Bánh mì là một trong những đồ ăn lâu đời nhất thế giới. Nó có lịch sử từ cách đây hàng ngàn năm, thậm chí trước khi con người ghi chép lại các sự kiện lịch sử về nó.

Nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu về văn hóa cổ đại cho rằng, hai nhóm người đặc biệt đã trồng và sử dụng lúa mì. Lúa mì là thành phần chính của bánh mì. Những nhóm người đó sống ở Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà (một phần Iraq ngày nay). Đầu tiên, họ ăn hạt lúa mì. Nhưng trải qua thời gian, họ đã tìm ra các phương thức khác để sử dụng lúa mì. Họ nghiền và đổ thêm nước vào lúa mì. Kết quả của việc làm này là họ tạo ra được một lớp bột dày và mềm hơn. Tiếp đến, họ đem lớp bột đó hơ trên đống lửa. Sau đó, lớp bột này chuyển thành một chiếc bánh mì cứng và phẳng.

Tình cờ phát hiện ra men bánh mì

Những nhóm người cổ đại đó còn khám phá ra men nở. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phát hiện của họ chỉ là tình cờ. Mọi người nhận ra rằng, nếu họ để thứ bột đã được nghiền nát và đổ thêm nước trong một thời gian thì liệu có điều gì lạ xảy ra hay không. Khi họ làm chín thứ bột được để trong khoảng một thời gian thì sản phẩm họ nhận được là một chiếc bánh mềm hơn và nhẹ hơn.

Sau đó, họ phát hiện ra rằng, lý do khiến bánh mềm và mịn hơn là do men nở. Men nở là một vi sinh vật rất nhỏ lơ lửng trong không khí.

Men nở trong không khí phản ứng với một thứ gì đó trong bột. Nó tạo thành khí. Loại khí này làm cho bột nở ra. Vì vậy, khi họ làm chín bột, thứ bột này sẽ có vị ngon hơn. Sau đó, mọi người đã nghiên cứu cách thêm men để kiểm soát vị của bánh mì.

Loại đồ ăn mới này đã có ảnh hưởng đặc biệt lên hành vi của các nhóm dân tộc cổ đại. Họ phát hiện ra rằng, họ có thể cất giữ lúa mì. Và họ cũng nhận ra rằng, bột chưa làm chín có thể để lại trong một thời gian. Điều này có nghĩa là mọi người không phải tìm kiếm thức ăn mỗi ngày. Và vì thế, họ có thêm thời gian để học các kỹ năng khác và phát triển xã hội của họ.

Bánh mì ngay lập tức có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Từ những người dân thường đến các quan chức cấp cao tại lãnh thổ này, mọi người đều thích ăn bánh mì.

Ngày nay, sau hàng ngàn năm, nhiều người đến thăm khu vực Ai Cập trong Bảo tàng Anh tại London (Anh) đều có thể nhìn thấy chiếc bánh mì 5000 năm tuổi. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nó trong lăng mộ của một vị vua Ai Cập. Vị vua này muốn mang bánh mì sang kiếp sau. Vì vậy, ông đã ra lệnh cho quân lính chôn ông cùng với bánh mì khi ông qua đời.

Người thợ làm bánh dưới thời La Mã

Vào thời đế chế La Mã, làm bánh mì thực sự trở thành một kỹ năng. Không phải bất cứ ai cũng có thể làm bánh mì.

Chính phủ đã thành lập một tổ chức dành cho các thợ làm bánh mì. Mỗi thành viên trong tổ chức này được gọi là một ‘pistor’ theo tiếng Latinh. Trong tiếng Anh, nó có nghĩa là “thợ làm bánh”.

Các thợ làm bánh được hưởng sự đối đãi đặc biệt.

Đầu tiên, họ là những người tự do, họ không phải là nô lệ. Thứ hai, họ không được giao thiệp với những người trong rạp hát, diễn viên và võ sĩ. Chính phủ nghĩ rằng, hành vi của những người đó có ảnh hưởng xấu đến những thợ làm bánh. Các thợ làm bánh phải là những người có hành vi trong sạch. Và thứ ba là, một khi trở thành thợ làm bánh, đó là công việc cả đời của họ. Một thợ làm bánh không thể chuyển sang làm một công việc khác kể cả khi anh ta muốn như vậy. Những đứa con của thợ làm bánh cũng sẽ trở thành thợ làm bánh. Nghệ thuật làm bánh được giữ trong gia đình mãi mãi. Người thợ làm bánh ở Rome luôn là người lĩnh trách nhiệm lớn.

Các loại bánh mì trên thế giới

Qua nhiều năm, những nguyên liệu chính của bánh mì như lúa mì, nước, men và muối vẫn không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những phiên bản của riêng mình. Và dưới đây là một vài loại bánh mì nổi bật:

Pitta là một loại bánh mì tròn, phẳng ở các nước Trung Đông. Người dân ở đây thường cắt bánh và thêm thịt hoặc rau vào bên trong bánh.

Baguette là bánh mì trắng dài. Các bánh Baguette rất phổ biến ở Pháp. Người dân dùng bánh mì trong hầu hết các bữa ăn.

Roggenbrot là một loại bánh mì phổ biến ở Đức. Những người thợ làm bánh sử dụng hạt lúa mạch đen thay cho lúa mì. Điều này khiến cho bánh mì Roggenbrot có màu đen đặc trưng.

Injera là bánh mì làm từ một loại lúa mì được dùng nhiều nhất ở Ethioia, có tên là teff. Mọi người ở đây trộn lúa mì teff với nước. Thỉnh thoảng, họ lấy hỗn hợp lúa mì teff và nước và nấu trong dầu. Kết quả là họ có một chiếc bánh phẳng và dày. Mọi người ăn nó với thịt và rau.

Bánh mì trắng tượng trưng cho thịnh vượng

Cách đây nhiều năm, bánh mì cũng là biểu tượng của sự thịnh vượng. Bạn có thắc mắc vì sao không?

Màu sắc tự nhiên của lúa mì được nghiền nát không phải là màu trắng. Người ta phải mất một số quá trình để làm cho lúa mì trắng nhất có thể. Những quá trình đó liên quan đến việc loại bỏ các hạt nhỏ không mong muốn và nghiền kỹ lúa mì hơn. Vì vậy, việc làm này thực sự mất nhiều thời gian. Do đó, trong quá khứ, bánh mì trắng thường đắt hơn bởi vì nó cần nhiều công sức để sản xuất hơn. Nếu ai đó mua bánh mì trắng, họ thường có nhiều tiền. Người nghèo thường chọn bánh mì đen hơn. Loại bánh này được làm từ lúa mì chưa được nghiền nát kỹ và còn nhiều hạt thô.

Các nhà khoa học sau đó đã phát hiện ra rằng, bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt có lợi cho sức khỏe hơn. Vì vậy, bánh mì có màu tối hơn được sản xuất từ lúa mì thô nên được dùng trong bữa ăn của mọi người. Ngày nay, ăn bánh mì trắng ngày càng ít phổ biến ở nhiều quốc gia vì mọi người đều biết ăn bánh mì đen sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

Nguồn: Tìm hiểu thế giới (timhieuthegioi.com)

Bánh mì: Món ăn được yêu thích nhất trên toàn thế giới