Tôi vừa quay cuồng với bài thi môn xã hội học vừa xong, nộp được bài cảm giác nhẹ cả người. Đề bài tôi phải làm là về bất bình đẳng giới. Ừ thì, đang trong "mạch cảm xúc" về bất bình đẳng giới, tôi muốn viết ra đôi dòng suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Bất bình đẳng giới hay được (hoặc là bị) nghĩ là chỉ xảy ra với phụ nữ. Đồng ý rằng phụ nữ đã và đang chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới trong nền kinh tế - xã hội ngày nay. Đó là một vấn đề lớn, một câu chuyện muôn thuở được nói, viết đến rất nhiều. Và bản thân tôi cũng là nữ giới, tôi có mẹ và có chị gái, tôi hiểu và thấm thía phần nào rằng "phái yếu" đã phải chịu đựng sự không công bằng như thế nào và nó khó chịu đến mức nào. Tuy nhiên, bài viết này, tôi muốn dành một chút để suy nghĩ về bất bình đẳng đối với nam giới. Thực sự thì, theo tôi, nam giới cũng đang phải chịu rất nhiều ràng buộc, định kiến và áp đặt của những quy chuẩn về giới.
Tôi có một ông bạn thân và tôi rất quý ông ấy. Một phần vì ông ấy tốt, đương nhiên, và cũng một phân vì tôi thấy ông ấy...yếu thế hơn so với những người con trai xung quanh. Hồi cấp 3, bạn tôi hay bị trêu là ẻo lả vì không chơi đá bóng cùng lũ con trai khác hay không hay..xung phong lên xóa bảng, bê ghế giúp tụi con gái chúng tôi. Bạn tôi chỉ thích ngồi, thường là một mình xem điện thoại rồi tự cười khúc khích. Hắn chẳng có nhiều bạn mà tính ra hắn cũng chẳng cần nhiều bạn. Hắn thấy tất cả vậy là đủ và hắn hài lòng. Da ông bạn này trắng bóc, như...Ngọc Trinh, tôi thề là tôi đã thốt lên như vậy khi nhìn thấy làn da nõn nà chẳng khác gì em bé của hắn. Rồi giọng nói, thỉnh thoảng, lúc hắn hưng phấn lên, cứ the thé như giọng một cô nào đấy. Còn nhiều lắm những điểm khác nữa, tôi không thể nhớ hết được. Chỉ biết là đám tôi hay chọc hắn bảo không biết sau sẽ lấy vợ hay...lấy chồng đây.
Tính ra câu chuyện này cũng không có gì đặc sắc và liên quan đến bất bình đẳng giới, cho đến khi tôi làm thân với hắn. Nói thực, nhìn bề ngoài hắn có vẻ...ngu ngu và chẳng biết thứ gì về "đời" như tôi cả. Nhưng hắn sâu sắc và "trưởng thành" hơn tôi tưởng. Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó, hai đứa tôi ngồi tâm sự đâu đó 4 5 tiếng đồng hồ. Về chuyện học hành, thi cử cuối cấp rồi yêu đương, gia đình, bố mẹ. Nói chung là đủ hết thứ chuyện trên đời. Và tôi hiểu nó hơn, về những suy nghĩ của một "thằng con trai" như hắn.
Và tôi biết được rằng: À, bất bình đẳng giới cũng đã và đang xảy ra với "những người đàn ông của chúng ta". Nó đã dằn vặt hắn nhiều. Về chuyện không học giỏi để mai sau có thể làm "trụ cột" gia đình nuôi mẹ nuôi vợ con. Về chuyện không có cơ bắp, có sáu múi hay cao to như mấy thằng bạn của hắn. Hay kể cả chuyện thể thao, hắn bị cận quá nặng để có thể chơi đá bóng và những môn khác mà hắn thích. Hắn nói hắn thèm được khóc. Nhưng con trai mà khóc hay yếu lòng nó nghĩ đó là điều không nên. "Đàn ông là phải mạnh mẽ" "Đàn ông không được khóc, dù có muốn đến mấy, phải nuốt ngược nước mắt vào trong". Ôi những lời "tuyên thệ" của hắn, tôi vừa nghe mà vừa muốn cười, vừa thương cảm hắn. Trông hắn có vẻ "vô tư, hồn nhiên" thế mà nhiều tâm trạng! Và quả thực, hắn cũng phải chịu rất nhiều định kiến, ràng buộc của xã hội này đặt lên cái mác "nam nhi" chứ không riêng gì phái nữ chúng tôi.
Những người đàn ông của chúng ta, không biết được họ đã trải qua những gì. Tôi đã hỏi mình như thế. Như bố của tôi thôi, không biết áp lực mà bố phải chịu lớn mức nào. Một chàng trai 17 tuổi là bạn tôi đã có những suy nghĩ như vậy thì bố tôi đã suy và nghĩ nhiều đến mức nào? Thế mà nhiều lúc tôi còn có suy nghĩ trách bố rằng làm công việc nhà nước để làm gì rồi lương bèo bọt thiếu thốn. Tự dưng tôi thấy thương bố, thương ông bạn tôi...Tôi phần nào hiểu được những thứ họ đang phải trải qua. Những người đàn ông, tôi biết được, có đầy giây phút họ thấy yếu lòng, chỉ là họ chọn cách im lặng và đối mặt. Đúng không?\
Hà Nội, 19/05/2022.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất