Source: Tom and Jerry
Source: Tom and Jerry
Khi nhặt được một chiếc ví bị rơi trên đường, bạn sẽ làm gì? Tìm cách trả lại nó cho người đã làm rơi hay bạn sẽ ‘nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi”? Có vẻ như trong bạn lúc này đang có một thiên thần nói với bạn hãy làm điều đúng đắn, hợp với những lề thói đạo đức đúng đắn đã được dạy bảo là đi trả lại chiếc ví phải không. Đồng thời đó cũng có một ác quỷ nói với bạn rằng “oh, thôi nào, bao lần rơi mất ví có ai trả lại đâu, vậy thì lần này thời tới rồi, tận hưởng thôi…”. 
Đương nhiên ngoài hai vị trưởng đoàn thiên thần và ác quỷ này thì hẳn sẽ có các thành viên khác hiến kế thêm kiểu như “lỡ mà người khác biết mày làm vậy thì người ta đánh giá cho”, “ôi dào ơi, không có ai biết đâu, mà người ta biết thì cũng có sao, người ta cũng làm vậy ah”, hay “thôi kệ nó đó, sẽ có ai đó nhìn thấy cái ví và thực hiện lựa chọn thay mình”. Có rất nhiều tiếng nói vang vọng và cố gắng để dành sự ảnh hưởng tới hành động của chúng ta và thường thì chúng ta sẽ hành động theo những tiếng nói to nhất. Vậy thì những tiếng nói này đến từ đâu, nó có bình thường không? 
Thực ra với những ai đã từng thử tìm hiểu về cơ chế mà bộ não đưa ra quyết định thì những điều này không quá khó hiểu bởi cách mà bộ não hoạt động giống như một nghị viện vậy, ở đó có rất nhiều đại biểu liên tiếng cho những điều mà họ cho rằng như vậy là hợp lý. Đó có thể là các đại biểu tin rằng việc lập kế hoạch, đánh giá rủi ro và chọn lựa logic là việc cần phải thực hiện để đưa ra quyết định tốt do vậy cần cân nhắc lợi và hại của các phương án xử lý cái ví, có người cho rằng lợi ích kinh tế thì hơn, có người cho rằng lợi ích tránh được sự rắc rối thì tốt hơn. Đó có thể là các đại biểu tin rằng cảm xúc là thứ quan trọng cần phải được ưu tiên nên đại biểu đó cân nhắc tới cảm xúc mà bản thân khi hành động, người ủng hộ việc cần cảm thấy tự hào khi hành động đúng, người thì ủng hộ việc trả thù cho sự không công bằng vì sao tôi mất đồ mà không ai trả lại thôi. Các đại biểu mỗi người lựa chọn một phương án mà có thể họ học được ở đâu đó hoặc chính là phương án mà bản thân chúng ta từng thực hiện trong quá khứ. 
Phương án nào càng nhiều đại biểu thì phương án đó càng thắng thế và thường dễ được lựa chọn để thực hiện. Nó giống y như phương thức bầu đa số của ta phải không? Còn đương nhiên vẫn có hai vị điều phối mạnh mẽ nhất là vùng vỏ não trước trán thiên về sự logic và hệ limbic thiên về cảm xúc sẽ nghe lấy các tiếng nói cũng như nhận lấy sự ủng hộ của các tiếng nói này để đồng thời cân nhắc chọn lục và đấu tranh với nhau để đưa ra quyết định.
Các đại biểu này sẽ được sinh ra khi chúng ta học hỏi thêm một điều gì mới hoặc cũ (thì khi đó bạn có thêm một đại biểu ủng hộ cho một điều cũ), hoặc khi bạn suy nghĩ hay hành động gì đó. Nghị viện đó sẽ là một sự tổng hòa của con người của bạn, của những điều bạn làm trong quá khứ, của những điều bạn suy nghĩ, những điều mà bạn học ở bên ngoài. Nó là tổng hòa của sự “tốt” và “xấu” của bạn theo những định nghĩa về đạo đức hay theo một tiêu chí khác. Tất cả những đại biểu này sẽ cố gắng lên tiếng để có thể ảnh hưởng tới hai vị điều phối viên này. Và càng nhiều đại biểu, tác động của chúng càng lớn. Thời gian càng dài, một chút lợi thế từ việc cách hành xử này được thực hiện nhiều hơn sẽ làm gia tăng xu hướng bạn lựa chọn cách suy nghĩ hay hành xử đó. Đó là lý do tại sao khi càng lớn, chúng ta khá “ổn định” trong cách hành xử phải không. 
Ở đây cũng sẽ có một sự đáng chú ý, đó là việc có đông đại biểu hơn không có nghĩa là phương án đó luôn chiến thắng. Mặc dù thường thì bạn sẽ dễ xuôi theo đám đông đại biểu nhưng sẽ có những khoảnh khắc bạn suy nghĩ khác đi, hay hành động khác đi được đưa ra, mỗi lần như vậy bạn đang tạo ra những vị đại biểu ủng hộ cho phương án thực hiện lần này. Vậy đó, bạn có thể chủ động hoặc vô tình “lựa chọn” việc sẽ tăng thêm các vị đại biểu cho các suy nghĩ hay lựa chọn nào bằng việc suy nghĩ tới, đưa ra quyết định và hành động theo một phương cách cụ thể nào đó.
Một điều đáng chú ý nữa là không phải lúc nào các vị đại biểu được tạo ra cũng có sức mạnh ngang nhau cả. Những vị đại biểu được tạo ra những bài học, những câu chuyện nghe được sẽ có 1 phiếu bầu. Những vị đại biểu đến từ quá trình tư duy, cân nhắc kỹ càng khi nghiên cứu về một điều gì đó hay khi bạn đưa ra quyết định sẽ có sức mạnh lớn hơn sẽ có giá trị như 5 phiếu bầu. Đặc biệt với những bị đại biểu được tạo ra bởi những hành động sẽ có sức mạnh bầu cử lớn hơn cả với khoảng 10 phiếu bầu gì đó. Đó là lý do thật khó thay đổi thói quen có sẵn và khi mà bạn đã biến được những suy nghĩ thành hành động thì bạn đang trong lộ trình tạo nên những thứ mới bền vững hơn. Nó giống như khái niệm trí nhớ của cơ bắp mà chúng ta hay đề cập tới vậy.
Mọi suy nghĩ, cân nhắc, hành động của bạn đều tạo thêm các vị “đại biểu” mới và bạn có thể chủ động hơn trong việc tạo ra các vị “đại biểu” theo phe nào bằng cách cân nhắc và thực hiện những hành động, lựa chọn cụ thể. Bởi các đại biểu được tạo ra ở hành động hay một quyết định sẽ có sức mạnh lớn hơn những đại biểu được tạo ra do các suy nghĩ, hay sự cân nhắc mà thôi. Do vậy bạn có thể thực sự chủ động lựa chọn việc bổ sung thêm đại biểu cho phe mà bạn mong muốn mỗi khi lý trí bằng cách thực hiện thêm hành động đó, đưa ra quyết định đó thêm một lần nữa. Bạn đang tạo ra một nền tảng cho những thay đổi trong tương lai của bạn, giúp các thay đổi sau này sẽ dễ dàng hơn.
Vậy đó nếu bạn lựa chọn bạn là một con người có trách nhiệm hơn trong ví dụ về cái ví thì bạn sẽ cần thực hiện việc nỗ lực trao trả lại tài sản cho người bỏ quên. Bạn sẽ cần thực hiện điều đó nhiều hơn, để thêm những vị cư tri theo phe đó. Còn nếu bạn chưa làm điều đó bao giờ thì phe thiện lành ở những lần sau sẽ gặp nhiều khó khăn phải không? 
Vậy đó trong bộ não của bạn là cả một xã hội thu nhỏ với thiên thần, ác quỷ, và cả đám quần chúng khác. Bạn với tư cách là chủ nhân có thể chủ động việc lựa chọn cơ cấu dân số thiên thần hay ác quỷ đông hơn phải không? Nhưng bạn phải thật tỉnh táo cơ không thì bạn sẽ bị cuốn theo đám đông xã hội thu nhỏ của mình.
Mong là những điều chia sẻ này có thể giúp ích được các bạn. Gửi yêu thương tới tất cả mọi người!
Mời các bạn ghé thăm blog của mình tại:
Nguồn tham khảo:
- Sách “Não bộ kể gì về bạn” của David Eagleman