Bàn về tình yêu
Do nhu cầu tìm hiểu thêm về triết học và trau dồi tiếng Đức, mình dịch và chia sẻ bài viết "Liebe" (Tình yêu) từ cuốn sách "Philosphie!...
Do nhu cầu tìm hiểu thêm về triết học và trau dồi tiếng Đức, mình dịch và chia sẻ bài viết "Liebe" (Tình yêu) từ cuốn sách "Philosphie! die 101 wichtigsten fragen" của tác giả Thomas Vašek.
Tình yêu là gì? Điều gì đã khiến hai người xa lạ quyết định gắn bó với nhau?
Tình yêu là một thứ cảm xúc mãnh liệt có thể làm cho chúng ta hạnh phúc và đau khổ, hay đưa ta vào nỗi niềm say đắm nhưng cũng gây nên sự tuyệt vọng tột cùng. Tuy nhiên, chắc hẳn đối với mọi người, tình yêu có ý nghĩa lớn lao hơn là một cảm xúc đôi khi làm chúng ta phát điên về nó. Nhưng điều gì thật sự tạo ra tình yêu?
Tình yêu, không chỉ là cảm giác yêu và được yêu, cũng không phải mỗi sự mê mẩn với đối phương, khao khát cháy bỏng hay tình dục. Tình yêu đích thực thường được ví như ước mơ được chia sẻ cuộc đời mình với nửa kia, cùng nhau hướng tới những mục tiêu chung và chia sẻ với nhau những thời khắc hạnh phúc hay đen tối.
Tình yêu làm chúng ta vượt lên trên bản tính của con người, khi mà ta không đặt chính bản thân lên trên tất cả. Vì thế, nhiều triết gia xem tình yêu như một sự quan tâm đặc biệt về hạnh phúc của nửa kia hơn mà một cảm xúc đơn thuần. Họ cũng đưa ra ba luận điểm khác nhau về tình yêu.
Luận điểm thứ nhất coi tình yêu như một sự hòa hợp của hai cá thể. Văn bản nổi tiếng "Symposium" của Plato kể về truyền thuyết khi xưa kia con người là một sinh vật bốn tay, bốn chây và có hai mặt. Khi mà loài người này muốn tấn công các vị thần thì Zeus đã cắt họ ra làm hai nửa để cho mãi về sau này họ phải mải mê tìm kiếm nửa kia của mình để khôi phục lại sự toàn vẹn ban đầu. Ngày nay, nhiều triết gia vẫn xem tình yêu là một hình thức của sự hợp nhất về tâm hồn và thể xác, họ bù đắp những khuyết điểm của nhau và hình thành nên một cách nhìn chung về thế giới này.
Tuy nhiên, luận điểm trên lại mâu thuẫn với quan điểm cái tôi hiện đại. Thậm chí trong tình yêu của mình, chúng ta thường không muốn từ bỏ cái tôi, cái ước vọng cá nhân. Do đó, theo luận điểm thứ hai, tình yêu không đơn thuần là sự đồng điệu trong tâm hồn mà còn có sự quan tâm, có mặt và hi sinh vì nhau. Aristole đã nhận ra tình bạn hay tình yêu thực chất là sự thực hành của tấm lòng không vị kỷ. Ai yêu người khác đều mong những điều tốt vì lợi ích của đối phương chứ không vì tư lợi hay thỏa mãn cá nhân. Tương tự, triết gia người Mỹ Harry Frankfurt cũng đồng tình khi cho rằng tình yêu là một sự quan tâm vô điều kiện, không vị kỷ vì lợi ích của nửa kia.
Những người thật sự yêu thương đối phương sẽ dành hết tâm tư, công sức và thời gian cho hạnh phúc của họ. Và một trong những đặc điểm dễ nhận ra của tình yêu chính là việc chúng ta không thể kiểm soát nó theo ý muốn. Chúng ta không thể quyết định một cách lý trí xem liệu chúng ta có yêu ai hay không yêu ai nhiều như thế nào. Đồng thời, tình yêu cũng làm cho chúng ta mong muốn những điều nhất định từ đối phương. Tuy nhiên lần nữa, luận điểm này không hoàn hảo vì nó bỏ qua sự cho và nhận của cách mối quan hệ yêu đương. Bất cứ ai yêu một người cũng đều mong muốn nhận lại được tình yêu từ người đó. Do đó, tình yêu không chỉ là "dành cho nhau" mà còn là "cùng nhau".
Luận điểm thứ ba xem tình yêu như là một cuộc hội thoại giữa hai người. Họ mở lòng mình cho đối phương, nghĩ và thấu cảm cho nhau, và cùng nhau hướng đến những giá trị và mục tiêu chung. Triết gia người Pháp Alain Badiou gọi đây là "sân khấu của hai người", bắt đầu với việc gặp nhau, xây dựng tình yêu qua các giai đoạn lãng mạn và bão tố, từ đó qua thời gian nhận ra các giá trị của nhau. Quá trình này khiến cho họ thay đổi vì nhau theo một cách hoàn toàn không thể dự đoán trước được. Nhưng ngày nay, chính suy nghĩ mong muốn có được một tình yêu an yên và thiếu sự hi sinh ngay từ đầu của chúng ta đang dần đe dọa sự tồn tại tình yêu đích thực. Bởi vì, không tình yêu nào bao gồm bảo hiểm cho rủi ro và sự mạo hiểm của nó, và không ai hoàn hảo ngay từ đầu.
Chắc chắn là tình yêu đích thực bao gồm những yếu tố nằm trong ba luận điểm trên. Đặc biệt trong giai đoạn ban đầu, chúng ta trải nghiệm nó như một sự hòa quyện về thể xác và tâm hồn. Nhưng tình yêu còn bao gồm cả sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Và chắc chắn, mối quan hệ yêu đương chỉ có thể vững bền lâu dài nếu những người trong cuộc cùng nhau chia sẻ những giá trị và mục tiêu chung. Tình yêu chân thành chắc chắn không chỉ đơn thuần là yêu, không phải là sự nhượng bộ nhau trong một giây phút. Hãy nghĩ về sau 20 năm gắn bó, có thể hai người sẽ không còn say đắm như những ngày đầu tiên và nếu họ không còn cảm nhận được sự thương yêu từ đối phương trong mối quan hệ đó, rồi một ngày tình yêu sẽ lặng lẽ chết đi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất