1, Thừa nhận sự lười biếng

Chấp nhận lười là một bản năng của con người và hãy biết ơn vì điều đó. Bản năng này xuất hiện từ thời nguyên thủy như là một cơ chế để bảo vệ. Thử tưởng tượng nếu không có sự lười thì làm sao ông cha ta nghĩ ra chuyện dùng lao để săn bắn thay vì đánh tay không với voi ma mút. Cơ chế lười đó tồn tại đến tận ngày nay và nó không hề vô dụng trong thời đại hiện tại. Khi học đi xe đạp, chắc hẳn bạn rất khó khăn trong việc giữ thăng bằng, bạn vừa đạp vừa run, tay thì gồng lên để bẻ lái, mắt thì căng ra phía trước để nhìn đường, nhìn chung là tốn rất nhiều sức lực. Khi tập đủ nhiều, bạn sẽ thấy việc đi xe đạp thật dễ dàng, chỉ đơn giản nhảy lên và đạp mà chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, thậm chí vừa đi vừa thả hai tay hoặc dùng chân để lái. Lặp đi lặp lại một hành động đủ nhiều khiến não nhớ cách thực hiện hành động đó như thế nào, những lần sau khi thực hiện hành động đó, não chỉ việc lôi nhớ trí nhớ ra dùng mà không mất công học lại nữa. Thử tưởng tượng nếu không có cơ chế lười đó, mỗi lần đi xe đạp giống như kiểu lần đầu tập, mỗi lần ăn cơm phải học lại cách dùng đũa hay mỗi lần đi đứng cũng phải học lại từ đầu thì cuộc sống này sẽ khó khăn như thế nào. Thay vì ghen ghét, căm thù, muốn đuổi cổ sự lười ra khỏi bản thân thì hãy biết ơn, trân trọng và yêu quý nó.
Ở phần này, tôi chỉ muốn bạn hiểu được lười là bản năng luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, đã là bản năng được khắc vào trong gene thì việc loại bỏ là hoàn toàn không thể. Lười giúp ta rất nhiều trong cuộc sống nhưng nhiều khi không nó lại mang đến những điều không mấy tốt đẹp cho lắm. Thay đổi tư duy từ “tôi ghét lười biếng, tôi sẽ không lười biếng nữa, nó phải biến mất khỏi cuộc đời tôi” thành “tôi chấp nhận sự lười như là một phần trong con người tôi”. Đây là điều cực kỳ quan trọng, bởi nếu có tư duy đúng đắn ngay từ đầu, những hành động sau đó cũng đi sai hướng và cho ra kết quả không mong muốn. Cũng giống như việc cài cúc áo, cái đầu tiên cài sai chắc chắn những cái còn lại không thể cài đúng được. Nếu chưa thấm được tư duy này thì mọi bước ở phần sau đều trở nên vô nghĩa.

2, Tha thứ cho bản thân

Khổ nỗi, yêu nhau thì cũng yêu vừa vừa, mình yêu nó một thì nó yêu mình mười. Nó luôn  thường trực và phát huy tác dụng ở mọi nơi, mọi lúc. Nhiều lúc chỉ muốn nói:”Cậu yêu ơi, cậu có thể ngủ một lát để mình làm nốt bài tiểu luận không? Ngày kia là hạn nộp rồi”. Đã lời ngon tiếng ngọt như thế rồi mà nó vẫn không tha cho mình, chỉ ngoan ngoãn, miễn cưỡng nghe lời khi mình thực sự cáu lên, cũng là lúc hai tiếng nữa đến hạn nộp. Sau mỗi lần như vậy, bản cảm thấy cắn rứt lương tâm và sự thù hằn với lười tăng lên gấp bội, tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ có lần sau. Đúng thật, lần sau đó cơn lười nghe lời khi còn một tiếng rưỡi nữa đến hạn nộp. Và lại một vòng lặp nữa: lười - thất vọng - tức giận - lười. 
Thất vọng, tức giận xong lần sau vẫn như vậy thì chẳng có nghĩ lý gì cả. Thất vọng chỉ làm ta ngày càng chán nản, mất niềm tin vào bản thân, cảm thấy sự bất tài vô dụng của mình. Ngày qua ngày tích lũy tiêu cực sẽ đầu độc tâm hồn ra, đưa ra xuống ngõ sâu không lối thoát của sự tồi tệ. Ai biết được sự tồi tệ đó sẽ kéo dài bao lâu. Một ngày, một tuần, một năm, mười năm hay là một đời? 
Hãy biết tha thứ cho bản thân. Mặc dù mình đã từng lười, đã từng gục ngã trước sự lười, đã từng để cơn lười nắm quyền kiểm soát cơ thể mình mặc dù mình là chủ. Không sao cả. Hãy vỗ về con người trong bạn, hãy tìm sự đồng điệu giữa tâm hồn và thể xác. Như vậy bạn sẽ thấy nhẹ lòng hơn, tâm lý thoải mái, tích cực. Một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn là điều kiện cần có thể bước chân lên hành trình chống lười. Hãy cho bản thân thời gian đủ lâu để chữa lành, chưa cần phải ngay lập tức chiến đấu lại cơn lười của mình đâu. Buông lỏng cơ thể, lười thì hãy cứ lười. Dù gì đã lười năm dài tháng rộng nên lười thêm chút nữa cũng chẳng sao cả. Hãy bắt đầu khi đã chuẩn bị thật tốt. Hành trang ở đây là một cơ thể đã được chữa lành, không còn tiêu cực, không còn sự chửi rủa bản thân nữa. Bởi hành trình phía trước rất dài, ngay từ lúc bắt đầu bạn đã mang một cơ thể chi chít vết thương thì rất có khả năng bạn sẽ không đủ sức để đi. Kết quả chỉ có thể là bỏ cuộc mà thôi. Và lại quay về như lúc xưa, quay về cái vòng lặp không lối thoát đó.
Đây là tư duy thứ hai bạn cần hiểu và thấm được. Hãy nhớ rằng, mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ tư duy đúng. Tư duy như là cái rễ cây, rễ có vững chắc thì cây mới không lung lay trước bão tố. Học kỹ thuật thì nhanh thôi nhưng đó chỉ là cái ngọn, vẻ bề ngoài chỉ có tác dụng nhất thời, thậm chí do không hiểu được tư duy nên áp dụng sai cách có dẫn đến phản tác dụng. Thay đổi là một quá trình lâu dài, bao nhiêu năm lười thì dành bấy nhiêu năm để thay đổi có gì xấu đâu. Xin nhắc lại lần thứ hai:”Nếu chưa thấm được tư duy này thì mọi bước ở phần sau đều trở nên vô nghĩ”.

3, Chấp nhận sự yếu kém

Đúng vậy, lại là một bước về tư duy. Đọc đến đây có thể nhiều người thấy khó chịu:”Kỹ thuật đâu chẳng thấy, toàn thấy nói cái gì ở đâu đâu”. Tỷ phú là những người có tầm nhìn dài hạn, họ nhìn về chục năm thậm chí hàng trăm năm sau. Giống như thực trạng hiện nay nhiều sinh viên thích đi làm thêm hơn là thích học, rồi lấy tiền làm thêm đó đóng tiền học lại. Lúc đi làm thấy mình thiếu sót nhiều thứ, muốn học lắm nhưng chẳng còn thời gian nữa. Trong khi lúc đi học có nhiều thời gian lại chẳng chịu học, thay vào đó là đi làm kiếm vài đồng. Thật ngược đời! Tôi không phản đối chuyện đi làm thêm, hãy đi làm nếu kinh tế gia đình quá khó khăn, nhưng đừng để sự sung sướng khi khi nhận được đồng tiền công/lương, sự tự hào khi thấy mình năm nhất mà đã kiếm được tiền rồi trong khi lũ bạn chỉ như con mọt sách cắm đầu cắm cổ vào học làm bạn quên đi nhiệm vụ chính của mình: Học. Bạn kiếm được vài đồng hiện tại nhưng tương lai bạn sẽ ra sao? Số tiền kiếm được có nhiều hơn hiện tại là bao? Còn lũ bạn mọt sách kia với chuyên môn tốt tiền họ kiếm được một ngày có khi bằng bạn làm cả tháng, mặc dù thời gian và công sức họ bỏ ra chẳng bằng bạn đâu. Đến lúc đó lại thốt lên câu nói muôn thuở:”Bọn kia suốt ngày ngồi điều hòa chẳng làm cái gì mà nhiều tiền thế, trong khi tôi mài mặt làm cả ngày cũng chỉ đủ dùng. Thật bất công!”. Nên là hãy nhìn xa một chút, tập để có một tầm nhìn dài hạn là bạn đã bước chân vào phần thiểu số rồi. 
Quay trở lại với chủ đề chính, khi sức ì trong bạn còn lớn bạn tuyệt đối không được có suy nghĩ chiến đấu trực tiếp với quỷ lười kia, phần thua chắc chắn thuộc về bạn không nghi ngờ. Các cụ có câu:”Yếu thì đừng ra gió”. Thôi thì các cụ bảo sao mình cứ nghe vậy, bao giờ khỏe mình ra bão sau cũng chưa muộn. Bạn cũng không nên tuyên bố rằng:”Hôm nay tôi lười nhưng từ mai tôi sẽ là chiến binh bất khả chiến bại” vì kết quả bạn tự biết rồi đó. Những lời tuyên bố sáo rỗng chỉ có tác dụng duy nhất là thẩm du tinh thần, nó khiến tinh thần bạn thấy sảng khoái, thỏa mãn nhất thời để che đi sự thật tồi tệ “tôi là một thằng lười”. Sau những lời tuyên bố đó, chẳng còn hành động nào xảy ra cả, có chăng chỉ là những hành động hời hợt, được vãi bừa rồi lại quay trở về với cái máng lợn khi xưa. Đừng nghĩ dùng động lực, ý chí có thể đánh bại được cơn lười vì đơn giản, bạn chưa đủ mạnh đến mức đó.
Tuy nhiên, vẫn có vài trường hợp ngoại lệ. Chắc hẳn ít nhiều bạn cũng từng nghe những câu chuyện những vĩ nhân tìm được niềm đam mê của họ, hoặc do hoàn cảnh cơ cực từ bé hoặc một cú sốc nào đó khiến họ giác ngộ. Và rồi họ biến thành cỗ máy, nỗ lực, chăm chỉ làm việc gấp rất rất nhiều lần người bình thường, không ngừng nghỉ, không chủ nhật và họ đứng trên đỉnh cao của thành công, họ gia nhập tầng lớp tinh hoa. Hoặc là những câu nói giúp x1000 lần ý chí của bạn như:”Thứ gì không giết chết được bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn”. Đúng. Rất đúng. Và thường chúng sẽ giết bạn mà không để bạn mạnh mẽ lên đâu. Tôi không phản đối câu nói đó, hay rộng hơn là việc ta dùng ý chí để vươn lên, điều đó là tốt mà. Tôi nhìn thực trạng sử dụng những thứ đó nhưng kết quả cho ra không thực sự lạc quan nên tôi cho rằng nên có một cách tiếp cận khác. Hãy hành động như những người thành công và bạn sẽ thành công nhưng xin thưa người thật sự thành công chiếm phần rất nhỏ trong thế giới này. Mà dưới 0,1% thì thôi chúng ta không xét làm gì, chúng ta nên nhìn vào hơn 99,9% còn lại. Bạn và tôi là những người bình thường, sở hữu một ý chí bình thường và cần những phương pháp dành cho người bình thường.
Tư duy bạn cần thấm được trong phần này là bạn yếu hơn sự lười, chấp nhận việc bản thân có thể thất bại trước nó và cần những phương pháp khoa học, thực dụng làm vũ khí để chiến đấu với lười. Chỉ khi xác định được tâm thế đúng đắn trước khi ra trận bạn mới chọn được cách đánh phù hợp và giành chiến thắng. Tránh việc ảo tưởng về bản thân, gặp đối thủ nào cũng đánh phủ đầu rồi cuối cùng người bị phủ đầu lại là mình. Nhưng chấp nhận mình yếu không có nghĩa là không được sử dụng liệu pháp ý chí. Hiện tại mình yếu thì đánh theo cách yếu, sau này ý chí mình đủ mạnh rồi lúc đó bạn thỏa sức mà tung hoành. Xin khẳng định:”Ý chí mới thực sự là phương pháp tốt nhất” nhưng hiện tại bạn chưa sử dụng nó được. Giống như bạn có một vũ khí hạng nặng có sức sát thương hủy diệt nhưng nó rất nặng. Việc của bạn là rèn luyện bản thân, dùng vũ khí hạng nhẹ để luyện tập trước đã. Khi tay đã đủ cứng cáp, dùng vũ khí hạng nặng kia cũng chưa muộn. Nếu cố chấp rất có khả năng bị “tàu hỏa nhập ma” mà chẳng thu về kết quả gì. Nhắc lại lần thứ ba:”Nếu chưa thấm được tư duy này thì mọi bước ở phần sau đều trở nên vô nghĩa”.

4, Tạo sự dễ dàng và khó khăn trong hành động

Sau khi đã thấm nhuần được những tư tưởng trên rồi thì mời bạn đến với phần kỹ thuật thực chiến.
Tưởng tượng, sau một đêm tỉnh dậy, bỗng nhiên có một luật lệ mới là mỗi khi ai đó truy cập vào game họ phải nhập tay một danh sách dài 10000 ký tự bao gồm cả chữ viết hoa, viết thường, ký tự đặc biệt xen kẽ chắc cứ 100 người chơi game thì 80 người bỏ (chắc bạn không nghiện đến mức nằm trong con số 20 kia đâu chứ nhỉ). Nhập xong password gãy tay luôn rồi chẳng còn sức mà chơi nữa. Đó là tác dụng của rào cản. Khi định làm một việc gì đó, nhưng phải làm một việc tiên quyết khác trước, tùy thuộc vào độ phức tạp và thời gian làm việc tiên quyết kia mà tần suất bạn làm việc bạn định làm sẽ giảm theo tương ứng. Không cần phải đặt password dài 10000 ký tự, bạn chỉ cần đặt dòng password 20 ký tự (giả sử: facebookdanggietchetdoitoi), chắc chắn tần suất truy cập facebook của bạn sẽ giảm xuống (không nên đặt password dài quá vì khi đó sẽ gây sự ức chế quá độ dẫn đến việc bỏ password).
Vậy ứng dụng điều này như thế nào? Khi bạn định làm gì hãy loại bỏ tất cả những rào cản và tạo sự thuận tiện nhất để làm việc đó. Giả sử chiều nay bạn dặn lòng mình tối nay tôi sẽ học giải tích 3 của Bách Khoa, việc bạn cần làm là tắm rửa sạch sẽ, thơm mát, sảng khoái, dở sẵn sách vở ra đặt lên bàn, bật sẵn đèn, máy tính lên, tốt hơn hết là khóa không cho laptop truy cập được facebook, instagram, tiktok…(bạn có thể tìm hiểu cách giới hạn truy cập một trang web nhất định), đốt sẵn nến thơm, kéo ghế hơi dịch ra ngoài một chút để thuận tiện ngồi vào bàn học, tắt điện xung quanh đi chỉ để nguồn sáng duy nhất là từ đèn học, decor góc học tập chill chill nữa thì tuyệt vời. Lúc đi ăn cơm về, bước vào phòng, dù không muốn học bạn cũng sẽ ngồi vào bàn, có khi học đến sáng cũng nên (với điều kiện không phải môn giải tích 3).

5, Đẩy bản thân vào thế “không làm không được”

Hãy tìm cách để không làm những thói quen xấu hoặc làm những thói quen tốt là bắt buộc. 
Giả sử như việc đặt báo thức buổi sáng, bạn hãy để báo thức dưới gầm giường đứa bạn và để chế độ max volume. Lúc đó, buổi sáng dù buồn ngủ cách mấy bạn vẫn phải dậy tắt nếu không muốn đứa bạn cho bạn đi vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Bạn cũng có thể lật kèo với đứa bạn. Bạn đưa nó 10 triệu, nếu bất kỳ một tối nào đó bạn không đọc sách, 10 triệu sẽ là của nó, nếu sau ba tháng mà tối nào bạn cũng đọc sách, 10 vẫn sẽ thuộc về nó.
Nói chung cách này phụ thuộc vào sức sáng tạo của bạn, bạn càng sáng tạo cách của bạn càng dị (còn hiệu quả thế nào thì tôi không chắc).

6, Cởi bỏ tâm lý

Ý tưởng của phương pháp này rất đơn giản, nếu không thể hoàn thành công việc lớn, hãy chia nhỏ ra và hoàn thành từng phần một, cũng giống như việc “chia để trị”. Giả sử bạn phải hoàn thành 100 bài tập toán trong tối nay, thay vì ngồi đó ngán ngẩm:”Sao mà nhiều thế”,”nhiều thế này làm bao giờ mới hết được”,”hay là để mai làm?” thì bạn hãy tự nói với bản thân mình rằng:”Tôi sẽ làm 3 bài, làm xong 3 bài rồi muốn làm cái gì khác thì làm”. Cách tưởng chừng như tự dối lừa bản thân này lại tỏ ra vô cùng hiệu quả khi nó cởi bỏ được tâm lý nặng nhọc trước khi bắt tay làm việc gì đó. Bởi khởi đầu luôn luôn khó khăn vì sức ì của bạn là rất lớn. Khi vượt qua giai đoạn khởi động, vào guồng làm việc rồi thì dừng lại lại rất khó. Theo định lý về quán tính, một vật luôn có xu hướng bảo toàn gia tốc, nghĩa là một vật đang đứng yên sẽ có xu hướng đứng yên, một vật chuyển động sẽ có xu hướng chuyển động mãi mãi (nếu không có ma sát). Hãy quan sát đôi chân khi bạn đi bộ, khi đã đi bộ liên tục một tiếng, mặc dù chân mỏi và mệt, bạn dừng lại để nghỉ nhưng chân vẫn có xu hướng tự chuyển động bước tiếp mà phải mất một lúc đôi chân bạn mới yên vị được. Bởi vậy, khi thay đổi gia tốc một vật, ta cần tiêu tốn năng lượng. Khi bạn làm việc cũng vậy, bước làm sao để bạn bắt tay vào công việc là bước khó khăn nhất và phương pháp kia đã làm tốt công việc của mình khi giúp bạn cởi bỏ gánh nặng phải hoàn thành 100% công việc, khiến bạn dễ dàng bắt đầu làm việc hơn. Cái hay ở đây là khi bạn đã bắt đầu làm việc rồi (lưu ý là làm một cách nghiêm túc, hăng say, không phải làm được một phút lại check điện thoại mười phút) thì bạn sẽ có xu hướng hoàn thành luôn công việc. Làm xong 3 bài toán, tâm lý sẽ có xu hướng là:”Ê hay làm thêm 7 bài cho thành 10 bài cho đẹp nhể?”, và rồi cứ làm làm xong lúc nào không hay. Đương nhiên có những lúc cơ thể mệt nhừ, làm xong 3 bài nhưng không làm thêm nổi nữa do hết năng lượng thì bạn vẫn có thể dừng lại. Dù sao làm 3 bài vẫn tốt hơn là không làm bài nào. Như vậy vẫn giữ được lời hứa với bản thân. Nhưng thường khi đã làm theo cách này thì sẽ có xu hướng làm hết. Mấu chốt nhất của phương pháp này phải làm sao cho tâm lý được thoải mái nhất, tuyệt đối không được dối lừa bản thân sẽ dẫn đến phản tác dụng. Bảo làm bằng nào thì làm đúng bằng đấy rồi xem xu hướng của cơ thể ra sao rồi mới quyết định làm tiếp hay dừng lại. Hoàn thành từng mốc nhỏ công việc, mỗi lần hoàn thành xong một mốc bạn sẽ cảm thấy có chút thành tựu và cũng chính điều đó thúc đẩy bạn tiếp tục thực hiện.

7, Dối lừa bản thân

Khi thấy mình quá lười đến nỗi con ruồi đậu trên mép không buồn đuổi nữa thì bạn có thể nói với bản thân như sau:”Nốt một lần này thôi, đi mà, hứa mai không làm nữa, đi mà, nốt” và sau đó đi ra làm với một tâm trạng chán nản cũng không sao, quan trọng là có làm. Và với tâm lý mình chỉ làm nốt lần này thôi bạn sẽ làm và cảm thấy bớt đau khổ hơn vì không còn suy nghĩ:”Iuu, mai mình vẫn phải làm, năm sau mình vẫn phải làm ư?”, rồi tưởng tượng ra đủ mọi loại viễn cảnh nó sẽ tra tấn mình như thế nào. Đến ngày mai, nếu vẫn lười, hãy tiếp tục nói với bản thân:”Tôi không lừa bạn, nốt hôm nay nữa thôi có được khum, nếu khum thì bạn vẫn có thể nghỉ ngơi”. Đến đây bạn làm hoặc không làm cũng chẳng sao cả. Nhưng theo xu hướng tự nhiên là bạn sẽ làm. Nói nghe có vẻ hơi hư cấu nhưng phải thực sự trải qua bạn mới cảm nhận rõ được sự vi diệu của nó. Phương pháp này thoạt nghe thì có vẻ ngắn hạn những thứ bạn thu lại được ở đây là hình thành thói quen lúc nào không hay. Nếu cứ “nốt” một tuần liên tục, bạn đã đặt bước chân đầu tiên vào hành trình tạo một thói quen rồi đấy. Việc còn lại cứ để thói quen lo. Kể cả bạn fail một ngày cũng chẳng sau, ngày hôm sau lại nói với bản thân câu nói đó, và tiếp tục hành trình.
Việc này cũng tương đối hiệu quả đối với việc bỏ thói quen xấu. Giả sử cứ đêm đến bạn lại mở porn ra xem, sau đó chuyện gì xảy ra chắc bạn cũng không còn xa lạ gì. Hãy nói với bản thân:”Hay là một đêm nay không xem thôi, mai lại xem”, rồi lặp lại quy trình như trên thì không nói 100% bạn sẽ bỏ được nhưng xác suất cao là tần suất sẽ giảm. Hãy nhớ rằng, dù sao ít đi vẫn tốt hơn là nhiều.

8, Duy trì thói quen

Sau khi làm 9981 mưu hèn kế bẩn để dụ dỗ cơ thể làm việc thì thứ giá trị nhất bạn thu lại được chính là mầm mống của thói quen. Thói quen chính là thứ kéo bạn đi đường dài. Vậy nên khi cảm nhận được một chút thay đổi nhỏ trong thái độ của mình với công việc chính là lúc thói quen bắt đầu hình thành rồi đó. Bạn tuyệt đối đừng đánh mất chúng, bởi chúng quý giá vô cùng. Hãy tiếp tục duy trì thói quen hành động đó để nó ngày càng cắm rễ sâu vào trong con người bạn, dùng những chiếc rễ đầy lông lá của nó trói chặt thứ mang tên “lười”. Hãy làm sao để thói quen hành động với cơ thể bạn như hòa vào làm một vậy. Lúc này bạn đã tu thành chính quả rồi đó. Đôi tay đã đủ cứng cáp để sử dụng vũ khí hạng nặng ở phần trên. Thói quen càng vững chắc, ý chí của bạn càng mạnh mẽ. Câu nói:”Thứ gì không giết được bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ lên” hay bất kỳ câu nói truyền cảm hứng nào khác trở thành có giá trị. Bởi động lực nội tại của bạn đã đủ lớn, đủ để dung hòa, tiếp nhận nguồn động lực từ bên ngoài. Còn ban đầu bạn chưa có gì cả, nguồn động lực ngoại lai chỉ ghé qua bạn và biến mất khỏi cuộc đời bạn như crush đã từng làm mà thôi. Hơn nữa, khi ở trình độ này, bạn có thể dùng ý chí để đập tan bất kỳ cơn lười nào có ý định nhen nhóm hoặc tái phát trong bạn (90% thôi nhé vì siêu máy tính còn có sai số nói chi ý chí con người). Dành cho những ai theo chủ nghĩa động lực thì có thể dùng ý chí mà mặc sức tung hoành khắp các chiến trường rồi. 
Cứ đi rồi sẽ đến, cứ làm rồi sẽ thành công, không thành công thì thành nhân. Nếu bạn thực nghiêm túc muốn thay đổi bản thân thì đừng đọc bài viết này như một cuốn self-help chỉ với mục đích tìm sự khoái cảm cho con người yếu đuối, nhu nhược bên trong. Hãy thực sự hiểu và thực hành nó, nhất là các bước về tư duy, hãy mạnh dạn cho bản thân thời gian để thấm và biến thành một phần trong con người mình, đựng vội chạy theo những kỹ thuật. Bởi vì, nhắc lại lần thứ bốn:”Nếu chưa thấm được tư duy thì mọi bước ở phần sau đều trở nên vô nghĩa”.
“Mọi hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé đầu tiên”