Dịch từ bài gốc của Michelle Taylor trên New Yorker
Trong nhiều năm, Emily Hale là chủ thể của nỗi khắc khoải ngóng trông, và là nguồn cảm hứng cho T. S. Eliot. Có phải chính tình cảm bất thành giữa họ lại thành toàn cho thi ca của ông?
---
Năm 1949, tám năm sau khi James Joyce qua đời, thư từ của ông mới bắt đầu chu du ra khắp thế giới. Nhờ có công nghệ vi phim, chỉ mới phổ biến ít năm trước, những nội dung chứa trong bộ văn thư lưu trữ của ông tại ĐH Buffalo dễ dàng được người đọc tò mò và những nhà phê bình giỏi hóng chuyện tiếp cận hơn bao giờ hết. T. S. Eliot bắt gặp chúng ở Bảo tàng Anh Quốc, tại London, cách xa hàng ngàn dặm, là nơi ông bắt đầu đối diện với con người trước kia của mình: những lá thư của chính ông gửi tới nhà văn James Joyce, nay được rọi sáng trên màn chiếu trước mặt. Sự phơi bày này khiến Eliot cảm thấy chẳng hề dễ chịu. Về sau, trong lá thư gửi qua Đại Tây Dương tới Emily Hale, một giáo viên trường nội trú ở Massachusetts, Eliot hồi tưởng cảm giác âu lo của chính mình ngày hôm đó ở bảo tàng: “Anh nghĩ, anh thật may mắn làm sao vì đã không đủ thân thiết với Joyce để đưa ra những tiết lộ riêng tư hay bày tỏ những quan điểm nghịch tai, hay lặp lại phiếm chuyện hay scandal nào về người còn đang sống!”
Thư của Eliot gửi Hale, người phụ nữ gần 17 năm là bạn tâm giao, người yêu, nàng thơ, lại là chuyện khác. Những lá thư ấy không chỉ lặp lại “phiếm chuyện và scandal”, mà còn tạo ra thêm. Các học giả đã biết được về trao đổi giữa họ với nhau từ lúc Hale đóng góp thư của Eliot cho ĐH Princeton, vào năm 1956, nhưng suốt nhiều thập kỷ, khối tư liệu kia hãy còn là một bí mật đầy lôi cuốn - phong kín, theo đòi hỏi hết mực của Eliot, cho tới 50 năm sau khi cả hai không còn sống trên đời.
Ngày 2 tháng 1 năm 2020, 1131 lá thư Eliot gửi Hale được khai quật từ tầng hầm Thư viện Firestone của ĐH Princeton và được ra mắt công chúng. Dòng người xếp hàng để đọc chúng bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng. Ngạc nhiên đầu tiên chờ đợi cánh học thuật chẳng nằm ở bất kỳ lá thư nào tới Hale mà, về bản chất, chính là lá thư nhắm thẳng tới họ: một tuyên ngôn bốn trang Eliot viết hồi năm 1960, với chỉ dẫn sẽ được ra mắt cùng ngày các lá thư tại Princeton được công bố (hoặc bất kỳ lúc nào chúng bị rò ra, theo e sợ của nhà thơ).
Trong tuyên bố này, Eliot hàm ngụ rằng Hale đã giữ thư từ giữa họ nhằm trả thù ông vì từ chối lời ngỏ ý muốn kết hôn của bà. Còn phần drama của mình, Eliot cho rằng mình đơn giản là bị lừa, “rằng những lá thư từ lâu tôi viết gửi đến cô ta chính là bút tích của một kẻ bị hoang tưởng.” (Ông cũng tuyên bố, với sự chuẩn xác pháp lý tầm cỡ… Bill Clinton, rằng ông “chưa từng bao giờ có quan hệ tình dục với Emily Hale.”) Sự tách lìa của Eliot đối với con người trước đó của ông - con người từng nồng nàn biên thư gửi Hale, gần như mỗi ngày, trong suốt gần hai thập kỷ - là tiêu biểu điển hình cho những cú chệch hướng lạ kỳ giữa thân thương và từ bỏ vốn là đặc trưng cho phần của nhà thơ trong mối quan hệ dai dẳng và sai trái giữa họ.
Chủ thể đích thực trong tuyên bố của Eliot chẳng phải ái tình mà là thi ca. “Emily Hale chắc hẳn đã giết chết kẻ thi sĩ trong tôi,” ông khẳng định. Khi cố sức rút lại tình cảm bất diệt từng hẹn ước dành cho Hale, Eliot cũng hy vọng có thể hủy bỏ một lời thề phức tạp hơn, lời thề còn chứa trong các lá thư kia: lời hứa của thi sĩ dành cho nàng thơ của mình. Không cách nào có thể khẳng định xem liệu việc kết hôn với Hale có hủy hoại nghệ tính của Eliot hay không. Mà, khi đọc qua những lá thư này ta thấy rõ sự trì hoãn khao khát của nhà thơ - một sự nghiêm cẩn từ chối khiến mối tình sâu đậm nhất của thi sĩ chẳng thể vẹn toàn - cũng chính là thứ đã nuôi giữ khát khao ấy. 
Emily Hale
Năm 1913, Thomas Stearns Eliot và Emily Hale trình diễn bản dựng sân khấu tác phẩm Emma của Jane Austen, trong một gian phòng nằm ngay trong học xá của Harvard. Eliot đang theo học tiến sĩ Triết: lóng ngóng và mắc cỡ đến nao lòng. Hale, cùng giọng nói của một ca sĩ được đào tạo và vẻ thanh tú tự trau, có một hiện diện vô cùng quyến rũ. Sau hơn một năm thưởng thức opera và trượt băng cùng nhau, Eliot tuyên bố tình cảm dành cho Hale, chỉ còn thiếu mỗi chuyện cầu hôn. Hale hoàn toàn bị bất ngờ; bà không thể đáp lại tình cảm này. Đau đớn, Eliot rời nước Mỹ để sang Anh học.
Chỉ một năm sau, ông đã hoàn toàn đổi đời: tháng Sáu, 1915, ông xuất bản bài thơ quan trọng đầu tay, Tình ca của J. Alfred Prutfock, ở tạp chí Thi ca, và kết hôn với Vivienne Haigh-Wood, một phó mẫu người Anh say sưa với nghệ thuật và, Eliot chẳng hề hay biết, có khuynh hướng bị tâm thần. Trong 15 năm sau đó, có rất ít ghi chép về mối quan hệ giữa Eliot và Hale. Dường như có nhiều năm im lặng và ít nhất có một cuộc gặp gỡ khổ sở diễn ra tại London. Chúng ta biết chắc chắn rằng họ đã tái ngộ năm 1930, và chẳng bao lâu sau đó, thi sĩ lúc này vẫn đang kết hôn phơi bày tâm can trước Hale trong một thổ lộ vượt Đại Tây Dương, 16 năm sau lần tuyên bố tình cảm đầu tiên thất bại. “[Y]êu và ngưỡng mộ em,” ông viết tay, “trao cho anh chính điều tốt đẹp nhất anh có trong đời… giữa bao giày vò, một sự an yên sâu kín + buông xuôi nảy nở.” Điều tốt đẹp nhất bao gồm đức tin Cơ đốc của nhà thơ; Eliot ngụ rằng việc cải đạo sang Anh giáo-Cơ đốc năm 1927 của ông phần nào đó chịu ảnh hưởng từ đức tin Nhất vị luận của Hale. Và, dĩ nhiên, có cả thi ca của ông. Khi ấy, ông vừa xem Hale là nàng thơ chí thánh vừa là độc giả lý tưởng của mình. “Không cần phải giải thích bài Tro thứ Tư với em,” ông tâm sự với Hale. “Không ai khác hiểu được đâu.” (Trong bản sao quyển Thi ca 1909-1925, ông viết, “Gửi Vivienne quý mến nhất quyển sách này, mà không một ai thật sự hiểu được.”)
Việc những lá thư của Emily Hale trở thành một phần trong tượng đài văn chương của T.S Eliot là thứ nhà thơ chỉ nghĩ tới hai tháng trước khi thổ lộ tình yêu. Ông kể với bà về “một chiếc hộp thiếc khóa nắp” dành riêng cho đại diện phụ trách tác phẩm, với “một phong bì kín đánh dấu ‘đốt ngay lập tức’” - dĩ nhiên, chính là chỗ thư từ của bà. Ấy vậy mà nhà thơ lại không thể chịu nổi suy nghĩ tiêu hủy chúng đi, và thậm chí còn nghĩ tới viễn cảnh ngược lại: “Nhưng ước muốn của tôi là đánh dấu ‘trao tặng Thư viện Bodleian, 60 năm sau mới được mở.’” Ông muốn người ta luôn nhớ bà như nhớ về Beatrice của Dante, cái thế lực đạo đức đằng sau sự nhập đạo của nhà thơ, và nguồn cảm hứng đằng sau những bài thơ quyến rũ nhất của ông.
Hầu hết độc giả biết tới Eliot như một thi sĩ cực đại-vô hồn, người khiến thế gian say sưa với Đất hoang và tuyên bố “thi ca không phải sự giải phóng cảm xúc, mà là trốn thoát cảm xúc.” Độc giả dạng này của Eliot, thoạt tiên, có thể khó lòng nhận ra được cái con người mê đắm vừa vồn vã, vừa si mê ký chữ ký “Tom” trong thư gửi Hale. Trong nhiều bức, ông tả Hale như một thánh thể nào đó, hay chí ít là một sự cao nhã: “Chim câu của anh,” “tuyệt phẩm của anh”; “Điểm neo đậu trên thế gian” của ông. Nhưng sự sùng ngưỡng khoa trương của Eliot cũng có thể giống như một kiểu thoát ra khỏi những cảm xúc ngổn ngang - sự bất ổn trong hôn nhân, sự bất an về sự nghiệp - để tiến vào gần hơn cái đôi khi ông gọi là “cảm xúc nghệ thuật”, một lay động siêu vượt, vô cảm. Trong tiểu luận trứ danh năm 1919, Truyền thống và Tài năng cá nhân, Eliot viết, “Tiến triển của một nghệ sĩ là một sự tự hy sinh, một sự tuyệt diệt của cá tính khôn ngớt.” Năm 1936, khi Hale cuối cùng cũng đáp lại tình cảm, Eliot cực kỳ kinh ngạc khi “quy hàng hàng ngày vĩnh viễn” trước Hale, “và cũng đồng thời… trước một tạo tác còn lớn hơn cả ‘anh’ và ‘em’ - mà chỉ có hai ta cùng nhau mới nhìn ra.” Một tạo tác, có lẽ, giống một bài thơ.
Viết cho Hale còn tác dụng chữa lành. “Anh có thể viết cho em và rủa nguyền hết những kẻ anh yêu mến nhất.” Eliot thổ lộ:
Anh nghĩ hai ta đều có những cảm xúc kia nhưng hầu hết người ta sẽ thận trọng với những gì viết ra, bởi họ sợ bị hiểu sai. Anh không sợ em hiểu sai, nhưng thà anh bị hiểu sai còn hơn không thể nói ra được những gì cảm thấy khi viết cho em.
Eliot tiết lộ rất nhiều trong thư - về nỗi căm hận gia đình, về trải nghiệm tình dục (hoặc thiếu vắng tình dục), và thậm chí những người đàn ông đã có cử chỉ lẫn bày tỏ cảm xúc dành cho nhà thơ. (Tình bạn giữa ông với Lytton Strachey kết thúc, ông viết, khi nhà văn của nhóm Bloomsbury “quỳ gối hôn anh”.) Như một người Công giáo-Ăng lê, Eliot đã có một giáo sĩ xưng tội, nhưng mối quan hệ giữa anh với Hale không thể thổ lộ - bà không có quyền xá tội mà chỉ có quyền đón nhận nhà thơ.
Eliot viết cho Hale như ám ảnh, thường hai lá một tuần. Ông biết lúc nào tàu chở thư khởi hành từ Anh sang Mỹ và ghi lại chuyến nào chạy nhanh nhất. Hale, phần mình, rõ ràng bị phiền toái bởi chỗ thư từ khôn ngớt từ Eliot. Mãi lâu sau, trong một tuyên bố bà viết theo kèm kho thư lưu trữ, bà tự mô tả về mình trong giai đoạn này như “tri kỷ bằng thư cho tất cả những gì dồn nén trong cái tính cách tài ba, đa cảm, và tham lam này”. Hale, khi đó đang dạy ở Trường Scripps, phải làm việc quá sức, và sức khỏe của bà, dẫu cố che giấu không cho Eliot hay, đang suy giảm. Bệnh viêm dây thần kinh của bà khiến bà khó khăn khi viết. Chẳng phải chỉ có cơn đòi hỏi mãnh liệt của Eliot được đọc thư của bà mới gây ra áp lực. Chính bà cũng quyến luyến với nhà thơ, và ông vẫn đang kết hôn. Trong khoảng 1931 tới 1934, Hale đề nghị ít nhất năm lần Eliot hãy ly hôn với vợ. Cuối cùng, sức khỏe suy yếu của Hale buộc bà phải rời trường Scripps. Chỉ khi đó Eliot mới tận tay nhận thấy sự suy sụp của bà: “khi cứ ép ghì sự quan tâm từ em, và nài van em hồi âm, anh quả tình đã quấy nhiễu khôn cùng tâm trí em”. Độ bi kịch trong cách nhà thơ tự chỉ trích bản thân - “Anh thấy mình như một con quỷ hút máu” - nói lên được nhiều điều. Như một con ma cà rồng, không chỉ ông lấy hết những gì cần từ Hale, mà trong quá trình đó, cũng đã biến chuyển con người bà. Bà cũng yêu ông.
Dù Eliot chính thức ly thân với vợ vào năm 1933, ông nói rõ với Hale rằng, trong tư cách một người Cơ Đốc-Ăng lê, ông vừa không muốn vừa không thể ly hôn. Nhưng bởi ràng buộc này, ông nhắc nhở Hale mỗi khi bị ép, “Anh thà mù lòa chỉ để cưới em.” Ông tựa nương vào những cách mà ông cảm nhận cả hai gắn kết với nhau - cảm giác “đơn giản thuộc về nhau,” mà, theo nhà thơ, “đã có dáng dấp bất tử trong đó”. Những thú nhận của ông càng mãnh liệt hơn vào năm 1934, khi Hale bắt đầu kỳ nghỉ dài 18 tháng tại Anh và châu Âu. Mỗi lần Hale đến London tham quan, Eliot cho bà mượn căn hộ - một căn phòng đơn sơ ở một nhà nguyện ở Kensington. Cả hai qua đêm với nhau trước khi cùng trở về Mỹ, lúc Eliot van xin bà đừng đi. “Anh ngập tràn vừa thê thảm lại vừa vui mừng,” ông viết, gần như ngay khi bà rời đi, “và khi lên giường anh sẽ nhớ lại em hôn anh; và khi em cởi vớ ắt hẳn em cũng nhớ anh đã hôn lên đôi chân dấu yêu của em và tìm cách tiến gần đến linh hồn chí thánh mỹ miều của em.” (Tháng Một, 1936, Eliot viết, “Anh yêu bàn chân em, và hôn lên đó có một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt, bởi em phải cởi vớ ra để anh hôn, và đấy là một hành động đặc biệt bày tỏ sự bằng lòng.”) Đánh dấu lần hoan lạc này, tùy hiểu, cả hai thậm chí còn trao nhẫn cho nhau. “Chiếc nhẫn này với anh đồng nghĩa với một chiếc nhẫn đính hôn,” nhà thơ hứa hẹn, “và anh yêu sao khi thức giấc và thấy nó quấn lấy ngón tay, và biết rằng nó sẽ mãi mãi gắn lên đó.”
Nhưng nhà thơ còn vướng bận người vợ. Bế tắc xoay quanh vụ ly hôn dường như khiến cả hai mệt mỏi. Những chuyến gặp gỡ nhau vào mùa hè ngập tràn sung sướng, nhưng lại bị bủa vây bởi những luận điểm thần học cay đắng, và cuối cùng, bởi bóng ma của một đại chiến sắp ập tới. Cuối tháng Tám, 1943, Eliot viết cho Emily rằng nhà thơ vẫn đeo nhẫn hàng ngày, chỉ khi tắm mới tháo ra: “nước lạnh khiến ngón tay anh teo lại và anh sợ chiếc nhẫn sẽ trượt ra.”
“Cái ta gọi là bắt đầu thường là kết thúc,” Eliot từng viết như thế trong Little Gidding, “Và để kết thúc cũng là bắt đầu./ Cái kết là nơi chúng ta khởi sự.” Eliot biết rõ sự thật đằng sau những câu chữ đáng yêu và bí ẩn kia quá rõ. Với Hale - người cảm thấy Bốn khúc tứ tấu quá “xa lạ” - tính xoay vòng này là một bài học đớn đau.
Một trong những bài thơ đầu tiên Eliot viết, La Figlia Che Piange (Cô gái khóc), chiêm nghiệm về cái thi tính đạt được khi mất mát tình yêu. Viết năm 1911 hoặc 1912, quãng thời gian Eliot lần đầu gặp Hale, lúc này bài thơ giống như tượng trưng kỳ dị cho mối quan hệ giữa họ. Người kể nhìn thấy một cô gái cô độc và kẻ hỏi cưới nàng khi ấy từ xa:
Ngoảnh mặt, nhưng giữa trời thu, nàng
Giăng vào tâm trí choáng hồn bấy lâu
Bấy lâu rồi lại bấy lâu
Tóc nàng rũ xõa tay nàng ngập hoa
Lòng ta thắc mắc, cơ mà 
Bao nhiêu cảnh ấy chẳng ra ngoài đời
Dáng ta và cử chỉ rối bời
Nhiều khi ý nghĩ khiến ta ngập lòng
Giữa đêm bất ổn, hay chói chang nắng ngày
Triển vọng lứa đôi sum vầy, bao gồm cả ái ân viên mãn được gợi ra từ hình ảnh “tay đầy ắp hoa” của người con gái, như trêu ghẹo nhân vật, đồng thời cũng đe dọa anh: sự gắn bó hồ hởi ấy nằm ngoài nội dung thi ca của nhà thơ, và tất cả những gì ông biết chỉ là khi có được nó ông cũng sẽ đánh mất nghệ thuật của mình. Chỉ có đau thương, bài thơ kết luận, mới tạo ra “dáng điệu và cử chỉ” biến cuộc sống thành văn chương.
Khi đó, nỗi khắc khoải là thiết yếu đối với thi nhân, và Eliot biết những gì mình nhận về khi khắc khoải Hale. “Những khát khao khôn thỏa có thể đóng một vai trò tối quan trọng hòng giữ sống linh hồn và nâng tầm thi hứng của thi sĩ,” ông viết cho bà. Với ông, thay thế cho “những khát khao khôn thỏa” chẳng phải những khát khao được viên mãn, mà trái lại, “chỉ là một cảm xúc chết lặng”. Ông ngoái mong một thế giới “có ý nghĩa”, cái thế giới không chỉ khiến người đàn ông thấy đẹp lòng không thôi, mà nó còn “thất kinh” thi sĩ.
Ngày 22 tháng 1, 1947, Vivienne Haigh-Wood Eliot qua đời, vì suy tim, tại Northunberland House, bệnh viện tâm thần nơi bà ở gần suốt một thập kỷ. Bà 58 tuổi. Về sau, bạn và người ở cùng nhà với Eliot John Hayward kể lại rằng khi thi sĩ nhận tin, ông hét to “Ôi lạy Chúa! Lạy Chúa!” và vùi tay lên mặt. Eliot viết cho Emily ngay ngày hôm đó, nói rằng cả hai vẫn giữ bí mật “kế hoạch và dự tính”, nhưng hứa sẽ “bàn về tương lai” ở lần kế tiếp nhà thơ sang Mỹ.
Rồi ông lại đổi ý. Vào ngày Valentine, ông viết cho Hale về đám tang của Vivienne: “Anh cảm thấy - vô cảm, theo nghĩa thường - rằng rất nhiều cái thuộc về con người anh đã chết.” Ông giống như một xác ướp, vừa tháo vải liệm, “tan thành bụi chỉ trong khoảnh khắc.” Đồng thời, ông cảm thấy đã có dịp để có “một khởi đầu mới”. Nhưng dường như tuyệt vọng hay hy vọng cũng chẳng hề hướng ông về phía Hale: vào lễ Phục Sinh, ông viết cho bà rằng mình “thoái lui dữ dội trước triển vọng tái hôn”. Khi thừa nhận với Hale, “Một phụ nữ thường muốn có tấm chồng: một số đàn ông muốn một sự thánh thiêng, một thay thế phàm trần cho Đức mẹ Mary Đồng trinh. Trong đó có anh.” Nhiều thi sĩ rất tiện tay chọn cho mình một nàng thơ đã chết, một nàng thơ không thể quyết những điều khoản đền bù. Eliot lại tuyên bố người từng cần có nàng thơ nay đã chết, và do đó không thể trả nợ.
Hành vi của Eliot hầu như chẳng hề thay đổi sau những thổ lộ kia: ông vẫn viết cho Hale bằng sự thường xuyên gần như lúc trước - cho tới khi Hale đưa ra định mức nghiêm khắc mỗi tháng chỉ một lá thư. Đôi lúc, Hale nêu lại mối quan hệ giữa họ, và Eliot cam đoan tình cảm nhà thơ dành cho bà: “chưa từng có một người phụ nữ nào khác trong đời anh cả”; “lúc nào anh cũng muốn được chạm lấy em”; “nỗi buồn của em cũng là của anh.” Họ hầu như không có cùng hoàn cảnh với nhau. Eliot đã nhận giải Nobel Văn học năm 1948. Còn Hale, với sự nghiệp giáo dục ngày càng bấp bênh, lúc nào cũng khó tìm việc. Tuy nhiên, chủ yếu khác biệt ấy tới từ những lá thư được chất đầy (như thường khi) những chi tiết vụn vặt cuộc sống của ông, và yêu cầu Hale hồi âm bản thảo của nhà thơ. Mặc dù có những quãng cố tình im lặng từ bà, Eliot vẫn cứ gửi bản thảo các vở kịch ông viết.
Rồi, mười năm sau cái chết của người vợ Vivienne, Eliot gây sốc đến cả những người bạn chí thân khi kết hôn, ở tuổi 68, nữ thư ký 30 tuổi, Esmé Valerie Fletcher. (Trong thư Hale lưu giữ, ông chỉ nhắc tới Fletcher hai lần, gọi cô là một phụ nữ “rất hăng hái và có ích.”) Một người Boston đúng gốc, Hale viết nhiều thư chúc mừng tân lang tân nương. Thư hồi đáp của Eliot tới Hale, lá thư cuối cùng của ông gửi cho bà, trang trọng đến nhói lòng: “Valerie rất đỗi vui mừng khi nhận thư của em, và sẽ viết lời cảm ơn.” Nếu Valerie có thực đã viết, Hale không giữ lại thư này.
Dẫu hiếm khi rời nhau, Eliot viết cho Valerie mỗi tuần một lá thư đến cuối đời mình. Năm 1965, thi sĩ qua đời, và người thư ký ngày xưa của ông bỏ ra 47 năm sau đó để canh giữ gia tài của ông - bảo vệ quyền xuất bản, biên tập và xuất bản bản thảo Đất hoang, chú thích thư từ thu thập, và thậm chí còn giữ không cho công ty xuất bản của ông bị khánh kiệt. Nơi vợ mình, cũng như nơi Hale, Eliot dường như tìm thấy một nàng thơ mới, dẫu các bài thơ tặng bà - bao gồm cả bài thơ rất kém duyên Ngực của các cô gái cao thế nào - rõ ràng kém ấn tượng hơn hẳn khi thưởng thức. 
Cuối cùng, cả hai người phụ nữ đã làm vô vàn công việc để tạo nên di sản của thi sĩ, nhưng họ thầm lặng, thậm chí không phải lúc nào cũng đến từ chọn lựa. Trong Bài Tro thứ Tư, Eliot mô tả Hale là “quý nương im lặng.” Đốt hết thơ của bà (có lẽ ông đã đốt, không phải khi bà yêu cầu, vào năm 1943, mà khi bà muốn có lại chúng 20 năm sau) là một cách hòng bảo đảm sự im lặng kia.
Thường thì, các nàng thơ được mô tả như nguồn cảm hứng băng qua thi sĩ, tác giả bí ẩn sáng tác lên ca khúc của thi nhân. Thi sĩ khắc họa bản thân như một người tôi tớ trung thành, nhưng lời khấn nguyện lại lấm tấm mệnh lệnh: “Hãy hát cho tôi!” “Hãy cho tôi biết về kẻ ấy”! Cái tự phụ mỏng tang vừa quỵ lụy vừa khiêm cung chẳng thể nào che đậy sự thật: chính nàng thơ mới là món nhạc khí, còn thi sĩ chỉ đặt lời lẽ vào bờ môi yêu kiều của nàng mà thôi.
Còn nàng thơ - bởi nàng yêu thi ca, hay bởi nàng yêu thi nhân, hay bởi nàng chẳng thể phân biệt - cho phép thi sĩ gán lời vào môi mình. Khi thi sĩ tận hiến, như Eliot từ bỏ cuộc đời và hạnh phúc, cái còn sót lại chính là giọng thơ của ông. Khi nàng thơ buông xuôi, nàng hy vọng để lại những gì? Lời lẽ đến tai nàng đẹp đẽ xá gì khi chẳng có ai nghe? 
Không có phần hồi đáp từ Hale, không thể biết được vì sao bà lại yêu Eliot - hay tình yêu của bà trông ra sao. Giọng văn của Hale chỉ đến với chúng ta qua những thì thầm - nghe thấy, hay hững hờ tới tai, giữa những dòng thơ của Eliot, trong tiếng lá xạc xào của bộ lưu trữ. Tháng Tám, 1931, sau khi đã viết cho nhau suốt gần một năm, bà gửi Eliot một bài sonnet. Chúng ta biết bởi ông gửi lại bà bài thơ cùng chú dẫn của mình. Bài thơ có tên Khắc sâu, là một đối tả, mô tả một tác phẩm nghệ thuật - ở đây, bức hình một người đàn ông và người đàn bà “thuộc một chủng Á Đông cổ xưa.” Người đàn bà đeo mạng. Cạnh bà, người đàn ông nguyện cầu bằng một niềm đau ám ảnh nào đó:
Đôi tay từng quá dịu dàng, giờ như đấm thép để can ngăn mình
Đầu kia cúi gập, như đang nguyện cầu
Giả mà Hale có ra sức, bằng hình ảnh những tấm vải che u ám và lòng kiên quyết sắt lạnh, để nói với Eliot rằng bà cảm thấy bị mắc kẹt và chết chóc trong tình cảm của hai người, thì ông cũng không thể, hoặc không chịu, lắng nghe. Trái lại, ông lại bảo đảm với bà rằng ông yêu thích bài thơ, và giới hạn những phản hồi dành cho bà về những nội dung thuộc về thủ pháp.
Trong bài sonnet, Hale mô tả hành động “khắc chạm” như “một thấu hiểu tức thời.” Eliot, ngược lại, nhắc nhở bà rằng đó là “một công việc chậm chạp.” Eliot hẳn đã là một thi sĩ, nhưng Hale cũng có chuyên môn của riêng bà khi định giá món nghệ thuật kia. Khắc chạm để lại những vết thương theo nghĩa đen, một sự sáng tạo tàn nhẫn xảy ra trên toan vẽ, và trên cả lời của Hale: bức hình “đâm vào ký ức về nàng”. Ấy vậy mà kể cả trong đớn đau, bà vẫn chung thủy tái tạo những gì trông thấy, có lẽ với hy vọng rằng, khi bà im lặng, hình ảnh kia sẽ nói thay lòng mình.
k.