Một trong những món ăn ưa thích khi còn ở với bà là bánh ngải.
Thường vào tháng ba âm lịch không còn rét mướt, chỉ lành lạnh và vẫn có mưa. Mưa không lớn nhưng dai dẳng, tạo cảm giác ẩm ướt đến khó chịu. Mặc kệ lạnh mặc kệ mưa luống ngải cứu - giống như bao nhiêu loài cây  ở ngoài kia đều trổ lá, vươn lên mơn mởn và xanh tới mát lòng.
Sáng sớm, bà đã ra vườn hái đầy một dậu lá ngải. Chỉ cần câu gọi của bà cũng đủ khiến cho đứa cháu háo hức:
- Dậy...dậy mà hộ bà làm bánh !
Lá bà hái về không quá già nhưng cũng không quá non. Có lẽ do khí hậu, mà ngải cứu ở miền núi có vị đắng vừa phải, mùi không quá hăng. Lá ngải xanh tươi, cùng gạo nếp thơm dẻo, vừng rang trộn với đường ngọt lịm - nhiêu đó thôi cũng đủ để làm nên món quà quê dân dã này.
Cái bếp giữa nhà đã đỏ lửa từ khi nào. Bà lấy gói vôi bột trên nóc chạn,múc lấy chừng một thìa đầy, hòa vào nồi nước đang sôi trên bếp rồi từ từ cho từng nắm lá ngải xuống.Lửa bập bùng, soi sáng rõ từng nếp nhăn trên mặt, trên tay bà. Từ khuấy nước, tới đảo lá, rồi vớt ra rổ...bà làm nhẹ nhàng, nhanh gọn. Đứa cháu ngồi cạnh bếp canh củi lửa, thầm khen bà giỏi như một nghệ nhân.
Đầy một dậu thế mà luộc qua một lượt nước vôi và rửa qua mấy lượt nước sạch chỉ còn thu về một dúm đựng vừa cái rổ con. Lá mang thái sợi cho thật nhỏ trông bông bông xốp xốp mà vẫn xanh quá là xanh. Cái chảo to đã được bắc lên, từng nắm từng nắm ngải cứu được mang lên rang giống như người ta sao búp chè. Khói cay cay, củi nổ lách tách, mùi thơm phưng phức bay khắp gian bếp nhỏ.  
Bà hay bảo "Cái việc giã bánh dày lẽ ra là của đàn ông". Cứ nói vậy thôi nhưng mọi công đoạn bà đều muốn một mình làm từ đầu đến cuối. Từng bát xôi nếp còn nóng hổi, trộn với lá ngải được cho vào cái cối có bôi qua chút mỡ rồi cứ như vậy mà giã bằng chày tay. Cũng chẳng rõ là trong bao lâu, chỉ biết rằng cái chày vốn to mà nặng vậy mà vào tay bà sao nó lại thật nhẹ nhàng. Tiếng chày nện xuống cối từng tiếng đều đều, sân nhà tưởng như rung lên khe khẽ, cứ như vậy cho tới khi lưng áo chàm đã thấm ướt thì xôi nếp cùng với lá ngải đã thành một khối mịn, không còn lấm tấm hạt vậy là có thể mang ra làm bánh được rồi.
Nắm lấy từng nắm dẻo quánh màu xanh chừng vừa lòng bàn tay, nặn sao cho thật bẹt rồi  lấy thìa xúc từng chút nhân vừng đen trộn đường bỏ vào giữa, hồi sau khéo léo vê lại sao cho thật kín không để nhân bị trồi ra ngoài, phết lên bề mặt một chút mỡ cho khỏi dính rồi gói vào từng thếp lá chuối, nghe tưởng đơn giản thế mà cháu lóng ngóng lại làm hỏng mấy lần, bà chỉ cười "Cứ phải hay làm thì mới quen tay".
Bánh làm xong được bọc giữa một lớp lá chuối, xếp đầy trên chiếc khay tròn. Lá xanh, bánh dày xanh, cắn một miếng thấy man mát trong khoang miệng, vị đắng của ngải cứu chẳng biết đã trốn đi đâu mất chỉ còn lại vị ngọt ngào của đường, bùi bùi ngầy ngậy của vừng và thơm dẻo của gạo nếp. Mỗi khi bà làm bánh cháu thích thú mà ăn đến no.
...
Đã khá lâu kể từ hồi bà mất. Thi thoảng trong những ngày ghé thăm quê vội vã, cháu vẫn chạy ra vườn xem luống ngải, ngắm nhìn cái dậu, cái cối của bà vẫn còn được đặt trong góc nhà giờ đã cũ mòn, sứt mẻ, sờ tay lên đó như thấy cả tuổi thơ êm đềm bên bà ùa về.
Cháu giờ đã lớn, vẫn thích ăn bánh ngải, nhưng chẳng thấy ở đâu làm bánh ngon giống như bánh bà làm cho cháu khi xưa.