Ngày nay, không khó để ta bắt gặp hình ảnh một người Việt Nam cứ nói một câu là lại chèn thêm mấy chữ tiếng Anh, tiếng Hàn vào. "Tí nữa mình đi shopping nhé", "Hôm nay mình busy lắm", "đi hangout không?",... từ khi nào mà những câu nói "nửa nạc nửa mỡ" này đã trở nên thật quen thuộc trong xã hội nói chung và cộng đồng người trẻ nói riêng. Và cũng không biết từ bao giờ, sính ngoại, vọng ngoại đã ăn sâu vào trong tiềm thức của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ta. Những chiếc áo gắn mác nước ngoài thì luôn tốt hơn những chiếc áo sản xuất trong nước, những bộ phim nước ngoài thì luôn hay hơn những bộ phim Việt Nam, tất cả những suy nghĩ đó tuy không một ai nói ra thành lời, nhưng trong thâm tâm họ ai dù ít dù nhiều cũng sẽ mang trong mình một căn bệnh, căn bệnh "sính ngoại".
Bệnh "sính ngoại" không phải là của riêng ai, không biết từ bao giờ mà dân ta đã mang nặng trong mình một tư tưởng hàng nước ngoài thì luôn tốt hơn hàng Việt Nam. Những cô cậu sinh viên trẻ khi ra trường hầu như ai cũng chăm chăm muốn làm việc tại những công ty, tập đoàn đa quốc gia, khó lắm thì mới thấy những người trẻ có mong muốn làm việc cho các công ty nội địa, nhà nước. Không ít nhưng ông bố, bà mẹ Việt mang trong mình tư tưởng "sính ngoại" đã không ngần ngại đặt cho con mình những các tên rất "tây" như "Jack Nguyễn", "Hannah Trang", thậm chí là "Samsung". Phải, bạn không nhầm đâu, Samsung - tên của một ông lớn Hàn Quốc cũng không thể thoát khỏi căn bệnh "sính ngoại" của người Việt Nam, thật là hài hước và lố bịch làm sao. Thậm chí những nhà văn, nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ cũng không đứng ngoài xu hướng đó, cái bút danh, nghệ danh của họ, cũng phải chèn thêm những từ tiếng Anh, tiếng Hàn vào, tiêu biểu có thể kể đến như Issac, Chi Pu, Jack, K-ICM,.. nghe cứ như là ca sĩ, nghệ sĩ nước ngoài chứ chả phải là Việt Nam. Sơ sơ vài ví dụ thôi cũng đã thấy rằng Sính Ngoại đã và đang mọc rễ trong tư tưởng người Việt Nam như thế nào.
Đến đây thì nhiều người sẽ nói rằng là do sản phẩm họ tốt, là do đồ dùng hàng hóa họ tốt nên mình ưa chuộng, thích thú thì có gì là sai? Cái này thì ai cũng biết, ai cũng hiểu, sản phẩm của họ tất nhiên phải tốt, tất nhiên phải hợp "mốt", hợp thời nên mới thu hút dân ta đến vậy. Bây giờ đã là thời đại Internet, thời đại 4.0, cái gì tốt thì được ưa chuộng, cái gì dở, không tốt thì bị "vứt đi". Nhưng các bạn à, không ai cấm bạn không được sính ngoại, vọng ngoại cả, không ai ép bạn phải dùng hàng Việt Nam, đi làm cho công ty Việt Nam cả, nhưng hòa nhập, chứ đừng hòa tan. Hàng Việt Nam có thể không cầu kỳ, bắt mắt như của các nước khác, nhưng bạn ơi, bạn đã dùng thử qua nó chưa mà đã vội nói rằng nó không tốt, bạn đã bao giờ ra tiệm mua một chiếc áo Việt Nam để mặc thử chưa hay chỉ chăm chăm vào những món hàng ngoại rồi mặc định cho hàng Việt Nam là chất lượng thấp. Hiện nay, nước ta đã có rất nhiều những thương hiệu, sản phẩm mang chất lượng quốc tế, được cả thế giới công nhận, những chiếc xe Vinfast được tham gia những triển lãm xe trên khắp thế giới, thương hiệu cà phê Trung Nguyên được cả thế giới công nhận hay "bánh mỳ" được đưa vào từ điển Oxford,... Những thương hiệu, sản phẩm này đã và đang chứng minh cho cả thế giới rằng, Việt Nam cũng có thể tạo ra những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tốt không kém gì các nước phát triển trên thế giới. 
Bạn à, đoạn kết của bài này mình muốn có đôi lời nhắn nhủ đến bạn, với tư cách là những người trẻ nhắn nhủ đến nhau. Hôm nay, đọc xong bài viết này, có thể bạn sẽ thấy rằng những lời nói của mình là sáo rỗng, chẳng đáng để bận tâm. Nhưng ngày hôm sau, khi ra đường, nhìn thấy một ly cà phê Việt Nam, một món đồ Việt Nam bất kỳ, hãy cứ căn nhắc đến nó như làm một sự lựa chọn của bạn, tất nhiên mình không bắt hay ép bạn phải mua nó, nhưng hãy cứ căn nhắc nó đi. Người ta bảo rằng "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử", hãy để nó chinh phục bạn bằng chất lượng và giá trị của chính nó, chứ không phải bằng những lời nói "sáo rỗng" của mình. Rồi ngày nào đó hy vọng rằng bạn sẽ có cái nhìn thiệt cảm hơn với hàng hóa Việt, suy ra cho cùng, Việt Nam ta tuy chậm phát triển về kinh tế nhưng dân tộc ta có một nền văn hóa lâu đời, tinh hoa dân tộc cũng không thiếu. Hàng hóa ta tuy không đẹp, không bắt mắt, nhưng suy cho cùng giá trị nó mang lại cũng chả thua kém gì hàng hóa ngoại. Âu cũng là một điều đáng tự hào đó chứ!