Bị ràng buộc bởi tự do!
Mấy người bạn tôi vào hạng có vợ con đủ đầy khi trà dư tửu hậu cứ thường than vãn là cuộc sống hôn nhân như ngục tù, giá được quay lại thời kỳ độc thân tự do thì lý thú biết bao.
Mấy người bạn tôi vào hạng có vợ con đủ đầy khi trà dư tửu hậu cứ thường than vãn là cuộc sống hôn nhân như ngục tù, giá được quay lại thời kỳ độc thân tự do thì lý thú biết bao. Lại có thằng dám đưa cả quy luật tiến hoá vào dẫn chứng rằng con người sinh ra không phải chỉ để kết đôi 1 – 2 lần trong đời, mà chỉ kết đôi theo mùa cơ đấy, và chắc chắn không phải với 1 con cái duy nhất :)) Mặt trời chân lý đấy sáng rực khi có cồn và tắt ngúm như ngọn nến cháy tàn khi các bà vợ xuất hiện, buồn cười thay! Nhưng các bạn tôi có lẽ đã mong cầu và ước vọng sự tự do ở sai hướng rồi. Họ chỉ nhìn ra bên ngoài và quên nhìn vào bên trong.

Nếu dùng bản thể luận thì cuộc đời có thể chia làm 2 loại trở ngại:
– Trở ngại bên trong: là những sợi dây tự mình ràng buộc chính mình như chấp ngã, hoài nghi, sân hận, vô minh, tham lam, lười biếng…. Những mặt tính cách cá nhân sẽ kìm hãm khả năng nhận biết vẻ đẹp thực sự của cuộc sống.
– Trở ngại bên ngoài: là thứ ràng buộc trong điều kiện đời sống, hoàn cảnh xã hội, không gian và thời gian, luật lệ, khuôn phép… Những thứ làm chúng ta khó chịu, bất mãn khi không được sống theo ý mình (theo ý của những sợi dây trên kia kìa).
Và cũng nương theo đó, cuộc đời cũng sẽ cho ta 2 loại tự do:
– Tự do nội tại: là cái tự do của người tự mình giải thoát khỏi những ràng buộc của chính mình (trở ngại bên trong), không để cho mầm mống vô minh, tham lam, sân hận điều khiển mình. Họ không là con rối của tự ngã nữa mà thực sự được sống và cảm nhận thế giới xung quanh theo cái chân ngã của mình.
– Tự do ngoại tại: là thứ tự do không muốn bị ràng buộc bởi trở ngại bên ngoài, để có thể bất chấp luân thường đạo lý, tự do tự tác, phóng túng tuỳ tiện… mà thỏa mãn những ham muốn cá nhân đang được giật dây từ sâu bên trong.
Người đã đạt được tự do nội tại thì những cái ràng buộc bên ngoài cũng không còn là điều gì ngăn trở họ sống hạnh phúc nữa, bản ngã còn bỏ được nữa là một vài thói quen cũ, vài ham muốn được chăng hay chớ, họ tự do và ung dung trong ràng buộc, điều đó gọi là tự tại vô ngại. Họ sẽ nhận thấy bản chất của luật lệ, luân thường, đạo lý trong đời chính là để tạo điều kiện cho một đời sống tự do vậy, Chúa phân ra loài này ở trên cạn, loài kia ở dưới nước chẳng phải để chúng tự do phát triển trong môi sinh phù hợp nhất sao! Con chim trên trời cũng có bao giờ ước mơ bỏ phổi mọc mang để lặn ngụp trong làn nước trong xanh vì ghen tỵ với con cá đâu.

Còn những người chỉ muốn đạt được tự do ngoại tại nhưng nội tâm vẫn bị những sợi dây trở ngại trói buộc thì đâu có gọi là tự do tuyệt đối, nó khác gì hình phạt vĩnh cửu của Tantalus trong thần thoại Hi Lạp. Nhìn thấy thứ có thể thoả mãn tự ngã tham lam trước mặt, mà vốc bao nhiêu cũng không giải được cái khát trong tim, những người như thế, há chẳng nên gọi là bị ràng buộc trong tự do hay sao?
Bạn tôi có cần phải biết những điều này không, tôi nghĩ là có, nhưng nếu chúng nó hỏi ý kiến tôi đã :)) Còn tôi cứ giữ lại miếng ngon này mà nhấm nháp cho riêng mình đã nhỉ.
Minh Hiếu
17/07/2023
Nguồn:

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Ly Dang Huy
Mình cũng có nhận định giống bạn, trong trường hợp một con đực có xu hướng đòi tự do phối giống với không chỉ duy nhất một con cái.
Mục đích sinh học của con người là duy trì sự tồn tại của giống nòi bằng mọi giá. Nên mấy con đực lại nghĩ rằng cái đích của tự do, là không bị rằng buộc bởi hôn nhân 1:1, và được tự do quan hệ phối giống với nhiều cá thể nhất. Nhưng ai dè, cũng chính mấy con đực lại bị kiềm hãm trong cái ách của sự duy trì giống nòi.
- Báo cáo

Nguyễn Minh Hiếu

nói là sự duy trì nòi giống thì cũng oan cho Cục Kế hoạch hóa GĐ VN :)) tự do thực hiện ham muốn bản thân bất kỳ lúc nào thì đúng hơn!
- Báo cáo

Ly Dang Huy
Nếu bàn về sự tự do trong việc đòi hỏi thực hiện việc quan hệ tình dục để tối đa hóa khoái lạc của bản thân, thì mình lại không đồng tình với với bạn. Mình nghiêng về sự duy trì nòi giống hơn.
Hay nói cách khác, là mình nghiêng về tin thuyết của Arthur Schopenhauer hơn. Rằng cơ thể sinh học của con người bị thúc đẩy việc phải duy trì nòi giống và tối đa hóa số lượng con, cho nên sẽ có xu hướng, tới một thời điểm phối ngẫu để sản sinh ra lứa sau, sẽ hình thành ra phe muốn tự do đi quan hệ với nhiều cá thể nhất có thể, họ nghĩ rằng họ vượt qua được cái cơ chế sinh học đó. Họ cho rằng họ tự do trong ý chí, có thể làm bất cứ gì họ muốn. Nhưng việc đón nhận khoái lạc không phải là cái tự do của họ muốn, mà là cơ chế duy trì nòi giống của cơ thể mình được lập trình như thế, nó khiến mình tin rằng bản thân mình muốn được khoái lạc.
Nên cứ làm theo cái cơ chế sinh học đó, thì chẳng thể gọi là tự do thực hiện ham muốn bản thân bất kì lúc nào được.
- Báo cáo

Youforever
Một khi còn khái niệm muốn, không muốn, thích, không thích...thì khi đó khái niệm tự do không còn tồn tại trong họ.
- Báo cáo