Bảy Viễn- Thủ lĩnh Bình Xuyên (P.2)
Sau nhiều mâu thuẫn, bất đồng chính kiến (việc Nguyễn Bình giết giáo chủ Hoà Hảo Huỳnh Phú Sổ) Bảy Viễn từ chối chức Khu trưởng Khu...
Về thành
Sau nhiều mâu thuẫn, bất đồng chính kiến (việc Nguyễn Bình giết giáo chủ Hoà Hảo Huỳnh Phú Sổ) Bảy Viễn từ chối chức Khu trưởng Khu 7 và không còn muốn hợp tác với Việt Minh. Trên đường từ Đồng Tháp về Rừng Sác, Bảy Viễn và đoàn tùy tùng bị Trung đoàn 306 của Nguyễn Bình phục kích trong đêm nhưng vì đã đề phòng và chống trả quyết liệt nên Bảy Viễn thoát khỏi vòng vây.
Bảy Viễn thông báo đã suy nghĩ kỹ, Viễn quyết định ra đi, trở về Sài Gòn vì không thể sống chung với những người mà ông xem là bất công và xảo quyệt. Mười Trí đã tiên liệu trước, nên dù rất thất vọng về Bảy Viễn và về sự bất lực của mình, vẫn đồng ý tiễn Viễn đi một đoạn dài đến tận xã Hưng Long (Bình Chánh), kể từ đó, cả hai thuộc hai chiến tuyến khác nhau. Mười Trí có làm một bài thơ cảm động về hoàn cảnh này. Điều đặc biệt, bài thơ vẫn được lưu truyền đến nay, gần thị trấn Cái Tàu Hạ, nhiều cụ cao niên vẫn còn nhớ bài thơ ly biệt của Mười Trí.
Ngày 17/6/1948 Bảy Viễn tuyên bố Lực lượng Bình Xuyên trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia, cùng mang theo 280 vũ khí đủ loại đặt bản doanh tại số 31 Đại lộ Gaudot (Nay là đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi về hợp tác với Pháp và Chính phủ Quốc gia, ngày 1/8/1948 là ngày trọng đại đối với Bảy Viễn, được Tướng Pierre Boyer de Latour gắn lon Đại tá và thuộc quyền Tổng trấn Nam Phần. Cũng từ ngày nay 3 tiểu đoàn Bình Xuyên được cấp lương hàng tháng, Bảy Viễn mừng rỡ biết chắc tương lai của mình được bảo đảm.
Tường De La Tour giao ngay công tác cho Bảy Viễn: vai trò bảo vệ an ninh thành phố Sài Gòn- Chợ Lớn và diệt các đầu mối tiếp tế tiền bạc, thuốc men cho Việt Minh.
Từ ngày ấy, dân Sài Gòn thấy lính Bình Xuyên tụ tập ở các ngã ra vào thành phố. Tiếng là đón bắt Việt Minh len lỏi ra vô thành nhưng thực tế thì đám lưu manh này dòm ngó những nhà có máu mặt để làm tiền, đón đường phụ nữ đẹp đi chợ để trêu ghẹo, cợt nhả. Nhiều vụ ẩu đả xảy ra trong quán nhậu vì tranh giành gái. Lính Bình Xuyên trở thành mối lo sợ của người dân lương thiện.
Ngày 1 tháng 1 năm 1951, bằng thế lực của mình, "Cọp Rừng Sác" Bảy Viễn đấu thầu thành công và thâu tóm sòng bạc Đại Thế Giới (Casino grand Monde) ở Chợ Lớn vốn thuộc hàng lớn nhất nhì Châu Á hoặc có lẽ toàn Thế giới lúc bấy giờ mà trước đó thuộc quyền quản lý của Lâm Giống, trùm cờ bạc Ma Cao. Theo hồ sơ về tỷ phú Hoa kiều Lý Long Thân do Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa lập, hiện lưu trữ tại Cục lưu trữ Việt Nam, thì Lý để cầu thân Bảy Viễn đã bỏ số tiền hơn 4 triệu Franc để tổ chức tiệc chiêu đãi Bảy Viễn và thuộc cấp tại hý trường Đại Thế Giới. Sau đó Lý còn đề nghị Bảy Viễn đứng ra thầu lại sòng bạc Đại Thế Giới dưới sự hỗ trợ tài chính của chính mình với giá 500 nghìn đồng Đông Dương/ngày. Được tỷ phú Hoa kiều hỗ trợ nên Bảy Viễn dễ dàng trúng thầu khai thác "sới bạc" Đại Thế Giới, đó cũng là mong muốn của Bảy Viễn vì nắm được Đại Thế Giới là nắm được Chợ Lớn, thành phố Trung Hoa giàu có của Việt Nam vừa rộng lớn vừa nhộn nhịp bậc nhất Thế giới, nhiều khả năng thịnh vượng hơn cả Khu phố Tàu ở San Francisco của Hoa Kỳ. Viễn còn trúng thầu sòng bạc Kim Chung (Casino Cloche d'Or), tại khu vực ngày nay là khu chợ Dân Sinh sát cạnh trung tâm thành phố Sài Gòn, đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang công khai hoạt động. Có tài liệu còn cho thấy Bảy Viễn móc nối với tên trùm Franchini người đảo Corse (Pháp) - cũng là chủ sở hữu đương thời của Khách sạn Continental - để buôn thuốc phiện và ma túy từ Tam giác Vàng qua Việt Nam rồi tới Âu-Mỹ. Theo các tài liệu trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thì Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn còn tham gia vào rất nhiều các ngành kinh doanh và khai thác khắp Nam Kỳ (Đơn cử như việc Bảy Viễn đứng ra mở sơn tràng khai thác gỗ ở khu vực Sài Gòn-Vũng Tàu cũng như nhiều công trường khác trên cao nguyên, rồi thu thuế, thiết lập các đoàn vận tải, thiết lập các công ty xe đò từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây và Vũng Tàu), nhưng Lực lượng Bình Xuyên do ông chỉ huy vẫn là một đơn vị độc lập, vừa là quân đội vừa là tổ chức xã hội đen khét tiếng.
Năm 1949, Bảy Viễn cho xây Tổng hành dinh phía bên kia cầu chữ Y (Hướng quận 8 ngày nay, vị trí sát dạ cầu, bị phá hủy sau khi tướng Dương Văn Minh đánh bại quân Bình Xuyên). Viễn cũng là người bảo trợ cho ngôi chùa Bảo Quốc ở gần đấy (Bảo Quốc tự, nay cải danh là chùa Linh Phước, tọa lạc tại số 139 đường Dạ Nam, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo báo Người Lao Động thì Bảy Viễn sở hữu một ngôi biệt thự sang trọng ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, tọa lạc tại số 10 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, Bảy Viễn còn sở hữu không ít dinh thự trong Chợ Lớn, một trong số đó tọa lạc sát bên hý trường Đại Thế Giới (Nay là tòa nhà số 20 đường Ngô Quyền, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).
Khu vực Chợ Lớn khá phức tạp và không tướng lĩnh lẫn quan chức Pháp nào có thể khiến tình hình yên ổn cho đến khi Bảy Viễn quay về vì thời thanh niên Viễn từng làm mưa làm gió ở Chợ Lớn nên rất am tường địa bàn này. Vốn là người Hoa nên Bảy Viễn rất trọng chữ tín, luôn sòng phẳng trong việc kinh doanh và cũng nhờ tiếng tăm lực lượng Bình Xuyên mà chỉ trong thời gian ngắn sau khi về thành, Viễn đã dàn xếp ổn thỏa với các bang nhóm người Hoa giúp mang lại an ninh trật tự, ngay cả các chủ sòng bạc và các tay xì thẩu người Tàu sừng sỏ nhất cũng không dám bàn cãi dây dưa với đại diện của 3 nghìn tay anh chị quen chém giết được võ trang tận răng. Chợ Lớn còn là khu vực kinh tế trọng yếu của thủ đô Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam, kết nối với Nam Kỳ Lục tỉnh cũng như vựa lúa của toàn cõi Việt Nam lẫn Đông Nam Á, và vì Bảy Viễn từng theo Việt Minh kháng chiến, hiểu rõ lối đánh và tư duy giao tranh của Việt Minh, với sự hiểu biết ấy và mong muốn tiêu diệt quân Nguyễn Bình ở Sài Gòn đã giúp Viễn tiêu diệt quân Cộng sản trong một thời gian rất ngắn. Sau khi Bảy Viễn nắm được Đại Thế Giới vào năm 1951 thì cả người Pháp lẫn Bảo Đại đều tin tưởng giao cho Viễn toàn quyền kiểm soát Sài Gòn-Chợ Lớn với hy vọng rằng ông sẽ quét sạch các cơ sở hạ tầng và kinh tài của Cộng sản Việt Minh khỏi thành phố, đặc biệt là ở Chợ Lớn vì đây vốn là khu vực kinh tế trọng yếu của thủ đô Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam, nên Viễn vừa cai quản để giữ an ninh trật tự vừa trông chừng không để Việt Minh thâm nhập quấy phá hòng kiếm tiền hưởng lợi nhằm phát triển lực lượng. Bảy Viễn chính thức trở thành ông chủ Chợ Lớn.
Trong khoảng thời gian vàng son khi nắm trong tay quyền lực to lớn, vừa là tướng quân đội, vừa nắm toàn quyền ngành an ninh nhưng đồng thời cũng thao túng nhiều hoạt động kinh doanh cùng thế giới ngầm tội phạm, Bảy Viễn trở thành một trong những ông trùm mafia giàu có và quyền lực nhất Đông Dương, thậm chí toàn cõi Đông Nam Á. Bảy Viễn xứng danh là "Bố già" của Việt Nam không thua gì các "Bố già" trùm mafia nổi danh của Ý và Mỹ. Trong giới giang hồ miền Nam trước năm 1975 thì Bảy Viễn là người thành công nhất về quyền lực, sự giàu sang cũng như đạt đến đỉnh cao danh vọng.
Tranh giám đốc cảnh sát, Tư Thiên bị giết, kẻ chủ mưu là ai?
Tư Thiên- Maurice Thiên, tay tư sản khá giả và cũng là nhân viên Phòng Nhì hoạt động dưới danh nghĩa người hỗ trợ tài chính.
Dân Sài Gòn- Chợ Lớn có cái thú sáng sớm ngồi uống cà phê trên vỉa hè, nghe đủ tin tứ thế giới và trong nước. Maurice Thiên là 1 trong những người ghiền cà phê vỉa hè và quán quen thuộc của sếp Tàu lai này nằm ngay ngã tư, trước cổng Đại thế giới. Chủ quán ưu tiên cho Tư Thiên bàn số 1, sáng sớm là Tư tới, tay ôm tờ báo nhưng chỉ lướt qua tít lớn mà không đọc nội dung chi tiết. Tư nói: "Mình ít có thời giờ đọc báo, chỉ đọc tít chớ không đọc tét (texte)"
Một sáng, Tư Thiên đang ngồi tại tiệm cà phê nói trên thì 1 chiếc Traction màu đen chạy qua, chạy khá nhanh, vượt tốc độ qui định trong thành phố là 40km/h. Đúng lúc xe ôm cua quẹo phải, một người ngồi băng sau xả tiểu liên vào ngực Tư Thiên. Tư Thiên chết ngay tại chỗ. Cái chết của Tư Thiên khiến dân Sài Gon- Chợ Lớn bàn tán sôi nổi.
Có dư luận cho rằng thủ phạm giết Tư Thiên là Tư Sang (Anh em Lại Văn Sang - Lại Hữu Tài với vai trò cố vấn thân cận, luôn theo sát Bảy Viễn)
Vì sao Tư Sang bị nghi giết Tư Thiên? Từ khi Bảy Viễn về thành, hai anh em họ Lại cũng theo về, Tư Sang nhăm nhe chức Giám đốc cảnh sát đô thành, khi thấy Bảy Viễn tính ban chức này cho Tư Thiên thì Tư Sang ra tay khử đối thủ nặng ký.
Nghi vấn khác thì cho răng giết Tư Thiên là Bảy Viễn. Lí do khi Bảy Viễn trở thành nhân vật quan trọng trong giới Hoa thương triệu phú ở Chợ Lớn, nhiều người ủng hộ Bình Xuyên hàng triệu, hàng tỉ bạc để làm ăn, số tiền này giao cho Tư Thiên chuyển về cho Bảy Viễn. Tư Thiên biển thủ 3 triệu, sự viện bị bại lộ, cả năm bang trưởng người Hoa tố giác Tư Thiên. Bảy Viễn lập bang điều tra, giao cho con trai mình là thiếu tá Lê Paul thẩm vấn. Bảy Viễn ra lệnh thủ tiêu Tư Sang.
Do các nguồn tin trái ngược nhau nên cái chết của Tư Thiên đến nay còn là 1 ẩn số.
Bảy Viễn và Bảo Đại
Chưa bao giờ Bảy Viễn yêu đời như lúc này, từ 1 tay giang hồ nhiều lần vào tù ra khám, 3 lần vượt ngục Côn Đảo mà nay mang lon 2 sao quân đội Pháp. Dưới trướng có các tay chân thân tín giao việc, Bảy Viễn chỉ có việc chiều chiều xuống phòng tài chính xem các cô thu ngân đếm bạc, ghim thành từng xấp cho vào tủ sắt.
Một đêm đi chơi tửu lầu, Bảy Viễn gặp lại Huỳnh Đại- ân nhân thời xa xưa. Huỳnh Đại là thương gia Hoa kiều có máu Mạnh Thường Quân từng cưu mang Bảy Viễn lúc mãn tù nghèo đói lang thang.
Lai lịch Huỳnh Đại giống tỷ phú Hui Bon Hoa (chú Hoả- dân Sài Gòn biết toà lâu đài nguy ngoa của chú Hoả chỉ kém dinh toàn quyền một chút). Huỳnh Đại xuất thân Quảng Đông (gốc Tiều) sang Sai Gòn với chiếc đòn gánh và 2 cái thúng, cả ngày lặn lội mua ve chai sinh sống. Có chút vốn, chuyển sang bán kẹo. Lần hồi làm ăn khấm khá, mở quán hủ tíu vùng ngoại ô, dọc kinh Tàu Hủ. Chính lúc đó cưu mang Bảy Viễn.
Khi gặp lại nhau Huỳnh Đại đã là chủ nhân tửu lầu Đại La Thiên sang trọng vào nhất nhì Chợ Lớn.
Huỳnh Đại khuyên Bảy Viễn nhìn xa trông rộng, với số vốn bạc triệu, bạc tỉ nên lập nhà băng, mua bán bất động sản, một vốn bán lời, noi gương như chú Hoả, người sở hữu phân nửa phố xá Sài Gòn- Chợ Lớn. Huỳnh Đại cho rằng Bảy Viễn nên tìm cách liên hệ Cựu hoàng Bảo Đại, nay là Quốc trưởng. Một người quen ăn xài như vua, lương bổng bao nhiêu cho đủ, nên trích số tiền hoa lợi hàng tháng gửi cho Cựu hoàng gọi là giúp quỹ xã hội. Cựu hoàng nhận tiền ắt tìm cách báo đáp xứng đáng. Chỉ cần ông ta đứng ra là có cái lọng che chắn để làm ăn lớn.
Bảy Viễn và Quốc trưởng Bảo Đại gặp nhau lần đầu năm 1949 tại Sài Gòn, sau đó cả hai nhanh chóng kết thân với nhau, nhờ vậy mà Bảy Viễn được Bảo Đại phong "Nam Tước" của Hoàng gia và nhận làm em nuôi dù Bảo Đại nhỏ tuổi hơn Viễn nhiều. Thời đó, người ta cho đấy là vinh hạnh lớn của Bảy Viễn, khi một tướng cướp võ biền gốc giang hồ lại được một cựu Hoàng đế nhận làm em nuôi và kết giao, nhưng ai cũng biết, Bảo Đại tiêu tiền như nước, không bao giờ là đủ khi đồng lương Pháp trả không là gì so với cuộc sống Đế vương của ông ta, còn Viễn đã trở thành một đại tư sản nhờ việc kinh doanh các sòng bạc lớn, Bảo Đại vì tiền, Bảy Viễn vì quyền. Kể từ đó, Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn cũng trở thành một trong những lực lượng bảo vệ Quốc trưởng Bảo Đại, tình bạn giữa Bảy Viễn và cựu Hoàng đế ngày càng thân thiết. Viễn thường lên Đà Lạt nghỉ mát và thăm Bảo Đại, những dịp gặp nhau, cả hai thường cùng đi săn, câu cá hoặc đánh bạc.
Trong thời gian này, Pháp đang gặp khó khăn sau thế chiến 2 lại phải gánh chi phí chiến tranh Đông Dương đến 101 tỉ quan (1946), 136 tỉ (1948). Pháp sợ nhất là bình định không xong thì quân đội Việt Minh được Hồng quân Trung Hoa kéo tới biên giới yểm trợ. Pháp phái tướng Revers đến Đông Dương xem xét tình hình mọi mặt để giải quyết chiến tranh Việt Nam.
Tướng Revers đến Sài Gòn, đi quan sát chiến trường, tham khảo các bộ tham mưu, cố gắng thấy thật nhiều, nghe thật nhiều để có 1 cái nhìn tổng quát. Ngoài quân sự, Revers còn quan tâm chánh trị, văn hoá, xã hội. Không khí Sài Gòn bấy giờ đập vào mắt vị tướng là: Ăn chơi vô trách nhiệm. Quan chức Pháp làm giàu bằng cách chuyển ngân, mua bán đồng Đông Dương. Ngoài việc mua bán tiền bạc, Sài Gòn còn có nhiều giải trí trường, hộp đêm sang trọng mà đứng đầu là Đại thế giới do Bảy Viễn khai thác với sự yểm trợ của Bảo Đại.
Trong giai đoạn Pháp gặp khó khăn, Bảy Viễn chỉ quan tâm đến "nồi cơm" Đại thế giới bị các chính khách Pháp bên chính quốc dòm ngó. Lo ngại việc này, Bảy Viễn gọi lên Đà Lạt để tham vấn Cựu hoàng thì hay tìn Bảo Đại đã bay sang Pháp. Bảy Viễn cũng quyết định sang Pháp chơi 1 lần cho biết, và để thuyết phục Bảo Đại giữ vững Đại thế giới cho mình.
1 tuần ở Pháp là 1 tuần huy hoàng nhất trong cuộc đời Bảy Viễn. Cựu hoàng chiêu đãi trọng thể ông chủ Đại thế giới, nào là lên Paris xem nhảy, xuống biển Saint Tropez xem đầm khoả thân phơi nắng. Khoái nhất là tới sòng bạc Monte Carlo, thành phố Monaco. Là tay cờ bạc thập thành, Bảy Viễn cũng phải cúi đầu trước Bảo Đại, Cựu hoàng quan sát khá lâu, khi 1 tay chơi cháy túi sau khi nuôi 1 con số rời sòng bạc thì lập tức ông đặt tiền ngay con số đó. Bảo Đại nói với Bảy Viễn: " Đó là phép xác suất, 1 con số có chu kỳ của nó. Anh chàng kia nuôi con số 13 đến mười mấy lần, nó vắng mặt, khi anh ta cháy túi rời đi thì nó xuất hiện".
Nhắc chuyện Đại thế giới, Bảo Đại lại nói: "Yên chí, không ai đóng cửa được nó đâu. Các nước văn minh đều có nơi giải trí cho dân chúng, như Monaco này đây".
Sau Revers, đến lượt tướng De Lattre đến Việt Nam, Đại thế giới là cái gai trong mắt ông, làm sao binh sĩ chiến đấu được khi chung quanh thiên hạ chỉ lo du hí. Việc đầu tiên De Lattre tìm Bảo Đại, không thấy ở Hà Nội, hay Sài Gòn, liền tốc lên Đà Lạt. Rất may cấp dưới khi hay tin De Lattre sắp sang Việt Nam đã đánh điện cho Bảo Đại về nhiệm sở. Bảo Đại biết De Lattre tính nóng như lửa, lại được tấn phong Cao uỷ kiêm Tổng chỉ huy nên không dám giỡn mặt. Bảo Đại bay về Đà Lạt và tiếp đón De Lattre long trọng.
Đoạn hội thoại của De Lattre và Bảo Đại về Đại thế giới
_ Cuộc sống của ngài thật là thú vị, nhưng cũng nên nhín chút thì giờ lo việc nước.
_ Thống tướng muốn tôi làm gì trong tình thế này? Khi quân đội thiện chiến của Đại Pháp còn không làm được gì làn sóng đỏ, một phế đế như tôi làm được gì?
_ Ít ra không nên liên kết với viên tướng gốc giang hồ mở Đại thế giới giữa Sài Gòn.
_ Đại thế giới không phải do tôi hay Bảy Viễn lập ra mà do đô đốc D'Argenlieu ký giấy phép thành lập khi quân đội Pháp mới sang đây. Nếu cho khu giải trí này là phi đạo đức thì nên khiển trách đô đốc đầu tiên. Khu vui chơi giải trí không tập trung lại một nơi để dễ kiểm soát thì người ta sẽ chơi lén lút. Các nhà chứa cũng nên làm công khai để chị em được bác sĩ khám bệnh đàng hoàng. Càng cấm càng lén lút, càng có hại cho dân chúng mà trước hết là do quân đội.
_ Dù ai cho phép đi nữa, Đại thế giới không có đạo lý.
_ Đến đời Cao uỷ Bollaert, rồi Pignon cũng tái ký giấy phép cho Đại thế giới. Trước đây Lâm Giống- người Hoa gốc Macau thầu khai thác. Hàng quý chúng gửi về xứ cả triệu bạc. Đến khi Bảy Viễn trúng thầu thì số thu nhập đó được dùng vào việc công ích, như chi cho quỹ nuôi quân. Bình Xuyên không lãnh lương của Pháp như Cao Đài, Hoà Hảo,... Bình Xuyên dùng tiền để xây Bộ chỉ huy, trại gia binh khang trang.
_Ngài không nên can thiệp sâu vào Đại thế giới, không nên để Quốc trưởng bị đánh gia là 1 tay chơi, tổn hại uy danh. Một quốc trưởng cần có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió với quân đội, đều đó có lợi cho ngài.
_Như đã nói, chuyện đánh đấm là chuyện của các danh tướng như Thông tướng. Tôi ra đó làm gì? Xin chúc ngài thượng lộ bình an.
Không thắng Việt Minh, Bảo Đại qua Pháp, Mỹ thuyết phục Cựu hoàng nhận Thủ tướng Diệm
Trở lại tình hình chung, Pháp đứng trước mâu thuẫn: muốn kết thúc chiến tranh trong danh dự nhưng lại sợ mất quyền lợi béo bở ở Đông Dương. Còn Mỹ cũng theo 1 chính sách đầy mâu thuẫn: Không muốn Pháp làm chủ 3 nước Đông Dương nhưng lại viện trợ cho Pháp mỗi năm nửa tỉ đô để đánh Cộng sản. Mỹ muốn Pháp có mặt tại Việt Nam trong thế yếu rồi giao lại nhiệm vụ bảo vệ "Thế giới tự do" cho Mỹ ngày nào đó.
Chủ nhật cuối tháng 4/1955. Tướng Bedell Smith, phó đoàn thương thuyết Mỹ tại hội nghị Genève, đến gặp Bảo Đại. Vô đề, tướng nói:
_ Tôi không tin ngài và người Pháp có thể ngưng chiến trong danh dự với Cộng sản. Ngài nên tiếp tục cuộc chiến Việt Nam. Tổng thống Eisenhower không thể trực tiếp can thiệp vì lí do chính trị nội bộ (ông đắc cử tổng thống nhờ chủ trương đưa lính Mỹ từ Triều Tiên hồi hương). Nay không thể đưa quân đội Mỹ sang Việt Nam, nhưng chúng tôi có thể đem lại cho ngài 1 quân đội Việt Nam hùng mạnh. Chúng tôi huấn luyện quân đội, ngài bổ nhiệm các tướng lĩnh và bộ tham mưu. Ngài hãy làm áp lực để người Pháp giao cho chúng tôi nhiệm vụ huấn luyện các sư đoàn.
Vài ngày sau Mỹ lại đưa ra yêu cầu dối với Bảo Đại: nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng sau khi ký kết hội nghị Genève chia 2 Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Bảo Đại không ưa Diệm vì đụng chạm chính kiến trước đó, nhưng trong thế kẹt đành phải chấp nhận. Quyết định này đưa tới tai hoạ cho Bảo Đại về sau.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất