Như đã biết, đã học ở chương trình phổ thông, Bỉ Vỏ là một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nguyên Hồng. Bỉ Vỏ nghĩa là "người đàn bà ăn cắp". Và đúng như cái tên của nó, Bỉ Vỏ nói về cuộc đời đau khổ của một người phụ nữ bị lừa lọc, tra tấn để rồi rơi xuống hố bùn lầy như một thiên thần sa ngã. Thực ra motif truyện kiểu này không khác gì với những nhà văn cùng thời. Tuy nhiên Bỉ Vỏ lại đem đến một cảm xúc khác, đó là sự sợ hãi. Tôi chẳng nói điêu đâu, đọc xong Bỉ Vỏ, cảm giác đầu tiên của tôi là "sợ" tôi không biết nỗi sợ đó là gì nhưng nó rất giống với nỗi sợ bản năng với bóng tối của con người. Một câu chuyện dữ dội, bi thảm xoáy mạnh vào tâm trí tôi đã khiến một thằng "nhóc" 22 tuổi như tôi sốc toàn tập. Chưa bao giờ tôi sợ và thấy...kinh tởm như thế.
Tôi mới 22 tuổi, cái tuổi mà chưa trải đời nhiều, trong tôi luôn có một câu hỏi: "Thế nào mới thực sự là lương thiện? Cái ác rốt cuộc là gì". Bỉ Vỏ không những chẳng trả lời cho tôi câu hỏi đó mà nó còn làm cho tôi thêm luẩn quẩn trong chính những băn khoăn của mình. Chuyện gì sẽ xảy đến với những kẻ khát khao lương thiện, sống mà bị dat dứt lương tâm? Phải chăng họ sẽ chết như Chí Phèo? KHÔNG, như Chí Phèo thì quá đơn giản, hắn chỉ đơn giản là CHẾT, CHẾT là hết, hắn chẳng còn vướng bận gì với cuộc sống, hắn được giải thoát, đó là niềm vui của hắn. Nhưng trong Bỉ Vỏ thì khác, những con người đó sống mà như chết, bị hành hạ bởi chính nỗi niềm của mình, bị bắt bỏ tù, giam cầm về mặt thể xác nhưng trên tất cả, từ sau này cho đến mãi về sau, những con người đó sẽ luôn trong trạng thái day dứt, ân hận, dày vò vì những thứ ghê tởm mà mình đã làm, và dù có CHẾT như Chí Phèo thì cái sự ghê tởm và nỗi niềm đó sẽ chẳng bao giờ được gột bỏ.
Tôi đã quyết định nghỉ đọc những tác phẩm của Nguyên Hồng, cho đến khi tôi đủ chín chắn hơn với cuộc đời này, đến khi nào cuộc sống này bớt đáng sợ với tôi hơn. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.