Luật sư Trần Vân Phượng, dự án mới nhất của tôi

Lược sử bản thân

Tôi bắt đầu làm game với việc dịch thuật vào khoảng năm 2014, vào thời điểm đó, game tiếng Việt là một thứ gì đó vô cùng xa lạ. Dự án đầu tay của tôi là Resident Evil 6, tôi gần như không tham gia vào quá trình dịch thô, mà chỉ đảm nhận nhiệm vụ biên tập. Lúc đó nhóm Romhackingvn, là tiền thân của gametiengviet bây giờ, chỉ có 7 người. 
Tôi không nhớ rõ mình đã biên tập những gì, nhưng tôi biết, các dự án dịch ra cùng thời điểm đa phần đều chỉ dịch thô câu thoại, câu văn thì xơ cứng. Tôi chưa bao giờ hài lòng với những câu thoại như vậy, nên tôi luôn quyết tâm rằng bản dịch của tôi phải giống người Việt Nam nói chuyện nhất có thể. Vì vậy, tôi dùng hết tất cả vốn tiếng Anh và Việt vốn có, để điều chỉnh từ cung cách nói cho tới xưng hô. Bản Việt hóa dù không tạo được tiếng vang vì Resident Evil 6 ko phải là một tựa game được yêu thích cho lắm vì các fan cho rằng nó mất đi chất kinh dị vốn có.

Sau Resident Evil 6, tôi bắt đầu đi làm full-time, nên vốn không còn thời gian nhiều cho việc dịch thuật, nên rất nhiều dự án sau đó như Resident Evil 5 mình đều không tham gia, bẵng đi 1 thời gian cho đến khi Resident Evil 2 Remake xuất hiện vào năm 2019. Tôi mới quay lại gametiengviet sau khi công việc ở Công Ty đã tương đối ổn định. 
Tuy nhiên thì, Resident Evil 2 remake tôi không có nhiều thời gian, cũng không phải là biên tập duy nhât, nên dù có 1 chút phong cách thì tôi không được thỏa sức sáng tạo như lúc dịch Resident Evil 6 nữa, nhưng đây tính ra vẫn là 1 bản dịch tạm ổn.
Tháng 2/2020, tôi cũng tham gia vào nhóm dịch Resident Evil 3 Remake, bản dịch dù có hơi nhanh, do thoại của RE3make ít hẳn hơn bản 2, nhưng tôi vẫn cố gắng thể hiện đúng câu thoại nhất có thể, nhưng mình thật sự vẫn chưa hài lòng với nó. Dù rất nhiều người chơi download về bản Việt hóa này, nhưng thật sự tôi chưa cảm thấy mình đã truyền đạt đc đủ cảm xúc như ngày mình dịch RE 6. Đối với người chơi, đây cũng chỉ là 1 bản Việt hóa chỉ để cho hiểu.

Gặp gỡ Luật sư Trần Vân Phượng


Giờ mới là vấn đề chính (tức là phần thân bài đó), thì tôi đã gặp dự án Ace Attorney, lúc đó cũng đang mất phương hướng, vì dự án này đã bị kẹt khi giữ nguyên tên nhân vật trong suốt 1 thời gian rất dài.
Và đó cũng là lần đầu tiên, tôi biết đến khái niệm: Bản địa hóa (Localization)
Bản địa hóa không đơn thuần chỉ là dịch một ngôn ngữ này, sang một ngôn ngữ khác, nó còn là điều chỉnh câu thoại, kịch bản, địa danh, nói chung là tất tần tật các thứ. Tùy nội dung mà mức độ bản địa hóa của từng game đều khác nhau.
Và đặc sản của game Ace Attorney, đó là đổi tên nhân vật theo tên theo ngôn ngữ đích.
Và tôi, như 1 cái duyên đã nhảy vào tham gia cùng. 

Tại sao phải bản địa hóa Ace Attorney

Ngay từ nhưng ngày đầu tiên khởi động dự án, bọn tôi đã bị ném gạch không thương tiếc.
Đa phần các ý kiến này đến từ những người chỉ chơi sơ qua bản gốc, vốn không để ý nhiều đến lời thoại của game. Dự án game vốn bế tắc do bị dính những phép chơi chữ liên quan đến tên người khiến chúng không thể dịch được. Bên dưới là một ví dụ.
May be a cartoon of one or more people and text that says 'Phoenix Proof enough for you, Mr. Sahwit? Or should I say... Mr. Did It!'

Trong hình bên trái, câu thoại hoàn chỉnh là "Proof enough for you, Mr. Sahwit? Or I should say Mr Did It?
Trong bản localization của nhóm mình, tôi dịch câu này là:

May be a cartoon of one or more people and text that says 'Phượng Đủ thuyết phục chứ, ông Nhân? Hay tôi nên gọi ông là... Phạm Nhân!'

Sahwit, trong bản Eng vốn là chơi chữ của từ Saw It (Đã thấy điều đó), và được chơi chữ thành Did It (Đã làm điều đó). Tuy nhiên nếu bê nguyên xi tên này vào bản dịch, thì chỉ có 2 cách:
1. Xóa luôn khoản chơi chữ này đi.
"Đủ thuyết phục ông chưa? Ông Sawit?"
2. Giữ nguyên lời thoại dịch thô, không quan tâm nó có nghĩa hay không
"Đủ thuyết phục ông chưa ông Sawit? Hay tôi nên gọi ông là ông Didit?"
3. Thêm chú thích trong ngoặc vào.
"Đủ thuyết phục ông chưa ông Sawit (Đã thấy điều đó)? Hay tôi nên gọi ông là ông Did It! (Đã làm điều đó)"
Như vậy, nó tạo ra 3 vấn đề:
+ Nếu làm theo cách 1: Câu thoại sẽ không còn đủ nghĩa, cũng không còn thể hiện sự hài hước trong câu nói nữa. Như vậy cái thần của nguyên tác đã không còn.
+ Nếu làm theo cách 2: Câu thoại giữ hệt ý nghĩa, nhưng nếu bạn không phải là người biết tiếng Anh, bạn hiểu được không?
+ Nếu làm theo cách 3: Đây là game, không phải anime, manga để có "sub phụ", bỏ ngoặc như thế này là tối kỵ, chưa kể còn khiến câu thoại dài ra không cần thiết. 
Bẳng đi 2 năm, dự án của bọn tôi lâm vào bế tắc về mặt kỹ thuật, khiến cho dự án gần như đứng trên bờ vực thẳm. Cũng may là tôi và leader dự án đã vực ngược trở lại và nhanh chóng hoàn tất các phần còn lại. 
Nó khiến việc bản địa hóa game này gần như là bắt buộc, không thể làm khác. Hiện dự án vẫn chưa hoàn thành, nhưng đã có những tiến triển nhất định

Biên Dịch game vs. Bản địa hóa game

Tóm lại khái niệm về biên dịch game và bản địa hóa game cơ bản như sau:
+ Biên Dịch: Chuyển ngữ từ tiếng này sang tiếng khác, giữ lại tất cả văn hóa của ngôn ngữ gốc. 
+ Bản địa hóa: Chuyển thể toàn bộ tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác theo văn hóa của quốc gia ngôn ngữ đích.
Như thế có khá nhiều yếu tố để quyết định chỉ cần biên dịch, hay bản địa hóa toàn bộ, hoặc bản địa hóa một phần:
+ Sự phù hợp của văn hóa?
+ Sau khi dịch ra ngôn ngữ đích hay và đánh động được cảm xúc con người của ngôn ngữ đích hay không?
+ Có cần thiết phải bản địa hóa hay không? Hay chỉ cần biên dịch là đủ cho người chơi hiểu được nội dung game?
Có những game như Ace Attorney, không bản địa hóa là không hiểu được, nhưng vẫn có những game như Persona, đơn giản là dịch chay vẫn hiểu được. 
Nhưng có những game, khi bản địa hóa không đúng cách sẽ tạo ra những câu chữ tiếng Việt rất tối nghĩa, và khiến cho việc bản địa thất bại. Ví dụ như game bên dưới, việc Hán Hóa khiến thoại và text game sử dụng ngôn từ rất "Trung Quốc", nhưng khi ghép với bối cảnh gốc là Châu Âu, tự khắc nó lại khó mà phù hợp.
Cho nên, việc bản địa hóa mặc dù nên được nhân rộng, nhưng phải tùy vào nội dung của game gốc để có thể chọn được hướng dịch thuật phù hợp nhất chứ không phải tất cả các game đều sẽ có một công thức như nhau.
Tôi hy vọng rằng bài viết này của mình sẽ giúp cho việc bản địa hóa trở nên phổ biến hơn khi các dự án Việt Hóa xuất hiện trong tương lai.
Kimberly Archer (Lê Hoàng Kim)