Bài viết khá dài, kén người đọc, nhưng tôi nghĩ nếu bạn rơi vào những mông lung mà tôi đã trải qua, tôi có niềm tin là bạn sẽ tìm thấy một chút ánh sáng ở nơi bạn muốn hướng về, và có động lực hơn để làm thứ mà mình không biết để làm gì. Ý tôi là, nếu bạn không biết bạn muốn gì và cái bạn đang làm để làm gì, thì bạn hãy cứ làm việc mà bạn đang làm thôi.
Tôi muốn nhắn nhủ cho
các bạn học sinh sắp chọn ngành,
các bạn sinh viên còn đang học hay mới ra trường,
và cho cả những người đang cảm thấy lạc lối sau khi ra trường một thời gian.
Năm nay tôi 29 tuổi, trải qua 5 công việc toàn thời gian, xen kẽ là 8 tháng làm công việc viết chữ thủ công (theo nghề ông nội), hiện tại là công việc toàn thời gian thứ sáu và làm tự do vài dự án nhỏ.
Tôi đã trải qua 2 lần trầm cảm kiêm thất nghiệp kiêm thất tình cùng lúc. Và trong tất cả các lần thất nghiệp tôi đều không có tiền, không có định hướng, tự ti, mặc cảm.
Tôi muốn kể lại khá chi tiết về những lựa chọn trong đời mình để làm nền tảng niềm tin cho nhìn nhận của mình theo đó gợi ý định hướng và các sự lựa chọn cho các em nhỏ.
Tôi xuất phát từ chuyên Văn- là một học sinh cá biệt (xếp hạng cỡ 30/34), từng bị đuổi ra khỏi lớp 2 lần, và liên tục bị nhắc nhở. Tôi không phải là đứa trẻ quậy phá, tôi là một đứa trẻ cực kỳ ngoan ngoãn ở nhà và đa phần ít giao tiếp trên lớp.
Tôi học ngành Tài chính- Ngân hàng của HBU- nguyện vọng 2 (nguyện vọng 1 tại Đại học Sài Gòn). Tôi không biết mình sẽ học cái gì, đơn giản là bạn thân của tôi chọn ngành cho tôi vì nó thích ngành này.
Trước đó tôi có nói với mẹ tôi thích học tâm lý- nhưng tôi biết điểm quá cao so với học lực của mình. Tôi cũng nói mẹ tôi thích tiếng Anh thương mại- nhưng tôi biết tôi cũng rất dốt tiếng Anh. Tôi nói với mẹ tôi thích học du lịch- nhưng mẹ nói con gái học du lịch cực, đã đen và không được xinh đẹp rồi. Mẹ chỉ ướm ý đó thôi chứ không phải không cho. Và tôi bỏ qua ý định đó.
Tôi đã nhận ra bản thân không hề thích cách dạy tiếng Anh của cô giáo trên lớp (lớp tôi được các cô/thầy là chủ nhiệm lớp chuyên khác đến dạy), và tôi tự học bằng cách đọc hết tất cả các chữ có trong SGK tiếng Anh lớp 10, 11, 12, vì tôi thích đọc tiếng Anh, tôi cũng nghe nhạc và xem phim Mỹ nhiều.
Thời gian đi học là khoảng thời gian đầy lo sợ mỗi tiết học về việc dò bài, làm bài tập, soạn bài, kiểm tra đột xuất, các loại kiểm tra khác, tôi đều đã rất sợ hãi, tôi không muốn học, đồng thời sợ hãi việc phải đối diện với những bài kiểm tra đó. Tôi trì hoãn, ích kỷ, nóng tính và xu hướng bạo lực.
Thời gian ở nhà tôi viết vài ba bài trên blog, viết nhật ký, làm thơ, viết vài truyện ngắn và viết về cảm xúc của mình bất kì lúc nào tôi muốn viết. Tôi từng ngồi hàng giờ ngoài ban công nhìn xuống đường phố, lúc nghĩ ngẩn ngơ, lúc không nghĩ gì, chỉ ngồi nghe nhạc.
Mọi người nghe đến đây có thể thấy hay ho hoặc kì lạ, hoặc dở người, nhưng tôi không hề nhận ra hay có thể liên kết chúng thành một câu chuyện kể lại như bây giờ, vì lúc đó tôi không biết mình làm gì, tại sao mình làm nó, hay không biết mình rồi sẽ thế nào, lúc đó tôi còn chưa nhận thức được xã hội là gì, thế giới đối với tôi chỉ là ăn, ngủ, trường lớp, bạn bè và vài chuyện sinh hoạt cá nhân luôn trì hoãn. Chỉ khi tôi gần 30 tuổi thì tôi mới có thể nhìn nhận lại sự việc, liên kết chúng lại với nhau và cho ra một nhận thức khác về những điều tôi đã trải qua.
Tôi hoang mang bước vào Sài Gòn và lạ lẫm mọi thứ. So với một đứa lầm lì ít nói như tôi thì nghe có vẻ giống như một cơn ác mộng. Nó đã như thế trong 3 tháng đầu tiên.
Nhưng lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình tự do kết nối, tự do tìm hiểu, tự do học. Và tôi tự làm mọi thứ rất trôi chảy và không gặp khó khăn như những năm cấp 3 trước đó.
Tôi thích đọc ngôn tình vào năm 2009 nên tôi tham gia và một hội những người có cùng sở thích trên FB và các buổi offline của hội.
Tôi thích diễn viên TVB nên tham gia diễn đàn của diễn viên đó và tham gia offline, tổ chức sinh nhật thành viên, sinh nhật diễn đàn, đám cưới thành viên, picnic nhóm,….
Tôi đọc truyện kiếm hiệp sau khoản thời gian tuổi thơ đã coi nhiều phim kiếm hiệp của ba.
Trong 4 năm đại học đó là những lẩn quẩn của tôi về mặc cảm gia đình khi sống cùng với gia đình cô ruột đông người, những ngày khóc vì tủi thân, bị người giúp việc khó dễ, bị phân biệt đối xử.
Trong 4 năm đại học đó tôi vẫn vui vẻ học những môn mình muốn học hoặc có tín chỉ cao để vớt điểm.
Trong 4 năm đại học đó tôi đã đi chơi cùng nhóm học tập của mình (chúng tôi vẫn còn chơi đến giờ).
Trong 4 năm đại học đó tôi bị ép buộc phải tham gia các chương trình thiện nguyện để đủ điều kiện tốt nghiệp (và giờ tôi thực sự biết ơn vì mình bị bắt buộc tham gia).
Trong 4 năm đại học đó tôi chỉ có 1 lần duy nhất tình nguyện Tiếp sức mùa thi vào năm cuối (tôi biết ơn những người bạn đã rủ và tạo động lực cho tôi tham gia).
Trong năm đại học thứ 3 tôi biết được xu hướng tính dục của bản thân, cực kỳ bàng hoàng, ngỡ ngàng, e sợ và hoang mang. Và tôi dành ra gần 3 năm sau đó, tìm hiểu về xu hướng tính dục, giấu diếm nỗi sợ hãi nếu như nó là sự thật.
Xin nhắc lại đây không phải một bài viết để giải tỏa những điều riêng tư cá nhân tôi, nhưng nếu tôi không viết đầy đủ, tôi cho rằng các em sẽ không hình dung được hành trình để biết mình muốn gì bên cạnh các cám dỗ và nỗi sợ mà các em cảm thấy từ những điều xung quanh.
 
Trong công việc đầu tiên: Kế toán thanh toán. Thời gian: 1 năm.
Không bảo hiểm, không bất cứ quyền lợi nào khác. Nhưng lúc đó tôi cảm giác không muốn về nhà, vậy nên tôi đã lên công ty liên tục kể cả chủ nhật. Công ty startup về phân phối này tuyên bố đóng cửa từ năm 2016 do các gánh nặng về tài chính.
Tôi thực hiện các giao dịch ngân hàng và làm hồ sơ giải ngân, vì tiền công ty ra vào liên tục nhưng gấp gáp, nên tôi luôn trong trạng thái căng thẳng và gấp gáp. Tuy nhiên, điều an ủi nhất là tôi được đồng nghiệp và trưởng phòng rất nhẹ nhàng hỗ trợ. Tôi không thích công việc, nhưng không thấy ghét, tôi cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn, nhưng không thể làm lâu dài.
Câu tôi muốn nói với các bạn, dù các bạn không biết mình muốn gì, thích gì, cảm thấy tương lai bất định ra sao, nhưng sau khi làm gì đó một thời gian, bạn sẽ biết bạn có thích hay không. Đến lúc đó bạn sẽ tự thay đổi, tự tìm cái khác thích hơn, cái gì đó làm mình cảm thấy đúng hơn, dù có thể nó chưa là đúng nhất. Vì vậy, việc đầu tiên là: dù có cảm thấy vô định, cũng hãy làm gì đó, và nếu bạn cảm thấy điều gì đó cần thay đổi, chính xác là nó cần thay đổi.
Bạn có thể tham khảo ý kiến người khác về quyết định của mình, nếu bạn cảm thấy bị thuyết phục về luận điểm nào đó, hãy điều tra nó, ứng dụng nó để biết đúng hay sai, rồi sau đó tiếp tục thử và thay đổi.
 
Công việc thứ hai: Viết chữ theo nghề ông nội- bán thời gian. Thời gian: 8 tháng.
Dự tính trước đó- về quê để hợp tác với ba tôi làm ngành quảng cáo, khôi phục quá khứ từng huy hoàng của gia đình đồng thời giúp đỡ em út mình định hướng vào đại học.
Em tôi ở với tôi được 1 tuần thì bỏ nhà đi Buôn Mê Thuột và nói với mẹ rằng tôi quá khó. Mẹ không cho em tôi ở với tôi.
Với ba tôi, tôi và ba cãi nhau ít ít cũng 5 lần/tuần, các lí do như: tôi nhận hàng hỏi ba ngày giao, đến ngày giao vẫn không chịu làm (vì tôi không biết làm còn ba tôi thì mê chơi), làm ẩu cho khách, tôi không chịu đứng tên giấy phép kinh doanh (trước đó ba tôi đã nhờ mẹ và ông nội đứng trên 2 giấy phép và cuối cùng chính họ phải đăng ký bỏ doanh nghiệp vì ba tôi không thực hiện các nghĩa vụ cam kết doanh nghiệp), không cho ba tôi mượn tiền,…
Sau đó, tôi viết chữ theo nghề ông nội mà trước đó ông có 15 ngày dạy tôi khi còn ở Sài Gòn.
Tôi rất thích công việc này, vì tôi có thể nhờ ba tôi viết (ba tôi viết rất ẩu), để đi du lịch.
Tôi rất thích công việc viết chữ lên các băng giấy treo vòng hoa. Nó bao gồm việc tôi phải chuẩn bị giấy, sơn màu, hong khô, cắt giấy, kẻ dòng.
Mỗi mùa lễ, tết, ngày kỉ niệm, tôi có thể phải ngồi từ 6 giờ sáng và viết cho đến 7-8 giờ tối mà vẫn chưa xong. Nhưng tiền nhận được cũng tỉ lệ thuận. Và tôi dùng tiền đó để đi du lịch trong 8 tháng đó.
Thời gian đó tôi đọc sách, một số là tác phẩm văn học, kinh điển, trong đó có Nhà Giả Kim và Suối Nguồn. Hai cuốn sách đó làm tôi quyết định ngừng lại sự tận hưởng và vui sướng- hạnh phúc trong lúc này để một thân về lại Sài Gòn và đốt cháy mình.
Trong công việc thứ hai: Ông nội tôi đã nói những dự định của tôi thì hay nhưng tôi thì không có lập trường, không làm được điều gì.
Còn tôi, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vì được quan tâm bởi gia đình, tôi làm việc mình thích, có bạn để chơi, tôi đi du lịch bằng tiền của mình, có thời gian đọc sách, tập thể dục mỗi ngày và đón nhận không khí trong lành của quê mình mỗi sáng.
Việc đọc sách đã khiến tôi cảm thấy bầu trời mở rộng và tôi phải dấn thân, khám phá cuộc sống hơn nữa, khám phá chính bản thân hơn nữa.
Tuy nhiên, tôi ôm trong mình lời nói của ông nội, điều đó làm tôi tự ti phần nào và làm tôi thêm buồn đau cho từng quyết định thay đổi của bản thân, cho đến cách đây 2 tháng tôi mới gỡ nó ra được khỏi đầu (sau trận chia tay thất điên bát đảo).
Giải thích một xí về sự buồn đau: vì khi bạn quyết định làm cái gì đó khác hay thay đổi điều gì đó, mà bạn cũng không biết tại sao thay đổi, thay đổi để làm gì. Bạn sẽ nhớ lại những điều không tốt về mình: phản bội niềm tin của đồng nghiệp/sếp/công ty dành cho bạn, phản bội niềm tin đã có từ ý định trước đó của mình, giống như quyết định gắng bó với công việc rồi lại chia tay nó vậy, phản bội niềm tin của mọi người về sự ổn định của bản thân, và bạn cảm thấy mình là một đứa không làm được gì, không có định hướng rõ ràng, không có lập trường, không đủ bản lĩnh,…. Nhưng đối lập với nó thì bạn lại cảm thấy không thể sống với thứ hiện tại thêm được nữa.
Nhưng nếu đem ra so sánh, những ‘điều tiêu cực về con người bạn’ vì việc bạn ‘không biết’ thì không rõ ràng rằng việc bạn ‘chắc chắn biết’ là bạn ‘không cảm thấy phù hợp với điều hiện tại’ bạn đang có. Thì mong bạn hãy lựa chọn theo cái mình biết chắc chắn, hãy rời khỏi nó, hãy thay đổi.
 
Công việc thứ ba: Trợ lý quản lý nhà hàng.
Tại sao tôi làm cái ngành mà chả liên quan gì đến ngành học và những điều tôi từng thích và gắng bó (như viết chữ nghệ thuật, viết lách, hoặc liên quan đến kinh tế- ngân hàng…).
Vâng, có thể mọi người đã nghe đến Charmed, một bộ phim truyền hình từ những năm 2000 của Mỹ. Tôi được truyền cảm hứng và muốn làm chủ một nhà hàng như nhân vật trong phim. Tôi và một người bạn cấp 3 đã từng ngồi dưới hàng cây ven đường lúc chúng tôi học đại học năm nhất để kể về mong muốn làm nhà hàng của hai đứa. Và giờ, sau những cuốn sách, tôi muốn thực hiện nó.
Gia đình tôi đã hơi có phần ngăn cản, khuyên nhủ vì nhận thức rằng tôi là một đứa lông bông, thiếu bản lĩnh và không có lập trường. Và tôi chỉ im lặng, xin làm một nhân viên phục vụ trong nhà hàng Nhật đồng thời rải đơn xin làm trợ lý ở các nhà hàng khác, và thông báo với bạn bè, người quen rằng mình đang tìm việc nhà hàng để họ sẽ cho thông tin nếu biết đơn vị nào tuyển dụng.
Cùng lúc tôi đăng ký một khóa học 3 tháng về quản trị nhà hàng.
