Bắt đầu "chơi nhựa" của Games Workshop như thế nào?
Đầu tiên, tôi hi vọng hôm nọ bạn đã ghé qua Ironhammer để thử chơi một ván gì đó, Warhammer 40k, hay là Age of Sigmar, Lord of The...
Đầu tiên, tôi hi vọng hôm nọ bạn đã ghé qua Ironhammer để thử chơi một ván gì đó, Warhammer 40k, hay là Age of Sigmar, Lord of The Rings, hoặc là Blood Bowls. Có thể thời gian có hạn nên bạn chưa thể thử hết tất cả mọi thứ. Vậy nên bài viết này tôi sẽ tổng hợp cho bạn một cách ngắn gọn nhất có thể, để bạn nhanh chóng chọn được loại “nhựa” nào phù hợp với mình. Bắt đầu thôi:
Đầu tiên, phải nói rằng có rất nhiều cách tiếp cận với các trò chơi của GW. Cách tiếp cận dễ nhất, đơn giản nhất trên thực tế lại không phải là chơi mà là… sưu tập. Công cuộc sưu tập này bao gồm ba khâu chính:
- Chọn cho mình một số mô hình đẹp
- Sơn thôi
- Chụp ảnh khoe lên Instagram và Facebook!
Để chọn cho mình một số mô hình đẹp, cách dễ nhất là nghe theo con tim và bỏ qua túi tiền và không khuyến cáo cho lắm. Bởi vì nếu theo cách này thì trước khi bạn kịp nhận ra mình bỏ bao nhiêu tiền thì đã có từng này quân (8000 điểm, tức là khoảng 3200 USD):
Nếu bạn hoặc bố mẹ bạn "bất tử tiền" thì thôi, không có gì đáng nói. Nhưng nếu bạn không quá dư dả mà vẫn muốn bắt đầu cái món nhựa này thì nên tìm cho mình một số mô hình nhất định cũng như tìm một thú vui gắn liền với mô hình để luôn có hứng thú. Thú vui này có thể bao gồm:
- Sơn thật đẹp, nghiêm túc đấy, bởi vì đây là một môn không tốn tiền nhưng tốn thời gian, và đòi hỏi bạn cần phải có một ít hoa tay. Thậm chí trên thế giới còn có riêng những cuộc thi dành cho những ai theo đuổi cái món tô vẽ này, ví dụ như là Golden Demon, với những sản phẩm đẳng cấp kiểu như này:
- Tiếp theo, sau khi sơn đẹp hoặc chỉ sơn vừa vừa thôi, bạn sẽ có thêm một hướng nữa, đấy là bày sa bàn và chụp ảnh. Cũng không thiếu người đi theo hướng này, và hướng này cũng tương đối "hại thận" nếu bạn kiêm luôn cả trò "chơi máy ảnh". Nếu đầu tư tử tế thì các bạn có thể có được những bức ảnh như này:
- Đẳng cấp cuối của mấy món bày biện này là mô phỏng lại một sự kiện lịch sử nào đó trong các game của GW. Ví dụ như đủ mô hình để bày lại trận Helm's Deep trong The Lord of The Rings, hoặc trận Terra trong Horus Heresy của W30k cũng được. Và khi chơi đến mức này rồi thì quay phim chụp ảnh gì thì cũng đẹp hết, nhưng số lượng thận bán đi chắc cũng không chỉ dừng ở hai.
Nếu sau một thời gian thử chơi mô hình thấy hay quá và thực sự muốn bước vào thế giới của Games Workshop, thì lúc này là lúc chúng ta cần những thứ “nặng đô” hơn: những trò chơi do GW phát triển.
Blood Bowl
Nếu chỉ được chọn một từ để diễn tả Blood Bowl thì đấy là: Vui. Rất vui. Bạn mà thích bóng bầu dục với luật cho phép giết người thì bạn tìm đến đúng chỗ rồi đấy. Đây là một trò chơi với các chủng tộc trong Age of Sigmar (sẽ nói đến ở các phần sau), nhưng thay cho chiến trường rộng lớn hoành tráng là sân bóng bầu dục với đội cổ vũ là các em gái Elf xinh đẹp. Luật chơi của Blood Bowl thuộc hàng đơn giản nhất trong các game của Games Workshop, nhưng cũng đủ phức tạp để khiến một người chơi giỏi và một người chơi kém được phân biệt dễ dàng, một tựa game điển hình cho việc dễ chơi, khó giỏi.
Trước khi chơi Blood Bowl phiên bản Boardgame thì bạn có thể thử qua ít nhất là hai tựa game Blood Bowl trên Steam: Blood Bowl - Legendary Edition và Blood Bowl 2.
Middle Earth - Strategy Battle Game
Thực ra mà nói thì cá nhân tôi cũng không chơi quá nhiều Middle Earth - Strategy Battle Game (ME - SBE) nhưng có một điều tôi có thể chắc chắn với các bạn về game này, đấy là MÔ HÌNH CỰC KỲ ĐẸP, nhất khi bạn là một fan gạo cội của The Lord of The Rings và ba tập phim cùng tên của đạo diễn Peter Jackson. Bởi phần lớn mô hình trong game này được dựa vào tạo hình trong phim.
Cách dễ nhất để bắt đầu với SBE là bộ “The Battle of Pelennor Fields”, tái hiện trận đánh kinh điển với pha xông vào lũ Orc tàn bạo của Kỵ binh thành Rohan với bài diễn văn mỗi lần bật lên là rơi nước mắt của vua Théoden:
FORTH EORLINGASSSS!!!!!!!!!!
Về luật chơi, Middle Earth sử dụng những luật tương đối cũ của Games Workshop nên sẽ có những khác biệt nhất định, nhất là những cơ chế về Anh Hùng. Cũng dễ hiểu bởi ME tập trung nhiều vào các đơn vị quân này. Còn nhìn chung, chơi Middle Earth sẽ giúp bạn tiếp cận những khái niệm cơ bản nhất của dòng Wargame của GW, đấy là:
- Lập danh sách: mỗi quân sẽ có một điểm số nhất định, và người chơi sẽ chọn quân với giới hạn điểm tổng (Point Cap) nhất định, bé thì khoảng 500, nhiều thì ở khoảng 750-1000
- Di chuyển
- Các pha trong một lượt: đánh, tính đánh trúng, đánh trượt, mất máu như nào, bắn xa và cận chiến như nào…
- Cách sử dụng các đơn vị Anh Hùng
Warhammer Age of Sigmar
Trò chơi có quy mô lớn đầu tiên của GW. So sánh với Blood Bowl hay Middle Earth thì Age of Sigmar (AoS) đòi hỏi khả năng học của người chơi cao hơn hẳn. Nếu nói như The Lord of The Rings là bố tổ của các thể loại High Fantasy thì Age of Sigmar đem tất cả những gì trong The Lord of The Rings đem nhân giống ra, phức tạp hóa lên chắc đâu đó phải cỡ trăm lần.
Bởi thế, số lượng chủng tộc trong AoS nhiều hơn hẳn so với Middle Earth khi cùng về thể loại Wargame. Chúng ta có bọn người chuột Skaven, người lùn Dwarf, lũ da xanh úa Orruks (Orc), đám người cây Sylvaneth, và chắc chắn không thể thiếu phe phản diện kinh điển của thế giới Warhammer nói chung: Bọn quỷ Chaos.
Trong Age of Sigmar, bạn sẽ điều khiển nhiều đơn vị quân hơn, các khái niệm về di chuyển hay chiến đấu cũng phức tạp hơn so với Middle Earth. Số lượng phe phái cũng nhiều hơn nên bạn sẽ dễ dàng tìm được phong cách chơi phù hợp với mình. Về mặt “khô máu”, hay còn gọi là Competitive, Age of Sigmar “nhẹ nhàng” hơn so với Warhammer 40k. Người chơi cũng nhẹ nhàng, hiền từ hơn. Các bạn lên quán Iron Hammer sẽ thấy các bạn nữ thường khoái trò này hơn.
Cách chơi cơ bản của Age of Sigmar cũng tương đối dễ nắm bắt. Để bắt đầu chơi, chúng tôi thường khuyến cáo bộ Storm Strike cho những ai mới làm quen. Nếu có thời gian lên quán, sẽ có “thánh nữ” Natalie Đoàn hướng dẫn chơi từ A-Z cho các bạn. Trong trường hợp muốn chơi thứ gì đó nhanh và nhẹ nhàng hơn, các bạn cũng có thể thử Warhammer Underworld với quy mô nhỏ hơn cả về luật lẫn về chiến trường.
Cốt truyện của Age of Sigmar là một điểm mạnh khác của dòng này. Với thế giới rộng lớn như vậy, chỉ riêng đống lịch sử chủng tộc cũng đủ để bạn đào hố ngồi nghiền ngẫm đâu đó vài tháng cho đến vài năm.
Warhammer 40k
“Hàng tuyển” của Games Workshop (GW). Tất cả những gì tinh túy nhất của GW có thể được tìm thấy ở trò chơi này, đó là:
- Một thế giới vô cùng đa dạng và rộng lớn, với rất nhiều chủng tộc, phe phái khác nhau
- Cốt truyện (Lore) nhiều chiều sâu, phức tạp nhưng cũng rất hấp dẫn
- Số lượng mô hình nhiều nhất hiện tại của GW
- Trò chơi được hỗ trợ tốt nhất của GW
- Tại Việt Nam, hiện đây cũng là trò chơi có số lượng người chơi đông đảo nhất
Tuy nhiên, W40k cũng có những điểm yếu nhất định, nổi bật nhất là vì quá lớn và đa dạng nên để nắm được cách chơi cũng cần tương đối thời gian, bao gồm cả cách chơi của đạo quân mình chọn lẫn các đạo quân của người chơi khác. Cũng vì đưa cho người chơi nhiều lựa chọn nên công cuộc cân bằng của GW thường không xuất sắc cho lắm. Đôi khi những bản cập nhật sẽ khiến bạn phải gần như… học lại từ đầu. Bởi vậy mặc dù không khó để bắt đầu, nếu muốn thực sự “try hard” W40k, bạn sẽ cần bỏ ra kha khá thời gian cũng như tiền của.
Cũng như các trò chơi khác của GW, sẽ có hai phần chính bạn muốn quan tâm nếu như muốn bắt đầu W40k, đấy là: cốt truyện (lore) và cách chơi (rule). Hai phần này, theo kinh nghiệm của tôi, nên đi cùng với nhau. Bởi mặc dù W40k là một Wargame (trò chơi chiến tranh sa bàn) thực thụ, nếu như bạn thực sự hiểu những đơn vị bạn đang điều khiển, bạn có thể thêm chút gia vị nhập vai vào đấy. Chẳng hạn nếu như chẳng may đơn vị Dreadnaught của bạn chết trận bạn sẽ khóc rống lên và truyền sức mạnh của tình bạn vào những chiến binh còn lại trên chiến trường để giành lấy chiến thắng trung cuộc. Đùa đấy. Nhưng cũng có phần thật.
Còn bạn có thể hỏi tại sao với cốt truyện của W40k thì làm thế được mà của AoS lại không thì xin thưa rằng chẳng ai cấm. Mỗi tội nếu nói về mức độ khốc liệt máu lửa thì W40k hơn AoS kha khá nhiều nên dễ dẫn đến những pha “đẫm nước mắt” hơn.
Cũng giống như Age of Sigmar, Warhammer 40k có phiên bản “nhẹ đô” hơn, đấy là Kill Team. Có điều W40k còn có một phiên bản “nặng đô” hơn, chắc là để thể hiện độ “hardcore” của thế giới đầy u tối này, đấy là The Horus Heresy (HH). Mặc dù tập trung chủ yếu về phe Space Marine do sự liên quan mật thiết đến cốt truyện nhưng luật chơi của Horus Heresy thậm chí còn phức tạp hơn so với W40k bình thường. Điểm mạnh của HH là luật không thay đổi nhiều như W40k nên bạn ít gặp phải tình trạng vài tháng quay về muốn chơi thử vài ván lại thấy “như mới”.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất