Thật ra thì tôi không phải là người làm trong giới showbiz, cũng chẳng phải làm ông bầu hay chuyên gia sắc đẹp. Vì thế, mọi quan điểm của tôi chỉ là quan điểm của một khán giả, cũng gọi là khá quan tâm tới các cuộc thi nhan sắc trong nước, theo dõi các chương trình truyền hình thực tế như Tôi là hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam,...
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vừa kết thúc, dù kết quả có xảy ra nhiều ý kiến trái chiều nhưng thời gian sẽ chứng minh tất cả, nên tôi tạm không bàn đến ngôi vị hoa hậu ở đây, mà muốn bàn đến hành trình các cô gái rèn luyện để chạm đến vương miện, thông qua chương trình Tôi là hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019. Là một khán giả, bên cạnh những điểm mạnh, tôi thấy thí sinh tham gia còn tồn tại nhiều điểm yếu, có thể nói là khá nghiêm trọng nếu bước ra quốc tế, và có thể không phù hợp với một cô gái 18 tuổi trở lên.
Thí sinh Việt Nam khóc quá nhiều...


Điều này có thể thấy rất rõ thông qua mỗi cuộc thi. Nếu những giọt nước mắt đó xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, hay vì cảm động trước những hoàn cảnh khó khăn, hoặc được chứng kiến câu chuyện truyền cảm hứng thật sự xúc động, thì đó là điều bình thường, đó là những giọt nước mắt cần có của bất kì ai có lòng trắc ẩn. Nhưng tôi thấy họ khóc vì những lý do có thể nói là lãng xẹt. Có người nói là họ không chịu được những lời góp ý của ban giám khảo khi họ làm sai, họ chia sẻ rằng mình không quen nghe những lời như thế và cảm thấy rất xấu hổ. Tôi không hiểu vì sao những cô gái đã 18 tuổi hơn rồi mà vẫn còn bật khóc bởi những lý do hết sức vớ vẩn như thế, trong khi những lời góp ý đó không có gì là nặng nề, suy cho cùng thì cũng chỉ muốn cho thí sinh tốt lên. Vậy mà họ cũng khóc, thì thử hỏi sau này đi làm, phải nghe sếp mắng mỗi khi làm sai, chắc là họ bỏ việc mất. Nghe người khác góp ý bật khóc và bỏ cuộc thì sao mà tiến bộ được, vì bản thân họ không có thái độ cầu tiến và những người góp ý cũng chán chẳng muốn nhận xét nữa.
Trình độ Tiếng Anh kém...

Tôi biết khi nói ra điều này, nhiều người sẽ nghĩ đến trường hợp của H’Hen Niê vào bao biện rằng cô ấy không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn lọt top 5 Miss Universe 2018. Nhưng đừng so sánh khập khiễng như vậy, vì cô ấy có nhiều điểm mạnh khác mà ít ai có, và những điểm mạnh ấy đủ để lấp đầy khả năng tiếng Anh của cô. Tất nhiên, trong thời hiện đại bây giờ, việc biết tiếng Anh bao giờ cũng đem lại nhiều lợi hơn, và đó là một kĩ năng gần như phải có, nhất là khi giao lưu với quốc tế, như thi nhan sắc chẳng hạn. Vậy mà có những bạn, nói chuyện vài câu giao tiếp hết sức đơn giản cũng không xong, thế đi thi quốc tế kiểu gì khi ngôn ngữ giao tiếp không biết, hay các bạn muốn nói chuyện với người ta bằng tiếng Việt? Hay các bạn định sau đó rồi học sau cũng không muộn, nhưng xin thưa học tiếng Anh là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai, và một hai năm chưa thể đủ để bộc lộ được hết bản thân bằng ngôn ngữ đó.
Câu trả lời ứng xử nhạt, rập khuôn...


Miss Universe yêu cầu một thí sinh có khả năng truyền cảm hứng, có thể sử dụng lời nói góp phần thay đổi một điều gì đó, vậy mà hầu hết các thí sinh Việt Nam tham gia cuộc thi trong nước, nhận được câu hỏi kiểu như: “Điều gì khiến bạn đặc biệt so với người khác?”, thì hầu hết các bạn trả lời đều liên quan đến nào là lòng trắc ẩn, tình yêu thương, trái tim ấm áp,... Những câu trả lời đó đúng, không sai, nhưng nghe một người trả lời thì còn dễ chịu, đây nghe 10 người thì 7 người trả lời như một. Vậy thử hỏi, ta lấy điều gì để khác biệt với các đại diện khác khi bước ra đấu trường quốc tế với những câu trả lời hết sức rập khuôn như thế?
Tóm lại, ta luôn băn khoăn tại sao người đẹp Việt trắng tay tại các đấu trường quốc tế, mà quên mất rằng, cuộc sống hiện đại, hội nhập nói chung và thi nhan sắc quốc tế nói riêng nêu cao sự bản lĩnh, khả năng giao tiếp và tạo khác biệt với người khác. Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều kĩ năng cần có, mà thật đáng buồn khi chứng kiến những cô gái đã đủ tuổi trưởng thành mà còn yếu đuối, thiếu kĩ năng cơ bản nhưng vẫn muốn đi ra quốc tế, đó là do sự ảo tưởng hay sự bảo bọc quá kĩ của gia đình, hay còn vì lí do nào khác?