Bàn vui về Kinh Dịch - Dịch học phiếm đàm. (Phần 1: Cái sự hình thành Kinh Dịch )
Kinh Dịch phiếm đàm - Cái sự hình thành Kinh Dịch Vui là chính, nghiêm trọng làm gì.
Bàn vui về Kinh Dịch - Dịch học phiếm đàm.
Phần 1: Cái sự hình thành Kinh Dịch
Đầu tiên ta phải nói về cái tên của bài này - "Phiếm đàm" tức là đàm đạo chuyện phiếm, viết truyện vui thôi đừng có nghiêm trọng hóa làm gì. Bởi cái môn Dịch nó xuất hiện cũng hơn 6 thiên niên kỷ rồi ~ 4000 năm trước công nguyên (TCN). Vậy là nó lâu quá rồi, qua không biết bao người đọc, rồi nói lại, rồi viết ra, rồi giải thích, thêm chữ, giải nghĩa, bốc phét, thêm vào, nào ai có biết lúc đầu nó thực là ra làm sao đâu. Ấy thế mà 6000 năm nay người ta cứ gân cổ lên mà nói: ý ta mới đúng, ý ta mới hay, thật là nực cười. Cho nên chúng ta ở đây thống nhất là chỉ nói cho nó vui vậy thôi.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ cái tên "Kinh Dịch": word by word ta sẽ có "Kinh" tức là sách. "Dịch" tức là sự dịch chuyển, sự thay đổi => Vậy là "Kinh Dịch" đơn giản nó là quyển sách viết về sự dịch chuyển. Do đó, nếu này sau có thằng cha nào hỏi mày đọc sách kinh dịch chưa là ta phải chửi ngay "thằng này dốt, kinh là sách rồi, mày phải nói là ta đã đọc cuốn sách về Dịch hay chưa. Mày nói thế hóa ra bảo ta đọc sách sách dịch chưa à".
Vậy kinh dịch thực ra nó viết về cái gì? Xin thưa rằng cuốn này nó nói về sự hình thành mọi vật, mọi thứ, tất thảy các cái gì ta nhìn thấy và cả không nhìn thấy ở trên đời, trên trời, dưới đất và xa hơn là toàn thể vũ trụ này. Học Dịch ta có thể biết mọi thứ trên đời này hình thành, phát triển, biến mất, rồi lại hình thành, tuần hoàn như thế nào... Tất nhiên là theo thế giới quan của các bậc sống cách ta hơn 6000 năm trước. Nói tóm lại Kinh Dịch viết về tất cả mọi thứ, giải thích tất cả mọi nhẽ, đoán định tất cả mọi việc. Ấy là nội dung của Kinh Dịch.
Lịch sử phát triển của Kinh Dịch thì: Khoảng thiên nhiên kỷ thứ 4 TCN, được cho rằng bắt đầu từ vua Phục Hy (1 trong tam hoàng ngũ đế thuộc huyền sử Tung Của) - ông này nhìn trời, nhìn đất, nhìn trên, nhìn dưới, nhìn mọi vật xung quanh mà soạn ra cái môn Dịch này chỉ gồm 1 nét liền và 1 nét đứt. Hẳn là do thời đó chưa có chữ nghĩa gì nên cụ Hy liền vạch ra 2 nét tựa cho cái sinh (1 nét liền), tựa cho cái thành (nét đứt). Rồi từ đó thiên biến vạn hóa gộp lại tách ra vừa tròn thành 64 quẻ để giải thích cho vạn sự sinh thành của trời đất vạn vật. Sau này tới thời ông Văn Vương (Chu Văn Vương hay còn gọi là Xử Cơ ~ 1154 TCN) thời đã có chữ viết rồi - chắc thấy tổ tiên vạch vạch thế này khó hiểu quá, khác gì đánh đố con cháu, nhỡ con cháu nó dôn dốt tí là nhìn không hiểu gì luôn, thôi thì ghi chú thêm mấy chữ coi như là đặt tên gọi cho quẻ để cho mấy đứa con cháu nó biết mà nhớ - ổng gọi nó là lời soán. Sau đó tới thời con ông là Chu Công, ông này cả nghĩ hơn ông bố, chắc hẳn ổng nghĩ " ông cụ viết gì mà tích kiệm, mỗi quẻ mỗi mấy chữ thì thằng dôn dốt hiểu chứ thằng dốt đặc thì hiểu thế quái nào được". Thế là ông Chu Công viết thêm vào các lời giải thích cho từng nét của mỗi quẻ - gọi là Hào từ. Lúc đó 64 quẻ do ông Phục Hy vạch ra mới thành cuốn Kinh Dịch có chữ nghĩa, ý nghĩa để đọc được. Sau cùng, nhiều người cho rằng có ông Khổng Khâu (Khổng Tử ~ 551 TCN) lại viết thêm chú giải, thêm giải thích chi tiết hơn nữa để chúng ta có cuốn Kinh Dịch như ngày hôm nay. Tóm lại, đấy nó hình thành như thế đấy. Cho đến ông Khổng Khâu khéo đã sai bét cái ý của cụ Phục Hy rồi cũng nên. Nhưng đó là cái hay của Dịch học. Dịch bản thể vốn chỉ gồm 2 nét (1 liền, 1 đứt) mà tạo thành 64 quẻ, nhưng lại có thể từ đó mà nói lên được cả học thuyết đồ sộ và nhằng nhịt của nhà Nho mà đại diện là 2 ông được cho là sáng lập: Chu Công và Khổng Khâu. Không những thế Dịch học còn có thể giải thích cho mọi thứ của thế giới - không gì nằm ngoài nó cả. Kinh Dịch - Sự dịch chuyển của trời đất, vạn vật. Cái này chúng ta sẽ nói vui ở phần sau.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất