Mình có đọc một đoạn confession trên trang của chị Yêu tiếng Thái. Cụ thể đoạn confession đó viết: "Mình thấy có nhiều bạn, nhất là các bạn còn nhỏ tuổi, tâm sự là bị người thân, bạn bè và người xung quanh chế giễu khi học tiếng Thái. Mình cảm thấy rất shock luôn! Thời buổi bây giờ người ta nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện mấy thứ thập cẩm tào lao - học ngôn ngữ bổ ích như vậy mà cũng bị nói nữa...". Có lẽ không chỉ mình mà rất nhiều những bạn đang học tiếng Thái tại Việt Nam cũng đã rơi trường hợp giống như bạn trong confession trên.
Hành trình đến với tiếng Thái
Ban đầu mình học tiếng Thái không phải vì sở thích mà là do ngành học của mình yêu cầu. Tại thời điểm đó, mình chưa từ xem phim Thái, nghe nhạc Thái hay có bất kì hứng thú gì đối với Thái Lan. Đây chỉ đơn giản là một sự lựa chọn bắt buộc. Mình học tiếng Thái tại trường đại học với tâm thế đủ điểm để quan môn. Thậm chí trong quá trình học mình còn thấy vô cùng chán nản, do thời gian đầu phải học thuộc bảng chữ cái và các quy tắc ghép vần khá khó đối với mình. Tiếng Thái là một thành viên của nhóm ngôn ngữ Thái của ngữ hệ Tai-Kadai. Các ngôn ngữ trong hệ Tai-Kadai được cho là có nguồn gốc từ vùng miền Nam Trung Quốc ngày nay và nhiều nhà ngôn ngữ học đã đưa ra những bằng chứng về mối liên hệ với các ngữ hệ Nam Á, Nam Đảo, hoặc Hán-Tạng. Đây là một ngôn ngữ có thanh điệu (tonal) và có tính phân tích (analytic). Sự phối hợp thanh điệu, quy tắc chính tả phức tạp, tạo liên hệ (có thể là liên tưởng?) và sự phân biệt trong hệ thống thanh điệu khiến tiếng Thái trở nên khó học với những người chưa từng sử dụng ngôn ngữ có liên quan. Tiếng Việt sử dụng hệ chữ La-tinh và trong quá trình học ngoại ngữ ở Việt Nam chúng ta học tiếng anh, cũng là hệ chữ La-tinh. Chính vì vậy phần lớn người học tiếng Thái ban đầu thường dễ cảm thấy nản chí. Cộng thêm việc tiếng Thái không hề có khoảng cách giữa các chữ càng tạo thêm khó khăn cho người học.
Mãi đến khi mình hoàn thành chương trình tiếng Thái sơ cấp tại trường, mình mới bắt đầu nhen nhóm tình yêu với tiếng Thái. Mình luôn thấy tiếc cho quãng thời gian học đó, nếu như mình học chăm chỉ hơn thì điểm sẽ rất cao.
Mình là một đứa thích tiếp cận việc học ngôn ngữ thông qua phim ảnh, âm nhạc. Khi bắt đầu học tiếng anh bản thân mình cũng không hề thấy hứng thú khi học tại trường lớp. Mình thích tự tìm hiểu ngôn ngữ thông qua những thứ gần gũi với cuộc sống, những chủ đề mà mình hứng thú. Và có lẽ với tiếng Thái cũng vậy. Nhờ đứa bạn cùng phòng review về 1 bộ phim boy love, mình xem thử xem nó thế nào mà con bạn mình cuồng đến thế và mình cuồng thật. Hành trình tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ Thái Lan với mình khi đó mới thực sự bắt đầu.
Khó khăn khi học tiếng Thái
Đối với mình, việc ngôn ngữ đó có học ra sao, khó đọc, khó viết, khó phát âm,... chưa bao giờ là trở ngại của mình. Cái khó khăn mình muốn nói đến như mình đã đề cập trên confession ở đầu bài, đó chính là cái nhìn, định kiến của mọi người về ngôn ngữ mà mình đang theo học. Không chỉ có người lớn, mà cả những bạn bè xung quanh của mình đều có suy nghĩ không mấy hay ho khi biết mình học tiếng Thái. "Tao thấy tiếng Thái cứ buồn cười kiểu gì á", "học tiếng gì không học lại đi học tiếng Thái, học tiếng Thái để làm gì", "học tiếng Thái khó xin việc lắm"... Những câu như vậy mình nghe rất nhiều. Và sự thật là mình từng bị tác động trước những lời nói đó, mình cũng đã từng quyết định từ bỏ. Mình từng bỏ tiếng Thái một khoảng thời gian khá dài do nghi ngờ về khả năng của bản thân, về cơ hội mà tiếng Thái sẽ mang lại.
Nhưng tiếng Thái với mình có lẽ là một cái duyên, đâu phải muốn bỏ là dễ. Mình cũng đã suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều trước khi thực sự nghiêm túc quay trở lại học ngôn ngữ này.
Sự thú vị về tiếng Thái và con người Thái
Trước khi bàn về sự thú vị của tiếng Thái, mình muốn nói một chút về con người Thái Lan. Trong quá trình học, mình có được tiếp xúc với khá nhiều người Thái. Thông qua cảm nhận của mình, hầu hết người Thái rất thân thiện và vui vẻ. Trong cuộc sống hàng ngày, người Thái Lan thường chú ý giữ gìn cuộc sống vui vẻ, đầy lạc quan. Do vậy việc thể hiện cảm xúc tích cực trong các giao tiếp xã hội cũng rất quan trọng trong văn hóa Thái. Giận dữ là điều không thể tha thứ ở Thái Lan, nếu ai đó bắt đầu nóng giận, họ thường bỏ đi để có thời gian bình tĩnh lại. Đây được coi là nét ứng xử mềm mỏng, khôn khéo đã có từ lâu đời trong văn hóa Thái. Nhìn lại lịch sử, ta có thể thấy Thái Lan là quốc gia duy nhất trong 11 nước Đông Nam Á không bị các nước đế quốc biến thành thuộc địa nhờ thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo.
Quay trở lại với tiếng Thái, nếu như bạn để ý sẽ thấy tiếng Thái có thanh điệu lên xuống rất hay. Trong tiếng Thái cũng có những thanh cao, thấp, bằng, luyến lên, luyến xuống gần giống so với các dấu thanh của tiếng Việt. Việc học tiếng Thái cũng khá giống tiếng việt, bạn chỉ cần học thuộc bảng chữ cái, nguyên âm, phụ âm, nguyên tắc ghép vần là có thể đọc được, trừ một vài từ bất quy. Một khi bạn đã nắm vững các quy tắc, việc học đọc và viết sẽ trở nên đơn giản hơn. Riêng về phần nghe và nói, mình thấy khá dễ để cải thiện kĩ năng. Có nhiều bạn chỉ cần xem nhiều phim Thái là đã có thể nghe hiểu người Thái nói, xem phim hay các chương trình không cần vietsub. Nếu chỉ học nghe nói, bạn có thể dễ dàng tự học mà không cần qua trường lớp gì. Tuy nhiên để có thể giỏi tiếng Thái hay sử dụng tiếng Thái như một công cụ để học tập và làm việc, chắc chắn bạn sẽ cần học đọc viết. Một điểm thú vị là tiếng Thái khá giống tiếng Lào, tuy khác về chữ viết nhưng người Thái và Lào gần như có thể nghe hiểu và trò chuyện với nhau.
Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều người trẻ giỏi tiếng anh, nó gần như là một yêu cầu bắt buộc, kĩ năng thiết yếu đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Để có thể cạnh tranh với các ứng viên khác trên thị trường lao động, mình thấy nhiều bạn trẻ đã tự chủ động trang bị cho mình một ngôn ngữ thứ hai khi còn là sinh viên. Nếu như bạn đang ý định, hứng thú trong việc học tiếng Thái hay thậm chí chưa biết tý gì về tiếng Thái cả, hi vọng bài viết sẽ giúp bạn hình dung một chút về ngôn ngữ thú vị này. Biết đâu các bạn cũng sẽ có duyên với tiếng Thái giống như mình.