Bẫy suy tư
“Làm công việc giờ hành chính, sáng đi tối về, nhận lương hàng tháng là sự ổn định bạn nên tránh”...
“Làm công việc giờ hành chính, sáng đi tối về, nhận lương hàng tháng là sự ổn định bạn nên tránh”
Không biết ai là người đầu tiên nói câu trên nữa, có thể họ bán khóa học nào đó.
Thực tế khi bạn lớn thì mới thấy rằng không có cái gì là ổn định, và cũng không có cái gì là mạo hiểm. Dù đã là vào ở công ty lớn vị trí cao, dù là nhận được nhiều công việc freelance.
Ôm đồm nhiều việc quá thì không kiểm soát được, ít quá thì lại lo lắng về tương lai. Có ai đó để tâm sự thì tốt, không có thì nằm lướt mạng xã hội hoặc dùng chất kích thích để xả stress.
Ai sai? Xã hội đang vận hành như vậy hay do chúng ta sai?
Hôm qua mình có nói chuyện với 1 bạn từng bị trầm cảm. Bạn ý bảo là do một thời gian dài gồng mình để tự chịu đựng những áp lực, che giấu cảm xúc tiêu cực.
Ai sai? Môi trường xung quanh hay là do chính bạn ấy?
Nếu chúng ta đứng ngoài thì dễ thấy được như thế nào là đúng, như thế nào là tiêu chuẩn. Nhưng ngay cả chính bản thân mỗi người cũng từng trải qua nhiều nỗi đau và có thể cũng đang vật lộn hàng ngày.
Cân bằng, trách nhiệm, tiêu chuẩn, chấp nhận,... quá nhiều sự ràng buộc trong cùng 1 lúc thì không dễ để có thể giữ được tinh thần ổn định được.
Liệu chúng ta có yếu đuối không? Có. Nhưng cũng chính vì thế chúng ta mới mạnh vì biết dựa vào cộng đồng. Mới phát triển xã hội được như hôm nay.
Chúng ta thường gắn những gì đang xảy ra lại với nhau để tạo thành câu chuyện có ý nghĩa.
Kiểu như: “Chúng ta đang không hạnh phúc vì đang làm một công việc ổn định, chúng ta phải khởi nghiệp mới hạnh phúc”
Thực tế thì công việc và hạnh phúc nó không tương đương như vậy. Mặc dù nó có chiếm một phần nào đó, nhưng không phải toàn bộ.
Không phải bởi vì chúng ta thích gán ghép các yếu tố mà bản năng con người muốn hợp lý hóa chúng để có thể kiểm soát được.
Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta tự sinh ra câu chuyện bi hài cho bản thân.
Điểm thú vị là ở: Các yếu tố chúng ta đang tương tác với nhau nó có liên hệ với nhau một cách chặt chẽ và nó thậm chí cũng chả có liên hệ gì với nhau.
Đọc hơi rối đúng không :)) Nhưng đó là sự thật.
Chúng liên hệ với nhau bởi vì khi chúng ta làm việc này thì có thể dẫn tới việc kia, nhưng cũng có thể không dẫn tới việc kia. Cuộc sống không bao giờ tuyến tính như vậy.
Để hiểu rộng, hiểu sâu, hiểu rõ việc các yếu tố chắc chắn tương tác qua lại với nhau như thế nào thì các nhà khoa học cũng chưa giải thích hết được. Như chuyện các nguyên tố chưa được khám phá, các trường năng lượng, linh hồn, các sự kiện tiền kiếp, quy luật nhân quả,...
Làm điều tốt có nhận lại được điều tốt không? Chưa chắc.
Người làm điều tốt mong muốn nhận lại tức là vì chính họ rồi. Tức là họ đã nhận được từ lúc họ làm điều đó rồi chứ không có cái gì đó sau nữa.
Đi càng sâu vào thì rất phức tạp nhưng cũng rất đơn giản. Nghe giống triết học nhỉ :)) Nhưng mình thấy rằng những thứ vô thường thì nó là vậy rồi, chỉ có cảm nhận được chứ giải thích thì không có ngôn từ.
Như vậy để nói là nếu chúng ta gán càng nhiều ý nghĩa cho những gì xung quanh thì nó lại càng đè nặng tâm trí và cảm xúc.
Chính chiếc bẫy suy tư này khiến chúng ta liên tục tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống hay một con đường hạnh phúc nào đó.
Ổn định hay không ổn định, khổ đau hay hạnh phúc, địa vị hay ẩn dật,... đều là những gì chúng ta đang cố gắng kiểm soát, cố gắng định nghĩa để đi theo 1 xu hướng tích cực.
Nhưng càng đi theo sự tích cực thì cuộc sống lại luôn đưa tới những bài toán tiêu cực cho ta.
Lý do là bởi tất cả các mệnh đề có 2 vế tích cực và tiêu cực nó đều không đối lập nhau mà khi 1 vế xuất hiện thì chắc chắn sẽ có vế kia.
Đi tới cõi niết bàn là buông mọi thứ, là giải thoát. Mình cũng chả biết nữa. Đây vẫn là sự khái niệm hóa để vẽ lên con đường mong cầu được thoát khỏi bể khổ.
Với một cuộc sống bận rộn với nhiều mục tiêu, nhiều ham muốn, nhiều sự tương tác giữa người với người thì không dễ để chúng ta không vướng vào tâm ma.
Nhưng có một điều thú vị mà mình nhận ra được là thế này.
Khi chúng ta càng biết nhiều lên thì càng tự tin với sự hiểu biết nhưng lại càng vướng vào nhiều vòng xoáy của sự lý tưởng hóa cuộc sống. Hay nói cách khác là cái tôi lớn lên. Càng bị áp lực vì phải tìm điểm cân bằng hoàn hảo.
Nhưng khi chúng ta biết nhiều hơn nữa thì mới thấy rằng chúng ta không biết gì cả, mọi sự là vô cùng.
Tới lúc đấy càng suy ngẫm về thế giới xung quanh thì càng thấy không có gì để suy ngẫm cả.
Giống như trái đất cũng chỉ là 1 chấm trong thiên hà này. Mọi đau buồn, vui khổ, hạnh phúc của chúng ta cũng chỉ là một lần nháy mắt so với vũ trụ này.
Thi thoảng chắc mình cũng cần ngồi lại không làm gì để bớt suy nghĩ nhiều, để cảm nhận rằng có lẽ được sống, được trải nghiệm cuộc đời này là 1 đặc ân rồi.
Hy vọng bạn có thêm được góc nhìn nào đó sau bài viết này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn đọc thêm bài viết của mình tại đây nha:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất