Bản sắc là một khái niệm hoàn toàn không trừu tượng mà trên thực tế nó rất cụ thể. Bởi, bản sắc là thứ mà sẽ phân biệt ta với người khác và cộng đồng này với nhóm khác theo những giá trị ngoại sinh. Các giá trị đó là tập hợp bởi những thành tố khá đặc trưng được hiểu, biết, cảm nhận được nhưng không nhìn thấy bằng mắt thường. Nó định hình chúng ta theo một cách thuần túy từ khi ta sinh ra và lớn lên trong một môi trường - xã hội riêng lẻ mang tính tách biệt hoặc ít nhất là tồn tại điểm riêng trong điểm chung của xã hội rộng lớn. Nhìn chung, nó là căn cước vô hình cho ta được nhận dạng theo một hướng nhìn nhận không thực.
Cử tri Mỹ cũng rất đa dạng theo từng bản sắc. Tuy nhiên, bản sắc cử tri trong bầu cử là giá trị được tạo bởi các yếu tố phổ biến. Chúng được bàn tán nhiều trươc thiềm bầu cử để làm căn cứ dữ liệu cho ứng cử viên sử dụng. Không ai có thể thay đôi yếu tố tự nhiên bên trong cử tri nhưng yếu tố bên ngoài thì có. Do đó, có thể nói, yếu tố bản sắc là giá trị biến động khôn lường và nó quy định phần lớn nhận thức, hành vi bỏ phiếu của cử tri theo phương diện thuần túy từ xã hội - môi trường. Điều này là mối quan tâm chính trị lớn mà các ứng cử viên phải vận động tranh cử và thường xuyên tác động đến chúng nhằm kiếm được nhiều phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống đắt giá nhất hành tinh tại Mỹ.
Yếu tố bản sắc của cử tri
Quá trình hình thành và hoàn thiện tâm lý cử tri không chỉ bị tác động bởi những yếu tố tự nhiên bên trong bản thân cử tri mà nó còn chịu tác động sâu sắc bởi môi trường xã hội mang tính quy luật bản sắc bên ngoài. Một số yếu tố quan trọng thuộc bản sắc bên ngoài cử tri bao gồm: địa vị cá nhân trong nhóm – xã hội, mối quan hệ xã hội, tôn giáo, mức thu nhập.
Địa vị cá nhân trong nhóm – xã hội
Địa vị cá nhân thường có hai dạng: địa vị do cá nhân đó đạt được và địa vị được xã hội gán cho. Bởi vậy, địa vị tạo ra hành vi mang tính chuẩn mực của nhóm và nó chi phối hành vi của cá nhân trong nhóm. Có thể thấy, nhóm lao động thu nhập thấp ở Mỹ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ và nhóm tư sản thu nhập cao bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Tưởng chừng chẳng có lý lẽ nào buộc họ phải cố định theo xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Thế nhưng vai trò địa vị cá nhân của họ trong nhóm lao động thu nhập thấp đã bó buộc họ với hành vi phải bầu cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu của nhóm lao động vẫn có thể thay đổi sang ủng hộ cho đảng Cộng hòa.
Các nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ cho rằng tầng lớp lao động ngày nay được xác định bởi cả trình độ học vấn và thu nhập. Cũng theo đó, các chủ doanh nghiệp nhỏ và nhiều công nhân “cổ cồn trắng” (những người làm công việc phục vụ) và “cổ cồn hồng” (những công việc truyền thống do phụ nữ đảm nhiệm như việc chăm sóc khách hàng) cũng được coi là một phần của tầng lớp lao động Mỹ. [1] Các cử tri thuộc tầng lớp lao động, đặc biệt là những người thuộc các công đoàn, từng là những người ủng hộ kiên định đối với các ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ngày nay, đảng Dân chủ cảm thấy họ bị nhiều cử tri này bỏ rơi, trong khi đảng Cộng hòa ngày càng phụ thuộc vào tầng lớp lao động để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Dự án bầu cử Mỹ của Đại học Florida đã báo cáo rằng hơn 95 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nhưng đó không phải là tất cả số cử tri ở nước Mỹ vì trong mọi cuộc bầu cử, từ 35 đến 60 phần trăm cử tri đủ điều kiện không bỏ phiếu.[2] Đa số nhóm cử tri không đi bầu rơi vào nhóm tầng lớp lao động, vì những hiểu biết về vấn đề chính trị của họ còn tương đối thấp. Rõ ràng, những cử tri thuộc tầng lớp lao động luôn theo những định kiến tư tưởng được cố định cho tầng lớp của họ. Do đó, những người theo chủ nghĩa dân túy có thể lôi kéo lá phiếu không trung thực của họ tại thời điểm bỏ phiếu.
Mối quan hệ xã hội
Theo Masllow[3], thang bậc nhu cầu cao nhất của con người là tự thể hiện bản thân trước xã hội. Không gian mạng xã hội đã đáp ứng nhu cầu đó và mở ra không gian ảo nhưng sự tương tác, giao tiếp giữa các cá nhân là thật và nó ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi, suy nghĩ, thái độ của con người.
Các ứng cử viên chính trị ngày càng biết tích hợp các công cụ truyền thông mạng xã hội vào các chiến dịch của họ. Những công cụ này cho phép những người ủng hộ dễ dàng tương tác trực tiếp vào chiến dịch của ứng cử viên tranh cử. Nó tạo ra một cách tức thì và tương đối chính thức cho người dùng phản hồi thông điệp của ứng cử viên và qua đó hiển thị một cách công khai sự ủng hộ của họ. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc đăng bài thường xuyên hơn sẽ thu hút được phản hồi của người dùng nhiều hơn, nhiều bài đăng tạo ra nhiều cơ hội cho việc phản hồi và nó giống như kiểu dùng mồi để tương tác với người dùng.[4] Rõ ràng, các ứng cử viên đã biết lợi dụng mạng xã hội như là cách để truyền tải thông điệp, chính sách của họ đến với cử tri. Ngoài ra, các công ty công nghệ sở hữu mạng xã hội sẽ có thiên hướng ủng hộ cho đảng nào làm lợi cho mình hoặc họ được trả nhiều tiền thì tin tức quảng cáo về đảng đó càng nổi bật. Mạng xã hội đã trở thành một nơi để cổ vũ nhân tố mới, đánh bóng tên tuổi, chính sách của các ứng cử viên tranh cử. Mặt khác, đảng đối lập sử dụng mạng xã hội như một công cụ dùng để bôi xấu đối thủ, đánh lạc hướng cử tri bằng tin giả. Cuộc bầu cử năm 2016, một mối lo ngại cụ thể là ảnh hưởng của những câu chuyện do “tin tức giả mạo” lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội. Bằng chứng là: (1) 62% người Mỹ trưởng thành nhận được tin tức trên mạng xã hội (2) những câu chuyện tin tức giả mạo phổ biến nhất được chia sẻ rộng rãi hơn trên Facebook nhiều hơn các câu chuyện tin tức chính thống phổ biến nhất (3) nhiều người nhìn thấy các câu chuyện tin tức giả đã cho biết rằng họ tin chúng (4) những câu chuyện tin giả được thảo luận nhiều nhất có xu hướng ủng hộ D. Trump so với H. Clinton.[5] Một điều cực kỳ quan trọng đối với mạng xã hội trong chu kỳ bầu cử này là nó có thể dễ dàng tiếp cận được lá phiếu của thế hệ trẻ, điều này chắc chắn có thể quyết định kết quả của cuộc bầu cử hơn bao giờ hết. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, tương tác mạng xã hội dành cho Biden tăng cao lên tới 511.000 người, phân tích trên góc độ cảm xúc thì: 14% tích cực, 38% trung lập, 48% tiêu cực. Bên cạnh đó, tương tác dành cho Trump cũng gia tăng nhưng ở mức khiêm tốn hơn là 244.000 người với phân tích cảm xúc là: 10% tích cực, 41 % trung tính và 49% tiêu cực.[6] Có thể thấy, dù là tương tác trên không gian ảo nhưng nó đã tạo sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng xã hội sau đó quyết định trực tiếp đến hành vi bỏ phiếu thực tế của cử tri Mỹ.
Tôn giáo
Tôn giáo thường có mối quan hệ chặt chẽ với chủng tộc và lịch sử gia đình của đa số người Mỹ. Với nhiều cử tri Mỹ, tôn giáo không phải là vấn đề của sự lựa chọn nữa mà nó đã gắn với họ từ khi họ sinh ra và lớn lên. Vì vậy, qua quá trình xã hội hóa tâm linh, người Mỹ ngay từ nhỏ đã hình thành mức độ ngộ đạo nhất định tùy theo từng gia đình, khu vực, thậm chí mở rộng bao trùm toàn bộ đất nước.
Ngày nay, thuật ngữ “Khoảng cách của Chúa” (the “God Gap”) được sử dụng để nói về sự khác biệt giữa các hình thức bỏ phiếu của những người theo tôn giáo và những người ít quan tâm hơn – đây là phần cố định bề ngoài của bối cảnh trong chính trị Hoa Kỳ.[7] Từ những năm 1960 với việc thiết lập 7 hệ phái của đạo Tin lành đã thống trị cục diện tôn giáo Mỹ. Ở hậu trường, người ta chỉ thỉnh thoảng nghe thấy những tiếng nói yếu ớt của Công giáo và Do thái. Vì nói tới tôn giáo Mỹ, người ta sẽ nói tới Công giáo nhưng mang tích cách của đạo Tin Lành.[8] Có thể thấy, vai trò của đạo Tin Lành kháng cách của Martin Luther được người Mỹ đón nhận và nó ảnh hưởng sâu sắc tới hành vi bỏ phiếu của họ. Mặc dù có sự khác nhau trong việc tôn sùng Giáo hoàng của Công giáo và duy nhất thờ Chúa của Tin Lành. Nhưng điểm chung là mức độ tin tưởng của người dân Mỹ là vô cùng lớn: 55% nói rằng họ cầu nguyện thường xuyên (so với khoảng 10% ở Pháp và 6% ở Anh), 87% nói rằng họ tin vào Chúa, 56% nói rằng họ tin vào Chúa “như được mô tả trong Kinh thánh”.[9] Ngoài ra, hai đạo đó đều có mối quan tâm chung về vấn đề nạo phá thai, đồng tính luyến ái. Đó là lời giải thích cho John Kennedy là người thuộc Công giáo nhưng vẫn được đa số người theo đạo Tin Lành ủng hộ. Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2016 cho thấy, 68% người theo đạo Tin lành cho biết bản sắc tôn giáo của một ứng cử viên rất quan trọng trong việc định hình họ sẽ ủng hộ ai. Bên cạnh đó, 60% đảng viên Cộng hòa trên toàn quốc nói rằng tôn giáo rất quan trọng trong việc định hình quyết định bỏ phiếu của họ. Cũng theo đó 53% tổng số đảng viên Đảng Dân chủ đều đồng ý quan điểm đó. Đây là những tỷ lệ phần trăm lớn, và nếu ứng cử viên đang tranh cử chức vị tổng thống, họ phải chú ý đến chúng.[10]
Mức thu nhập
Ở Mỹ, yếu tố về thu nhập cá nhân của cử tri có vai trò cực kì quan trọng trong việc xác định hành vi bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Nhìn chung, những người có mức thu nhập thấp thì sẽ có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ và ngược lại nhóm người thu nhập cao sẽ bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.
  Tuy nhiên, sự lựa chọn bỏ phiếu giữa nhóm thu nhập thấp và cao giữa hai đảng có thể đổi chỗ cho nhau theo bối cảnh cụ thể. Đôi khi nhóm người có thu nhập cao lại chủ yếu ủng hộ, vận động tranh cử giúp cho đảng Dân chủ. Đơn cử, Bill Gates và Warren Buffett lại là đại diện lớn cho nhóm người giàu ủng hộ đảng Dân chủ. Mặc dù, có những hoài nghi xoay quanh vấn đề ủng hộ đảng Dân chủ của họ là để bóp chặt nhóm người khởi nghiệp bằng chính sách thuế của đảng Dân chủ. Nhưng dù sao, xu hướng nhóm người giàu chi số lượng tiền vô cùng lớn để vận động tranh cử sẽ khiến tỉ lệ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ cao hơn. Ngược lại, tầng lớp lao động thu nhập thấp đôi khi lại ủng hộ cho đảng Cộng hòa. Trong một báo cáo từ Minnesota, New York Times đã xem xét số lượng ngày càng tăng những người phụ thuộc vào viện trợ của chính phủ trong việc chống lại cách chi tiêu quá nhiều của chính phủ đối với họ. Họ nói rằng, "Họ muốn giảm bớt vai trò của chính phủ trong cuộc sống của chính họ. Họ thất vọng vì cần được giúp đỡ, cảm thấy tội lỗi vì đã nhận hỗ trợ và bất bình vì chính phủ đã cung cấp nó và họ muốn ít được giúp đỡ hơn cho chính mình; ít giúp đỡ trong việc chăm sóc người thân; ít trợ giúp hơn khi họ về già”. Bên cạnh đó, cuộc thăm dò của Gallup vào năm 2005 cho thấy trong khi chỉ có 2% người Mỹ tự mô tả mình là "giàu có", 31% cho rằng rất có thể hoặc phần nào đó họ đã "từng giàu".[11] Có thể thấy, nhóm người xuất thân có thu nhập thấp đôi khi họ tự nhận thấy bản thân mình cần phải thay đổi và tự lập trước cuộc sống mà không cần sự giúp đỡ của đảng Dân chủ. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ cử tri thu nhập thấp bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa vì họ ảo tưởng về việc tự nhận mình trong tương lai sẽ giàu có hoặc trải nghiệm đã từng giàu có. Đặc biệt, vai trò của yếu tố thu nhập cá nhân sẽ được coi là yếu tố then chốt khi tình trạng nước Mỹ xảy ra khủng hoảng về kinh tế - xã hội.
[1] Brendon O’Connor, (2020), “Why white, working-class voters could be key to the US election”, https://theconversation.com/who-exactly-is-trumps-base-why-white-working-class-voters-could-be-key-to-the-us-election-147267
[2] Amelia Thomson – DeVeaux, (2020), “Why Many Americans Don't Vote”, https://projects.fivethirtyeight.com/non-voters-poll-2020-election/
[3] Saul McLeod, (2020), “Maslow’s hierarchy of needs”, https://www.simplypsychology.org/maslow.html#gsc.tab=0
[4] Michael A Xenos – Timothy Macafee, “Understanding variations in user response to social media campaigns: A study of Facebook posts in the 2010 US elections”, article new media & society, SAGE, 2015, pg.1-17.
[5] Hunt Allcott – Matthew Gentzkow, “Social Media and Fake News in the 2016 Election”, Journal of Economic Perspectives,Volume 31, Number 2,Spring 2017, pg.212.
[6] Peter Suciu, (2020), “Social Media Could Determine The Outcome Of The 2020 Election”, https://www.forbes.com/sites/petersuciu/2020/10/26/social-media-could-determine-the-outcome-of-the-2020-election/
[7] Engy Abdelkader, (2020), “Religion, Race, and Politics in U.S. Elections: The “God Gap””, https://www.gmfus.org/blog/2020/09/09/religion-race-and-politics-us-elections-god-gap
[8] Barbara Cohen, “Tôn giáo Mỹ thế kỉ XX”, tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số (3) – 2006, trg.60.
[9] Jérôme Viala-Gaudefroy, (2020), “How strong a role does religion play in US elections?”, https://theconversation.com /how-strong-a-role-does-religion-play-in-us-elections-133224
[10] Gastón Espinosa, (2016), “Religion and Elections in America: Some Interesting Numbers”, https://www.cmc.edu/magazine/fall-2016/religion-and-elections-in-america-some-interesting-numbers
[11] Gary Younge, (2012), “Working class voters: why America's poor are willing to vote Republican”, https://www.theguardian.com/world/2012/oct/29/working-class-voters-america-republican