Bàn về việc chửi.
Hạnh có nhiều mối nhân duyên quan hệ tốt thật tốt, trong đó phần lớn là với những người đàn bà… hay chửi. Cái hay là, người hay chửi...
Hạnh có nhiều mối nhân duyên quan hệ tốt thật tốt, trong đó phần lớn là với những người đàn bà… hay chửi. Cái hay là, người hay chửi thì thường chửi hay, mà chửi hay thì xem ra lại càng không hay cho lắm. Đúc kết lại sau 1000 lần được hỏi "tại sao chơi được với người này người kia", chiêm nghiệm sau những năm gắn bó với người hay chửi, Hạnh ngẫm ra là Do cách mình phản ứng với người ta lúc họ chửi. Mà cách phản ứng của Hạnh, là quan sát chú ý cách người ta chửi, hơn là việc suy ngẫm về lời họ chửi rồi liên hệ nội dung chửi với mình hay một ai.
Tức là, khi người ta chửi, Hạnh ngồi lặng yên. Không cần phải tư thế kiết già hay bán già gì hết, cứ ngồi thoải mái nhất có thể. Hạnh quan sát cách họ ngân giọng, lúc lên cao lúc hạ nốt, lúc ngân nga lúc trầm bổng. Rồi Hạnh khâm phục cách họ linh hoạt trong câu từ chữ nghĩa. Không soạn bài trước không thong thả nghĩ ngợi chi, ấy mà câu từ tuôn ra mượt mà xối xả không lặp không vấp không ngắt quãng. Không thể không thán phục kho từ ngữ phong phú đa dạng cùng những liên tưởng liên kết hết đỗi linh hoạt của họ. Khả năng sử dung ngôn từ, cho đến kỹ năng suy diễn liên tưởng từ khái quát đến chi tiết của người chửi hay hay chửi, phải nói là bậc thầy. Nếu được thì đưa họ cốc nước ấm để thi thoảng nhấp ngụm cho ngọt giọng, và nhắc họ đứng đúng tư thế. Chửi cũng là một nét văn hóa của đời sống tinh thần, cần có sự nghiêm túc chỉn chu nhất định.
Lại kể, Hạnh đi ra ngoài, nhiều người lắm, hay đùa là nhìn im im/ hiền hiền vậy thôi, chứ gái Nghệ An có chửi thì cũng ra gì lắm. "Ra gì" ở đây nghĩa là ghê gớm điêu toa đó. À đương nhiên, giống loài phụ nữ, cảm xúc với chửi bới, nhiều lúc là năng khiếu bản năng trời ban mà đi liền nhau. Nhưng trong sự hiểu biết của Hạnh, vùng Nghệ An Hà Tĩnh miền Trung không chửi văn vẻ được như xứ Bắc. Chắc chặt to kho mặn là thói ăn sâu vào tiềm thức, người miền Trung có chửi thì chửi thô cộc ngắn gọn hơn, không thánh thót vui tai như miền Nam, cũng không không mượt mà điệu nghệ như miền Bắc. Lúc đàn bà phụ nữ miền Trung tức giận, họ cho ra bã luôn chứ "ra gì" đó đã là gì.
Nói cho kỹ, cũng có thể môi trường từ nhỏ của Hạnh chỉ vậy nên Hạnh biết vậy. Từ nhỏ Hạnh sống trong gia đình ba thế hệ: Ông bà bố mẹ Hạnh Cún. Và trong trí nhớ kém cỏi này chưa thấy bà nội hay mẹ chống tay gân cổ lên chửi lộn bao giờ. Bà nội Hạnh là người trầm lắng khá ít nói. Nghe đâu hồi trẻ bà học cao đẳng toán nên kiệm lời cũng phải. Hồi đó thì Hạnh chưa ra đời nên không biết, lúc Hạnh biết biết thì chỉ thấy bà làm thơ. Bà làm thơ kể chuyện đi chợ, mừng nhà mới cho đến tả cháu gái. Nên cũng có thể bà chửi bằng thơ mà Hạnh không biết.
Mẹ Hạnh thì học sư phạm văn, nhưng lại là một cô giáo có năng lực giảng văn y chang dạy toán. Chắc vì vậy mà cách mắng con của mẹ cũng ngắn gọn logic không cảm xúc dài dòng. Hạnh biết được luôn ý chính là cái mình chưa đúng việc mình làm sai. Ba năm cấp 3 ở với o Liên- người o "dề chà" mạnh mẽ này trước là giáo viên tiểu học. Dù sau này o Liên vẫn hay xin lỗi Hạnh rằng cách dạy dỗ của o năm đó thô cứng, mang phong cách giáo dục của người mẹ có 3 con trai, thì Hạnh nhớ lại rằng o cũng chỉ mắng 2-3 câu ngắn gọn chứ không triển khai được dàn ý thêm thành toàn bài. Hạnh nên cảm ơn O vì sự ngắn gọn súc tích đó.
Phải nói rõ là cuộc sống có nhiều chuyện xung đột, nhiều sự cố để lời qua tiếng lại không toại lòng nhau, nhưng Hạnh cũng chỉ thấy lời nói ở mức độ giọng khó chịu, chứ chưa thấy hét kiểu max volumn xúc phạm nhau bao giờ. Chắc vậy nên kho ngôn từ kinh nghiệm chửi của Hạnh cũng ít. Chưa kể tính lười, thích bảo toàn năng lượng, nên hạn chế tối đa việc tốn lực tốn hơi tốn suy nghĩ vào việc chửi. Nhìn chung thì năng lực chửi bới còn ở dạng tay nghề thấp, dù cằn nhằn khó chịu thì cũng hạng thượng thừa. Mấy phút nhắc lại một nhát mềm nhẹ như dao tem thì Hạnh đảm nhiệm tốt.
Đương nhiên là Hạnh rảnh rang nên ngồi bàn chuyện chửi cho vui, chứ có ai đi cổ vũ chửi bới bao giờ. Mà thiệt ra là cũng đâu có ai muốn. Ừ thì chửi bới là sướng mồm hả dạ, nhưng có ai muốn có sự chi để mà hả dạ sướng mồm. Ai chẳng muốn yên ấm vui vẻ an lành? Đang phấn chấn phơi phới có ai tự dưng đem văn tế chửi ra thử giọng? Kể cả có chuyện thì ai cũng muốn giải quyết vấn đề cho nhanh thôi, nhưng vì cái lối cảm xúc đi trước ý thức chạy đi đâu, cứ nói cho hả dạ đã. Lúc đó đâu có nghĩ được gì ngoài chửi, dù chửi, mượn lời cụ Vũ Trọng Phụng là “chẳng được nước mẹ gì”.
Vậy nên Hạnh chúc đàn bà phụ nữ cả 3 miền, ít gặp chuyện để phải động tay động chân hay động miệng. Mà có gặp thì cũng động não hít thở vài hơi đưa về trạng thái bình tĩnh nhất có thể rồi chọn phương án động/ tĩnh phù hợp.
Hạnh lại tiếp tục tu tâm dưỡng kế để vừa bảo toàn năng lượng bản thân, lại vừa tận dụng, gặt hái được thêm lợi lạc từ những người, các mối quan hệ chửi hay hay chửi nữa. Còn nước là còn cá. Mà đời, Hạnh thấy còn nhiều thứ để người ta phải chửi lắm.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất