Be realistic, đừng làm ngành mình trở nên quá Flashy, unrealistic.
Buổi chiều, đang ngồi đánh đàn Ukulele khá chill. Lẽ ra là một ngày mình không bao giờ viết hai bài đâu nhưng tự dưng nhìn bài viết...
Buổi chiều, đang ngồi đánh đàn Ukulele ,khá chill. Lẽ ra là một ngày mình không bao giờ viết hai bài đâu nhưng tự dưng nhìn thấy bài viết này của Viện, mình thấy bực mình quá, có lẽ mình phải nói một vài thứ.
Ngày trước mới lúc vào mình yêu BK thật, có phần còn hơi cuồng nữa. Nhưng ngành mình đang học là Kỹ thuật Nhiệt thì hồi đó mình nói thật là không thích. Có một vài lý do, thứ nhất là do mình thi chỉ được 20.25 (toán nhân đôi, cộng lại chia 4 thang điểm của BK) nên trượt nguyệt vọng 1-Kỹ thuật Điện và vào nguyện vọng 2. Gặp họ hàng, bạn bè cũ hỏi: “ m học ngành gì ở BK thế”. Mình bảo là mình học Nhiệt Lạnh, họ lại nghe ra Điện Lạnh, kiểu đi sửa mấy đồ điện, điều hoà ý, nghe nghĩ là thằng này học ngành bình thường, cùi cùi. Cũng khá buồn, rồi sau mình mới nói lại là có thể làm nhà máy điện và thiết kế và lắp đặt hệ thống điều hoà, phòng lạnh. Do mình hồi đó năm nhất mình nhiêu vậy nên là trả lờinhư vậy.Năm nhất và kỳ đầu của năm thứ hai mình không quan tâm đến ngành nhiều. Lúc ý chỉ muốn học cho tốt và điểm thật cao để xin học bổng hàng năm ở trường, đỡ được tiền phần nào, nay mai làm gì cũng dễ và cũng một phần quan trọng cho bố mình tự hào chút, vì bố mình không thích BK muốn hướng mình đi làm tài chính ngân hàng, tiện cho nay mai đi nhờ xin được việc ổn định. Nhưng nhà mình có vẻ gene giống nhau, không ai khen ai bao giờ, chỉ biết vậy thôi, nhưng trong tâm quý là được. Mình cũng vậy, ít khi khen ai, quý ai, người đó giúp mình nhiều thì mình cảm kích trong lòng.
Rồi năm hai, ba và bốn, như đã viết ra ở bài viết trước. Mình bắt đầu lạc lối không biết mình định theo hướng nào. Mấy năm cuối, mình học vượt tín chỉ nên hay ngồi học cùng mấy anh K62, lúc ý cố gắng hỏi thật nhiều để chuẩn bị trước hướng đi, rồi khi làm đồ án cùng mình hiểu được vài điều như thế này.Điều đầu tiên là chương trình có phần Outdated, cứ bấu víu mãi vào nhiệt điện than (moduel 1). Mình nghĩ bản thân các thầy cũng biết, ít thầy chú tâm vào dạy những cái mới. Có nhưng ít. Ít cập nhật cái mới, dạy đi dạy lại một quyển sách cũ mèm. Đúng là những cái là căn bản, mình đồng ý là cần phải dạy, nhưng độ cập nhật thì quá ít. Điều đó dẫn đến là Đồ án kỹ sư thì chỉ có ít bài mang tính mới. Cho phép mình dùng từ hơi thô “ Nó như con bò ợ lên nhai lại cỏ vậy”, nhai đi nhai lại một bài. Lúc thì nhà máy nhiệt điện đốt than phun, lò hơi tầng sôi, đốt rác phát điện. Sinh viên khoá dưới copy bài khoá trên, cop mà chả hiểu cái gì cả. Ví dụ là sinh viên cop hệ số không khí thừa α, chọn nó bằng 1.4. Thầy hỏi là cơ sở nào mà em chọn 1.4, bạn trả lời là em thấy nhiều anh khoá trên chọn vậy nên em chọn vậy. Thầy lại hỏi, cậu có biết năm ngoái cậu khoá trên cũng nói câu tương tự như cậu không?
