Chắc hẳn các bạn đã từng điền form xin việc hay làm hộ chiếu, và khi điền trong mục tôn giáo, phần lớn những người Việt mình biết sẽ điền “dân tộc: Kinh” và “Tôn giáo: Không”. Từ những trải nghiệm từ nhỏ như thế này, trong đầu mình lúc nào cũng đinh ninh xung quanh mình đều là những người Việt vô thần, không tôn giáo.
Giống như những gì tiến sĩ Giản Tư Trung đã ví von trong một podcast gần đây, con người chúng ta có thể sinh ra trong một cái hang, và không nhận ra nó cho đến khi có một cơ duyên nào đó. Việc nhận ra môi trường xung quanh ta chỉ là một cái hang, cũng cho bạn sự hiểu biết hơn về sự đa dạng và tầm vóc vi diệu của thế giới và cuộc đời. Trải nghiệm của mình khi nhận thức về tôn giáo và tín ngưỡng của những người xung quanh mình cũng là một trong những trải nghiệm như vậy.
Nếu bạn không nhận biết được những gì xung quanh bạn, làm sao bạn có thể biết mình có bị mắc kẹt trong đó hay không? Hãy cùng mình tìm hiểu về khái niệm mắc kẹt tín ngưỡng, và ngẫm xem có cách nào bạn có thể làm chủ điều này hay không nhé.

Tín ngưỡng là gì?

Một số người từng tranh luận với mình là Việt Nam không có tôn giáo, chỉ có tín ngưỡng. Vậy tín ngưỡng thì khác tôn giáo như thế nào?
Nếu bạn dịch hai từ này sang tiếng Anh, thì tín ngưỡng là belief (niềm tin), còn tôn giáo là “a set of beliefs to connect people to spirituality” - tạm dịch là hệ thống các niềm tin giúp con người kết nối với tâm linh.
Thực ra việc bạn dùng từ thế nào không quá quan trọng, bản chất người Việt có kết nối tâm linh vô cùng mạnh mẽ, chẳng qua chúng ta không gọi tên nó ra thành một hệ thống niềm tin như các tôn giáo khác mà thôi. Tín ngưỡng là một cách nói nhẹ hơn của tôn giáo, nhưng đều nói về niềm tin của con người vào một thứ gì đó tâm linh.
Vậy hệ thống niềm tin tâm linh của người Việt mạnh mẽ như thế nào? Theo những gì mình học ở lớp Philosophy and Religion, thì không chỉ người Việt, mà tộc người Đông Á (East Asian) có chung sự ảnh hưởng của các nhóm tôn giáo sau đây, gọi là Tam giáo:
- Khổng Giáo từ Trung Quốc, nói về việc tam tòng tứ đức, tận trung với vua,… theo học thuyết của Khổng Tử.
- Đạo Giáo từ Trung Quốc, nói về sự vô vi, cân bằng giữa âm dương, ngũ hành, phong thuỷ,… theo học thuyết của Lão Tử.
- Phật Giáo từ Trung Quốc & Ấn Độ, nói về khổ đau và cách tu tập để thoát khỏi nghiệp của cuộc đời.
Ba tôn giáo này kết hợp với những đức tin riêng của từng quốc gia, và với Việt Nam là những niềm tin tâm linh rất riêng biệt, bao gồm:
- Niềm tin vào linh hồn của những người đã khuất (phong tục thờ cúng tổ tiên)
- Niềm tin vào những thánh thần qua những câu chuyện trong truyền thuyết (Tứ Bất Tử, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Thần Trụ Trời)
- Niềm tin vào những thánh thần khác nhau qua những giai đoạn của lịch sử
- Các thần trong Đạo giáo như Ngọc Hoàng, Tiên, Thánh, Táo Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu,…
- Các thần trong Phật Giáo như Phật, Bồ Tát, La Hán,…
- Các vị thần tiên trong tự nhiên (nhân thần) như Hà bá, Thổ địa,…
- Các thần đến từ con người như Thành Hoàng làng, Vua đời trước,…
Như các bạn thấy, niềm tin vào tâm linh của người Việt vô cùng đa dạng và mạnh mẽ, và có rất nhiều hoạt động tâm linh đi sâu vào văn hoá riêng của người Việt, ví dụ như lên đồng, chùa chiền, cúng giỗ, phong thuỷ, mồ mả,.. Ví dụ như thống kê năm 2019, trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong số 85 triệu lượt khách nội địa, có 34,85 triệu lượt khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh), chiếm khoảng 42%.
Đọc đến đây, hy vọng bạn đã nhận ra được một sự thật mà mình đã thừa nhận từ lâu, đấy là ảnh hưởng của tâm linh và tín ngưỡng trong văn hoá người Việt là không nhỏ, nếu không muốn nói là có sức chi phối đời sống của tất cả chúng ta, ngay cả trong thời hiện đại. Việc bạn phải nghỉ việc sớm để đến kịp một đám giỗ hay một lễ cầu siêu, mà bạn gọi là việc gia đình, là một ví dụ về sức mạnh của hệ tâm linh đã chi phối thứ tự ưu tiên của bạn và được xã hội chấp nhận.
Đây cũng chẳng phải là phát hiện gì quá ghê gớm, vì ở những nước phát triển như Hoa Kỳ, tôn giáo cũng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị và quyền lực. Câu hỏi tiếp theo của chúng ta là, nếu đã hiểu về tín ngưỡng tâm linh, vậy các hoạt động nghi lễ đi kèm với nó (tiếng anh gọi là rituals - từ đây sẽ dùng từ này) có đang chi phối bạn như thế nào? Hay một câu hỏi khác, bạn có đang bị mắc kẹt tín ngưỡng hay không.

Mắc kẹt tín ngưỡng là gì?

Nếu bạn xem bài viết trước của mình, thì mình chia ra có 3 loại mắc kẹt sau:

Mắc kẹt tạm thời:

Bạn sẽ bị kẹt trong một thời gian hữu hạn mà không thể thoát ra, nhưng bạn biết nó sẽ là tạm thời

Mắc kẹt chìm sâu:

Bạn có cảm giác mình không thể thoát ra khỏi sự lạc lối của nhịp độ và dòng chảy mỗi ngày của mình, để rồi mỗi ngày trôi qua càng khiến bạn từ từ chìm đắm vào trong một sự u tối tưởng chừng không bao giờ dứt.

Mắc kẹt vô thức:

Bạn không nhận thức được mình mắc kẹt
Rituals tâm linh của chúng ta về thờ cúng nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ tâm linh của bạn thế nào. Bạn hoàn toàn có thể bày vẽ, mâm cao cố đầy, đốt nhang để thành tâm cúng bái, qua đó tâm bên trong của bạn được thanh tịnh hơn. Hoặc bạn làm theo các rituals, mà cũng không nghĩ nhiều và hỏi tại sao làm gì, để đỡ bị thiên hạ đánh giá.
Nhưng còn những người khác không muốn làm như vậy, họ có xứng đáng bị đánh giá là bất hiếu hay bị tổ tiên trừng phạt hay không? Thờ cúng tổ tiên là để tưởng nhớ người đã khuất, hay vì nỗi sợ bị trừng phạt do không thành tâm và cắt lộc ở Dương Gian?
Hình thức tâm linh thế nào thì không rõ, nhưng mình cũng khá đồng ý với những đoạn miêu tả của tác giả Đoàn Quý Lâm ở đây
“Nếu nghĩ rằng những người thân đã mất sẽ ở dưới nấm mồ, thỉnh thoảng về ngửi khói nhang, đồ ăn, ngắm gà khoả thân trên bàn thờ…, bạn đang ở trong vô minh trầm trọng. Nếu tin họ tiếp tục tái sinh, luân hồi, chuyển kiếp hay tiếp tục hành trình bất tận trong vũ trụ bất tận, bạn sẽ thôi làm những trò vô nghĩa. Nếu bạn vẫn tiếp tục các trò vô nghĩa chỉ vì những người khác cứ mãi làm các trò vô nghĩa, bạn vẫn còn rất hèn nhát và yếu đuối. Bạn đã xúc phạm ông bà tổ tiên của mình bằng những hủ tục nặng tính ma quỷ. Bước đầu của việc thức tỉnh là dẹp qua một bên tất cả những gì mà bạn nhận ra nó hoàn toàn không cần thiết. Nếu cuộc sống của bạn chỉ gồm những chuyện đáng làm, bạn đã không hoài phí. Một lần nữa, dừng bước nếu phát hiện mình đang lờ đờ trong cái đám đông vừa đi vừa ngủ. Mạnh dạn lên.”
Hay của blogger Kiên Trần
Thay vì đốt lằm đốt lốn. Vừa gây hại đến môi trường giảm tuổi thọ của gia đình và đồng loại, vừa show off ra cái sự ngu xuẩn của bản thân. Cách làm hiệu quả hơn là năm nay vẫn đốt. Nhưng chỉ đốt 1 tờ mệnh giá 1000 tỷ USD. Vừa bảo vệ môi trường, vừa thể hiện mình khôn, các cụ cũng nhận được cả nghìn tỷ tiêu 10 đời không hết. Không phải tự dưng Hà Nội là cái ổ ung thư, ô nhiễm số 1 thế giới. Cái ung thư này nó đến từ ý thức, tư duy, hệ văn hóa ung thư. Ung thư trong tư duy nó di truyền từ sự luẩn quẩn của thế hệ trước nhồi sọ di căn lên thế hệ sau. Qua thời gian cái ung thư tư duy nó hiện lên bằng ung thư trên cơ thể. Cái gì cũng đốt, cúng, u mê, sợ hãi, tham lam. Bằng cách phá môi trường. Mình phá môi trường và môi trường nó diệt 3 họ mình. Luật hoa quả không chừa một ai.
Hay những bài ở đây
Và đây
Phải chăng con người chúng ta đang mắc kẹt tín ngưỡng - đó là việc không nhận thức được việc những “hình tướng” - lễ nghi đang chi phối cuộc sống chúng ta mà quên mất “chân tướng” - tại sao ta lại tin vào những điều như vậy?

Bản chất của niềm tin và lễ nghi

Trong cuốn How to take smart notes -Sönke Ahrens mà tôi đang đọc gần đây, cuốn sách kể về một nhà xã hội học người Đức tên là Luhmann có khả năng nghiên cứu với một năng suất siêu phàm so với tất cả các nhà khoa học cùng thế hệ. Bí kíp của ông, không nằm ở trí thông minh vượt trội, mà là do ông có một quy trình ghi chú khoa học và hiệu quả hơn người. Và tác giả đúc kết như sau:
Thành công (của ông) không phải là kết quả của việc sử dụng ý chí mạnh mẽ hay khả năng cưỡng chế những kháng cự của cơ thể, mà là kết quả của một môi trường thông minh xung quanh (ông) đã giúp tránh những cưỡng chế này ngay từ đầu.
Đây không chỉ là vấn đề của một tư duy đúng, mà là một chu trình, luồng công việc đúng.
Nguyên văn
Success is not the result of strong will power and the ability to overcome resistance, but the result of smart working environment that avoid resistance in the first place.
This is not just about having the right mindset, but the right workflow.
Như vậy, nếu các thói quen và thông lệ được thiết kế kỹ càng và chuẩn chỉnh, sự đều đặn về lượng có thể biến thành sự thay đổi về chất (nhận thức), khiến cho một cá nhân có thể nhìn rất nhàn nhã (effortless) để thay đổi những điều phải mất rất nhiều nỗ lực và tài năng để rèn luyện.
Và ngược lại, cứ tuân theo thói quen thì tư duy có thể bị dẫn dắt mà bạn không hề hay biết.
Và tôi nhận ra phải chăng đức tin của tôn giáo và niềm tin cũng được tạo ra một cách tinh tế như vậy. Thông qua các nghi lễ và tập tục, chúng ta hình thành thói quen và một cách vô thức, quan điểm và niềm tin bị lẫn vào tư duy, len vào tiềm thức lúc nào chẳng hay. Tôn giáo và niềm tin thành công thu phục chúng ta từ những câu chuyện, những truyền thống nhỏ và đều đặn ta được chứng kiến, nuôi dưỡng và tham gia, để rồi khi ta lớn, ta được vào vai để tiếp tục những nghi lễ truyền thống đó, mà chẳng cần nghĩ suy. Những sự cưỡng chế bị tiêu diệt từ trong trứng nước bởi thói quen và tập tục đều đặn dưới vỏ bọc thiêng liêng của tôn giáo và tâm linh.
Những “con trưởng”, “đích tôn” như những tước hiệu ngai vàng cao quý của dòng tộc để gán cho hậu thế những trách nhiệm không thể khước từ của một nghi lễ đã tồn tại nhiều thế hệ.

Làm chủ nghi thức

Trong cuốn the Making of Manager - Julie Zhuo, có một câu nói khiến cho tôi suy nghĩ:
There is power in rituals. Beyond slogans or speeches, they create actions around which team members can bond
Cuốn sách khuyên chúng ta - những người quản lý hãy nghĩ về những thói quen nhỏ để tạo ra văn hoá riêng cho đội nhóm áp dụng trong những dịp như Agile daily meeting, ví dụ:
- Chia sẻ câu chuyện thành công của tuần vừa rồi
- Điều gì khiến bạn cảm thấy biết ơn cuộc sống?
- Bộ phim hay gần nhất bạn từng xem
Và rituals không tự nhiên mà có, nó là một phát minh của tập thể những người đã nghĩ và thực hành nó trước bạn. Một số rituals các bạn có thể quan sát và cảm trong thực tế văn hoá ngày nay:
- Cắt băng khánh thành khi khai trương (hoặc cúng thổ công)
-Vun đất trồng cây trong chiến dịch trồng cây
- Tặng quà nhau Giáng Sinh
- Tặng quà nhau lễ tình yêu
- Mặc phục trang dịp Halloween
- Lì xì ngày Tết
- Phóng sinh
Và bạn hoàn toàn có thể tự làm chủ bằng cách chọn lọc, tuân theo hoặc sáng tạo các rituals riêng trong đội nhóm, gia đình bạn. Một số rituals nhỏ mình thấy hay và đã adopt cho gia đình nhỏ của mình:
- Tối Thứ 6 nghỉ ngơi xem phim, ko làm việc
- Movie night cho cả gia đình mỗi tháng
- Mồng 3 Tết là đi du lịch
- Cả nhà ăn tối cùng nhau
- Mỗi quý có 1 chuyến du lịch.
Việc áp dụng, tăng và giảm các rituals hoàn toàn là do chính bạn quyết định. Sẽ không có cái gì là mắc kẹt tín ngưỡng nếu bạn nhận ra bạn là người làm chủ các quyết định có hay không đi theo các thông lệ của gia đình và xã hội, hoặc tạo ra những hoạt động do chính bạn cảm thấy có giá trị.
Đến đây mình hy vọng các bạn đã hiểu những thông điệp mình gửi gắm về việc mắc kẹt tín ngưỡng.
Chúng ta là một dân tộc có tín ngưỡng tâm linh nhưng chưa hẳn đã nhận biết để làm chủ được những truyền thống và lễ giáo của những tín ngưỡng mình theo đuổi.

Tâm sự mỏng

Chủ đề này là một nội dung mình đau đáu dựa trên câu chuyện quá khứ mình đã trải nghiệm từ gia đình. Và sự nhận thức trên đã thôi thúc mình xây dựng một thế giới giả tưởng, mượn các truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam để xây dựng một thế giới niềm tin của người Việt, và từ đó muốn truyền tải sự nhận biết về mắc kẹt tín ngưỡng cho những ai đang chưa nhận thức được nó. Các bạn có thể đọc thêm về Tưởng Giới ở đây. Sách đã xuất bản phần 1 từ tháng 11 năm 2022.
Nếu bạn thấy bài viết này có ích, rất có thể bạn sẽ thích các bài viết khác do mình viết. Bạn có thể vào đây khám phá blog cá nhân của mình nhé.