Mới đây, vlogger Khoa Pug bị dân mạng chỉ trích khá dữ dội sau clip “Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn’ vì họ cho rằng anh này hiểu sai ý của người nhân viên nhà hàng, câu view và hành xử không lịch sự.
Mình ở đây sẽ không nói rằng Khoa Pug đúng hay sai nhưng điều mình muốn bàn là cách tiếp cận vấn đề của báo chí với vụ việc, đặc biệt là tựa đề bài báo trên Tuổi Trẻ Online.
Có 3 vấn đề chính ở đây.
  • Tựa bài của báo Tuổi Trẻ đã vô tình (cố tình?) gây hiểu nhầm cho độc giả rằng phát ngôn ‘Trọc phú dốt nát’ là của quý báo, trong khi theo mình, hoàn toàn có thể thêm thông tin người phát ngôn vào tít. Ví dụ - Giảng viên ĐH Nhật Bản: Khoa Pug là trọc phú dốt nát, như thế này sẽ rõ ràng hơn và không khiến người ta hiểu rằng một tờ báo lớn hàng đầu Việt Nam lại có quan điểm chỉ trích một cá nhân gay gắt như vậy.
  • Đâu là giới hạn của báo chí?
    Theo như bài báo, vị giảng viên kia đã liên hệ Tuổi Trẻ để biểu lộ sự bực tức của mình, tức là phát ngôn của chị mang màu sắc cá nhân với những ngôn từ xúc phạm rất nặng nề. Là một tờ báo lớn, đáng lẽ Tuổi Trẻ phải có những biện pháp nghiệp vụ để khiến việc phản ánh trở nên khách quan hơn, để ý kiến cá nhân không thể là luận điểm chủ đạo của bài viết mà chỉ là những luận cứ mà thôi. Vì với lời lẽ như bài viết này, tôi hoàn toàn có thể cho rằng báo Tuổi Trẻ cùng cô giảng viên kia đã miệt thị Khoa Pug trên phương tiện thông tin đại chúng có độ phủ sóng. Hành vi này là khó chấp nhận và mỉa mai trong chính bài viết ‘chê’ người khác trọc phú, mất lịch sự.
  • Việc khai thác những bài viết từ mạng xã hội để đưa lên mặt báo là điều không mấy mới mẻ và cũng được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên không phải ý kiến nào trên mạng xã hội cũng có thể phản ánh lên mặt báo vì đơn giản cách lập luận, giọng văn trên mạng đôi khi gay gắt và khó kiểm soát. Nhiều tờ báo/trang thông tin điện tử đã cho đăng tải những lời chỉ trích Khoa Pug của vị đầu bếp với những từ ngữ khó nghe. Ban biên tập không thể cứ cho rằng việc của báo chỉ là đăng tải thông tin, ‘ý kiến dân mạng’ mà không  hề có một động thái định hướng hoặc chịu trách nhiệm về phát ngôn của nhân vật mình đăng tải.
Khoa Pug sai, anh ta sẽ phải chịu sự tẩy chay của dân mạng. Đó là một cơ chế bình thường của nghề vlogger và không ít người làm Youtube đã dính phốt. Nhưng việc khai thác thái quá, thậm chí là xúc phạm như báo Tuổi Trẻ với một người vẫn đang tuân thủ luật pháp, chưa có hành động gì quá mức thì cần phải xem xét lại.