Biến blog thành sách: Cơ hội tăng thu nhập dành cho các blogger
Bạn sở hữu blog cá nhân có hàng chục ngàn lượt xem mỗi tháng. Bạn có một khối lượng tài nguyên khổng lồ ở blog. Bạn xây dựng được một...
Bạn sở hữu blog cá nhân có hàng chục ngàn lượt xem mỗi tháng. Bạn có một khối lượng tài nguyên khổng lồ ở blog. Bạn xây dựng được một lượng độc giả đông đảo. Bạn dự tính viết sách để mở rộng thị trường nhưng chưa có ý tưởng.
Bạn nghĩ thế nào nếu biến những bài blog đó thành một cuốn sách?
Những bài blog của bạn luôn được đầu tư thời gian tìm kiếm tư liệu và viết bài. Thật tiếc nếu bạn bỏ qua chúng mà không khai thác sâu hơn và biến chúng thành sách. Dù có nhiều khác biệt giữa một bài blog và một cuốn sách, hơn nữa viết sách cũng không đơn giản như viết blog, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể mở rộng và tập hợp các bài blog thành bản thảo.
Vậy làm thế nào để có thể biến blog thành sách? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm câu trả lời.
Tại sao bạn muốn viết sách?
Giả sử bạn thường xuyên viết blog, mỗi bài có độ dài từ 1500 - 2000 từ, mỗi tuần đăng 2 bài. Vậy một năm, bạn đã viết nhiều hơn lượng từ cần cho một cuốn sách. Điều này đồng nghĩa bạn đã có khả năng viết sách, chỉ là bạn đang dàn trải thành nhiều bài blog khác nhau.
Nhưng có một vài điều bạn cũng cần phải biết:
1. Blog và sách hoàn toàn khác nhau. Mức độ mong đợi của độc giả đối với blog và sách cũng khác nhau. Đối với blog, từng bài sẽ giải quyết các vấn đề riêng, độc lập với những bài khác. Blog dễ tiếp cận với người đọc hơn. Blog cũng là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh một cái gì đó. Điều quan trọng hơn cả là ai cũng có thể bắt đầu viết blog.
2. Sách yêu cầu khắt khe hơn về nội dung. Nó cần có sự mạch lạc, bố cục chặt chẽ, logic và giải quyết được vấn đề đặt ra đầu cuốn sách. Quan trọng hơn hết, sách cung cấp thông tin, phương pháp mà độc giả không thể kiếm được ở blog.
Ví dụ: nếu bạn muốn biến blog thành cuốn sách how-to, như hướng dẫn thiền, hướng dẫn tăng thu nhập từ viết lách, cuốn sách đó cần phải đi từng bước, từ cơ bản đến nâng cao. Sau khi người đọc thực hành theo từng bước cụ thể đó, họ đạt được lợi ích rõ ràng từ cuốn sách như làm chủ kỹ năng viết lách hoặc có thể thiền mỗi ngày.
Bạn muốn viết thể loại nào cũng được, nhưng sách của bạn phải chứa vài nội dung không có trên blog để thuyết phục độc giả mua sách.
Quan trọng hơn hết, bạn cần phải tìm ra chủ đề muốn viết, sau đó đọc lại blog, tìm kiếm tài liệu đi sâu vào vấn đề. Để làm điều đó, bạn cần phải xác định
cuốn sách bạn viết cho ai, và bạn muốn họ nhận được gì sau khi đọc xong.
Định vị nội dung cuốn sách
Một trong những điều dễ làm nhưng cũng khó làm nhất đó là đặt người đọc lên hàng đầu.
Nó dễ vì trước giờ bạn đã và đang viết cho độc giả, cung cấp tất cả thông tin mà độc giả mong muốn. Nhưng nó cũng khó nhất vì viết sách không đơn giản là viết mà còn hàng tấn công việc đi kèm với nó.
Vì vậy, chúng ta luôn muốn làm mọi thứ đơn giản và tiện lợi nhất. Vô hình trung, bạn cố nhồi nhét tất cả nội dung blog vào cuốn sách. Mặc dù việc đó có thể giúp quá trình viết sách trở nên nhanh chóng hơn nhưng cũng sẽ khiến cuốn sách trở nên lan man và không tập trung vào một nội dung cụ thể.
Đúng là bạn đang muốn biến blog thành sách nhưng không có nghĩa chúng ta đưa tất cả nội dung blog vào bản thảo. Hơn nữa, nếu làm như vậy, độc giả sẽ không thấy điểm mới ở cuốn sách để khiến họ phải bỏ tiền mua sách.
Do đó, đừng cố viết sao cho dễ dàng. Hãy cố viết sao cho đem đến một tác phẩm tốt nhất đến tay người đọc.
Đối tượng độc giả bạn muốn hướng đến ở cuốn sách này là ai?
Đừng trả lời là tất cả mọi người và đừng bảo cuốn sách của tôi ai cũng có thể đọc được. Nếu bạn đang có suy nghĩ như thế, hãy bỏ đi. Bạn cần thu hẹp đối tượng độc giả muốn hướng đến, và càng cụ thể càng tốt.
Mình biết khi viết sách, ai trong chúng ta cũng muốn sách tiếp cận đến với nhiều người nhất. Nhưng bạn càng thu hẹp và cụ thể được đối tượng đang nhắm đến, bạn càng dễ thành công.
Ví dụ: nếu bạn muốn viết sách về làm mẹ, đối tượng bạn cần hướng đến là các bà mẹ hoặc những người đang mang thai và có mục tiêu muốn trở thành người mẹ tốt, biết cách chăm sóc con cái. Chỉ những đối tượng nằm trong nhóm đó mới tìm đến sách của bạn, còn những người độc thân hoặc đã kết hôn nhưng không có ý định sinh con sẽ không bao giờ ngó ngàng đến sách.
Xác định được nhu cầu của độc giả
Khi đã xác định được chân dung độc giả của mình, bạn cần biết họ đang muốn điều gì ở cuốn sách này. Lý do nào khiến họ bỏ tiền mua sách của bạn mà không phải những cuốn sách khác? Sách của bạn có giúp họ giải quyết được vấn đề hay không? Vấn đề có thể là giúp từ bỏ thói quen trì hoãn, dạy cách làm mẹ, quản lý tiền bạc...
Viết sách khó hơn viết blog ở chỗ blogger chỉ cần dành vài tiếng để hoàn thành một bài blog. Nếu nhận phản hồi không tốt, họ chỉ tốn thêm vài giờ để chỉnh sửa. Nhưng viết sách thì khác, bạn phải dành thời gian ít nhất nửa năm để hoàn thành một cuốn sách. Và thật không may nếu bạn nhận được đánh giá thấp, giấc mơ viết sách của bạn có thể vì thế mà bị dập tắt.
Nhưng rủi ro này sẽ giảm thiểu khi bạn đã viết blog được một thời gian. Lý do vì bạn dễ tìm được chủ đề hấp dẫn thông qua thống kê lượt xem bài viết hàng tháng, hàng năm. Dựa vào lượt đọc và tìm kiếm, bạn có thể xác định được độc giả đang cần gì và bạn phải đi sâu vào điều gì để thu hút họ.
Phác thảo dàn ý cuốn sách
Bây giờ bạn đã biết cuốn sách của mình dành cho ai và nó sẽ đem lại cho độc giả những gì. Bây giờ là lúc bạn phác thảo dàn ý cuốn sách.
Yêu cầu đặt ra ở từng chương là bạn phải truyền đạt được tất cả những gì người đọc muốn thấy từ cuốn sách.
Ví dụ sách hướng dẫn sẽ bao gồm hướng dẫn cụ thể từng bước để độc giả áp dụng được trong thực tế. Còn sách hồi ký không chỉ là tường thuật lại những trải nghiệm của bạn mà còn giúp người đọc hiểu được chính họ thông qua câu chuyện của bạn.
Chọn lọc những bài blog có thể đưa vào sách
Khi bạn đã có outline hoàn chỉnh, hãy tìm xem bài blog nào chứa nội dung phù hợp với cuốn sách. Bạn lưu ý chỉ nên tìm bài phù hợp, đừng cố nhồi nhét những bài tuy thú vị nhưng không liên quan đến chủ đề sách. Chúng chỉ khiến cuốn sách đi lệch với mục tiêu ban đầu. Mình biết, bạn dễ bị cám dỗ trong quá trình hoàn thiện sách nhưng hãy cố gắng bám sát với mục tiêu ban đầu.
Trước khi đưa bất kỳ bài blog nào vào, hãy tự đặt câu hỏi: “Mình đưa nội dung này vào sách để tiện cho mình hay vì muốn cung cấp thông tin cho độc giả?”
Nếu câu trả lời là cho bạn thì hãy bỏ nội dung đó ngay và chuyến sang những bài blog khác.
Cách tốt nhất là bạn nên phân loại những bài blog thành từng mục riêng bao gồm: tên bài, đường link, số từ của từng bài, tóm tắt ngắn cho từng bài, bài đó phù hợp với chương nào trong sách.
Cách này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về nội dung sách và số từ cần bổ sung vào bản thảo.
Đôi khi trong 100 bài đã đăng trên blog, bạn chỉ sử dụng vài bài. Những bài còn lại không hẳn là vô dụng, nó chỉ không phù hợp hoặc cần phải mở rộng thêm cho phù hợp với nội dung sách.
Ngoài ra, một lưu ý nhỏ khi sử dụng bài blog là bạn cần xem xét nội dung có còn phù hợp với thời điểm hiện tại và trong những năm tiếp theo hay không. Đối với blog, bạn có thể cập nhật nội dung mới chỉ trong vài thao tác cơ bản nhưng sách thì không. Nếu nội dung đã cũ, bạn rất khó cập nhật, trừ khi sách được tái bản. Tất cả mọi thông tin có thể mới hôm nay nhưng trở nên lỗi thời vào ngày mai.
Viết lại và mở rộng bài blog
Khi bạn đã lập dàn ý và tìm thấy các bài blog phù hợp với cuốn sách, bạn có thể sẽ nhìn ra được những lỗ hổng mà nội dung blog không bao phủ hết những điều bạn muốn nói.
Lỗ hổng đó có thể nhỏ nhưng cũng có thể lớn. Với tính cách cầu toàn của đa số người viết, mình biết bạn sẽ không thích chúng. Vì vậy, mở rộng nội dung hoặc viết lại là cách duy nhất bạn có thể làm.
Thật tuyệt nếu cuốn sách của bạn có chứa những nội dung chưa từng đề cập trên blog, những thông tin bạn chưa từng chia sẻ và những câu chuyện người thật việc thật mà bạn chưa từng kể. Với những độc giả trung thành - những người đọc tất cả bài blog của bạn, sẽ rất mong chờ các nội dung mới đó.
Chuyển đổi blog thành sách có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn mong đợi. Nhưng ít ra, bạn có cơ hội tổng kết, đánh giá lại những gì mình đã viết và mang thông tin đó đến với nhiều người hơn bên cạnh độc giả trung thành.
Ở Việt Nam, mình thấy có người đã chuyển đổi blog thành sách rất thành công, đó là anh Ngọc (chủ nhân của blog ngocdenroi). Nhận thấy được nhu cầu của bạn đọc quá lớn, anh đã chuyển những bài blog của mình thành sách và bán dưới dạng ebook – tự xuất bản sách. Đây cũng là cách giúp anh ấy gia tăng thêm thu nhập thụ động. Do đó, bạn cũng hoàn toàn có thể áp dụng và biến nội dung blog thành sách, sau đó tự xuất bản như anh Ngọc hoặc gửi đến nhà xuất bản.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất