Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được xem là điểm nút quan trọng trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước của cử tri. Vào ngày bầu cử, các cử tri Mỹ không chỉ đơn thuần là quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào mà sự lựa chọn của họ đã có từ trước đó và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố đó luôn biến động và thay đổi liên tục. Tuy nhiên, cũng có những giá trị ít biến động như yếu tố nội sinh tự nhiên bên trong đã được định hình của cử tri. Cùng với đó là một số yếu tố ngoại sinh được coi là đặc trưng của môi trường xã hội cũng được tích hợp trong một chỉnh thể ít thay đổi bên ngoài. Để làm rõ những vấn đề này, bài viết không chỉ tập trung phân tích các yếu tố truyền thống tác động tới lá phiếu của cử tri mà còn dựa trên những giá trị mới xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 để phân tích. Qua đó, bài viết góp phần làm sáng tỏ một số yếu tố quan trọng trong việc định hình hành vi bỏ phiếu lựa chọn tổng thống của cử tri Mỹ, và hơn nữa, còn đưa ra một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Xã hội Mỹ được vào khuôn hiến định để có thể tự đứng vững chẳng cần ai giúp đỡ hết, các nguy cơ từ bên ngoài chẳng mấy khi tỏ ra bức bách với người Mỹ. Bầu cử tổng thống là một nguyên nhân kích thích xã hội, không phải nguyên nhân hủy hoại
Alexis De Tocqueville
Liệu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một sự kiện mang tính thường niên và là nhân tố quan trọng trong hệ thống chính trị để kích thích xã hội Mỹ không? Trong khi tin tức mà chúng ta biết về tất cả những vấn đề xung quanh bầu cử chủ yếu chỉ miêu tả khái quát bề nổi và chưa thấy được nền tảng hạt nhân bên trong của nó. Điều chúng ta cần phải quan tâm hơn đó là tại sao ứng cử viên này lại thắng còn ứng cử viên khác lại thua, và lý do nào khiến cử tri lựa chọn ứng cử viên thắng đó? Nhìn rộng ra, tại sao cử tri lại quyết định bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa? Yếu tố nào đã tác động tới hành vi bỏ phiếu của cử tri trong suốt quá trình bầu cử tổng thống Mỹ?
nguồn ảnh: vtv.vn
nguồn ảnh: vtv.vn
Yếu tố tự nhiên của cử tri
Bàn về yếu tố tự nhiên là bàn về thuộc tính vốn có của cử tri. Trong rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu thuộc về yếu tố tự nhiên, bài viết xin chỉ giới hạn ở một số yếu tố nổi bật thuộc về đặc tính cá nhân của con người như: giới tính, độ tuổi, chủng tộc, trình độ học vấn.
Giới tính
Từ khi tu chính án thứ 19 phê chuẩn năm 1920, phụ nữ Mỹ có quyền bầu cử đã giúp gia tăng số lượng cử tri, nhưng phụ nữ vẫn chưa độc lập hơn trong những quyết định của mình, họ vẫn bị ràng buộc chặt chẽ với nam giới và đó thường là người chồng của họ. Vì vậy, dù đã có quyền bỏ phiếu nhưng nữ giới vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm người phụ nữ là của gia đình nên họ có tư tưởng bảo thủ với khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa. Ngày nay, khi các phong trào nữ quyền ở Mỹ diễn ra sôi nổi chủ yếu tập trung vào quyền tự do của phụ nữ, đặc biệt là trong quyền bầu cử, đã làm cho lá phiếu của nữ giới có thiên hướng cởi mở hơn, ủng hộ cho đảng Dân chủ hơn là đảng Cộng hòa. Nhưng, mặt khác vẫn còn một bộ phận nữ cử tri ở vùng nông thôn mang tính cách bảo thủ và họ là nền tảng trung thành đối với đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ đã khiến khoảng cách khác biệt giữa nông thôn và thành thị ở Mỹ suy giảm. Ngay cả đối với phụ nữ nông thôn, một trong những cơ sở ủng hộ mạnh mẽ nhất của D.Trump vào năm 2016, cũng bị thu hẹp đáng kể. Trên toàn quốc D.Trump đã giành được 54% số phiếu bầu của nữ giới ở nông thôn Hoa Kỳ vào năm 2020, ít hơn 7 điểm so với năm 2016 và có hơn một nửa số phụ nữ nông thôn ủng hộ Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.[1]
Nhìn rộng hơn, các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử cho thấy Tổng thống đắc cử J. Biden đã giành được 57% số phiếu bầu của nữ giới, so với 45% của nam giới. Trong khi đó, tổng thống D. Trump đã giành được 42% phiếu bầu của nữ giới và 53% số phiếu bầu của nam giới.[2] Phần dôi ra giữa tỷ lệ phiếu bầu của nam giới và nữ giới đến từ cộng đồng người đồng tính. Những thăm dò ý kiến ​​bắt đầu hỏi cử tri xem họ được xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam hay lưỡng tính vào năm 1992, thêm người chuyển giới vào năm 2016. Cho đến năm 2018, tỷ lệ cử tri xác định đồng tính đã dao động từ 3% đến 5% nhưng thực tế thì tới ngày bầu cử năm 2020, nó đã tăng lên khoảng 7% hoặc 8%.[3] Nhưng nhìn chung, phụ nữ ngày nay có tỏ ra cấp tiếp hơn, cởi mở hơn cho các vấn đề, thể hiện xu hướng ủng hộ cho đảng Dân chủ. Quan trọng hơn đó là những nhân tố được phụ nữ đặc biệt quan tâm trong chính sách tranh cử của mỗi đảng đối với vấn đề bình đẳng giới, nạo phá thai, bạo lực gia đình, v..v.
Độ tuổi
Các nghiên cứu thường phân chia ra từng thế hệ bao gồm: thanh niên, trung niên, cao niên hoặc có cách thức phân chia khác theo nhóm nhân khẩu học. Nhưng nhìn chung, những cách phân loại kiểu này đều chỉ ra rằng tuổi tác là một biến số dự báo quan trọng ở trong và ngoài hệ tư tưởng và đảng phái, mặc dù ảnh hưởng của nó là tùy thuộc vào bối cảnh của từng cuộc bầu cử.[4] Qua quan điểm chính trị của từng thế hệ ta có thể đoán định được họ thường có xu hướng bỏ phiếu cho đảng nào trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống.
Nguồn: Pew research
Nguồn: Pew research
Một số nghiên cứu phân tích về mối quan hệ giữa tuổi tác với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở Hoa Kỳ đã đưa ra báo cáo những phát hiện như sau: những người trẻ nhất đủ điều kiện bỏ phiếu ít có khả năng đi bỏ phiếu nhất, người trung tuổi có nhiều khả năng đi bỏ phiếu hơn những người trưởng thành. Và tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất thường được tìm thấy ở những người ở độ tuổi năm mươi.[5] Ngoài ra, nhóm cử tri trẻ tuổi thường có xu hướng thay đổi quan điểm chính trị, lúc thì ủng hộ đảng Dân chủ đôi khi lại ủng hộ đảng Cộng hòa. Do đó, cuộc thăm dò xã hội để có các phân tích đối với các ứng cử viên tranh cử, họ chủ yếu tập trung vào nhóm cử tri trẻ tuổi. Nhóm này có quan tâm đặc biệt tới nhiều vấn đề mang tính xã hội như kinh tế, việc làm, an sinh xã hội, môi trường, v..v. Chính vì vậy, nhóm cử tri trẻ tuổi thường tỏ ra trung dung, bất định và để lôi kéo họ, các ứng cử viên thường dịch chuyển các chính sách tranh cử về trung tâm, sao cho gần giống với chính sách của đảng đối lập. Đây là một trong những cơ sở nền tảng hình thành nhóm cử tri trung tâm mà Buchanan đã giải thích thông qua định lý “cử tri trung vị” của mình. Định lý giải thích việc các đảng có xu hướng quần tụ tại điểm trung vị trong các cuộc bầu cử, làm cho các cử tri không theo đường lối trung dung hầu như không chọn được người đại diện trong các cơ quan dân cử.[6] Bên cạnh đó, nhóm cử tri trung tuổi và cao tuổi thường giữ vững lập trường, ở giai đoạn tuổi này, họ có khả năng thời gian, kinh phí để đi bỏ phiếu, nên tỉ lệ bỏ phiếu cao hơn so với nhóm cử tri trẻ tuổi. Vì vậy, họ thường có khuynh hướng bảo thủ, trung thành với một đảng phái.
Chủng tộc
Nước Mỹ là một quốc gia đa dạng về chủng tộc, và việc phân loại các nhóm cử tri theo chủng tộc cho thấy hành vi bỏ phiếu của các nhóm này có những đặc trưng riêng biệt. Khi đề cập đến chủng tộc, thì cần đặc biệt quan tâm đến bốn nhóm sắc tộc thiểu số, bao gồm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Latin (Chicano/Hispanic, hay cư dân gốc Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), và thổ dân Mỹ.[7]
Nhóm cử tri người Mỹ gốc Tây Ban Nha đang có xu hướng gia tăng đặc biệt ở các bang chiến địa, họ thường là những cử tri trung dung khiến các cuộc bầu cử diễn ra luôn hấp dẫn.  Trong chín tiểu bang chiến trường cùng sở hữu hơn 6,3 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu là người gốc Tây Ban Nha - được xác định là công dân Hoa Kỳ trưởng thành - và chỉ riêng với Florida (3,1 triệu) đã chiếm quá bán tổng số nhóm cử tri đó.[8] Các nghiên cứu về màu da cũng cho thấy, những yếu tố tác động vào chủng tộc cũng khiến quan điểm chính trị của cử tri biến đổi. Lịch sử cho thấy, sau cuộc nội chiến các cử tri da màu ủng hộ đảng Cộng Hòa do A.Lincoln lãnh đạo. Nhưng sau “Thỏa thuận mới” (The New Deal) của F.Roosevelt đã khiến cộng đồng người da màu quay sang ủng hộ đảng Dân chủ và gắn bó cho tới tận ngày nay. Từ đó, đảng Dân chủ vẫn giành được phần lớn cảm tình đối với các thành phần cử tri da màu, nhưng xu hướng này đang có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Dữ liệu thăm dò năm 2020 cho thấy, 80% đàn ông da đen ủng hộ ứng cử viên Joe Biden, giảm nhẹ 2% so với ứng cử viên Hilary Clinton vào năm 2016, tuy nhiên so với tỷ lệ mức độ ủng hộ đối với cựu Tổng thống Barack Obama thì đây là một con số khiêm tốn.[9]
Trình độ học vấn
Yếu tố về trình độ học vấn liên quan mật thiết tới nhận thức, thái độ chính trị của cử tri. Nhìn chung, các cử tri có trình độ học vấn cao hơn sẽ có những cách nhìn nhận, phản hồi thông tin chính trị cao hơn. Ngược lại, trình độ học vấn thấp sẽ khiến cử tri rơi vào tình trạng tiếp cận thông tin, các sự kiện liên quan đến bầu cử kém hơn và họ dễ bị lôi kéo và phụ thuộc vào quan điểm của người khác.
Nam giới và nữ giới có bằng cử nhân trở lên, quan điểm của họ phần lớn theo đảng Dân chủ. Trong đó, vào năm 2018 và 2019, phụ nữ có trình độ đại học có nhiều khả năng hơn nam giới có cùng trình độ đại học xác định là đảng viên đảng Dân chủ (65% so với 48%).[10] Điểm chung là trình độ học vấn cao giúp cử tri có cách nhìn nhận sâu sắc, khách quan hơn đối với những chương trình nghị sự của ứng cử viên. Các chính sách tác động tới kinh tế, phúc lợi xã hội hay quan hệ quốc tế được họ quan tâm hơn và họ dựa trên cơ sở đó để bỏ phiếu. Ngoài ra, trình độ học vấn cao của cử tri và sự trưởng thành sớm của người Mỹ cũng làm số lượng cử tri đi bầu nhiều hơn sau khi có “Hậu thỏa thuận mới” (Post - New Deal). Ở miền Nam, đã có sự thay đổi của cử tri từ đảng Dân chủ sang Cộng hòa, đặc biệt là trong số những người được giáo dục tốt, bắt đầu từ những năm 1960.[11] Nói chung, người ta cho rằng giáo dục chính quy tốt hơn dẫn đến tỉ lệ bỏ phiếu cao hơn. Những người đã học đại học được coi là có nhiều thông tin về chính trị hơn những người khác, do đó họ sẵn sàng hơn trong việc đi bầu cử. Hơn nữa, họ sẽ gặp ít khó khăn hơn khi có khả năng dễ dàng nắm bắt các thủ tục đăng ký rắc rối và họ đã hiểu việc bỏ phiếu như là một quyền cơ bản của công dân trong nhà nước dân chủ điển hình. Trong khi đó, những người không tiếp tục học sau phổ thông trung học thường không quan tâm đối với đời sống chính trị nói chung, và không đăng ký trở thành cử tri đi bầu cử nói riêng.
Có thể nói, 4 giá trị cơ bản này tuy không quyết định hoàn toàn sự lựa chọn của cử tri nhưng chúng thường ít biến động và luôn thôi thúc ý định bên trong tâm sinh lý người. Việc cử tri là nam hay nữ hay giới tính khác chi phối lớn hành vi bỏ phiếu cho ứng cử viên phù hợp với đặc tính của giới. Tuổi tác cũng tương tự, chúng ta thường bảo thủ hơn tương ứng với số tuổi vốn là quy luật tự nhiên khó có thể chối bỏ. Hơn nữa, Mỹ là quốc gia rất coi trọng vấn đề bản sắc cá thể nên sự thấu hiểu màu da, chủng tộc, tiếng nói và cộng đồng có nét chung thường. Ngoài ra, các cử tri bắt đầu thông minh hơn trong nhận thức chính trị khi mà trình độ giáo dục nâng cao khiến sự chọn lựa cũng có phần tính toán thay vì đơn thuần là cảm tính. Rút cuộc, các yếu tố bên trong tâm sinh lý cử tri nói riêng là ảnh hưởng mang tính cố hữu, ít biến động nhất nhưng tính quyết định thường yếu ớt hơn các nhân tố bên ngoài xã hội - môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Bài viết được đăng trên tạp chí Châu Mỹ ngày nay số 2 năm 2021.
[1] Mica Rosenberg – Gabriella Borter, “'I just couldn't be silent': How American women decided the 2020 presidential race”, https://www.reuters.com/article/us-usa-election-women-insight-idUSKBN27N0XC
[2] Erin Delmore, (2020), “This is how women voters decided the 2020 election”, https://www.nbcnews.com/know-your-value/feature/how-women-voters-decided-2020-election-ncna1247746
[3] Andrew Flores – Gabriele Magni – Andrew Reynolds, (2020), “Had LGBT voters stayed home, Trump might have won the 2020 presidential election”, https://www.washingtonpost.com/politics/2020/12/01/had-lgbt-voters-stayed-home-trump-might-have-won-2020-presidential-election/
[4] Jenny Lynn, (2013), “Age Gap? The Influence of Age on Voting Behavior and Political Preferences in the American Electorate”, https://research.libraries.wsu.edu/xmlui/handle/2376/4982.
[5] Norval D. Glenn and Michael Grimes, (1968): Aging, Voting, and Political Interest, Press American Sociological Association, pg.563.
[6] Eamonn Butler, (2017): Lựa chọn công lược khảo, Nxb Tri thức, Hà Nội, trg.41.
[7] Nguyễn Văn Chính, “Dân tộc học ở Mỹ đặc điểm, khuynh hướng và cơ sở sở lý luận”, Thông báo Dân tộc học ĐHKHXN&NV, 2012, trg.17.
[8] Jens Manuel Krogstad – Mark Hugo Lopez, (2020), “Latino voters have growing confidence in Biden on key issues, while confidence in Trump remains low”, https://www.pewresearch.org/fact-tank/2020/10/16/latino-voters-have-growing-confidence-in-biden-on-key-issues-while-confidence-in-trump-remains-low/
[9] Việt Anh, (2020), “Nam giới da màu đảng Dân chủ ủng hộ ông Trump đạt mức cao kỉ lục”, https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/nam-gioi-da-mau-dang-dan-chu-ung-ho-ong-trump-dat-muc-cao-ky-luc-686413.html
[10] Ruth Igielnik, (2020), “Men and women in the U.S. continue to differ in voter turnout rate, party identification”, https://www.pewresearch.org/fact-tank/2020/08/18/men-and-women-in-the-u-s-continue-to-differ-in-voter-turnout-rate-party-identification/
[11] Warren E. Miller – J. Merrill Shanks: Reviews of new research at public agencies and private institutions “The New American Voter”, Harvard Univ. Press, 79 Garden St, pg.139.