Khi "cái mông" không nghe lời bộ não, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái trì hoãn. Không một việc nào được hoàn thành như kế hoạch. Tất nhiên, đến cuối cùng, chúng ta sẽ chẳng có gì trong tay...
Hàng ngàn ý tưởng, hàng triệu kế hoạch có tiềm năng mang lại lợi ích cho bạn đã bị vứt xó chỉ vì... não bảo mà "mông không nghe". Chắc chắn một điều rằng, ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần rơi vào cái bẫy "trì hoãn" do ta tạo ra. Chính tôi, người đang gõ ra những dòng này cũng đã và đang loay hoay tìm lối thoát trong mê cung trì hoãn của riêng mình. Nhưng bạn thấy đấy, những dòng chữ này đã được xuất bản. Và tôi sẽ nói cho bạn biết cách làm của tôi.
Sự trì hoãn là một chiếc bẫy mà bạn hoàn toàn có thể tránh được
Sự trì hoãn là một chiếc bẫy mà bạn hoàn toàn có thể tránh được
Bắt đầu một thói quen tốt như đọc sách, tập yoga, chạy bộ... chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi đã từng plank liên tục trong 4 ngày, rồi sau đó bỏ rơi cái thảm tận 2 tuần sau đó. Tôi từng đặt ra mục tiêu mỗi tuần hoàn thành 1 bài viết, nhưng đến khi nhìn lại, thời gian đã trôi đi hơn 1 tháng mà chưa có bài viết nào được hoàn thành một cách tử tế.
Nhưng bạn có biết, chiếc bẫy trì hoãn không tự dưng hiện ra cái "bụp!", mà sẽ luôn có những dấu hiêu, Nếu cứ tiếp xuôi theo dấu hiệu đó, bạn chắc chắn sẽ lún sâu vào bẫy từ lúc nào không hay.

Tôi sẽ chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản khiến bạn mắc bẫy trì hoãn trong bài viết này.

Một số nhận thức sai lệch dưới đây đang hình thành bên trong bạn
1. Bạn ước lượng sai thời gian cần thiết để hoàn thành 1 công việc cụ thể
2. Bạn tạo ra một ý niệm rằng, công việc này cần cảm hứng và động lực. Nhưng hiện tại... bạn lại chưa có 2 điều này
3. Bạn nhận định sai về khả năng hứng thú và động lực làm công việc này trong tương lai
Bạn đã có những trải nghiệm thất bại, không được như ý trong quá khứ về 1 công việc tương tự với công việc hiện tại
Việc trì hoãn trong hiện tại có thể đến từ những trải nghiệm không mấy thành công trong quá khứ. Kết quả không tốt như kỳ vọng trong quá khứ sẽ dẫn đến sự trì hoãn trong hiện tại. Bạn cảm thấy nếu làm tiếp thì kết quả vẫn vậy thôi. Hoặc nếu quyết liệt hơn, bạn có thể có ý niệm "phục thù" bằng cách tìm ra những con đường mới, những cách làm khác biệt. Ô nhưng mà, bạn cần cảm hứng và động lực... Nhưng, hiện tại thì bạn không có cả 2 điều đó vào lúc này... Bạn có thấy là, chúng ta đang đi vòng tròn không?
Bạn tin rằng, bạn sẽ làm tốt hơn việc đó dưới áp lực???
Tôi phải nói rằng, nhiều người hợp với áp lực và giỏi xoay sở với nó. Với họ, áp lực là một liều doping khiến não họ hoạt động sôi nổi hơn. Nhưng, không phải ai cũng như vậy. Chưa kể, việc làm việc mà lo lắng về deadline dí sát có thể khiến bạn bỏ qua những sai lầm đáng lẽ ra có thể nhìn thấy và tránh nếu có nhiều thời gian hơn.

Vậy tóm lại thì, chúng ta nên làm gì để bản thân không xuôi theo những dấu hiệu kể trên?

Hãy cẩn thận và phát giác một cách nhanh chóng những dấu hiệu về chiếc bẫy trì hoãn: Nếu bạn bắt đầu thấy mình có những dấu hiệu nêu trên, hãy đấu tranh với nó bằng việc nghĩ tới kết quả và ý nghĩa mà công việc này sẽ mang lại. Đừng nghĩ đến một viễn cảnh xa xôi, hãy nghĩ đến những lợi ích trước mắt, ví dụ như % công việc đã hoàn thành, sự hài lòng của người sếp bạn yêu mến, hay sự công nhận về năng lực của bạn...
Chia 1 việc lớn thành các đầu việc nhỏ, ghi nó vào 1 bảng To-do list và có thể đánh dấu hoàn thành: Việc này sẽ giúp bạn tận hưởng những ngọt ngào nho nhỏ của sự thành công mỗi khi chọn "hoàn thành" cho một đầu việc nhỏ. Điều này sẽ giúp bạn có động lực hoàn thiện nốt phần tiếp theo của công việc.
Loại bỏ những thứ gây xao nhãng: Bắt tay vào làm đã là một sự thành công bước đầu, vậy thì tại sao lại để những tác nhân bên ngoài gián đoạn con đường thành công của bạn? Hãy tắt hết các thiết bị có thể gây xao nhãng khi làm việc, đảm bảo hoàn thành nó mà không bị bất cứ tác nhân nào làm phiền.
Tự thưởng cho bản thân: mỗi một đầu việc nhỏ được hoàn thành, bên cạnh cảm giác thành công sau khi đánh dấu 'Done", bạn hãy tự tưởng cho bản thân 1 phần thưởng nhỏ. Hoặc nếu bạn có người đồng hành, hãy rủ họ cùng tham gia và thưởng chéo cho những thành quả nho nhỏ của nhau.
Tôi hiểu, việc loại bỏ hoàn toàn sự trì hoãn trong cuộc sống là không thể. Tuy nhiên, việc nhận thức được những dấu hiệu khởi đầu cho sự trì hoãn và biết được một vài cách để đối phó với chúng lại đem lại những lợi ích không nhỏ. Nếu bạn biết những cách khác để chống lại sự trì hoãn, hãy bình luận tại đây. Biết đâu đó, một bình luận của bạn lại có thể thay đổi cả 1 ai đó thì sao?
Nguồn tham khảo: verywellmind.com