Cao- Thiên- Hoà- Bình

Ngày 10/10/1954 quân Pháp rút khỏi Hà Nội, theo sau là hàng vạn dân di cư vào miền Nam. Các chiến hạm Mỹ chở dân di cư lui tới như con thoi. Phi cơ nhà binh Pháp cũng chở các gia đình công chức và quân nhân làm việc cho họ. Nhiều tai nạn chết người khi phụ nữ đội con trên vai bì bõm lội nước chạy theo các tàu chở người di tản.
Công việc đầu tiên của Diệm là giành đất cho dân công giáo di cư an cư lạc nghiệp. Sau đó, Diệm bắt đầu xiết các phe phái đối lập. Diệm theo sách của quan thầy là thò củ cải ra mua chuộc các lãnh tụ giáo phái, được thì tốt, không được thì quơ cây gậy lên quất, thúc ép thiên hạ theo mình.
Bấy giờ Cao Đài và Hoà Hảo mới thấy tiếc thời kỳ sống chung với quân đội Pháp. Nhưng hối tiếc thì đã muộn. Diệm có cố vấn Mỹ theo sát, đó là đại tá tình báo Edward Lansdale chuyên làm "thầy dùi" cho các yếu nhân tranh ghế tổng thống. Ngay từ đầu, Lansdale chống lại việc chọn Diệm làm thủ tướng. Hồ sơ không được công bố cho biết Lansdale đánh giá quyết định này là phi lý. Tuy nhiên chính phủ Mỹ quyết định chọn Diệm vì Diệm là "nghĩa tử" của Mike Mansfield, một nhân vật có thế lực vào bậc nhất thời bấy giờ. Mỹ nói với Pháp: "các ông đã thua trận và mất một nửa Việt Nam. Chúng tôi đã viện trợ quá nhiều vũ khí và tiền bạc để cứu vãn tình thế. Nếu các ông không cứu được miền Nam thì các ông tránh xa ra, đừng cản trợ chúng tôi ủng hộ ông Diệm".
Cố vấn Lansdale đích thân "chiêu hồi" các lãnh tụ giáo phái. Đầu tiên là Trịnh Minh Thế, chỉ huy Cao Đài Liên minh ở bến cầu, từ lâu tách khỏi Toà Thánh Tây Ninh, độc lập tác chiến và có xu hướng thân Mỹ.
Pháp chỉ thị cho Bảy Viễn đứng ra lập mặt trận Quốc gia Toàn lực qui tụ các giáo phaí: Cao Đài, Hoà Hảo, Thiên Chúa và Bình Xuyên để chống Diệm, gọi tắt là Cao- Thiên- Hoà- Bình. Bấy giờ Cao Đài Tây Ninh có quân đội dưới quyền tướng Nguyễn Thành Phương, quân số đông gấp 10 lần quân Cao Đài Liên minh của Trịnh Minh Thế, và cũng đông gấp 10 lần quân bộ đội Bình Xuyên của Bảy Viễn. Nhưng Bảy Viễn vẫn là nhân vật chủ chốt trong Mặt trận Quốc gia Toàn lực vì quân đội Bình Xuyên nổi tiếng thiện chiến nhờ 3 năm sống trong vùng Việt Minh, từng đụng độ nhiều trận nảy lửa với quân đội Pháp.
Tương quan lực lượng giữa Mặt trận Quốc gia Toàn lực với quân đội Diệm rất chênh lệch. Diệm chỉ có 2 tiểu đoàn người Nùng là lính đánh thuê cho ai trả tiền cao, sau lưng Diệm là Mỹ với số tiền viện trợ ngày càng tăng. Lansdale đã mua Trịnh Minh Thế và lăm le mua Nguyễn Thành Phương.
Thiếu tướng quân đội Quốc gia Trịnh Minh Thế
Thiếu tướng quân đội Quốc gia Trịnh Minh Thế
Còn Bình Xuyên thì Lansdale uỷ quyền cho tướng O' Daniel qua tổng hành dinh ở dạ cầu Chữ Y thương lượng. Chuyện mua bán này thật gay go vì Bảy Viễn là thủ lĩnh của Cao- Thiên- Hoà- Bình đồng thời là nghĩa đệ của Bảo Đại.

Hồ Hữu Tường giúp Bình Xuyên chống nhà Ngô

Ngày kia có 1 chính khách tới tìm Bảy Viễn, ông ta trao danh thiếp: " Trịnh Khánh Vàng, nguyên Khu bộ phó chiến khu 9".
Vàng nói với Viễn: Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng, chúng sẽ hất Bảo Đại và người Pháp ra. Chúng không thi hành hiệp định Genève, không thống nhất đất nước. Miền Nam này sẽ là 1 phần đất của "Thế giới Tự do", lệ thuộc vào Huê Kỳ. Nếu Thiếu tướng muốn nghe chuyện tình hình thế giới và trong nước thì ông học gỉa Hồ Hữu Tường sẽ đích thân đến đây trình bày, ông Tường là trưởng nhóm của chúng tôi.
Hai giờ chiều, Hồ Hữu Tường- học gỉa số 1 của miền Nam đến gặp Viễn.
Hồ Hữu Tường trình bày thế 3 chân vạc như sau:
_ Pháp đang bị chiến trường Bắc Phi chi phối nên sẽ về nước lo việc đàn áp phong trào kháng chiến giành độc lập, giao miền Nam lại cho Mỹ. Mỹ không ký hiện định Genève nên không bị buộc phải tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền, Việt Nam sẽ bị chia 2 vĩnh viễn. Tôi nói về vấn đề giáo phái, Pháp yếu nên nên dựng giáo phái lên làm đồng mình đánh Việt Minh. Mỹ mạnh nên không cần chia quyền cho ai. Mỹ sẽ diệt giáo phái trước rồi đánh Việt Minh mà nay chúng gọi là Việt Cộng. Hiện nay trên bàn cờ có 3 thế lực tương tranh quyền lực. Mỹ- Diệm, Việt Cộng và Bình Xuyên- Hoà Hảo- Cao Đài. Pháp thì kể như chiến bại, tạm thời ở miền Nam trông coi trật tự và thi hành Hiệp định Genève, nhưng trên thực tế thì đã "bán cái" cho Mỹ. Chúng ta đang ở thế 3 chân vạc như truyện Tam Quốc. Việt Cộng tạm thời án binh bất động, tôn trọng hiệp định Genève, giáo phái phải liên kết với ai để chống Mỹ- Diệm? Đồng minh lớn nhất của chúng ta hiện này là Pháp, nhưng Pháp lại bị loại khỏi vòng chiến. Mỹ tự nhận là đồng minh của Pháp, viện trợ tiền bạc cho Pháp nhưng thực chất chỉ muốn Pháp yếu kém ở Đông Dương để nhảy vào. Mâu thuẫn giữa Đế quốc với Đế quốc là như thế. Bởi vậy Pháp hận Mỹ, Mỹ đưa Diệm về là hất Bảo Đại, hất luôn cả Pháp. Tất nhiên là Pháp sẽ đứng sau lưng ta nếu ta dũng cảm chống Diệm. Mà chống Diệm tức là chống Mỹ.
Trịnh Khánh Vàng tiếp lời:
_ Một người bạn của chúng ta, xin giấu tên, tặng thiếu tướng 1 đài phát thanh để chúng ta "đấu khẩu" với Đài phát thanh Sài Gòn. Tôi cũng đã thuyết phục được anh Văn Thiệt, 1 phát thanh giỏi bỏ đài Sài Gòn để đi theo mình. Rồi đây dòng họ nhà Ngô sẽ bị Thiệt kể tội từ đời ông cố, ông sơ tới Ngô Đình Khả trở xuống.
Cuộc nói chuyện của Hồ Hữu Tường mở màn cho đám chính khách salon đầu quân lực lượng Bình Xuyên. Bảy Viễn và thân tín vui mừng ra mặt. Từ lâu anh em Bình Xuyên mặc cảm ít học, lép vế so các đối thủ tư sản tri thức.Nay bỗng nhiên nhóm trí giả Hồ Hữu Tường đầu quân dưới trướng, Bình Xuyên không còn là những cái đầu dốt đặc cán mai.
Trước nguy cơ bị Diệm tiêu diệt, các giáo phái sốt sắng gia nhập Mặt trận Quốc gia Thông nhất chống nhà Ngô. Đài phát thanh Bình Xuyên ra rả ngày đêm chửi bới dòng họ Ngô.

Dẹp Đại Thế Giới

Diệm không mua được Viễn nên đi nước cờ cao: Mời Cao Đài đưa 2 đại biểu vào chính phủ. Hoà Hảo cũng được 2 ghế. Nhưng 4 ghế này chỉ hữu danh vô thực vì tất cả quyền hành đều nằm trong tay nhà Ngô. Dù vậy, khi tỏ lòng ưu ái Cao Đài, Hoà Hảo, Diệm muốn mọi người thấy nhà Ngô đã cô lập Bình Xuyên.
Tháng 12/1954, nghe lời quân sư Lansdale, Diệm mời Bảy Viễn đến Dinh Độc Lập thương lượng:
_ Hiệp định Genève chia 2 đất nước. Miền Bắc rơi vào tay Cộng Sản. Muốn diệt Cộng phải đoàn kết giáo phái. Cao Đài và Hoà Hảo đã chịu đưa quân về tăng cường cho quân đội Việt Nam Cộng Hoa. Còn Bình Xuyên thì sao?
_ Đấu tranh giành độc lập từ lâu là mục đích của Bình Xuyên, chúng tôi có lối đánh riêng thích hợp với thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Nay Thủ tướng đề nghị sát nhập với quân đội Cộng Hoà e chiến đấu không hữu hiệu như trước. Chi bằng cứ làm như người Pháp trước đây, tức là chia vùng cho giáo phái chống Việt Minh tiếp tay với chánh phủ Trung ương.
Cuộc hội kiến kết thúc nhanh chóng, không đi tới đâu. Không đầy 30 phút sau, Viễn rời đi khỏi dinh Độc Lập.
Không chịu thua cuộc, 20 ngày sao. Diệm nhờ tướng O' Daniel tới tổng hành dinh Bảy Viễn thuyết phục lần nữa. Lần này tình hình có đổi khác, 4 bộ trưởng Cao Đài, Hoà Hảo đã từ chức và gây sức ép yêu cầu Diệm thay đổi nội các chánh phủ quá nặng nề về gia đình trị. Báo chí Sài Gòn gọi đây là tối hậu thư mà giáo phái buộc Diệm phải cải tổ bộ máy hành chính trong vòng 5 ngày.
Đầu năm 1955, Diệm ra lệnh đóng cửa giải trí trường Đại Thế Giới. Viễn bay sang Pháp gặp Bảo Đại tính kế đối phó.

Bảy Viễn đánh Ngô Đình Diệm

Ngày 28 tháng 3 quân Bình Xuyên đã mở cuộc tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập, sang tháng 4 thì tấn công thành Cộng Hòa. Ban đầu quân đội Bình Xuyên giành được không ít lợi thế, nhưng sau đó bị các đơn vị Nhảy dù Quân đội Quốc gia do Trung tá Đỗ Cao Trí chỉ huy sau năm ngày đã nhanh chóng áp đảo và đánh bật ra khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn. Quân đội Quốc gia phản công, đáng kể nhất là lực lượng người Nùng thiện chiến của Ngô Đình Diệm đã đánh sang tận Tổng hành dinh của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn và rút về mật khu Rừng Sác, hai bên sau đó vẫn giằng co suốt nhiều tháng trời. Thủ tướng Diệm quyết định đặt Bảy Viễn và các thuộc cấp là Lại Văn Sang và Lại Hữu Tài ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 21 tháng 5, Bảy Viễn và các thuộc cấp bị truy tố trước Tòa án Quân sự về các tội danh phá hoại và phản quốc. Ngày 21 tháng 9, Thủ tướng Diệm tổ chức Chiến dịch Hoàng Diệu (1955) do Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy để truy kích tàn quân Bình Xuyên đang cố thủ tại mật khu Rừng Sác. Bảy Viễn may mắn được Pháp giúp giải thoát và đưa sang Pháp bằng phi cơ, kể từ đây Viễn bắt đầu cuộc sống lưu vong.
Các lãnh đạo giáo phái, từ trái sang phải, Bảy Viễn (<a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99_%C4%91%E1%BB%99i_B%C3%ACnh_Xuy%C3%AAn">Bình Xuyên</a>),&nbsp;<a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_C%C3%B4ng_T%E1%BA%AFc">Phạm Công Tắc</a>&nbsp;(<a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_Cao_%C4%90%C3%A0i">Cao Đài</a>) và&nbsp;<a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_So%C3%A1i">Năm Lửa</a>&nbsp;(<a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_H%C3%B2a_H%E1%BA%A3o">Hòa Hảo</a>), ảnh từ video clip
Các lãnh đạo giáo phái, từ trái sang phải, Bảy Viễn (Bình Xuyên), Phạm Công Tắc (Cao Đài) và Năm Lửa (Hòa Hảo), ảnh từ video clip

Chuyện ngoài lề

Con trai Lê Paul

Ngô Đình Nhu tịch thu tất cả tài sản mà Bảy Viễn gửi ngân hàng, Nhu tin rằng Bảy Viễn còn cất giấu nhiều tiền bạc, kho báu ở đâu đó nên bắt Lê Paul làm con tin yêu cầu Bảy Viễn nhả ra. Nặng tình cốt nhục, Bảy Viễn khai hết cho Nhu tất cả tiền gửi nhà băng, nhưng Nhu quá tham cho rằng tiền trong nhà băng thuộc về Việt Nam Cộng hoà, chuộc lại Lâ Paul phải là số tiền Viễn cất giấu- thật ra là không có kho tàng nào cả. Thế là số phận người con trai 27 tuổi của Bảy Viễn được Ngô Đình Nhu giải quyết theo luật giang hồ: Ngày 14/4/1956, xe cảnh sát đưa Lê Paul ra khỏi pót Phú Lâm, chạy về Phú Định, giữa đường xô xuống bắn chết.

Sống lưu vong

Ngày 13 tháng 1 năm 1956, Bảy Viễn và các thuộc cấp (Đã lưu vong) bị Tòa án Quân sự tuyên án tử hình khiếm diện về tội danh phá hoại và phản quốc, tước binh quyền và tịch thu tài sản.
Sau khi lưu vong, dù sống nơi xứ người, Bảy Viễn vẫn luôn dõi theo tình hình chiến sự ở Việt Nam. Theo các tài liệu và thư từ còn lưu giữ được bảo tồn ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hiện nay, thì sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ (1954-1963), Diệm và Nhu chết trong thiết xa vận M.113 trên đường từ nhà thờ Cha Tam- Chợ Lớn về Sài Gòn, Ngô Đình Cẩn thì bị Nguyễn Khánh xử tử. Bảy Viễn thấy sự đời như giấc mơ, vinh đó rồi nhục đó. Bảy Viễn liên tục gửi nhiều bức thư cho chính quyền mới ở Nam Việt Nam, phần lớn mang nội dung rằng Viễn xin được cùng gia đình hồi hương, trở về Việt Nam để sinh sống như những công dân bình thường, và cam đoan không can hệ đến chuyện quốc sự, nhưng nếu chính quyền có thiện ý mời ông làm cố vấn tiếp tục đối kháng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, thì dù có tuổi cao sức yếu, Viễn vẫn vui lòng góp sức. Tuy nhiên, những bức thư với lời lẽ trang trọng này lại không được đón nhận, và Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn xếp xó vào kho lưu trữ tư liệu dưới dạng văn bản mật. Ngoài thư từ, có hẳn một công văn của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa đề cập đến vấn đề lo ngại việc ông Lê Văn Viễn giữa các năm 1965 và 1968 đã thực hiện những chuyến du lịch đến các quốc gia láng giềng lân cận như Thái Lan và Campuchia, nhưng thực chất là đến tham dự các cuộc họp của các nhóm chính trị lưu vong ở hải ngoại.
Bảy Viễn có năm người vợ cùng nhiều con cái, tất cả đều được ông đón sang Pháp. Các con của Bảy Viễn đều đỗ đạt thành tài và có địa vị khá trong xã hội Pháp. Con cháu, hậu duệ Bảy Viễn vẫn ở Pháp. Những năm tháng lưu vong, nhờ vào khối tài sản khổng lồ trong các ngân hàng mà Bảy Viễn sống thoải mái cùng gia đình trong một ngôi biệt thự ở ngoại ô Paris. Năm 1972, ông từ trần tại ParisPháp, hưởng thọ 68 tuổi. Thân thế và cuộc đời của ông được nhiều báo ghi chép.