Tối 14 âm, có trăng.
Lại là mùa gặt. Chắc đây là lần thứ hai sau chừng đó năm đi học được về đúng mùa gặt. Mà đợt này lại được nghỉ dài ngày hơn. Mùa gặt là mùa có mùi thơm của rơm phơi. Những năm nay tớ không nghe tiếng máy tuốt lúa trong xóm nữa. Mẹ bảo bây giờ người ta gặt bằng máy rồi tuốt ở ngoài ruộng luôn. Chỉ cần chở mấy bì lúa về phơi thôi. Tớ nhớ lại ngày xưa, những lần đi chơi trong xóm, đi ngang qua nhà nào đang tuốt lúa ở cổng là thấy hay lắm. Cứ đứng nhìn. Chờ người ta tuốt xong mới đi ngang qua. Một phần là sợ xót. Hồi đó mẹ luôn dặn tắm rửa rồi là không đi chơi nữa. Giờ đó các nhà hay tuốt lúa, đi ngang qua mà bẩn với xót là phải về tắm lại. Nghe rồi dạ vậy thôi chứ chẳng nghe. Canh me mẹ vô bếp là lại chuồn đi. 
Nghe mẹ nói tớ mới để ý là có ngửi thấy mùi thơm nhưng không thấy rơm như trước. Cũng chẳng mấy nhà có đống rơm thật to phía ngay cổng để buổi chiều trâu bò từ đồng về đứng nghỉ, ngoạm mấy ngoạm rồi mới thong thả đi vô chuồng. Tớ thích nhìn cảnh đó cực luôn đó. Chẳng hiểu vì sao. Chiều nào tớ cũng ở sân nhà bác chờ nhìn cảnh đó xong mới chạy về nhà. Thời nay có mấy ai nuôi trâu với đun cám lợn bằng bếp củi như xưa đâu. Người ta cũng không cần rơm nữa. 
À, hồi trước tớ nhớ sân các nhà để dành phơi lúa. Đường làng thì để phơi rơm. Mùa hè tụi tớ mà đạp xe đi học là cò cổ vì vừa nắng lại vừa nặng. Xe đứa nào cũng dính rơm. Đứa nào xui dính rơm nhiều ở xích thì mắc kẹt luôn, phải dừng lại gỡ. Có khi còn muộn học. Vui phết.
Những đêm tối mát có trăng như thế này là tụi tớ ới nhau đi chơi cả đám nè. Hôm nay tớ ăn cơm sớm rồi ra thềm đứng hóng. Có nghe mùi rơm. Có nghe tiếng chó sủa. Vẫn có tiếng người giặt đêm vì mùa này ban ngày rất bận. Nhưng chẳng có đứa con nít nào chơi ngoài đường cả. Hồi đó tụi tớ còn chơi trốn tìm bằng cách chui vào đống rơm. Ấy là tớ kể lại thế. Chứ tớ chưa từng bao giờ. Tớ sợ xót. Sợ phải về thay đồ tắm lại nữa. Nghĩ lại mới thấy, có thể là do gia đình nhắc nhở, nhưng trong tớ luôn có một sự chừng mực, đúng hơn là một sự gì đó ngăn lại, để không đi quá đà. Nói đúng hơn là không dám vùng lên để một lần... liều. Chơi trốn tìm sợ bị bắt nhưng không dám chui vào rơm hoặc nấp chỗ tối. Chơi với tụi trong xóm sợ bị chạy sau cùng nhưng không dám thả dép, dù mọi người nói cầm dép lên chạy cho nhanh. Chơi pháo hoa mấy đứa con nít quê tự chế dù thích tớ cũng không dám cầm. Cả năm mới được một lần cả nhà đi vắng để được tắm mương nhỏ cạnh nhà nhưng cũng không dám nhảy từ trên bậc xuống... Mở miệng là gái nhà quê nhưng tớ không được nhiều thứ vui trọn vẹn đó. May thay đều là những thứ ông bà cấm nên tớ thành cháu ngoan. Nhưng thực ra trong lòng nói nếu một lần liều tớ chắc cũng cảm thấy tốt hơn. Nói đến đây tớ lại thấy buồn buồn.

Thời gian này tớ hình dung rõ mồn một lại từng thiếu sót đấy. Rồi tớ tiếc. Chắc khi nhìn về thấy quá khứ thiếu sót hay nhỡ nhàng một cái gì người ta hay tiếc. Và biết không thể nào có lại nó nữa người ta càng day càng tiếc hơn.
Tự dưng tớ thèm trải chiếu, ăn cơm ngoài thềm, một đêm hè có mùi rơm và có trăng. Nó vẹn tròn như một bánh canh rau muống có chanh vậy đó. Tớ từng so sánh thế. Nhưng mẹ lại đi vắng rồi. Nếu có mẹ thì chắc mẹ sẽ hiểu mà đồng ý. À, thực ra mẹ không hiểu hết tớ. Nhưng mẹ hiểu rằng tớ luôn có những mong muốn kỳ quặc như thế mà chiều theo. Bây giờ lại ở nhà với bố. Bố tớ là người không nghe nhạc, là người quét nhà đến chỗ cái gương cũng không hề nhìn vào. Chẳng biết từ bao giờ tớ định nghĩa có hai loại người như thế. Cùng quét một cái nhà có một chiếc gương to ở giữa, một loại người khi đi qua đó sẽ nhìn vào gương (và ngắm nhìn một chút). Nhóm khác sẽ không mảy may nhìn mà đi qua luôn. Bố tớ là nhóm người thứ hai. Và bố sẽ không hiểu được sự vẹn tròn của bát canh rau muống có chanh khi ngồi ăn cơm ở thềm nhà đêm có trăng.
Tớ lại buồn vì cả nhà tớ, cả đại gia đình tớ, chẳng mấy ai lại hiểu điều đó (giùm tớ). Đã nhiều lúc tớ tự hỏi tớ bị di truyền sự vớ vẩn này từ ai không rõ, để bây giờ bị lạc lõng một mình. Tớ lại không bứt ra được sự chừng mực níu kéo chính mình nữa. Thật là luẩn quẩn.
Tớ đã từng nghĩ đâu cần phải ai thấu hiểu.
Nhưng chắc là cũng cần đó. 
Cũng cần đó.