại ngài thì Thiên tử quân sẽ mãi mãi là Thiên tử quân. Ngọc tỷ và hổ phù này, thần nhận, nhận cả sứ mệnh mà ngài đã trao cho thần. Mối nhục tê ngưu năm ấy (*), chúng ta sẽ hoàn trả lại đầy đủ cho bọn họ. Nhưng mà kế hoạch của đại sư và Cam Mộc vốn đã khởi động mấy năm qua, chỉ sợ là không thể dừng lại được.
Long Đĩnh nghe thế thì phất tay, cười dài:
- So với vận nước, thanh danh của một ông vua thì có đáng gì. Họ muốn làm gì thì cứ để họ làm thôi. Ông nhận lời như vậy, với ta đã quá đủ rồi. Đến đây, đến đây ngồi cạnh ta. Lan, lấy chén ra đây, lấy cho cả nàng nữa. Đã mấy năm rồi ba người chúng ta không có dịp uống cùng nhau đấy nhé.
Hoàng Lan cúi người rời đi, chỉ một thoáng sau đã đã đem đến ba chung rượu lớn bằng đồng. Rượu này là rượu ngự, ngoài đạo Hải Đông ra không có nơi nào làm được, hàng năm cũng chỉ cống lên triều có mười mấy vò.
Ba người bọn họ vốn quen biết nhau từ thuở thiếu niên, nàng biết rõ Long Đĩnh và Công Uẩn chỉ thích uống chung rượu lớn, mấy loại chén ngọc có kích cỡ theo quy củ triều đình đều bị họ chê là đồ vật tủn mủn, chẳng bao giờ động đến.
ooo
Uống hết mấy chung rượu, Lý Công Uẩn xin phép lui ra ngoài nội điện.
Nhìn khí sắc của hoàng thượng, ông biết rằng Long Đĩnh khó mà qua khỏi đêm nay. Ông muốn giành cho cặp vợ chồng hoàng tộc, vốn vì phép tắc cứng nhắc hàng ngày mà khó mở lòng với nhau, những giây phút riêng tư cuối cùng.
Trời vẫn đứng gió. Trăng ngà đã giấu mình vào rặng mây, thứ ánh sáng trong trẻo ban đầu nay đã hóa thành lờ mờ lẩn quẩn. Rảo bước trong bầu không khí thoáng đãng buổi đêm làm cho Lý Tả vệ cảm thấy lòng mình thanh tĩnh hơn. Ngọc tỷ và hổ phù trĩu nặng trong ngực ông, thế nhưng không nặng bằng một phần vận mệnh của vương triều non trẻ mà ông đã nhận gánh trên vai. Kèm theo đó là một lời hứa ngàn cân, không phải giữa bậc vua tôi mà là với người bạn vong niên thuở xưa kia.
Khi Công Uẩn ra đến thành ngoại Hoa Lư, thì trong màn đêm tối tăm ấy, vang vọng một tiếng kêu thê thiết như xé toạc cả đất trời:
- Hoàng thượng băng hà.
Lý tướng quân quỳ xuống, hướng về phía nội điện, dập đầu chín lạy.
Sương đêm se sắt, từ khóe mắt dãi dầu rơi xuống nền đất lạnh tanh.
Ông cho tay vào ngực áo, lấy ra tờ giấy mà Long Đĩnh đã trao cho mình ban nãy, mượn nhờ ánh sáng lờ mờ mà đọc qua mấy chữ đầu:
“Bình chương sự Trần Thành - ngục Bình Điện”
-------------------------------------------------------------------------
(*) Năm 1007, dưới triều đại Quang Hiếu hoàng đế, Đại Tống muốn xuất binh đánh Đại Cồ Việt. Lúc đó đất nước ta vẫn còn loạn biên cương và các phiên vương vẫn chưa hàng phục. Quang Hiếu hoàng đế phải chịu nhục, cống nạp tê ngưu trắng cho nhà Tống để đổi lấy hòa bình tạm thời và nhận sắc phong.