Bao giờ cho đến ngày xưa...
Nhân những ngày tháng đang bị dịch bệnh hoành hành, nhìn ngang rồi lại nhìn dọc đâu cũng là những lời kêu than từ sức khỏe cho đến...
Nhân những ngày tháng đang bị dịch bệnh hoành hành, nhìn ngang rồi lại nhìn dọc đâu cũng là những lời kêu than từ sức khỏe cho đến kinh tế…
Tôi sẽ vẽ lại một đoạn tuổi thơ nơi toàn sự hồn nhiên và láu cá.
Ngày bé nhà tôi nằm ngay dưới chân cầu mà nghe đồn là do thằng Pháp xây nên. Cạnh sông, có gió có nắng có cả những trận đòn roi.
Ngày hè. Ngủ trưa như thông lệ là điều mà tất cả những đứa trẻ chỗ tôi phải chấp nhận dù muốn hay không. Cứ 12h trưa là nhà nào nhà nấy đóng cửa, mặc kệ những ánh mắt tội nghiệp của những đứa nhỏ đang nhìn nhau qua cánh cửa xếp dần kéo lại…Két…két…tiếng cửa xếp sắt lâu ngày bị hoen rỉ.
Một lẽ tất nhiên là tôi không chịu khuất phục. Sau một vài cử động nhằm khám thính xem bố mẹ đã ngủ chưa. Tôi lò dò bấm ngón chân, trườn xuống đất một cách nhẹ nhàng. Để chắc cú tôi còn ngổm dậy nhìn kĩ lại 1 lần nữa, rồi mới yên tâm rón ngón chân bước ra ngoài. Cái cửa xếp sắt cũ kĩ lúc nào cũng là trở ngại với tôi, mặc dù có đôi lúc tôi tự hào vì nó có thể chống được trộm với tiếng kẽo kẹt của nó.
Chiếc quần đùi thái đỏ-xanh-đỏ vang danh với cái áo phông màu có phần cháo lòng dần theo năm tháng. Thoăn thoắt chạy về hướng trong làng vì tôi biết trưa nay đội trong đó có mấy anh sẽ đi bắt cào cào về rang và tôi chắc suất cầm bao-cái bì đựng thóc chỗ tôi. Tôi phải nhanh cho kịp giờ.
- Anh Cê ơi, đáp lại tôi là tiếng: Gâu gâu…con chó nhà anh Cê lúc nào cũng dữ nhất cái xóm này. Được một hồi thì anh Cê ra mở cửa cho tôi vào nhà. Ae đã chuẩn bị xong hết, chỉ đợi nắng đỡ gắt rồi đi lội đồng. Tôi nhỏ nhất nên không phải làm gì, mà có cho tôi cũng k làm được nên cầm bao cũng là điều vinh dự.
Cái cảm giác giữa những ngày hè, được theo các anh đằm mình trong cái nắng trưa hè xen mùi cỏ mùi rơm với sự hiếu kì và nghịch ngợm của đứa trẻ lớp 4 cũng giống như của mấy chị bán chui đồ ăn thời dịch bây giờ vậy, sợ mà vẫn tham. Sợ ăn đòn của mẹ khéo còn hơn sợ chính quyền phạt.
Nam…Nam lại đây. Anh Cê gọi tôi lại để đổ vợt sau khi đã vợt đầy. Ê Nammm anh Hờ lại gọi tôi. Chạy đi chạy lại chẳng mấy chốc mà cái bao tôi cầm theo đã nặng trĩu. Mấy anh em cười như rang, chân tay toàn bùn đất, cỏ may bám đầy người.
Trèo thẳng lên mái nhà a Cê, chúng tôi xúm lại thịt cào cào. A Cê dạy tôi, cấu cánh đi, bẻ cẳng dưới vì nó dễ hóc. Vừa cấu cánh cắt chân a Cê vừa nói
- Nhà anh hết mỡ rồi mày về lấy sang đây, a rang cho anh em ăn, anh em bỏ sức với dụng cụ đi bắt rồi, chẳng nhẽ mày lại tiếc anh em chút mỡ à?
Thời đó chỉ có mỡ lợn rán lên rồi đựng bằng chiếc cặp lồng sắt chứ không có nhiều loại dầu ăn heathy như bây giờ. Tôi đắn đo một hồi rồi cũng quyết chạy về nhà để góp sức cùng anh em. Bố mẹ đã đi làm. Tôi thoải mái lấy những thứ mà tôi thích đem đi.
Anh em ai cũng mãn nguyện no nê, đánh chén xong thì chúng tôi lại rủ nhau đi vặt trộm khế của bà Nờ hàng xóm.
Chuyện cũng sẽ đẹp nếu mọi thứ kết thúc tại đấy. Nhưng tạo hóa thì lại chẳng như thế bao giờ. Mẹ tôi với trí nhớ của một bà nội trợ siêu phàm đủ nhớ được tất cả mọi thứ sắp xếp của căn bếp.
- Cặp lồng mỡ tao mới rán hôm kia, sao đã hết rồi…bây giờ lấy gì mà xàooo rauuuu.
Tiếng la rung chuyển trời đất. Và tôi biết tôi sắp phải đối mặt với điều gì.
Sau đó là một trận đòn thập tử nhất sinh. Một bữa cào cào rang ngon nhất tôi từng ăn, à tối đó nhà tôi ăn rau luộc vì không có đủ mỡ để xào rau nữa.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất