Trong suốt hai năm vừa qua, không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, Covid-19 đã trở thành chủ đề nóng bỏng và là mối quan tâm hàng đầu. Đáng chú ý, với đợt bùng phát của những làn sóng dịch bệnh từ giữa năm nay, ngay cả những quốc gia trước đó có thành tích chống dịch rất tốt như Việt Nam, đã và đang phải đối mặt với tốc độ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao cùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng về đời sống kinh tế - xã hội. Trước tình hình như vậy, Chính phủ đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tăng tốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà nhằm đẩy nhanh độ bao phủ vắc-xin với mục tiêu tiến tới miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc nửa đầu năm 2022 cũng được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là không nhỏ khi việc sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới vẫn đang trong tình trạng mất cân đối trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là sự bất bình đẳng về vắc-xin giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Ở Việt Nam, hoạt động ngoại giao vắc-xin không chỉ là con đường giúp đất nước tiếp cận, nhập khẩu vắc-xin mà còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin tại chỗ, tạo ra nguồn cung vắc-xin bền vững cho đất nước[1]. Ở bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến vai trò của Nhà nước trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ “ngoại giao vắc-xin”.

Khái niệm “ngoại giao vắc-xin”

Phát triển từ nội hàm của khái niệm ngoại giao nói chung và căn cứ vào thực tiễn chính sách đang diễn ra hiện nay, có thể hiểu “ngoại giao vắc-xin” về bản chất là toàn bộ những tương tác, quan hệ với các chủ thể quốc tế thông qua mối quan hệ song phương, đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế để đảm bảo lợi ích quốc gia về vắc-xin và giải quyết một số vấn đề quốc tế khác có liên quan. Đồng thời, cũng cần lưu ý về một số đặc trưng của ngoại giao vắc-xin hiện nay như sau[2]: Một là, xét về lý thuyết, “ngoại giao vắc-xin” có thể được tiến hành theo phạm vi rộng và thường xuyên mà không bị bó hẹp trong một giai đoạn hay trường hợp cụ thể nào. Nhưng thực tế, trong thời gian xuất hiện dịch bệnh phức tạp gây ra những bất ổn lớn về vắc-xin (như trường hợp Covid-19) thì ngoại giao vắc-xin mới trở thành chính sách ưu tiên bên cạnh những hoạt động ngoại giao truyền thống khác. Hai là, “ngoại giao vắc-xin” hiện nay được triển khai và thực hiện dựa trên nhiều kênh khác nhau, tuy nhiên hiệu quả nhất tính đến thời điểm này vẫn là những kênh ngoại giao chính thức do Nhà nước thực hiện. Ba là, tuy lợi ích quốc gia trong “ngoại giao vắc-xin” là ưu tiên hàng đầu, nhưng để đảm bảo và duy trì được những lợi ích này cần được đặt trong mối quan hệ phù hợp với các vấn đề ngoại giao và quốc tế khác có liên quan.

Vai trò của Nhà nước trong thực hiện “Ngoại giao vắc-xin” hiện nay

Việt Nam vừa qua đã phải đối mặt với những đợt dịch Covid-19 mới có xu hướng dữ dội và phức tạp hơn so với những đợt dịch trước. Làn sóng lây nhiễm hiện nay với sự nguy hiểm của biến thể Delta và Omicron đã gây lo ngại cho cả chính quyền lẫn người dân, nhất là vì chiến dịch triển khai tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 còn chậm. Vắc-xin và tiêm chủng giờ đây không còn là điều xa lạ đối với người dân sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào, trong đó có cả Việt Nam.
Nguồn: Tiemchungmorong.vn
Nguồn: Tiemchungmorong.vn
Ở Việt Nam, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tiêm phòng ngừa Covid-19 cho khoảng 75 triệu dân nhằm mục đích đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất[3]. Cần nói thêm, để có thể nhìn nhận một cách thấu đáo về vai trò của Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay là một công việc khó khăn.

Đầu tiên, là vai trò của Quốc hội

Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khu vực và thế giới, do đất nước kiểm soát tốt dịch bệnh nên chưa được ưu tiên phân phối về vắc-xin. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng và gây ra những hậu quả lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, Việt Nam không ngần ngại đề cập thẳng thắn về vấn đề vắc-xin với các quốc gia bạn bè, đối tác và đều được thế giới lắng nghe[4]. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 và việc ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với một số nội dung khác với quy định của luật nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 đã thể hiện sự linh hoạt, kịp thời của Quốc hội, sự đồng hành cùng với Chính phủ trong chỉ đạo, triển khai mọi hoạt động[5]. Ngay từ sớm, Việt Nam đã ráo riết tìm mua vắc-xin chứ không chỉ trông chờ vào cơ chế Covax mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) làm nhiệm vụ phân phối. Có thể nói Quốc Hội là một trong những cơ quan mang lại nguồn vắc-xin khổng lồ, đóng góp quan trọng cho công tác đẩy lùi Covid-19 ở Việt Nam. Có thể khái quát một số điểm nổi bật về công tác ngoại giao vắc-xin của Quốc hội trong thời gian vừa qua như sau:
Một là, trong chuyến công tác tại châu Âu thời gian vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai chiến lược ngoại giao vắc-xin của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 5 đến 11-9-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan…
Ảnh TTXVN.
Ảnh TTXVN.
Sau chuyến công du trên, Việt Nam đã tiếp nhận được sự viện trợ to lớn của các quốc gia, các tổ chức về nguồn cung vắc-xin và các trang thiết bị y tế. Đáng chú ý, 200.000 liều vắc-xin, các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm COVID-19, tổng trị giá trên 1.028 tỉ đồng được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam được bàn giao ngay khi về tới sân bay Nội Bài[7]. Việc Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trở về Hà Nội an toàn cùng nhiều hàng hóa viện trợ, ủng hộ của Chính phủ các nước và của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.
Ảnh Doãn Tấn/TTXVN.
Ảnh Doãn Tấn/TTXVN.
Hai là, thông qua chương trình gặp gỡ và trao đổi với các đại sứ của Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan đại sứ của Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc vận động, tháo gỡ mọi vướng mắc thủ tục để có được vắc-xin Covid-19 và trang thiết bị y tế nhanh nhất có thể. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại sứ tiếp tục tích cực bằng mọi cách, mọi kênh để trao đổi hoặc mua vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, các đại sứ cho biết thời gian qua đã triển khai quyết liệt ngoại giao vắc-xin và thu được một số kết quả đáng khích lệ như[8]: Công ty CZ ở Slovakia cam kết tặng Thành phố Hồ Chí Minh máy thở và các vật tư y tế trị giá 200.000 euro. Ba Lan cũng ủng hộ 500.000 liều vắc-xin cho Việt Nam và sẽ trao các thiết bị y tế, máy thở và máy ổn định nhịp tim trị giá 4 triệu USD trong thời gian tiếp theo.

Tiếp theo, là vai trò của Chính phủ

Chính phủ ngay từ đầu đã khẳng định vai trò tiên phong và chủ chốt của mình đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Về công tác chung, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành các văn bản (bao gồm nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn...) để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Cụ thể, đối với công tác y tế, Chính Phủ đã chỉ đạo kịp thời việc thực hiện công tác truy vết, xét nghiệm, tổ chức công tác tiếp nhận và phân tầng điều trị, triển khai tư vấn khám, chữa và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19... Về bố trí nguồn lực, Chính phủ đã cố gắng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa để chi cho hoạt động phòng, chống dịch. Về an sinh xã hội, công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm đã được Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn[9]. Ngoài ra, các công tác khác về an ninh trật tự, về giáo dục cũng được triển khai thực hiện quyết liệt. Đối với hoạt động “ngoại giao vắc-xin”, đây là mặt trận mũi nhọn hiện nay và đạt được một số thành tựu nổi bật.
Đáng chú ý, năm 2021 được xem là năm thành công nhất trong hoạt động ngoại giao vắc-xin của Việt Nam. Tối 25/11, lô vắc-xin AstraZeneca với 1,54 triệu liều do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Nội Bài sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Ngày 29 tháng 11, Việt Nam đã nhận thêm 969.930 liều vắc-xin Pfizer phòng Covid-19 do Chính phủ Pháp viện trợ thông qua Cơ chế COVAX, ngoài ra một đợt viện khác sẽ được Chính phủ Pháp triển khai trong những ngày tiếp theo.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.
Ngày 2/12, Bộ Y tế cũng đã tiếp tục nhận thêm 500.000 liều vắc-xin AstraZeneca của Chính phủ Argentina trao tặng Việt Nam, với trị giá hơn 2 triệu USD. Trước đó, ngày 27/9/2021, Bộ Ngoại giao đã tổ chức thành công lễ tiếp nhận 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca do Chính phủ Đức viện trợ, trong đó bao gồm khoản hỗ trợ y tế với 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca thông qua kênh song phương, hơn 850.000 liều vắc-xin thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc-xin ngừa Covid-19 và nhiều trang thiết bị vật tư y tế[10].
Nguồn: Baodientu Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguồn: Baodientu Đảng Cộng sản Việt Nam
Tổng kết hoạt động của Tổ công tác về “ngoại giao vắc-xin” của Chính phủ gần đây đã cho thấy: Việt Nam hiện tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vắc-xin và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều đối tác cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ; giao hàng đúng, trước thời hạn; hợp tác sản xuất vắc-xin và trang bị y tế với Việt Nam[11]. Có thể nói mặt trận này đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Tính đến cuối tháng 8 năm 2021, Việt Nam đã nhận được khoảng hơn 1 triệu USD tiền mặt, hơn 6.368.000 bộ xét nghiệm, gần 600.000 khẩu trang các loại, khoảng 600 máy thở, 300 máy nén oxy, 100 tấn oxy hóa lỏng, hơn 100 máy tạo oxy và 77 tủ lạnh bảo quản vắc-xin cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị và phòng chống dịch khác[12]. Với những diễn biến khả quan nêu trên, đến hết tháng 9/2021, Việt Nam có thể nhận được thêm nhiều vắc-xin hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại và giao vắc-xin theo các hợp đồng đã ký kết, cả Chính phủ, các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, cũng như kiều bào tại nước ngoài.

Một số lưu ý trong triển khai “ngoại giao vắc-xin”

Mặc dù việc hỗ trợ vắc-xin từ các nước có tác động rất mạnh mẽ, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, những thành quả chống dịch mà nhiều nước đạt được hiện nay còn đến từ sự khôn khéo, sự chủ động trong hoạch định và thực thi chính sách ngoại giao vắc-xin của họ. Việt Nam chính là một trường hợp điển hình. Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả ngoại giao vắc-xin trong thời gian tới, trên cơ sở những nội dung đã phân tích, tôi đưa ra một số đề xuất như sau:
Một là, cần làm hiệu quả hơn nữa chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo trong việc đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin. Để có đủ thuốc tiêm ngừa cho dân số gần 100 triệu người, Việt Nam phải nỗ lực tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin Covid-19. Trong bối cảnh các nước lớn tăng cường viện trợ nhằm tranh giành ảnh hưởng hiện nay, ngoại giao vắc-xin có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong công tác phòng chống dịch, mà nó còn chi phối các mối quan hệ khác hợp tác với các đối tác trong tương lai.
Hai là, cần xây dựng chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm; nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp vào các nỗ lực ngoại giao chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nói cách khác, đó là sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao vắc-xin với khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, không để xảy ra tình trạng “yếu thế” khiến đất nước phải hy sinh những lợi ích quan trọng để đổi lấy viện trợ vắc-xin.
Ba là, như đã khẳng định trong cơ sở lý thuyết, dù là một mặt trận ngoại giao hàng đầu hiện nay, nhưng ngoại giao vắc-xin không thể thay thế các mặt trận ngoại giao truyền thống trọng yếu khác, đặc biệt là về chính trị và kinh tế[13]. Dù vẫn đang diễn ra rất phức tạp, nhưng đại dịch Covid-19 đang ngày được kiểm soát tốt hơn trên thế giới. Một số nước phát triển hiện đã bắt đầu triển khai các chính sách để người dân có thể sống chung an toàn với Covid-19. Sự hiệu quả của ngoại giao vắc-xin và những nỗ lực chống dịch khác nhiều khả năng sẽ giúp Việt Nam cơ bản khống chế được vấn nạn Covid-19 trong thời gian tiếp theo.
Cuối cùng, để đại dịch Cocid-19 nhanh chóng kết thúc, mọi người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần được tiếp cận với nguồn vắc-xin an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn cung vắc-xin hiện tại không đủ và với tốc độ phân bổ như hiện nay, một số quốc gia sẽ không thể tiếp cận với vắc-xin cho đến năm 2024[14]. Chính vì vậy, hoạt động ngoại giao vắc-xin không chỉ là con đường để Việt Nam tiếp cận, nhập khẩu vắc-xin mà còn phải là hoạt động mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin tại chỗ, tạo ra nguồn cung vắc-xin bền vững nhất cho Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1] Thi Uyên (2021), “Ngoại giao vaccine: Vì sao Chính phủ thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine?”, Đài Tiếng nói Việt Nam, https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-chinh-phu-thanh-lap-to-cong-tac-ve-ngoai-giao-vaccine-882626.vov,  truy cập ngày 1/12/2021.
[2] TS. Phùng Chí Kiên (2021), “Ngoại giao vắcxin tại Đông Nam Á và những lưu ý với Việt Nam”, Toàn cảnh thế giới – Chuyên đề của Tạp chí Công an nhân dân, H. 2021, Số 4/2021, Tr. 55 – 59.
[3] BỘ Y TẾ (2021), “Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, tải ngày 10/07/2021.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Ngoại giao vắc xin: Chiến lược quan trọng giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng”, https://dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/ngoai-giao-vac-xin-chien-luoc-quan-trong-giup-viet-nam-dat-mien-dich-cong-dong-593393.html, Tải ngày 7/10/2021.
[5] Quốc Hội nước Cộng hòa XHCN VN (2021), “Góc nhìn Đại biểu: Phòng, chống dịch Covid-19 – Từ Nghị trường đến cuộc sống”, Cổng thông tin điện tử Quốc Hội nước Cộng hòa XHCN VN, tải ngày 15/08/2021, Xem thêm tại: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=58024.
[6] TS. Phùng Chí Kiên (2021), “Ngoại giao vắcxin tại Đông Nam Á và những lưu ý với Việt Nam”, Toàn cảnh thế giới – Chuyên đề của Tạp chí Công an nhân dân, H. 2021, Số 4/2021, Tr. 55 – 59.
[7] Baodientu Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Bàn giao vắc xin, thiết bị vật tư y tế từ chuyến công tác Châu Âu của Chủ tịch Quốc hội”, https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/ban-giao-vac-xin-thiet-bi-vat-tu-y-te-tu-chuyen-cong-tac-chau-au-cua-chu-tich-quoc-hoi-590757.html, tải ngày 12/09/2021.
[8] Báo Tuổi trẻ (2021), “Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại sứ tại châu Âu đẩy mạnh ngoại giao vắc xin”, https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-yeu-cau-cac-dai-su-tai-chau-au-day-manh-ngoai-giao-vac-xin-20210906075037114.htm, tải ngày 6/9/2021.
[9] Bộ Y tế (2021), “Chính phủ đã tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, tải ngày 20/10/2021.
[10] Báo HaNoimoi (2021), “Tiếp nhận 2,6 triệu liều vắcxin AstraZeneca từ Chính phủ Đức”, tải ngày 27/9/2021.
[11] Baodientu Chính Phủ (2021), “Nỗ lực ngoại giao đã mang về cho đất nước 50 triệu liều vaccine”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tải ngày 8/10/2021.
[12] Hải Minh (2021), “Ngoại giao vaccine mang lại những kết quả thực chất”, http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Ngoai-giao-vaccine-mang-lai-nhung-ket-qua-thuc-chat/443795.vgp, xem ngày 3/12/2021.
[13] TS. Phùng Chí Kiên (2021), “Ngoại giao vắcxin tại Đông Nam Á và những lưu ý với Việt Nam”, Toàn cảnh thế giới – Chuyên đề của Tạp chí Công an nhân dân, H. 2021, Số 4/2021, Tr. 55 – 59.
[14] BaoBacLiêu.vn (2021), “Cấp bách chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19”, http://baobaclieu.vn/quoc-te/cap-bach-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vaccine-covid-19-72254.html, tải ngày 04/08/2021.