Bàn vui về Kinh Dịch - Dịch học phiếm đàm. Phần 2: Thiên Địa Nhân và cái sự dịch của vạn vật.
funny, dịch, vui vẻ
Như phần 1 ta đã nói đây là ta bàn vui đừng nghiêm trọng quá, bàn chơi thôi về dịch học, môn được bắt đầu từ hơn 6000 năm trước, xưa thật là xưa, xưa đến nỗi có vẻ như từ thời chữ viết chưa ra đời. Ông Phục Hy nhìn zời nhìn đất nhìn xung quanh mới ngộ ra sự sự sinh hóa của trời, đất, vạn vật. Ông ta nhận ra rằng mọi thứ đều xuất phát từ trời và đất, nhưng do chẳng có chữ nghĩa gì ông ta vạch ra 1 nét liền và 1 nét đứt để tượng trưng cho trời (nét liền - ) thuộc phần dương (ứng với những số 1 3 5 7 9) , tượng trưng cho đất ( nét đứt -- ) thuộc phần âm (ứng với những số 2 4 6 8 10). Cũng lẽ ấy cho nên khi làm gì thường hay chọn ngày lẻ, tức ngày dương tượng cho ngày sinh, ngày tốt một phần là vậy. Từ đó ông suy rộng ra cái khỉ gì cũng như vậy hết, trời giao với đất sinh ra vạn vật, nam giao hợp với nữ thì sinh ra trẻ con, giống đực giao giống cái thì mới có sự sinh trưởng. Có lẽ ông nghĩ thế nên ông ta đặt chồng các nét lên nhau được 4 hình thái mà ông gọi là tứ tượng (hình dưới). Thấy như vậy rồi ông nghĩ thế chẳng thể đủ, trời đất không thì vô nghĩa quá, phải có một thứ nữa để cảm nhận được cái giao của nhẽ trời và đất như vậy chứ, thế nên ông ta lại chồng tiếp một lớp nữa được 8 hình thái mà ông gọi nó là bát quái (hình dưới).
Vậy là đủ, trời sinh, đất thành và thằng nhân ở giữa để mà cảm nhận. Ấy thế mà một hồi sau ông ta lại nghĩ: thiên địa nhân thì cũng phải có âm có dương mới đúng mới đủ chứ. Thế là ông ta chồng thêm 3 nét nữa thành 6 nét liền và đứt, tổ hợp sắp xếp thành 64 hình thái tức 64 quẻ Phục Hy (xem phần 1). Vậy là ta có 64 quẻ, mỗi quẻ gồm 6 nét liền hoặc đứt xếp chồng lên nhau, 2 nét trên cùng biểu tượng (tượng) cho trời, 2 nét dưới cùng tượng cho đất, 2 nét giữa tượng cho nhân- người. Đó là lẽ thiên địa nhân của dịch học.
Còn cái sự dịch của vạn vật thì tưởng 1 mà là 3: Dịch gồm có: bất dịch, giao dịch và biến dịch.
Bất dịch: là trời và đất. Dịch coi trời đất là thường hằng, trời thì tạo điều kiện sinh sôi, đất thì nảy nở.
Giao dịch: là trời đất í í á á giao hòa với nhau :
Biến dịch thì thành sản phẩm: chính là 6 quẻ bên phải ở hình trên, thêm 2 quẻ trời đất (càn, khôn) là đủ bát quái.Sau thời gian thì trở về
Bất dịch: chính là càn và khôn. Nói một cách khác tất cả quẻ khác càn và khôn chỉ là những giao thoa của trời đất ví dụ như khi càn giao với khôn ở hào giữa ta được hình thái 101, ông ta nhìn hình thái nó giống cái miệng bếp lò nên đặt tên nó là quẻ Ly (tức hỏa, lửa). Ấy là ông Phục Hy ông ấy nhìn thấy giống giống nên gọi thế chứ đừng quá quan trọng vào từ Hỏa đó. Không gì không từ nhẽ dịch này mà ra cả, ta lấy ví dụ về con người để nói cho rõ nghĩa:
Bất dịch: đàn ông (tượng trời, dương, cương, mạnh, vạch liền); Đàn bà (tượng đất, âm, mềm, yếu, vạch đứt).
Giao dịch: Các bạn biết tôi nói đến gì rồi nhỉ😄 á á ố ố.
Biến dịch: Thì lòi ra trẻ con.
Bất dịch: Trẻ con thì lại thành đàn ông hoặc đàn bà. Cứ như vậy cái sự dịch tuần hoàn mãi mãi không thôi. Vạn vật cứ thế mà sinh diệt mà nảy nở.
Phần sau ta sẽ nói về thời của dịch. Nói đến dịch thì phải nói đến thời. Không đúng thời thì hỏng bét hết cả cũng như đang thời hạ nắng chảy mỡ, đất nứt, ruộng khô mà đi gieo hạt thì hạt chỉ có chết toi. Hay thời đang ốm yếu tay chả nhấc lên được mà kéo nhau vào giao giao dịch dịch thì đúng là lao lực mà chết . Nhưng ấy là chuyện phần sau.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất