Anh thích những cái cũ, và điều này lan sang mọi thứ anh làm.
Anh nướng thời gian rảnh rỗi vào những bộ phim kinh điển từ những năm 50. Anh tự lập một danh sách những bộ cần xem, và, thực hiện theo tuần tự, chính xác như một cái đồng hồ Đức. Gone with the Wind, Casablanca, 12 Angry Men là ba bộ anh thường xem đi xem lại. Một lần, anh kể với người bạn thân rằng anh “toàn xem phim cũ”, nó lên giọng, nói rằng anh xem được vài bộ kinh điển mà cũng dám tự nhận thế. Anh im lặng, thấy lý lẽ đó cũng có phần hợp lý, nhưng anh vặn lại ngay. “Phim kinh điển thì tỷ lệ có một trải nghiệm tệ hại sẽ luôn thấp hơn 10%.” Bạn anh không đáp, anh biết mình đã thắng.
Căn phòng mười lăm mét vuông, cái tổ ấm tí hin anh vun vén chốn thị thành rồi tự gọi đó là Nhà, chất đầy những chồng sách. Anh đọc sách cũ, những cuốn kinh điển, của những tác giả đã chết hơn trăm năm. “Mình có lẽ phải sống tới ngàn năm mới viết hay được tới thế,” anh vẫn luôn tự nhủ thế. Anh nhiều lần thử đọc văn học đương đại, nhưng không ngấm nổi; cách hành văn của họ hiện đại nhưng chán quá, tất cả đều một màu như nhau. “Một tác phẩm tệ sẽ dạy ta nhiều điều hơn một tác phẩm hay,” Stephen King từng nói thế. Nhưng anh thì không sẵn tiền cho những thứ vặt vãnh, và anh thấy lời khuyên đó nghe thực kêu nhưng rặt vẻ sáo rỗng. Người ta phải đọc nhiều, không phải nhiều cuốn mà là nhiều lần, và anh thì không bao giờ đọc lại một cuốn sách thảm hại, vậy thì nó lấy gì mà dạy anh?
Anh nghe nhạc cũ, những bài nhạc từ thập niên 70-80, những bản rock “thứ thiệt” và những khúc tình ca bất hủ. Nhiều khi anh thấy mình thực chất cũng chẳng sành sỏi lắm, bởi, anh tự cảm nhận mình không có gu, điều mà bạn anh nói y chang. Anh thừa nhận, mình chỉ xem âm nhạc như một công cụ để thoát ly khỏi thực tại. Thoát khỏi chốn văn phòng, thoát khỏi cảnh tắc đường, thoát khỏi mê cung trong tâm trí anh mỗi lần tay chân anh không bận rộn gì đấy.
Lắm khi về tới phòng sau một ngày mài mòn ghế văn phòng, thêm một giờ đồng hồ chen chúc ngoài kia (thêm ba mươi phút nếu trời mưa), anh thấy lòng mình rỗng hoác như cái thùng gạo bị vét cặn đáy. Cuộc sống đã vơ vét hết mọi thứ trong anh. Nhìn căn phòng quạnh hiu nhuộm ánh vàng tỏa ra từ cây đèn bàn, anh thấy thật vô nghĩa. Ngày cấp ba, anh phấn đấu vì một trường đại học mơ ước, một ngành học lấy điểm cao chót vót và chắc chắn chỉ chấp nhận ươm mầm những phần tử kiệt xuất nhất. Rồi anh sẽ lấy một tấm bằng, xin một công việc, ổn định cuộc sống, xây nhà, mua xe, cưới vợ chăm con, là một người đàn ông trưởng thành. Hoá ra đó là những cột mốc mà người ta cần phải đi qua.. Đây đâu phải cuộc sống anh từng mơ ước? Một người bạn của anh, mới đây thôi, quyết định khăn gói khỏi thủ đô. “Nam tiến à?” anh hỏi. Nó đáp gọn lỏn khiến anh sững người: “Đâu cũng được trừ Hà Nội ra, mệt cả người.”
Đêm xuống anh vắt tay lên trán, mắt dán chặt vào trần nhà, nghĩ lại câu nói đó rồi cố hình dung ra viễn cảnh mình mơ ước.
Đây rồi, một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển, một bộ bàn ghế bằng gỗ sồi đặt trước ban công hứng gió mặn, một thếp giấy kẻ cùng một cây bút mực hàng cao cấp, một cánh cửa anh sẵn sàng đóng lại để thế giới trong anh mở ra. Anh từng nghe người ta nói nhà gần bờ biển chẳng sung sướng gì, nhưng anh chẳng quan tâm. Dẫu sao anh cũng chẳng tha thiết giấc mơ ấy tới thế, anh chỉ mường tượng để tiếp hy vọng, như ánh sáng nơi cuối đường hầm, và anh những muốn để tâm trí tự chữa lành tâm hồn này. Mỗi lần nghĩ tới căn nhà nhỏ ấy, hình dung ra mình đang cặm cụi viết lách vào lúc bình minh, anh thấy mình như đang bắt chước Ernest Hemingway ở Cuba. Hemingway đã có căn nhà bên bờ biển ở hải ngoại, và anh nghĩ tới chuyện sang nước ngoài.
Mẹ anh, người mà anh đã không gặp mặt suốt bảy năm ròng, kể từ cái đợt anh thi vào phổ thông, chấp nhận sống tha phương. Sau cái chết của bố anh, bà cầm cự được vài năm rồi, nhờ đằng ngoại vun vén chạy vạy, sang được tới nước ngoài. Bà rong ruổi khắp các nước, từ Đài Loan, Ma Cao tới Indo, nhưng đều không ở được lâu. Một ngày anh học lớp hai, mọi người trêu anh rằng bà sắp quên anh rồi, thằng nhóc là anh lúc bấy giờ ngơ ngác như con nai vàng hoàn toàn mù tịt trước họng súng của gã thợ săn. Rốt cuộc thì anh là người tự kiểm chứng chuyện ấy, vào một buổi tối khi mẹ anh đã ngủ say. Anh rón rén vén chăn, chân trần lướt trên nền đất như chú mèo con, lỉnh tới hộc bàn mà mẹ anh vẫn hay cất giữ đồ đạc. Anh lôi từ đó ra một bộ ảnh cưới nặng trịch, bìa nâu mạ vàng, dày cộp như mấy cuốn tiểu thuyết bìa cứng phiên bản giới hạn anh thường mua. Rồi, đôi bàn tay nhỏ nhắn tự phân nhiệm vụ, đặt bộ ảnh trên sàn nhà, một tay anh rọi đèn pin, một tay lật giở từng trang giấy couche, con mắt hút vào trong như thỏi nam châm và lồng ngực thì mở toang như cái cửa sổ ban đêm quên không đóng, để gió lạnh lùa vào từng cơn, ẩm ướt cõi lòng.
Tới ngày dạm hỏi, mọi người vẫn cố giấu anh, chẳng hay chuyện anh đã phát hiện ra tất cả. Mẹ sợ anh buồn, sau này bà thừa nhận thế, nhưng anh chẳng cảm thấy gì. Anh chỉ thấy có lỗi với người bố đã khuất của mình, vì đã không tỏ ra chút gì lấy làm mếch lòng vì cái sự kiện trọng đại lần hai trong đời mẹ anh. Lớn hơn chút thì anh không còn dằn vặt nữa, bởi, năm mẹ anh đi bước nữa bà mới hai nhăm tuổi, vẫn còn quá trẻ, quá phơi phới, bà xứng đáng được sống một cuộc đời khởi sắc hơn hồi còn phải chật vật với bố anh do cái sự cố ngoài ý muốn gắn hai người lại với nhau, và bởi một đời là quá dài.
Giờ đây, mỗi khi gọi điện hỏi thăm nhau từ khoảng cách hơn nghìn cây số, anh vẫn chiều lòng mẹ, gọi chồng kế của bà bằng Dượng, rồi lâu ngày bà thuyết phục được anh, hoặc anh chịu để bà thuyết phục, gọi Dượng là Bố. Anh thốt ra cái từ đó mà thấy sượng mồm, con chữ ngắc ngứ ở cổ họng như bị nghẹn. Đó là lần đầu tiên anh gọi một người là Bố.
Bố ruột của anh, anh chẳng có lấy một mảnh ký ức, dù là nhỏ bé nhất, về ông. Tất cả những gì anh biết về người đàn ông xấu số đó, người đã trao anh sự sống và hình hài này, là một bức tranh ghép mờ nhạt, thiếu chỗ này chỗ kia, được chắp vá lại từ những hiểu biết vương vãi ra từ miệng mấy mụ hàng xóm hay ngồi lê đôi mách.
Ngày còn bé, mâm cơm nhà anh luôn thừa ra một bát, một xới cơm với đôi đũa đặt ngang cho bố anh. Một ngày năm anh mười bốn tuổi thì ông bà bỏ, nói rằng như vậy đủ rồi, không cần thêm nữa. Hôm đó cũng là dịp hiếm hoi bà anh cho phép mình trải lòng về đứa con yểu mệnh, đứa con trai mà bà hết lòng đay nghiến khi dẫn mẹ anh về và nói đây là người con muốn cưới làm vợ. Dù vậy, ông bà vẫn khuất phục khi biết tới anh, lúc này đã ba tháng tuổi, và ông bà kỳ vọng rằng đó sẽ là một thằng nhóc kháu khỉnh, nhờ thế có thể nối dõi, bởi bác cả thì hết hy vọng rồi. Hiển nhiên, dưới một ý định như thế thì việc anh sinh ra mang giới tính nam, một thằng bé đỏ hỏn nặng 3,3 ký, khiến ông bà vui mừng khôn xiết, sẵn sàng xí xóa mọi hiềm khích trước đó với cô con dâu bất đắc dĩ.
Từ ngày biết mình sắp nhận thiên chức, bố anh gạt phắt mọi trò hư đốn, theo lời của bà anh, là lê la hàng quán, câu cá đánh kích, rồi cầu bơ cầu bất như thằng thất nghiệp. Bà cũng đặc biệt phê phán bố vì tính hào phóng bừa bãi của ông, rằng ông thường mủi lòng trước mấy gã ăn xin đầu đường xó chợ, rằng ông cứ nhởn nhơ dựng xe giữa đường rồi tiến tới dúi vào cái nón tả tơi vài đồng bạc lẻ. Ông bảo rằng đấy là làm ơn ban phước; mấy ngày hầu bao rộng (khá hiếm hoi) ông sẽ cho nhiều hơn, coi như tán lộc. Đây có lẽ là điểm chung duy nhất được thừa nhận giữa anh và bố, vì anh vẫn thường thấy khóe mắt cay cay mỗi lần thấy kẻ tàn tật la liệt trên phố, hoặc mấy đứa bé ăn xin bẩn thỉu lẽo đẽo tới cạnh anh mỗi lần dừng đèn đỏ. Trước đó, anh sẽ sờ soạng khắp mình, lục lọi từ hộc xe, túi quần rồi cặp xách, nhưng chẳng bao giờ anh lấy ra được một tờ bạc. Anh sẵn lòng quyên góp nếu họ có mã QR, nhưng làm thế thì bạc quá. Anh luôn thấy tội lỗi vì đã không cho người ta, dẫu anh biết kể cả anh có cho họ mọi thứ anh có, cuộc sống họ cũng chẳng nhờ thế mà khá lên.
Anh vẫn nhớ một sớm đầu hạ ngồi bên lề đường ăn phở, cùng với một người bạn và ông chú của nó. Một bé gái mà anh chẳng hình dung được nữa, bởi đã lùi xa quá rồi, tiến tới cạnh bàn của anh và mời mua đĩa. Có vẻ như nó chỉ đứng đó, chẳng nói gì, chìa khay đĩa trước mặt ba người đàn ông. Anh thấy ngại, cố lảng tránh bằng cách cúi gập đầu húp sùm sụp, và quay sang bên, anh thấy thằng bạn cũng y chang. Con bé rời đi sau đó tích tắc nhờ một câu đuổi khéo tinh tế của ông chú, “Mua về thì đút vào đâu?” Ừ, đút vào đâu nhỉ vào cái thời này?
Tới giờ, anh vẫn ngưỡng mộ những kẻ có thể dửng dưng với vẻ thản nhiên cực độ tới thế. Từng làm tạp vụ ở quán cà phê, anh luôn đối đãi với những người phục vụ theo đúng cách anh từng muốn được đối đãi. Anh chưa bao giờ diện giày tây, dù anh từng rất muốn, bởi công việc của anh không cần thiết phải làm đỏng tới thế. Và nếu anh có sắm một đôi giày tây, anh cũng chẳng thể nào thản nhiên ngồi bấm điện thoại trong lúc cậu bé kia hí hoáy đánh xi phía dưới. Vì thấu cảnh nghèo hèn, anh sẽ không bao giờ dám khinh kẻ nghèo hèn.
Anh nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân tới Hà Nội nhập học, cùng người bạn từng thân và bố của nó. Bạn anh mồ côi mẹ, còn anh mồ côi cha, hai đứa cùng chung cảnh ngộ, cả hai gia đình đều chắc mẩm hai đứa sẽ vì sự đồng cảm ấy mà đùm bọc lẫn nhau. Nhưng anh tự xét thấy mình khổ sở hơn nhiều, bởi anh lạc lõng trên thị thành một mình, bởi anh biết những tháng ngày cắp sách tới trường đã chấm dứt từ khi tiếng trống kết thúc bài thi cuối cấp vang lên, và anh sẽ đoạn tuyệt với phần đời đó mà bước vào thế giới thực, vào con đường từ nay về sau sẽ chỉ có một mình anh.
Món thành phố đầu tiên của ăn là phở bò. Hôm đó, anh ở tít tận Nam Từ Liêm, trong một căn nhà ba tầng nằm ở cuối một ngõ rộng, với hai hàng cây tươi tốt bao quanh và cả một khoảng trời trải dài tít tắp ở phía sau. Gió lộng tưới táp khuôn mặt bơ phờ của cậu bé thôn quê, khiến anh rạng rỡ hẳn lên, và anh nghĩ về những điều vĩ đại đang chờ đợi mình phía trước. Anh sẽ trở thành gì ư? Anh chưa nghĩ tới. Nhưng anh biết sẽ phải làm những việc mình thích, những việc mà thực trạng kinh tế ở quê hương anh không cho phép chúng có cơ hội được tồn tại.
Việc mình thích đầu tiên của anh, là tới một quán cà phê sách. Anh chọn một quán tận tít sâu trong khu tập thể cũ của đường Tạ Quang Bửu, một quán trông có vẻ hiện đại, trái hẳn so với kỳ vọng của anh là một quán nhỏ nhắn xinh xinh nằm trên tầng trệt, với nội thất trang trí từ thời hợp tác xã. Nói chung là cổ cổ, anh mong thế, và ít người lại qua. Anh gọi cho mình một nâu nóng, bởi anh chưa biết uống đen đá không đường như một vài người đàn ông trưởng thành, và cơn mưa ngoài kia rất hợp với một cốc nâu nóng. Tư lự một hồi trước các kệ sách, anh vớ lấy cuốn Người Mẹ của Gorki rồi ổn định chỗ ngồi, bắt đầu nhấm nháp.
Chút chút, anh lại phóng mắt ra ngoài khung cửa kính, thấy dòng người tấp nập lại qua, ai ai trông cũng vội vã trong cơn mưa phùn lạnh chớm xuân. Còn anh thì ngồi đó, được bao bọc trong bầu không khí ấm cúng và điệu nhạc du dương phát ra từ chiếc loa rè rè, thấy lòng thật tĩnh tại. Anh mới đặt chân tới Hà Nội được vài ngày, anh chẳng có công chuyện gì cần làm ngoài việc kiếm nhà trọ, và tiền trong túi vẫn rủng rỉnh, ăn ba bữa một ngày như thói quen nhưng cơm hàng cháo chợ khiến anh nhớ nhà, và anh dứt khoát ăn thật nhanh. Anh lại trở về với vẻ trầm tư của một triết gia ngắm nhìn thế giới, và anh thấy từ bên trong, một nỗi buồn chưa được đặt tên đã thành hình, bắt đầu gặm nhấm anh.
Anh thấy mình thật cô đơn.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất