Bàn về Nihilism, Niềm tin và Xã hội không tưởng
*Những phần mình để trong quote là những ý mình không muốn bàn nhiều, vì quá dài/phức tạp để bàn. Bạn cứ tạm chấp nhận điều đó là đúng...
*Những phần mình để trong quote là những ý mình không muốn bàn nhiều, vì quá dài/phức tạp để bàn. Bạn cứ tạm chấp nhận điều đó là đúng rồi đọc tiếp để hiểu ý mình muốn truyền đạt, hoặc có thể chọn dừng đọc. Bạn có thể comment tìm hiểu thêm vì sao mình nghĩ vậy, nhưng đừng bắt mình chứng minh. Vì để chứng minh, hay đúng hơn là tranh luận, tốt nhất chúng ta nên uống trà/cà phê đàm đạo bên ngoài.
**Chú ý: Nội dung bài viết khá nguy hiểm, có thể khiến bạn có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, hoặc muốn tự tử. Bạn đọc hãy cân nhắc trước khi đọc.
Về tên topic: "Bàn về Nihilism, Niềm tin và Xã hội không tưởng". Mình là một người mà nhìn chung bạn có thể định nghĩa là theo Nihilism, đại để là chẳng tin vào bất kì một điều gì cả. Tuy nhiên, định nghĩa này cũng có điểm thiếu sót, và tốt hơn hết là chẳng nên có định nghĩa, mà ở dưới mình sẽ giải thích. Quay lại tên topic, vì không tin nên mình hay tìm hiểu bản chất của con người. Đặc biệt là sự hình thành cơ chế xã hội. Mình muốn chia sẻ một chút suy nghĩ của mình về "Xã hội không tưởng", nhưng trước đó phải giải thích qua về Niềm tin và Nihilism.
I. Về Nihilism:
Thật ra chẳng có gì gọi là Nihilism cả. Đó chỉ là một cái tên mà một nhóm người thích định nghĩa, cảm thấy cần phải định nghĩa, đặt cho, để những người không hình dung được có thể có một khái niệm để hình dung. Vì việc tự gọi mình Nihilism, tức tin rằng bản thân là Nihilism, vốn đã đi ngược với "tiêu chí" của định nghĩa Nihilism: không tin gì cả. Vậy nên câu hỏi tốt nhất dành cho "những người như mình" không phải "bạn là ai", mà là "bạn đang nghĩ gì". Không dám nói thay cho những người được-cho-là-Nihilism khác, nhưng riêng mình thì chỉ đơn giản: mình đặt câu hỏi lên tất cả mọi thứ. Mình không thoả mãn với những câu trả lời mình có được, và mình thích thú tìm hiểu vì sao con người, hay đám đông nói chung muốn tin vào một chuẩn mực nào đó. Nó không chừa bất kì một chuẩn mực nào cả, kể cả giết người hay tin vào sự sống.
Trước khi viết tiếp, mình xin chú thích trước. Mặc dù không muốn "định nghĩa" mình là Nihilism, nhưng mình sẽ tiếp tục sử dụng từ Nihilism để các bạn dễ hình dung. Tuy nhiên, mong bạn hiểu rằng mình đang bàn về mình nói riêng, và về những "người-không-tin" nói chung.
NẾU là Nihilism, bạn có thể dễ dàng SUY NGHĨ (nhấn mạnh chỉ ở mức độ Nếu và Suy nghĩ) những điều khá "thú vị" và nguy hiểm. Chẳng hạn như:
- Con người chỉ tin rằng có thiện và ác để hi vọng mọi nỗ lực mà họ bỏ ra sẽ đáng giá nào đó.- Con người chỉ tin rằng giết người là tội ác vì họ muốn bảo vệ sự ổn định của xã hội, mà rộng ra là tính mạng của bản thân.
Lập luận thêm một chút nữa, bạn có thể đi đến suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều phát sinh từ việc con người muốn sống. Tin vào được cứu rỗi, tái sinh hay đầu thai này nọ đều vì một mong muốn tối hậu là vậy. Tiếp tục đi sâu hơn nữa, sẽ có người đặt câu hỏi tại sao "sự sống lại quan trọng". Và khi không tìm được câu trả lời thoả đáng, họ có thể kết luận, "cuộc sống vô nghĩa". Bởi vậy mình mới nói những suy nghĩ đó thú vị nhưng nguy hiểm <("). Wikipedia cũng chốt rằng:
"Nihilism is the philosophical viewpoint that suggests the denial or lack of belief towards the reputedly meaningful aspects of life. Most commonly, nihilism is presented in the form of existential nihilism, which argues that life is without objective meaning, purpose, or intrinsic value"
Mặc dù không phủ nhận wiki có thể đúng một phần, nhưng mình nói rồi, cái tên "Nihilism" chỉ do những người "muốn định nghĩa" gọi, nên định nghĩa đó không phản ánh đúng hoàn toàn. Nếu nói theo nghĩa rộng nhất, những người theo Nihilism đòi hỏi mọi niềm tin đều phải bắt nguồn từ một nguyên nhân khách quan, và không ngại xét lại tất cả mọi chuẩn mực xã hội đã đặt ra từ trước đến giờ.
Khi nói "không tin cuộc sống có ý nghĩa", ý họ hay mình là không có một bằng chứng gì đủ thuyết phục rằng sự sống phải có ý nghĩa. Vấn đề này phức tạp nên mình sẽ không đi sâu. Tuy nhiên, điều QUAN TRỌNG mà mọi người hay quên, kể cả những người-tự-cho là Nihilism, là điều đó không hề phủ nhận rằng cuộc sống CÓ THỂ có ý nghĩa. Nôm na thế này:
Vừa không tin cuộc sống có ý nghĩa, vừa không tin cuộc sống không có ý nghĩa.
Phần "không tin cuộc sống có ý nghĩa" thường được nói đến nhiều hơn, vì nó đi ngược lại với tiềm thức phần đông con người.
Mình muốn nói thêm nữa về những điều thú vị mình phát hiện khi đọc về lịch sử Nihilism, nhưng có lẽ sẽ để hôm khác. Còn bây giờ mình sẽ đi vào chủ đề chính là Niềm tin và Xã hội không tưởng.
II. Về niềm tin:
Tại sao đang bàn về "không tin" mà giờ lại nói về "niềm tin"? Đơn giản vì mặc dù những "niềm tin" nói chung có thể không đủ thuyết phục, nhưng cũng chưa chắc là chúng không có cơ sở.
Biết đâu đúng là có một vị "Chúa" nào đó đã lập trình cho sự sống, với một mệnh lệnh đơn giản là "phải sống".
Điều QUAN TRỌNG ở đây không phải là giả thiết nào khả dĩ, hoặc niềm tin nào có thể có cơ sở, mà là nếu dõi theo suốt quá trình lịch sử loài người, bạn dễ thấy rằng:
Nếu không tin vào bất cứ điều gì cả, con người sẽ không/khó có thể tồn tại.
Thật ra khi nói "con người tồn tại" đã hàm ý rằng phải có niềm tin vào "sự sống" rồi. Tuy nhiên, như bạn thấy đó, nếu không tin vào "sự sống" thì đơn giản bạn có thể chọn chết. Riêng mình thì mình sợ chết, nên mình sống.
Điều mình muốn nói là: quan trọng là bạn chọn tin vào điều gì. Đồng thời khi chọn tin vào một điều nào đó, mình cũng luôn tự nhắc nhở rằng đây chỉ là điều mình đang tin. Rằng không là "cuộc sống phải có ý nghĩa", mà là mình chọn tin "cuộc sống có ý nghĩa". Rằng không là "cái thiện cuối cùng sẽ phải thắng", mà là mình chọn tin "cái thiện sẽ thắng", và mình tự nhắc bản thân điều đó mỗi ngày, mỗi buổi sáng thức dậy, mỗi lúc rảnh rỗi "lỡ" nghĩ đến. Tại sao cứ phải làm khổ bản thân như vậy, bạn có thể đang thắc mắc đúng không? Mình cũng không thể đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh, đại để là một khi bạn bước vào con đường "đặt câu hỏi lên mọi thứ" giống mình rồi thì bạn sẽ không thể quay đầu lại nữa. Và nếu mình không ngừng tự nhủ "cuộc sống này có ý nghĩa", thì rất có thể mình sẽ tự tử. Kinh Thánh hay nói kiến thức là tội lỗi (quả táo trong vườn Eden), âu cũng có lí do.
Vậy điều này có đi ngược lại với "không tin vào bất cứ điều gì không"? Có thể, tuỳ vào bạn định nghĩa thế nào là không tin. Còn riêng với mình thì không.
.
Cơ mà rồi Niềm tin liên quan gì đến Xã hội không tưởng? Thật ra là có đấy. Bạn nhớ từ đầu mình nói rằng mình thích thú tìm hiểu sao con người lại muốn tin vào một điều gì đó đúng không? Xã hội cũng không là ngoại lệ.
III. Về Xã hội và Xã hội không tưởng:
Điều cốt lõi nhất của xã hội là niềm tin vào cuộc sống.
Vì muốn bảo vệ mạng sống của bản thân, đã nảy sinh đạo đức về mạng sống cho những người khác, ban đầu là những người "cùng loại" hay thuộc cùng xã hội.
Nhưng đôi khi để một tập thể có thể sống, sẽ cần phải có hi sinh.
Chẳng hạn như, nếu cánh tay trái của bạn bị rắn độc cắn và không thể hút nọc độc ra, bạn sẽ chọn cắt cánh tay đó đi hay sẽ giữ cho nó tiếp tục gắn liền với cơ thể rồi bạn chết từ từ?
Mình sẽ không cố gắng thuyết phục bạn việc cần phải hi sinh. Mình chỉ muốn nói rằng vấn đề mâu thuẫn giữa các phạm trù đạo đức là có tồn tại, và đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử loài người. Bên muốn hi sinh, để giúp bản thân không cảm thấy tồi tệ, họ sẽ vin vào những lí do bên ngoài như "For the Greater good", "chủng tộc đó thấp kém hơn"... Bên muốn phản đối, sẽ hỏi ngược lại "ai là người quyết định ai sẽ chết", nhưng họ sẽ tránh trả lời câu hỏi "nếu không ai làm gì cả, mọi người sẽ chết thì sao?" Không ai đúng cả, và chẳng có chân lí nào là tuyệt đối. Tất cả chỉ là biện hộ, bắt nguồn từ việc con người muốn sống, và khi bạn nhìn nhận sự việc theo hướng này bạn sẽ thấy mọi cố gắng biện minh đều vô nghĩa đến nhường nào.
Ai cũng muốn sống, nhưng ai cũng cố gắng tự lừa dối mình về điều đó.
Dù sao thì, vẫn sẽ có hi sinh. Và như vậy cần phải có người quyết định ai sẽ là người hi sinh.
Nói rộng ra, để một "xã hội" sống, sẽ cần có những người dẫn đường để xã hội đó sống. Vậy họ là ai? Là Chúa trời, là Vua, hay là những người được chọn? Nah, chẳng có một cái tên mỹ miều nào cả, họ đơn giản chỉ là một nhóm người nào đó. Từ thuở ban đầu đơn giản họ chỉ là những người dám nhận mọi trách nhiệm về mình, và "tin" rằng điều mình đang làm là "tốt" cho mọi người. Điều đó có biến họ thành người "tốt" không? Điều đó có khiến lời họ nói là "đúng" không? Câu trả lời là không. Đơn giản là họ tồn tại. Họ dẫn đường cho "người dân" của họ sống hoặc chết, còn đúng hay sai là chuyện của lịch sử.
Tuy nhiên, mâu thuẫn về đạo đức vẫn tồn đọng. Đồng thời cũng còn một thực tế nữa là phần lớn người dân không quan tâm những vấn đề triết học, đạo đức này. Họ chỉ muốn sống. Vì thế nhóm người dẫn đường "tiến hoá" và nghĩ ra một hình thức nào đó để làm an lòng mọi người, bao gồm nhưng chưa phải tất cả: tôn giáo, đức tin, luật lệ, quốc gia... Thế là sinh ra tầng lớp thống trị (TLTT) và tầng lớp bị trị (TLBT). Sẽ có các tầng lớp trung gian, nhưng bạn cứ hiểu có hai thái cực như vậy.
Vậy ai là người quyết định ai thuộc "TLTT" này? Trả lời ngắn gọn, chẳng có ai cả. Trả lời dài hơn một tí, Lịch Sử. Ý mình là kết quả sau này, khi người đời nhìn lại, không phải trước đó.
Vì phần lớn người dân không quan tâm đến các vấn đề đạo đức, triết học, nói rộng ra là những tư tưởng có thể cải thiện xã hội, nên TLTT cũng dễ dàng trục lợi cho riêng mình. Khi đó đời sống TLBT sẽ đi xuống, vầ nảy sinh đấu tranh. TLTT mới được xây dựng và cai trị TLBT mới. Mâu thuẫn cứ thế tiếp diễn, kết hợp với mâu thuẫn giữa các TLTT với nhau, không bao giờ có hồi kết. Hệ thống các Quốc gia hiện nay phân chia và củng cố quyền lực tập trung cho các TLTT, đảm bảo mâu thuẫn nếu diễn ra sẽ diễn ra tại quốc gia đó, trước khi lan rộng ra toàn địa cầu. Tuy nhiên, đó vẫn chưa là câu trả lời hoàn chỉnh.
Vậy thể nào là câu trả lời hoàn chỉnh? Đó vẫn là thứ con người đang tìm kiếm. Và mục đích cuối cùng là để sống. Tất nhiên, bạn có thể quay ngược lại và nói tất cả rắc rối chung quy là do "niềm tin vào sự sống", nhưng này, đừng nghĩ quá sâu vào điều đó, không tốt đâu.
Không loại trừ khả năng xã hội hiện nay là xã hội "hoàn chỉnh", khi đấu tranh liên tục nổ ra để nuôi dưỡng sự sống. Các chương trình nhân đạo sẽ cân bằng cho chiến tranh, các tác phẩm nghệ thuật sinh ra từ đấu tranh tư tưởng sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con người, và nếu dân số Trái Đất quá đông thì chiến tranh sẽ tự cân bằng hoặc Mẹ thiên nhiên có cách giải quyết.
Nhưng nếu con người muốn "tin" vào một chuẩn mực đạo đức gọi là "ai cũng có quyền được sống", thì mình nghĩ xã hội "hoàn chỉnh", hay Xã hội không tưởng sẽ là nơi không ai phải hi sinh, con người tiếp tục tiến hoá mà không cần TLTT và sống bình ổn suốt hàng triệu năm sau. Nhưng nếu trong quá trình tiến đến xã hội này phải có hi sinh thì sao? Mình có thể nghĩ đến hai lựa chọn khả dĩ, một là hi sinh tự nguyện, hai là lại chọn ra một TLTT "tạm" và quyết định giùm cho mọi người.
Concept thứ hai khá quen thuộc và mình sẽ không đi sâu thêm nữa. Điều quan trọng ở đây là cả hai lựa chọn đều không hoàn hảo, vì rốt cuộc vẫn nảy sinh mâu thuẫn, bắt nguồn từ việc "không chấp nhận rằng thật ra mình muốn sống". Tức là:
Trước khi có Xã hội không tưởng, con người trước tiên phải nhìn thẳng vào ham muốn sống còn của bản thân.
Điều này nếu đạt được sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khác, mình sẽ chọn không nói ở đây. Tuy nhiên, sự thật là nó rất khó để đạt được.
.
Biết đâu, Chúa là một thực thể nào đó đã tạo ra con người để giải quyết giùm ổng vấn đề nan giải này, cũng như chúng ta đang cố gắng tạo ra AI?
Mình sẽ ngồi uống cà phê và đợi thời gian trả lời.
.
Biết đâu, Chúa là một thực thể nào đó đã tạo ra con người để giải quyết giùm ổng vấn đề nan giải này, cũng như chúng ta đang cố gắng tạo ra AI?
Mình sẽ ngồi uống cà phê và đợi thời gian trả lời.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất