Vụ việc con của ca sĩ Thủy Bi bị bạn bè bắt nạt vừa rồi đã làm dậy sóng dư luận một lần nữa về vấn nạn bạo lực học đường. Bạo lực học đường đã diễn ra từ rất lâu và ở nhiều trường học tại Việt Nam. Với hình thức ngày càng tinh vi, mức độ ảnh hướng đến tâm lý học sinh ngày càng nghiêm trọng, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại và tìm cách giải quyết triệt để nhất có thể.
Đầu tiên, tôi xin kể về một ví dụ cụ thể nhất mà tôi biết: chính tôi hồi học cấp 2 cũng là nạn nhân của bạo lực học đường. Khi còn học cấp 2 , tôi khá nhút nhát, hướng nội, ít tiếp xúc bạn bè, có rất ít bạn bè thân thiết. Ban đầu những "tên đầu xỏ" chỉ bày trò trêu trọc một vài lần rồi thôi. Nhưng càng ngày, mức độ và tần số của những trò cợt nhả đó càng tăng. Chúng vẽ bút xóa lên bàn ghế tôi ngồi, vứt cặp sách tôi cho đồ văng tứ tung. "Hôm nào rảnh", chúng cũng có thể tháo van xe hoặc trùm áo lên đầu tôi và cả bọn chúng nó "hội đồng" tôi. Thực sự những tháng ngày đó, tôi đi học trong tình trạng u uất nhưng không dám nói. Bạn thân của tôi cũng chơi cùng với nhóm chúng nó để không lạc bầy. Chỉ là cậu ta không đánh tôi như chúng nó và luôn giúp tôi lúc khó khăn. Tôi bị bắt nạt thế cho đến năm lớp 9. Tôi cay cú lũ bắt nạt và viết " bản án " ra một tờ giấy như một khát khao sẽ đến ngày chúng nó phải bị trừng trị thích đáng. Hồi đó, tôi là đứa có thể trạng và sức khỏe yếu. Lần ấy , tôi ốm nặng. Cô họ của tôi cùng lớp, do quá bức xúc với những gì lũ bắt nạt đã làm với tôi nên cô đã kể cho bố mẹ tôi nghe về toàn bị sự việc tôi bị chúng ý đông hiếp yếu trong thời gian qua. Bố mẹ tôi liên hệ cô chủ nhiệm thì bà ta nói đại ý rằng: Con của anh chị viết giấy trêu chọc bọn học sinh kia trước và mấy đứa kia "trêu đùa có phần thái quá". Và bố mẹ tôi không ngại xa xôi, tìm đến tận nhà từng đứa một để trao đổi với phụ huynh của chúng. Sau lần ấy tôi không còn bị bắt nạt nữa. Có lần tôi lén mang 1 con dao gấp đến lớp, còn giơ ra khoe chúng nó. Ngày ấy mà làm liều thì hôm nay không có bài viết này ở đây.
Theo tôi, bạo lực học đường không chỉ đơn giản là những hành vi đánh đập, bạo lực mà còn bao gồm cả những lời nói cay độc, sự cô lập mối quan hệ mà những kẻ "thích đùa" gây ra cho các em học sinh. Vết thương thể xác có thể chữa lành nhưng vết thương về tinh thần và tâm lý thì mất rất lâu mới có thể chữa lành. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến: nhà trường và phụ huynh chưa sát sao trong việc theo dõi và quan tâm đến các em học sinh. Các nhà trường thường để cho các phụ huynh tự thương lượng với nhau thay vì nhận trách nhiệm. Phía nhà trường rất sợ bị mang tiếng và những vụ bạo lực học đường thường bị nhà trường "ỉm" đi thay vì đưa ra quy định giải quyết triệt để. Phụ huynh thì chưa quan tâm đúng mực với con cái, để lũ trẻ buông thả thể hiện bản thân thái quá. Nguồn cội định hình tính cách và hành động của một con người là gia đình. Nếu gia đình giáo dục sai cách thì định hướng tính của các em sẽ lệch lạc và các em sẽ bước vào con đường sai lầm. Nguyên nhân tiếp theo là thời đại công nghệ phát triển, các em học sinh sớm tiếp xúc với các thiết bị công nghệ hiện đại, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và sự phát triển cảm xúc của trẻ. Chưa kể, trên mạng xã hội có rất nhiều hiện tượng mạng tiêu cực, xấu độc, hoặc những văn hóa phẩm bạo lực đồi trụy, các em chưa có lập trường vững thường lấy đó làm thước đo "độ ngầu của tuổi trẻ". Thêm vào đó, các em bị bắt nạt và những em chứng kiến hành vi bắt nạt thường không dám trình báo phụ huynh và nhà trường vì sợ bị trả thù làm cho quá trình bị bắt nạt càng tiếp diễn lâu hơn.
Nhận thấy vấn nạn bạo lực học đường đang trở nên ngày càng nghiêm trọng như thế thì chúng ta cần làm gì để ngăn chặn nó. Về phía gia đình, cần quan tâm hơn đến các em học sinh , giáo dục cho chúng về kỹ năng sống , kỹ năng ứng xử, tìm hiểu tâm tư mong muốn của chúng về cuộc sống để "vẽ đường" "cho hươu chạy" đúng hướng. Về phía nhà trường, cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường học tập an toàn lành mạnh, xử lý nghiêm khắc những học sinh thực hiện hành vi bạo lực , phối hợp với gia đình giáo dục các em. Về phía chính các em học sinh, cần trang bị và rèn luyện kỹ năng sống ,kỹ năng sinh tồn, dám lên tiếng trước những việc xấu độc trong trường lớp, cứng rắn hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và bạn bè khỏi bạo lực học đường.
Tôi mong rằng sau vụ việc vừa rồi nhà trường và phụ huynh có những biện pháp hữu hiệu nhất có thể để ngăn chặn bạo lực học đường.