The Long Long Road, Crafty Bounder
The Long Long Road, Crafty Bounder
Mental Efficiency, “The Inwardness of Success”, Arnold Bennett
Vũ Thành Long chuyển ngữ
----
Tất nhiên, một người không thể lý giải thành công cũng như không thể lý giải bản giao hưởng cung Đô thứ của Beethoven. Ta có thể nhấn mạnh bản nhạc được viết ở cung nào, đưa ra những nhận xét chuyên môn về hình thức của nó, liệt kê các chủ đề được bàn đến, và viện dẫn các bản giao hưởng trước và sau nó, nhưng rốt cuộc – ta vẫn phải thừa nhận rằng bản giao hưởng cung Đô thứ đó thật đẹp – đơn giản là vì nó đẹp. Tương tự như vậy, người ta cũng có thể nói rằng lý do chủ yếu tách biệt thành công và thất bại đơn giản là vì những người thành công thì thành công.
Khi đã thẳng thắn thừa nhận điều đó ngay từ đầu, tôi mạn phép khẳng định có ba loại thành công.
Thành công A là loại tình cờ. Thành công này xảy đến nhờ vào thứ gọi là vận may, ngoài ra không có gì khác. Tất cả chúng ta vẫn còn rất mê tín, và những trò đùa của vận may có ảnh hưởng kỳ lạ tới chúng ta. Giả sử tôi đi tới Monte Carlo và tuyến bố dõng dạc với một người bạn rằng lần tới sẽ ra đỏ, và tôi đặt mức tối đa vào đỏ – rồi nó ra đỏ thật; thì người bạn của tôi, bất kể sáng suốt ra sao, sẽ mơ hồ cho rằng tôi có một quyền năng thần bí nào đó. Trong khi thực chất chỉ do may rủi. Nếu tôi lặp lại điều đó sáu lần, tất thảy người chơi trên bàn sẽ trầm trồ. Nếu tôi làm điều đó cả mười hai lần, họ sẽ ngỡ ngàng bật ngửa. Nhưng vẫn là do may rủi. Nếu tôi làm điều đó mười tám lần, tên tôi sẽ được nhắc tới trên mọi tờ báo ở châu Âu. Nhưng cũng vẫn là may rủi. Trong mắt người khác, tôi có thể là một người đặc biệt thành công, và phần đông mọi người sẽ vô thức tin rằng tôi sở hữu những năng lực mà thực chất tôi không hề có.
Nếu những hiện tượng mê tín như vậy có thể xảy ra trong một lĩnh vực mà yếu tố ngẫu nhiên được thừa nhận công khai, thì còn dễ hiểu hơn biết bao khi người ta không chịu chấp nhận lời giải thích là “hoàn toàn tình cờ” trong những lĩnh vực mà bản thân những người trong cuộc sẽ có lợi nếu che giấu vai trò của sự may rủi! Tuy nhiên, với những người từng chứng kiến thành công ở khoảng cách gần, không thể nghi ngờ rằng một phần của thành công chỉ đơn giản và hoàn toàn là do may mắn. Có những người thành công trong hiện tại và cả trong quá khứ, mà bản thân họ không có gì nổi trội hơn số đông. Màu đỏ đã lặp lại đủ số lần với họ, và bản năng mê tín phổ quát của con người – là không tin vào sự ngẫu nhiên – đã bao quanh họ bằng một vầng hào quang. Thật nực cười khi có người nói rằng thành công không bao giờ chỉ do may mắn. Bởi hầu như ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến hoặc trải nghiệm điều ngược lại, dù ở quy mô lớn hay nhỏ.
Loại thành công thứ hai, loại B, là loại do những người không có tài năng xuất chúng nhưng lại sở hữu một năng lực đặc biệt: năng lực thành công.
Tôi mô tả những người này bằng cách chỉ ra rằng, dù họ xứng đáng với một điều gì đó, nhưng họ không xứng đáng với phần thưởng chói lọi mà người đời gọi là “thành công.” Họ khiến ta có cảm giác như đang được trả công quá mức. Chúng ta gặp họ ở mọi ngành nghề, và thực tình không ai thực sự kính trọng họ. Họ khiến chúng ta tò mò, có khi là ghen tị. Họ có thể vươn lên rất cao, nhưng trong ánh nhìn của chúng ta luôn có một sự dè chừng lạnh nhạt.
Và nếu những người này đọc được cáo phó của mình, họ chắc chắn sẽ nhận ra sự hờ hững nào đó, dù chúng ta có cố tỏ ra tử tế theo tinh thần câu ngạn ngữ “Nói tốt cho người đã khuất” chăng nữa. Chính loại thành công này khiến các nhà nghiên cứu xã hội phải bối rối. Làm sao lại có những người chẳng có tài cán gì đặc biệt, lại sở hữu một năng lực thành công kỳ lạ và khó gọi tên đến thế?
Theo tôi, những người như vậy thường có vài đặc điểm chung, trong đó nổi bật nhất là: họ luôn khắc khoải về thành công. Họ bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải thành công. Còn chúng ta thì không. Chúng ta chỉ thỉnh thoảng mơ tưởng về thành công, nhưng không mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng ấy. Chúng ta không trằn trọc suốt đêm để nghĩ về nó.
Đặc điểm thứ hai của họ, đương nhiên, nảy sinh từ điều thứ nhất: họ luôn trong trạng thái quan sát, sẵn sàng. Điều này không có nghĩa là họ siêng năng. Trong một bài viết trước, tôi đã nói rằng, nhìn chung những người thành công không hẳn là người chăm chỉ. Một người lênh đênh trên chiếc bè, phất phơ áo làm cờ tín hiệu cầu cứu, không thể cho là siêng năng, nhưng anh ta sẽ luôn mở to mắt tìm kiếm một cánh buồm thấp thoáng cuối chân trời. Nếu anh ta nằm xuống ngủ, anh ta có thể bỏ lỡ cơ hội duy nhất trong đời.
Người có năng lực thành công là người trên chiếc bè ấy nhưng không bao giờ ngủ quên. Đôi mắt không biết mệt mỏi của anh ta dõi theo đại dương từ ngày này qua ngày khác. Khi thấy một con tàu, anh ta bật dậy, vẫy chiếc áo với một quyết tâm đến mức con tàu không thể không nhìn thấy anh ta và đến cứu. Có khi anh ta còn liều mình nhảy xuống biển, bất chấp cá mập hay những hiểm nguy khác.
Nếu anh ta không bơi được đến bờ, ta sẽ không bao giờ nghe nói về anh ta. Nhưng nếu anh ta làm được, sau này sẽ có người thêu dệt số lượng cá mập mà anh ta đã vượt qua gấp mười lần thực tế. Người đó được gọi là… nhà viết tiểu sử.
Bỏ qua phép ẩn dụ, một đặc điểm khác của những người này là: họ dường như sở hữu điều ngược lại so với cái mà ta gọi là “lý trí thông thường.”
Họ say mê theo đuổi một dự án mà số đông, với lý trí thông thường, hẳn sẽ xem là viển vông và vô vọng. Người có lý trí thông thường sẽ bác bỏ dự án đó bằng những lập luận bất khả phản bác. Anh ta sẽ chỉ ra rằng nó ngớ ngẩn ngay từ vẻ bề ngoài, rằng chưa ai từng thử làm điều đó, rằng nó không đáp ứng một nhu cầu cụ thể nào của xã hội. Anh ta sẽ tự nhủ: “Thằng cha này hỏng não rồi. Không thể phản biện được lập luận của mình mà vẫn cố chấp tiếp tục.”
Và đúng là người khao khát thành công kia vẫn tiếp tục. Có thể dự án thất bại, thường là thế. Và người lý trí lại thở dài, “Tôi đã nói rồi mà.” Nhưng người kia vẫn tiếp tục tìm kiếm. Khát khao của anh ta chưa được thoả mãn. Niềm đam mê với những dự án tưởng chừng thất bại là căn bệnh nan y.
Và một ngày nào đó, một dự án “chắc chắn thất bại” ấy lại thành công. Chúng ta nghe tin và há hốc miệng kinh ngạc. Còn về những thất bại trước đó, nào ta có hay biết.
Một khi người đó đã nếm mùi thành công, việc thành công dường như trở thành một thói quen. Ranh giới giữa thành công và thất bại đôi khi mỏng đến nỗi, chỉ cần mang danh “người từng thành công” cũng có thể khiến thành công lặp lại, và ngược lại, một tai tiếng thất bại sẽ kéo theo thất bại. Sự may rủi đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp như thế, nhưng không phải chủ đạo. Người ta chỉ có thể nói rằng: tốt hơn là gặp may vào giai đoạn khởi đầu hơn là về sau. Những “người thành công” kiểu này thường có tính cách mềm dẻo. Họ không hẳn vô đạo đức, nhưng họ xem lương tâm như một người đầy tớ tốt và một ông chủ tồi. Họ sống trong bầu không khí đầy thoả hiệp.
Còn lại loại thành công C – thành công thuần tuý từ tài năng xuất chúng. Tôi không bi quan, cũng chẳng lạc quan. Tôi chỉ cố đi tìm sự thật, và nếu tôi cho rằng thành công loại này chiếm khoảng 10% trong tổng số các loại thành công, thì xem chừng tôi còn đang ưu ái nó quá. Không phải vì tôi nghĩ nhiều tài năng lớn bị bỏ quên. Lý do tôi chỉ dành phần nhỏ cho loại thành công này đơn giản vì tài năng xuất chúng quả thực quá hiếm. Và điều này chẳng hợp lý sao? Tài năng vĩ đại vốn dĩ đã hiếm như vàng.
Loại thành công này không cần giải thích, không cần biện minh. Nó là sự khẳng định cho niềm tin kỳ lạ của chúng ta vào nguyên lý “công lý sẽ chiến thắng.” Và có lẽ, nó là minh chứng duy nhất trong tự nhiên mà ta có thể viện dẫn cho niềm tin đó. Và chắc chắn, khi ta chứng kiến một con người thực sự tài giỏi, được tưởng thưởng một cách xứng đáng, không bị trì hoãn, không phải đánh đổi nhân phẩm hay lương tâm để đạt được sự công nhận từ số đông vốn chấm hiểu và vô cảm, ta có lý do chính đáng để cảm thấy mãn nguyện.
---
Theo dõi blog của mình tại đây nha: