Image source: humanresourcesonline
"Ối giời ôi, bệnh nghề nghiệp ấy mà", "Lại mắc bệnh nghề nghiệp rồi!" - chắc chắn cả tôi và bạn đều đã từng nói những câu này khoảng 02 năm đầu đi làm và cho đến hiện tại. 
Tôi không biết chính xác thời điểm  cụm từ "bệnh nghề nghiệp" xuất hiện, hình như vào khoảng thời gian những bạn Sales bán sản phẩm trực tiếp đến từng  người (diễn ra trong hội chợ), đến từng nhà (phát quảng cáo hoặc bán sản phẩm) và nói nhanh như một cái máy khâu, bởi do thời gian gặp gỡ khách hàng chỉ được tính bằng giây và các bạn ấy phải "tiết kiệm" từng giây một. Khoảng thời gian đó quả thật là kinh hoàng với người mua nhưng lại rèn luyện tính kiên nhẫn và phản ứng linh hoạt của người bán (tức là Sales đó ạ!). Tôi còn nhớ hễ thấy một nhóm bạn mặc đồng phục, tay cầm sản phẩm ở đâu là tôi tự động đi đường vòng hoặc làm mặt lạnh te rồi lắc đầu nguầy nguậy: "Tớ không mua đâu". Vào lúc đó, hễ thấy ai nói nhiều, đi đứng cứ băm băm bổ bổ, vội vội vàng vàng là y rằng người đó bị gán cho cái danh xưng "bọn bán hàng" hoặc "bọn marketing" đấy. Nhưng mà phải công nhận đến khoảng 85% là sự thật. (Sò ri các bạn làm nghề Sales và Marketing and me ). Tóm gọn lại, "bệnh nghề nghiệp" là thói quen do nghề nghiệp mang lại và dù không ở trong môi trường làm việc thì thói quen đó vẫn được thực hiện một cách vô thức. 
Nếu suy từ bản thân thì tôi nhận thấy "bệnh nghề nghiệp" của tôi được hình từ hai nhánh: Một là từ tính cách, một là từ môi trường làm việc (tất nhiên rồi), cụ thể là từ chính người quản lý trực tiếp.   
Tôi vốn là một đứa nghịch ngợm và nhanh nhẹn (mọi người nhận xét thế). Nhanh nhẹn đến mức người ta chưa nói xong thì mình đã hiểu xong rồi. Tất nhiên cái kiểu chớp nhoáng ấy sẽ không thể nào mà suy nghĩ được sâu xa đến cốt lõi của vấn đề và thường quên rất nhanh. Nhanh nhẩu đoảng nó thế đấy các bạn ạ ! Chưa làm đã nghĩ là khó, vừa thấy mắc mắc một cái là y rằng đi hỏi. Lạ cái là tôi không sợ người ta mắng, tôi chỉ sợ người ta không nói cho tôi biết thôi. Thế nên nhiều người nhận xét tôi là có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi :-)) 
Có lẽ lâu dần nó ngấm vào máu nên cái tính cách này của tôi nó không bị loại bỏ, mà nó chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Có nghĩa là trước đây nói nhanh, làm nhanh (nhưng ăn chậm rì rì) thì giờ tôi đã tiết chế được điều này. 
Tôi bắt đầu nói chậm lại khi tôi bắt đầu đi làm. Mới đầu, đồng nghiệp không ai có ý kiến gì. Thậm chí nếu có hỏi lại thì tôi vẫn rất kiên nhẫn nói lại lần nữa. Sau rồi từng người, từng người khuyên tôi nên nói chậm lại, đi chậm lại, sống chậm lại để nhìn thấy người phía sau. Tôi cũng chỉ cười trừ thôi. Tôi biết rõ người nào tốt, người nào không tốt. Sau lần nhảy việc, làm ở công ty truyền thông báo chí, tự nhiên tôi ít nói hẳn và quan sát nhiều hơn. Chúng tôi là nhân viên mới, phải tìm cách làm việc với nhân viên cũ và hơn chúng tôi đến  gần chục tuổi. 
Tốc độ nhai nuốt của tôi được cải thiện khi làm ở phòng khám Nha khoa (Bởi do phòng khám còn có chức năng sơ cứu tại chỗ trước khi đưa đến bệnh viện). Tôi luôn trong trạng thái ăn khẩn trương, ngủ khẩn trương, đúng kiểu trực chiến trong quân đội vì bất cứ lúc nào cũng có thể có người cần cấp cứu. Gần 10 tòa nhà xung quanh + bể bơi, chỉ duy nhất có phòng khám của chúng tôi được giao nhiệm vụ này. 
 Tôi chuyển việc lần tiếp theo, do phải cải tổ và xây dựng phòng ban mới và cũng từ đây tôi bắt đầu thói quen vẽ sơ đồ mạng lưới trao đổi thông tin giữa các phòng ban cũng như trong công việc, phân từng nhiệm vụ đến từng cá nhân trong nhóm. (Ngoài lề chút: Tôi nhận thấy khả năng vẽ sơ đồ trận của tôi hiện nay không còn được tốt lắm, tôi không theo kịp nữa. Bạn nào rảnh rỗi thì bổ túc thêm cho tôi với nhé ! ). 
Từ hồi còn đi học, tôi đã có thói quen viết nhật ký, rồi chuyển từ viết sổ thành viết blog, rồi tiến tới viết truyện. Dù hiện tại công việc và thời gian không cho phép thả hồn cho gió theo mây ngàn bay nhưng tôi vẫn cố để ra một chút thời gian cho cái thói quen này. 
Tôi đã chia sẻ "bệnh nghề nghiệp" của tôi rồi đấy ! Bây giờ đến lượt bạn. "Bệnh nghề nghiệp" của bạn là gì? Lúc nào thì "nó" bắt đầu đeo bám bạn? Kể cho tôi nghe với nào !