CHƯƠNG I - ĐỪNG VÔ CỚ BÔI NHỌ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI HOẶC CÁC THÀNH TỰU SÁNG TẠO

Phần 1
SỰ CÔ ĐƠN VÀ SỰ BỐI RỐI
Nhiều năm trời, tôi gặp một người khách hàng sống một mình. Ngoài vấn đề hoàn cảnh sống đó, bản thân ông ta còn bị cô lập trong nhiều khía cạnh khác nữa. Các mối quan hệ gia đình của ông cực kỳ hạn chế. Cả hai đứa con gái của ông ấy đều ra nước ngoài ở và không giữ liên lạc mấy, và ông ta chẳng có người họ hàng thân thích nào ngoài một người cha và một chị gái sống xa cách, lạnh nhạt với nhau. Vợ ông, mẹ của những đứa con của ông ta đã qua đời nhiều năm trước, và mối quan hệ độc nhất mà ông ấy cố gắng vun đắp trong suốt quá trình hơn một thập kỷ rưỡi làm việc với tôi, bị hủy hoại trong bi kịch khi bạn gái mới của ông ấy chết trong một tai nạn ô tô.
Khi bắt đầu làm việc với nhau, những cuộc hội thoại của chúng tôi vụng về một cách rõ ràng. Ông ấy không quen với những sự tinh tế của tương tác xã hội, nên hành vi, lời nói và cử chỉ thiếu sự uyển chuyển và hài hòa vốn có của những người dạn dĩ trong xã hội. Khi còn là một đứa trẻ, ông ta bị cả bố và mẹ mình chủ động ngó lơ hoàn toàn, cũng như không được ủng hộ và khuyến khích. Bố ông ấy - hầu như chẳng bao giờ có mặt - luôn lơ là và có khuynh hướng thích dùng bạo lực, trong khi người mẹ thì nghiện rượu lâu năm. Ở trường, cậu bé đó thường xuyên bị bắt nạt và quấy rối, và trong tất cả những năm học, cậu chẳng gặp được một người giáo viên nào thực sự quan tâm, chú ý đến mình. Những trải nghiệm đó tạo ra cho thân chủ tôi một xu hướng trầm cảm, hoặc ít nhất biến những khuynh hướng sinh học vốn sẵn theo hướng đó trở nên tệ hơn. Ông ấy, do đó, trở nên cọc cằn, cáu kỉnh và có phần bất ổn định khi cảm thấy bị hiểu lầm hoặc khi bị bất ngờ chen ngang trong một cuộc hội thoại. Những phản ứng này làm cho ông ấy vẫn cứ luôn là mục tiêu của những kẻ bắt nạt cho đến tận khi trưởng thành, cụ thể là ở nơi làm việc. 
 Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng những phiên trị liệu của chúng tôi sẽ diễn ra suôn sẻ nếu tôi hầu hết giữ im lặng. Ông ấy sẽ đến, mỗi tuần hoặc mỗi hai tuần, và nói về những gì đã xảy ra hoặc khiến ông ấy bận tâm trong quãng thời gian 7 đến 14 ngày vừa rồi. Nếu tôi duy trì sự im lặng trong 50 phút đầu tiên của phiên trị liệu một giờ đồng hồ, lắng nghe chăm chú, thì sau đó chúng tôi sẽ trò chuyện, tương đối bình thường, qua lại trong mười phút còn lại. Mô hình kiểu này cứ thế duy trì hơn một thập kỷ, khi tôi càng ngày càng học được cách giữ miệng (một kĩ năng chẳng hề dễ dàng có được với tôi). Tuy nhiên, nhiều năm qua đi, tôi để ý thấy tỷ lệ thời gian ông ta dành ra để bàn về những điều tiêu cực với tôi giảm xuống. Cuộc nói chuyện của chúng tôi - mà thực ra là bài độc thoại của ông ấy - luôn bắt đầu với những thứ đang gây phiền hà cho ông ta, và hiếm khi tiến triển được gì hơn ngoài chuyện đó. Nhưng ông ấy đã nỗ lực cả ở ngoài phạm vi những buổi trị liệu, giao lưu kết bạn, tham gia các buổi tụ họp nghệ thuật và lễ hội âm nhạc, và hồi sinh được cả tài sáng tác bài hát và chơi ghi-ta vốn bị ngủ yên khá lâu. Khi trở nên hòa đồng hơn, ông bắt đầu tự nghĩ ra các giải pháp cho những vấn đề mà ông kể với tôi, và bắt đầu thảo luận ở phần sau của những giờ đồng hồ trong phiên, về những khía cạnh tích cực hơn trong sự tồn tại của cuộc đời mình. Chậm rãi, nhưng ông ấy đã có những sự tiến bộ tăng dần, đều đặn. Vào lần đầu tiên ông ấy đến gặp tôi, chúng tôi còn không thể ngồi với nhau ở trong một quán cafe hay bất cứ một không gian công cộng nào và thực hành bất cứ thứ gì mô phỏng một cuộc trò chuyện trong thế giới thực mà không khiến ông ấy bị tê liệt đến độ im lặng hoàn toàn. Vào thời điểm chúng tôi hoàn thành (trị liệu), thì ông ấy đã đọc được một bài thơ mình tự sáng tác trước những nhóm nhỏ và thậm chí còn thử hài độc thoại nữa. 
Ông ấy là một ví dụ mẫu thực tế và gần gũi với tôi nhất của một thứ mà tôi đã nhận ra trong suốt hơn 20 năm hành nghề tâm lý học trị liệu: con người phụ thuộc vào sự giao tiếp liên tục với người khác để duy trì sự ngăn nắp (trật tự) trong đầu óc mình. Chúng ta đều cần phải suy nghĩ để giúp mọi thứ rõ ràng, nhưng hầu hết chúng ta suy nghĩ bằng cách nói chuyện. Chúng ta cần nói chuyện về quá khứ để có thể tách biệt những mối quan tâm tầm thường bị thổi phồng lên, chứ nếu không chúng cản trở những suy nghĩ về các trải nghiệm thực sự quan trọng. Chúng ta cần nói chuyện về bản chất của hiện tại và những kế hoạch của chúng ta trong tương lai, để biết mình đang ở đâu, đang đi đâu và tại sao lại đi về phía đó. Chúng ta cần phải đệ trình những chiến lược và chiến thuật mình đã dựng lên để nhận sự đánh giá từ người khác, để đảm bảo chúng hiệu quả và vững chắc. Chúng ta cũng cần lắng nghe chính mình trong lúc nói chuyện, để có thể sắp xếp những phản ứng cơ thể, động lực, và cảm xúc sơ bộ thành thứ gì đó mạch lạc và có tổ chức, và giải quyết những mối quan tâm quá lố và phi lý kia đi. Chúng ta cần nói chuyện - cả để nhớ và để quên. 
Thân chủ của tôi đã cần lắm một ai đó để lắng nghe mình. Ông ấy cũng cần hoàn toàn tham gia vào thêm vài nhóm xã hội phức tạp hơn, lớn hơn nữa - điều mà ông ấy đã dự định trong những phiên làm việc cùng tôi, và sau đó tự mình tiến hành. Nếu chăng ông ta chịu làm con mồi để rơi xuống cái hố đầy cám dỗ của việc đi bôi nhọ giá trị của tương tác giữa các cá nhân và những mối quan hệ bởi một quá khứ từng bị cô lập và đối xử khắc nghiệt của mình, thì ông ấy chắc sẽ có rất ít cơ hội để lấy lại được sức khỏe và hạnh phúc cho bản thân. Thay vào đó, ông ấy đã học cách bện dây thừng, trèo lên và tham gia vào cùng thế giới.
Dịch bởi: Học cùng Linh