" Nguy, là vì yên với ngôi vị mình nghĩ không bao giờ mất; Mất, vì chắc ở sự còn mãi; Loạn là vì tin cậy một cách tuyệt đối nơi sự trị mãi không bao giờ loạn"
"Bàn đến Thiện Ác, Thị Phi, Vinh nhục, Lợi Hại là để tạm thời cho ta biết nên làm gì, hoặc không nên làm gì... để mà tiến thoái cho phải thời... Nhưng trong lòng vẫn thản nhiên không bận mắc, biết chấp nhận, cố gìn giữ cho đạo Trung, không thái quá, không bất cập :Thời chỉ, tắc chỉ; Thời hành tắc hành,...kỳ đạo quang minh".
Thực vậy, với kẻ học đạo chân chính, bàn thị phi trên đời, nâng cao trí năng của bản thân vốn không phải để trở nên vinh hoa, phú quý, so sánh thiệt hơn với người đời để rồi mãi trong vòng xoáy của sự ganh ghét, đố kị. Mà ở đây, kẻ học đạo thuận theo tự nhiên nhưng cũng biết tự lo thân mình, giữ gìn đạo Trung, dù thời thế xoay vần như thế nào thì vẫn là chính mình, không để cuốn theo thế sự. Hiểu thế sự để làm theo thế sự nhưng không để cuốn vào thế sự, trong lòng vẫn giữ tâm tĩnh tọa, an yên.
Ngẫm lại với bản thân người trẻ, nhiệt huyết và khát khao khẳng định bản thân càng dễ làm họ đánh mất chính mình vì những toan tính ích kỷ, để rồi dù có công thanh danh toại cũng không bao giờ biết đích đến để dừng lại còn nếu sự nghiệp hay tình cảm không như ý muốn thì như rơi xuống vực thẳm, lụi tàn cả ý chí và sinh mệnh. Người trẻ nên học Dịch để biết rõ Thiện, Ác, Tồn, Vong, lúc nào có để gìn giữ, lức nào mất thì bỏ đi không cố chấp, nhìn thấy thế sự mà nương theo để thành sự nghiệp hoặc né tránh để an tọa cho bản thân. Từ đó mới giữ được lâu bền. Khi yên vẫn không quên rằng có thể sẽ nguy để gắng sức rèn dũa. Khi vững thì không quên rằng có thể sẽ mất để lo mà giữ những gì mình có. Khi trị thì không quên rằng sẽ loạn để biết mà đề phòng.
Bàn về Dịch, Hệ Từ viết: Đạo dịch thường biến thiên, biến động không ngừng,. Xoay quanh 6 cõi, lên xuống không nhất định, mạnh nhẹ thay nhau. Không dùng làm khuôn mẫu bất dịch được, có biến hóa mới thích hợp.
Đây cũng là cốt lõi xử thế của người Quân tử. Không nên chấp nhặt tiểu tiết, cái gì cũng đòi thật hoàn hảo, phải có lợi hoàn toàn cho mình thì mới làm, cứng nhắc ấu trĩ. Người học Dịch cũng như thực hành trong đời sống luôn tâm niệm một chữ "Thời". Hiểu được "Thời" thì tùy cơ ứng biến, tùy việc hành sự, Khi lên thì như rồng uốn lượn mây xanh, khi thì như con rắn len lỏi bụi cỏ, vậy mới có thể thành công trong mọi việc được.
Hình tượng của Dịch có liên hệ mật thiết với con tắc kè hoa, loài vật sống ở trên cây, giỏi việc ngụy trang, nhờ đó có thể hòa vào môi trường để ẩn nấp chờ đợi con mồi, cũng có thể tránh khỏi những kẻ mạnh hơn ăn thịt chúng mà bản thân chẳng cần phải tốn sức làm gì cả. Khi lá cây màu xanh thì nó màu xanh, khi lá cây màu vàng thì nó màu vàng, biến thiên không ngừng nghỉ. Nhưng dù làm gì thì con tắc kè vẫn là con tắc kè, nó không hề thay đổi bản chất của mình, suy cho cùng đó là cái thiên biến trong bất biến. Bề ngoài thì thiên biến vạn hóa nhưng trong bản chất thì bất biến cương trực. Nắm được cốt lõi của Dịch thì dù bản thân phải rơi vào hoàn cảnh bất lợi nào cũng có thể xoay sở thoát khỏi, tìm đường thối lui nhưng không làm mất đi giá trị bản thân. Hay dù đạt được thành tựu nào cũng không lấy làm tự cao tự đại, cho rằng mình hơn người.