Người ta còn giàu có thêm vì những nỗi khốn cùng – Saint-Ex  

Vẫn là những câu văn bay bổng nhẹ nhàng như thơ như ở “Hoàng Tử Bé”, nhưng hiện hữu một tinh thần thép, ý chí vĩ đại. Cuốn sách không phải chỉ viết cho nghề lái máy bay, mà cho tất cả chúng ta. 
Mặt đất, cánh đồng bầu trời, bão tuyết, lốc xoáy, ánh đèn, màn đêm.
Sống, làm việc, gặp nạn, ra đi.
Người ở lại, tiếp tục cuộc đời. 
Thuộc thế hệ đầu của ngành hàng không giai đoạn khai sinh, Sain-Ex viết như kể lại đời mình. Thế nên rất thật. Cứ như một thước phim tài liệu. 
Anh phi công với những cảm xúc dung dị mà sâu lắng về mái nhà, ngọn đèn dưới kia và bầu trời sao của riêng anh, cõi không gian vô tận, ẩn nấp những cơn giông. 
Dòng điện tín tít tít báo tin, cái cười rạng rỡ khi máy bay hạ cánh an toàn, bồn chồn day dứt khi máy bay mất dấu trong bão.
Cô vợ trẻ thao thức đếm từng giờ chờ chồng đi bay về, nhưng anh đã không về nữa.
Rivière, người quản lý đội bay kiên nghị, đã từ bỏ tất cả các toan tính về hưu và xem công việc chuyên chở thư tín như là mục đích đời mình. 
Hình tượng Rivière trong Bay đêm là mẫu mực cho người lãnh đạo. Kiên quyết, không vị tình, cả nể, vì “ông là chỉ huy, yếu đuối thì thật là lố bịch”. Và luôn tâm niệm tinh thần một người vì mọi người, vì nghĩa quên thân.
Quyền lợi chung do các quyền lợi riêng hợp thành: nó không biện bạch thêm một tí gì khác.
Tai nạn hàng không luôn đi liền với mất mát vĩnh viễn, mất hút trong không gian. Anh phi công cuối cùng đã bất lực trước tai họa thiên nhiên, nhưng trước đó anh đã sống cả đời mình với con chim sắt, với anh nó không phải là 5 tấn sắt vô cảm mà là một thực thể sống. Đó là ý nghĩa đời anh, anh đã sống trọn rồi. 
Đứng trước mất mát ai không đau. Nhưng điều quan trọng hơn là câu chuyện đằng sau đó. Thân xát nhân gian ai rồi cũng tan, không kiểu này thì kiểu khác, chẳng sớm thì muộn, nhưng làm sao để còn lại được điều gì cho đời thì có phải ai cũng làm được đâu. Mà một khi đã sống được một đời tươi đẹp, dù ngắn hay dài cũng không còn gì để tiếc nữa. 
Vì thật ra
Chúng ta không cần đến sự vĩnh cửu. Điều mà chúng ta cần là không để những hành động và sự việc đột nhiên mất đi ý nghĩa thực sự của chúng. Nhờ đó, thế giới xung quanh chúng ta sẽ mở toang ra từ mọi phía
Đây là một trong những cuốn truyện dịch được chuyển ngữ một cách hoàn hảo, đẹp không gắng gượng. 110 trang không từ, câu nào thừa thãi. Đẹp từng chút một, đến cả từng dấu phẩy. 
Như “đồng nội rực rỡ ánh vàng, sáng kéo dài đến bất tận”
Cuốn này được xếp vào kệ sách văn học thiếu nhi. Thiếu nhi nào mà hiểu được những điều suy tư “người lớn” như này thì chắc già trước tuổi rồi.