Đi bảo vệ độ án các thầy hỏi vặn, không trả lời được, có xấu hổ chứ. Nhưng điều mình không đồng ý là các thầy vẫn cho trên 7, vì đồ án tín chỉ cao, bài này cho 4-5 điểm thì không ra được trường. Với cá nhân mình, mình nghĩ nên cho đi học lại. Học như thế ra trường thì lại mang tiếng trường, chất lượng đồ án sinh viên cũng phản ánh phần nào sự hướng dẫn của thầy nữa. Xin lỗi vì đoạn này, mình rất bực, nhưng mình thẳng tính. Có những cái gì nói thẳng, có thể nó khó nghe nhưng sự thật cần phải nhìn nhận. Bạn cần biết sự thật để bạn tiến lên đúng không nào? Cá nhân mình, đồ án, bắt đầu từ đồ án 2, mình và nhóm đã chọn hướng gần như ít ai làm vì cơ bản nó khó và khó có tài liệu để copy là về Tuabin ngưng hơi. Rồi Đồ án nghiên cứu cử nhân làm về phân tích chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của nhà máy điện động cơ đốt trong với hai kịch bản là kịch bản BAU- kịch bản cơ sở đốt Diesel và kịch bản thay thế là đốt LNG theo hãng Wärtsilä. Cả hai bài đều đạt điểm cao khi bảo vệ, mình rất tự hào về điều đó.
Điều thứ hai, mình nghĩ là thủ tục của ĐH BKHN quan liêu, mình rất nhớ câu chuyện mình từng bị bịp 300k xin giấy chứng nhận ranking như thế nào. Đáng nhẽ là một cái giấy chỉ khoảng đôi ba chục, photo ra nhiều bản là xong. Đằng này ông chuyên viên ở phòng đào tạo đòi 100k cho mỗi trường nước ngoài mà mình muốn học. Vâng, tổng cộng tôi xin ba tờ là 300k, xong lại phải đi dịch thuật sang tiếng Anh mỗi tờ, ông có thấy tôi chết bao nhiêu tiền không? Mọi việc chỉ bị vỡ lở khi có một bạn ở xa, bạn ý xin sau mình một năm. Nhưng chỉ sau chưa gần một năm, giá cả “lạm phát” lên tới 3 con số -100%, một tờ 200k, xin 5 tờ là 1 triệu mà còn chưa tính phí ship về nhà. Bạn ý cay quá, mới phản ánh việc này trên Yammer-mạng xã hội của trường. Thầy hiệu trưởng hứa giải quyết, nhưng ông chuyên viên ý, giờ vẫn làm việc ở phòng, còn giờ đã xin lỗi sinh viên chưa thì mình không biết. Chả lẽ, mấy hôm tới đến trường, phòng đào tạo đề nghị cấp lại giấy tờ trích sao bảng điểm, tôi nói vào mặt ông ý? Hèn vãi. Thứ nhất là mình hay bất kỳ bạn nào khác, chúng ta không phải đi xin xỏ ai cả. Xin xỏ họ có quyền không cho. Nhưng ở đây, lớn rồi, trên 18 tuổi, đóng tiền học, chúng ta là người trả tiền để hưởng dịch vụ, thế nên cứ nói là "đề nghị cấp giấy" đi. Nói to vậy thôi, chứ hồi còn làm sinh viên, thì mình cũng dễ bị ông ý bắt nạt lắm.
Cuối cùng, cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nhìn thẳng vào vấn đề thì có một vài hướng sau đây. Cái gì tạm coi là dễ nên mình viết trước. Module 3, làm điều hoà, ra trường hay trêu là có việc luôn, lương lậu bao nhiêu thì không biết, chắc khoảng 7-10 triệu, khó mà lương khởi điểm cao hơn 15tr hay 20tr được. Module 2, mới mở nên không rõ, chơi với một anh, giờ anh ý đi du học ở Hàn. Anh ý cũng phải cố gắng, rất cố gắng, nỗ lực và đi được. Truly, anh là một tấm gương đáng để mình học hỏi á. Module 1, okay, module này tôi học nên tôi nắm được. Câu chuyện từ K62, nhiều anh học rất giỏi và sáng trong ngành, nhưng cuối cùng vẫn chuyển nghề sang làm module 3, làm sale bán thiết bị lạnh đấy thôi. Mình cũng nói với một anh là em thấy anh học tốt sao anh không có theo module 1. Anh bảo là vì miếng cơm manh áo thôi em, anh cần phải sống được đã. Mình không hề chê trách điều này, vì nó bao gồm nhiều yếu tố có tiếp tục theo ngành nóng nưa không, có thể là do cơ hội nghề nghiệp ít thật, chương trình học và đào tạo không sát với thực tế hay bản thân người học chưa thực sự tìm hiểu và cố gắng nữa. Thôi thì cái gì sửa, cần cố gắng thì chúng ta làm vậy.
Bạn mình, ứng tuyển vào làm chỗ điện rác ở Sóc Sơn, đi làm vất vả, lương lậu cũng đủ trang trải cuộc sống phần nào. Hôm nó đi về dự lễ Tốt nghiệp ra trường với mọi người trong clb mà người nó gầy, đen đi nhiều, da sạn hết đi, nhìn thấy mà thương. Nghĩ đến đây, mình tự hỏi là cái lương cơ sở 18-30 triệu ở đâu ra vậy. Hay là muốn xin vào các NMNĐ miền Bắc, nhiều khi phải qua cửa sau, cũng phải bôi trơn mới vào làm được, mặc dù nhà máy cũng đã đủ suất rồi. Thảo nào khi đi bảo vệ đồ án, thầy có nói luôn là số lượng công nhân viên của nhà máy điện than, chắc phải gấp rưỡi hay gấp đôi so với “công suất thiết kế”.
Hướng của mình rất khó, vì ít ai trong Viện mình làm cái đó, may mắn gặp thầy hướng dẫn mình chỉ lối nên mình có động lực theo đuổi tới cùng. Mình nghĩ mình là thằng tự bơi giỏi và chịu khó theo mảng chuyển dịch năng lượng. God damn it, bạn không biết tôi phải tự cố gắng như thế nào đâu. Ra trường thất nghiệp, đợi lịch thi TA ở trường để có cái bằng nên tranh thủ đi học IELTS, học điện hạt nhân. Cũng may hồi đó mình học cử nhân 4 năm nên không bị áp lực đồng trang lứa (peer preesure) với các bạn K63 đang học Kỹ sư- hệ 5 năm. Tự bơi, tự học trên Coursera về năng lượng tái tạo, rồi tự tìm hiểu học bổng từ con số 0. Đi làm đầu tiên về lưu trữ năng lượng, học đủ thứ lạ liên quan đến Pin lưu trữ, thuỷ điện tích năng, tụ điện. Rồi đọc về chính sách và kinh tế trong năng lượng (Energy policy, energy economic). Nghiên cứu khoa học giai đoạn đầu về hydrogen cũng rất khó khăn, mò mẫm đủ đường. Viết bài báo thì cày cuốc mất 1 năm. Bố mẹ mình ở nhà sốt ruột lắm chứ, nhưng bố mẹ cũng không nói nhiều và tạo sức ép. Ban đầu mình định học Ths ở BK rồi apply học bổng DAAD. Nhưng từ khi BK không còn đẹp trong mắt mình nữa vì nhiều thứ như là Chương trình không mang tính mới, Nô lệ điểm rèn luyện, thủ tục quan liêu,.. nên mình quyết định tìm học bổng Ths học ở nước ngoài. May mắn và nỗ lực nên giờ mình cũng đỗ được học bổng.
Mình thẳng tính, và giờ mình tốt nghiệp rồi, không phải là sinh viên nên không nhất thiết là phải sợ ai trong trường như cái thời còn là sinh viên cả. Là sinh viên tốt nghiệp từ viện, từ trường. Mình vẫn rất cảm ơn các thầy, nhưng có lẽ Viện nên nhìn lại chương trình đào tạo và cách PR. Về bản thân mình, mình lựa chọn cách giúp Viện là hỗ trợ các bạn khoá dưới, nhận các bạn làm mentees theo hướng chuyển dịch năng lượng, mình cũng chỉ giúp miễn phí, không lấy đồng nào. Đi uống cà phê, mình cũng mời các em vì biết chúng nó là sinh viên, có bạn hoàn cảnh thì đòi tiền cà phê làm gì. Sau này đi làm có tiền, gặp nhau ở bên nước ngoài hay ở VN mời lại anh 1 buổi cà phê, uống nước là được. Mentor-Mentee, nên chỉ dừng lại ở mức giúp nhau, coi đó là hành động đẹp, không nên biến nó trở thành một công việc để kinh doanh. Nếu kinh doanh thì nên đổi tên thành Coach hay Tutor.
P/s: BK, I hate you like I do with Vietnam. But, somehow, I still love you. I really hope both of you can move forward. Hãy làm gì thực tế, đừng truyền thông kiểu phông bạt như thế này.
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất