Ngày nay, vấn đề lớn nhất mà chúng ta gặp phải trong thời đại toàn cầu hóa, là sự bùng nổ của mạng lưới thông tin khổng lồ, sự lúng túng trong việc xử lý dữ liệu. Và khi làn sóng AI đang ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng thay thế bất cứ ai hay bất cứ ngành nghề nào, việc liên tục học hỏi, đổi mới tư duy và tiếp nhận cái mới là một việc bắt buộc nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Thông qua những câu truyện cổ tích quen thuộc của nhà văn Andersen, nữ tác giả Mette Norgaard đã có những phân tích, liên tưởng sắc sảo các bài học vào thực tế, từ đó giúp người đọc không chỉ khám phá ra những giá trị sâu sắc qua mỗi tác phẩm thân thuộc mà còn là hành trang sống trên con đường phát triển sự nghiệp cũng như bản thân.

Đôi nét về tác giả

“ Trong cảm nhận của tôi, Mette giống như con chim họa mi nhỏ bé can đảm, thầm lặng hát những khúc hát riêng dâng tặng cho đời. Qua mỗi câu chuyện, bà đều muốn chia sẻ với độc giả niềm tin vững vàng mình có được. Bởi vậy, đôi lúc, người đọc có cảm giác như đang được nghiên cứu hành trình và những trải nghiệm của bà vậy.” - Tiến sĩ Stephen R. Covey (Tác giả Bảy thói quen để thành đạt)
Mette Norgaard, một tiến sĩ triết học, một chuyên gia trong việc thiết lập kế hoạch lãnh đạo và là một nữ tác giả người Đan Mạch với hai cuốn sách “TouchPoints” và “The Ugly Duckling Goes to Work” hay tựa việt “Bí mật của Cảm hứng và Say mê”. Mette bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà vật lý trị liệu sau khi có bằng cử nhân tại trường đại học Aarhus, bà dần khám phá ra rằng sự phát triển của con người ít phụ thuộc vào kích thước cơ bắp mà phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh tinh thần của họ. Điều này đánh thức sự tò mò của bà về bản chất của con người và bản chất của sự thay đổi.
Sau khi lấy bằng MBA và đảm nhận nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau, Mette đã thiết kế và tham gia vào những khóa học đối thoại với Stephen R. Covey, Jim Collins, John Katzenbach, Margaret Wheatley, và Ram Charan.
Hoàn thành bằng Tiến sĩ và thành lập Strategic Leadership & Learning, Mette nhận ra bản chất của những gì bà đã học được: Khả năng lãnh đạo không liên quan đến bằng cấp ưu tú hay sự nhanh nhạy trong nhận thức mà quan trọng hơn là những trải nghiệm có tính thay đổi. Đó là về việc tìm kiếm tiếng nói lãnh đạo bẩm sinh của một người và bỏ đi bất cứ điều gì không cần thiết.
Mette Norgaard
Mette Norgaard

Vậy những câu truyện cổ tích của Andersen đã dạy chúng ta điều gì?

Vịt con xấu xí

Xuyên suốt cuốn sách là sáu câu truyện cổ tích quen thuộc cùng với đó là những bài học đắt giá, những lời gửi gắm của Mette Norgaard dành cho những nhà lãnh đạo, những người làm việc trong môi trường công sở nói chung và những người lớn trưởng thành qua những câu chuyện cổ tích của Andersen nói riêng. Cá nhân mình thấy ấn tượng nhất với câu chuyện của “Vịt con xấu xí”, không chỉ bởi vì nó quá đỗi thân thuộc mà ẩn sâu trong đó còn phản chiếu quá trình trưởng thành, vượt qua nghịch cảnh của Andersen, một hành trình đầy gian nan, một câu chuyện đầy cảm hứng. Những bài học mà thuở nhỏ ta đã lỡ bỏ quên hoặc phải chăng là chưa đủ sâu sắc để cảm nhận hết…
Tháng 11 năm 1843, Andersen cho xuất bản tuyển tập những câu chuyện cổ tích mà trong đó gồm có “Vịt con xấu xí”. Lần đầu tiên tác giả bỏ cụm từ “dành cho trẻ thơ” ở lời tựa, chính ông đã nhận thấy rằng những câu chuyện của mình không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ mà ẩn sâu trong những ca từ hóm hỉnh, dễ nghe, dễ nhớ ấy còn là những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về con người dành cho người lớn, những người cũng đã từng được nghe, được đọc những dòng ấy, để đến khi bước ra cuộc đời sóng gió, họ mới thấy những câu chuyện tưởng chừng ngây ngô, “trẻ con” ấy lại đáng giá và thực tế biết nhường nào.
Có thể nói câu chuyện của chú vịt con bất hạnh chính là hình ảnh phản chiếu cho cuộc đời của Hans Christian Andersen. Ông từng là một người nghèo hèn, khốn khổ, bị ngược đãi, phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Sống trong một gia đình với đủ thứ thiệt thòi khi không chỉ nghèo mà còn bị người khác coi khinh. Cha là thợ đóng giày còn mẹ là một thợ giặt mù chữ, bà ông đi tù, người ông thì ở bệnh viện tâm thần, người chị cùng mẹ khác cha ở nhà thổ. Bản thân Andersen là một người cô độc, thu mình, một cậu trai yếu đuối với bàn chân to quá khổ, tay dài ngoằng còn đôi mắt thì ti hí. Năm 14 tuổi, sau khi cha mất và mẹ tái giá, Andersen một thân một mình lên thủ đô Copenhagen lập nghiệp chỉ với chút ít tiền trong túi. Nhờ tài trí và sự may mắn, ông đã được nhận một khoản trợ cấp của Hoàng gia, và đó cũng là bước khởi đầu cho sự nghiệp văn chương của "Ông Vua Truyện Cổ Tích".
Sau này, khi đã trở nên nổi tiếng và là một trong những tác giả được trọng vọng nhất Đan Mạch, nhưng bóng đen quá khứ vẫn còn mãi ám ảnh Andersen. Trong nhật ký của mình, ông viết: “Tôi vẫn cảm giác mình là một gã nông dân trẻ khoác lên tấm áo choàng của Hoàng gia”. Có lẽ vậy mà khi cho ra đời “The Ugly Duckling”- “Vịt con xấu xí” chính là sự minh chứng, lời khẳng định hùng hồn nhất, rằng quá khứ đen tối sẽ không thể đánh bại ông được nữa, rằng “Chẳng có gì là nghiêm trọng nếu bạn sinh ra trong sân gà vịt nhưng được ấp trong trứng thiên nga!”.

Những vấn đề đặt ra qua câu chuyện của vịt con xấu xí

Mở rộng cái nhìn về bản thân
Vì lỡ sinh ra nhầm vào ổ của một con vịt và phải học cách sống như một con vịt trong khi bản chất là một chú thiên nga nên vịt con xấu xí không thể hòa hợp với môi trường của mình. Nó bị chính những người nó tưởng là gia đình miệt thị vì quá khác biệt, nó quá to và quá xấu trong suy nghĩ của lũ gia cầm trong nông trang nhỏ. Tương tự thế, nhiều người cảm thấy bị phân biệt đối xử vì không thích hợp với những khuôn mẫu được định sẵn trong công ty, như khác biệt về giới tính, học vấn hay tôn giáo.
Sự phân biệt hoặc những lời phê phán là thứ không thể tránh khỏi trong bất kì môi trường nào và chắc chắn cũng không loại trừ bất cứ ai. Những thứ đó ở một mức độ nào đó có thể gây tổn thương cho ta, nhưng nghiêm trọng nhất là khi ta ngộ nhận những lời phê phán ấy là bản chất của mình, từ đó trở nên tự ti, sợ sệt mà đánh mất bản thân.
Trong truyện, không ít lần vịt con tự khoác lên mình “cái tôi” đáng thương như vậy. Khi bỏ chạy, vọt qua hàng rào khiến lũ chim giật mình bay vút lên không, nó tự nhủ tại nó xấu xí và kinh tởm nên lũ chim mới bay mất. Khi lũ chó săn không nhìn thấy nó để tha về thì nó lại tự suy luận rằng “Mình xấu đến nỗi chó cũng không buồn cắn!”. Chính những lời miệt thị, phê phán mà chú vịt con phải nhận khi còn ở trong nông trang đã ảnh hưởng sâu sắc đến nó, nó tự chấp nhận việc đó như một lẽ hiển nhiên rằng nó xấu xí. Không ít người trong chúng ta cũng mang tâm trạng giống như vậy, luôn ám ảnh vì những thiếu sót, khiếm khuyết của bản thân. Khi việc này liên tục diễn ra, sự tự tin vốn có trong ta sẽ dần bị ăn mòn, ta sẽ dần xa rời bản chất tự nhiên của mình.
Sau khi thoát khỏi lũ chú săn, vịt con tìm được một cuộc sống an toàn trong túp lều của bà cụ cùng với gã mèo Sonny và chị gà mái. Hai con vật ấy luôn muốn thống trị vịt con, chúng tự coi mình là kẻ hiểu biết, là “phân nửa thế giới”, “phân nửa tốt đẹp nhất”. Vịt con cho rằng mỗi loài có sở thích và quan điểm riêng nhưng gà mái lại không cho là như vậy, rằng vịt con không biết đẻ trứng như gà mái và uốn cong lưng, kêu gừ gừ như mèo vậy nên đừng có xía mỏ vào khi những người hiểu biết như gà mái phát biểu.
Hình ảnh gà mái tượng trưng cho một mẫu người ta thường gặp ngoài đời. Đó là những người đầu óc hẹp hòi, không chịu tư duy và chấp nhận cái mới. Đó có thể là một người quản lý tự xem mình là đầu não của công ty, luôn cao ngạo và bảo thủ. Đó cũng có thể là những người đồng nghiệp luôn ngoan cố, thấy mình có chút tài năng nên luôn chống đối lại mọi sự thay đổi. Rất may chú vịt con của chúng ta không quan tâm đến những lời khuyên đó và nó bỏ đi để tiếp tục ước nguyện của mình.
“Hầu hết chúng ta không muốn bị xem là ‘cứng đầu’, không có lý trí. Do đó ta thường tuân theo những tập tục có sẵn của tầng lớp trên. Nhưng chính lúc bất chấp niềm đam mê của mình để chịu rằng buộc bởi kẻ khác thì cũng là lúc ta tự đánh mất sự năng động, nhiệt huyết của bản thân.”
Là chính mình
Khi mùa xuân đến, lúc vịt con đã trưởng thành, trong một khu vườn tràn đấy hương sắc, nó đã gặp được những con thiên nga trắng muốt, đài các. Khi bầy thiên nga bay về phía nó, nỗi kinh hãi từ lúc nhỏ đã khiến nó cúi gằm mặt xuống làn nước trong, sẵn sàng đón nhận định mệnh của mình. Nhưng chính thời khắc đó, nó đã nhìn thấy hình ảnh thật của mình qua làn nước, nó không phải là chú vịt xấu xí mà là một con thiên nga. Khoảnh khắc thoát khỏi sự ngộ nhận về giống loài, đồng thời cũng là khoảnh khắc tái sinh, một sự sống mới bung nở bên trong nó.
Đối diện với sự phi thường, cái cao sang trong đời, đôi khi khiến người ta phải bối rối. Họ tự ti, sợ mình không đạt được tiêu chuẩn như mong đợi, sợ mình sẽ tự làm mình xấu hổ nên thường họ sẽ chọn cách rút lui. Nhưng đừng quên rằng chỉ khi nào ta dám đối mặt với thực tế khó khăn và sống hết mình với điều ta mong ước, ta mới có thể nhìn thấy bản chất thật của mình.
Ta thuộc về nơi đâu?
“Vịt con cảm thấy thật sung sướng. Những đau khổ, tủi cực và những nghịch cảnh từng nếm trải khiến nó thêm trân trọng hạnh phúc mình đang có. Nó hiểu rằng, tất cả tình yêu thương của giống nòi đang chờ đợi nó phía trước.”
Ta thuộc về nơi ta làm việc và yêu thích công việc. Ta thuộc về nơi ta tham gia và chia sẻ nỗi niềm với những người khuyến khích ta phát triển lòng đam mê đó. Ta thuộc về nơi cho ta cảm giác thật sự được sống.
Cuộc sống thì luôn khó đoán, vì vậy mà ta muốn có một lịch trình làm việc đầy đủ, chi tiết để chuẩn bị thật tốt, muốn có kế hoạch làm việc chặt chẽ để không lãng phí thời gian, ta không muốn có sự cố bất ngờ nào xảy ra đối với công việc của mình. Nhưng nếu có ai đó đưa cho ta một bản kế hoạch hoàn hảo như thế thì ta nên cẩn trọng, bởi khi đó, ta không đi theo lộ trình của bản thân mà là của người khác. Và đôi khi thà sai theo cách của mình thì vẫn tốt hơn là của người khác chứ.
Dám chấp nhận mạo hiểm trong cuộc sống! Chẳng có ai có thể đảm bảo rằng, ta sẽ thành công nếu quyết tâm đi theo những lập trình có sẵn, bởi cuộc sống thì luôn ẩn dấu những điều bí ẩn và bất ngờ. Nhưng đừng vì những sự mơ hồ ấy mà lại khiến bạn sợ hãi, hãy cứ đi đi, rồi chắc chắn, sẽ có một ngày ta trưởng thành hơn, tâm hồn được lấp đầy bởi những trải nghiệm sẽ ngày một trở nên phong phú và sâu sắc hơn. Hãy cứ dấn thân, hãy cứ hết mình.

Về những câu chuyện khác

“Bộ quần áo mới của hoàng đế”, là vấn đề thích nghi và hòa nhập với cộng đồng của mình. Như những nhân vật trong truyện, dù chẳng kẻ nào nhìn thấy bộ quần áo mới của hoàng đế, nhưng nỗi lo bị loại trừ khiến họ dối lừa nhau, dối lừa cả bản thân để không bị coi là dị biệt, là ngu ngốc.
Ở “Con bọ hung”, lại là những hoang tưởng của cá nhân, của cái tôi thiếu hiểu biết, kiêu căng tự mãn và thèm muốn địa vị đã khiến bọ hung bị đẩy ra khỏi đồng loại cũng như các con vật khác.
“Con quỷ ở của hàng tạp hóa” đưa đến hai hình ảnh, hai mẫu người trái ngược, ông chủ tiệm tạp hóa và chàng sinh viên nghèo mọt sách, một người thì sống thực tế với công việc buôn bán còn một người thì luôn chìm đắm trong sách vở trên căn gác nhỏ. Ở giữa hai nhân vật này là con quỷ nhỏ, cũng là tư tưởng chính của tác phẩm, biểu tượng cho sự day dứt chọn lựa, mà mỗi chúng ta vẫn phải đối diện trong cuộc sống. Rằng chỉ khi ta biết kết hợp giữa thực tiễn và lý tưởng, ta mới sáng tạo ra được những giải pháp thích hợp và hiệu quả. Càng biết dung hòa hai cách sống, ta lại càng trở nên khôn ngoan hơn.
Câu chuyện “Cây thông” cho người đọc thấy giá trị của hiện tại, rằng mải mê mơ mộng những thứ trong tương lai mà không trân trọng hiện tại sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được sự hạnh phúc, rằng hạnh phúc thực sự không ở đâu xa xôi mà ở ngay chính khoảnh khắc này, khảnh khắc ta được sống, được làm những điều mình tưởng vô vị nhưng đến khi mất đi rồi lại nuối tiếc, hối hận.
Còn với “Chim họa mi”, ở đó ta lại được gặp những vấn đề có liên quan đến quyền lực, đến cách ứng xử giữa người với người, giữa nghệ thuật của tạo hóa và máy móc. Đâu mới là cái đẹp thực sự, đâu mới là nghệ thuật thực sự đối với cuộc sống?
Mỗi câu chuyện là những bài học, những triết lý nhân sinh riêng, những cảm nhận mà có thể bạn chưa từng cảm nhận được hồi còn bé. Ở cuối mỗi chương là những câu hỏi, những điều suy ngẫm dành cho bạn đọc, những câu hỏi mà khi đọc xong các tác phẩm bạn có thể đặt ra để tự trả lời, tự tìm hiểu bản thân sâu hơn như “Đâu là lời nói bạn không nên quan tâm, những lời phán xét, cằn nhằn hay những lời tự cao, tự mãn?” hay “ Những cá nhân hay nhóm bạn nào bạn cảm thấy gần gũi? Bạn thích học hỏi từ ai?”,...
Cuốn sách hứa hẹn sẽ là trải nghiệm thú vị cho bất kỳ ai, những con người lớn lên từ những câu chuyện cổ tích, những bạn trẻ đang trên hành trình khám phá bản thân, những nhà lãnh đạo hay những nhân viên trong môi trường công sở. Và gửi lời cuối đến các bạn, cũng như lời dẫn của Mette Norgaard ở đầu sách “Hãy mang thế giới truyện cổ tích Andersen vào công sở cùng bạn. Bạn không cần kẹp sách dưới nách, đi hết hành lang này sang hành lang khác để kể lại câu chuyện vịt con xấu xí, hay bọ hung kiêu căng. Đơn giản, bạn chỉ cần để những câu chuyện này truyền cảm hứng, giúp bạn vượt lên áp lực của cuộc sống, có thêm nhiều niềm vui, nhiều động lực để sáng tạo và nâng cao chất lượng đời sống công sở.”
“Chính cuộc đời là câu chuyện cổ tích tuyệt vời nhất.”
Hans Christian Andersen