Tôi được một người quen báo trống một vị trí trợ lý quản lý tại một nhà hàng Hàn Quốc. Tôi đã đi phỏng vấn và nhận tin đậu vào hôm sau. Tôi nghỉ nhà hàng Nhật sau 4 ngày làm việc.
Tôi theo sếp được 1,5 năm, tham gia mở cửa thêm 2 chi nhánh, cả 3 nhà hàng đều ở quận 1. Tôi bỏ kì thi tốt nghiệp quản trị nhà hàng. Tôi đã trải qua một thời kì tiếp tục gấp gáp và thiếu chuẩn bị, tôi bị trả lương trễ đến 1-2 tháng trong suốt thời gian làm việc,  tôi đã cảm thấy cực kỳ stress và mệt mỏi vì không quán xuyến nổi. Tôi bắt đầu công việc từ tháng 5/2015 và rơi vào trầm cảm vào đầu năm 2016. Không hề nhận biết về những bất ổn tâm lý, tôi đã sống với nó đến khi chịu không nổi và nghỉ việc vào 12/12/2016.
Tôi đã trải qua và học được những gì: Tôi trẩm cảm, mất kết nối, khóc từ sáng đến tối, cảm thấy bất lực, khó giao tiếp, sợ hãi mọi người, không muốn ra ngoài, thất tình.
Tôi học được cách đối mặt việc chia tay với những người đồng nghiệp, vì người lao động trong ngành này luôn thay đổi.
Tôi học được việc chuẩn bị quan trọng như thế nào trong tất cả mọi việc.
Tôi học được thái độ làm việc phụ thuộc nhiều vào việc người đó hiểu bản chất công việc của mình như thế nào.
Tôi học được việc đoàn kết và hợp tác có tầm quan trọng ra sao trong công việc tập thể.
Tôi học được sự khắt khe trong nội bộ và đổng thời cũng là sự nhạy cảm trong việc tiếp xúc với khách hàng. Nhưng rồi tôi nhận ra, bao dung và yêu thương mới là chìa khóa giải quyết mọi chuyện.
Tôi học được cách phản ứng lại những điều không rõ ràng, không rành mạch, không nhất quán, không trực tiếp xử lý, vì chúng sẽ làm mọi thử ngày càng rối ren phức tạp và hệ quả là đổ vỡ hay mắc kẹt nguyên một hệ thống cả con người và công việc.
Trước khi công việc thứ ba bắt đầu, tôi có nửa năm tự chữa lành cho mình từ những thất bại trong công việc, tình yêu, mất hết tất cả các kết nối vì làm việc từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Tôi đã quyết định về quê từ 12/12/2016. Tôi ở nhà hơn 1 tháng để khóc từ sáng đến tối và đón tết cùng gia đình.
Tôi đã đăng ký học lái xe ô tô sau tết vì tôi muốn có gì đó để học hoặc để làm (mượn tiền em gái vì các giai đoạn tôi nghỉ việc đều là rỗng túi). Tôi tự học ukulele.
Tôi học lái nguyên ngày, và các ngày xen kẽ trong tuần. Buổi sáng các ngày còn lại, tôi chở ngoại đi chợ. Thời gian trống sẽ tập đàn.
Trong thời gian học lái xe, tôi bắt đầu tập trung hơn (vì áp lực từ thầy dạy nóng tính), và bắt đầu nói chuyện lại với anh chị đồng học. Tôi nhận ra mình đã run rất nhiều trong ngày thi lái, tôi chưa bao giờ cảm thấy hồi hộp và run như vậy. Tôi đã tự học và đậu 30 câu trắc nghiệm, sau đó hoàn thành tốt các bài thi thực hành với chỉ 0,5 điểm rớt.
Sau khi nhận bằng vào cuối tháng 4, giữa tháng 5/2017 tôi vào lại Sài Gòn.
Tôi nhờ người quen giới thiệu và nhận vào làm cho một công ty bất động sản.
Tôi đã học được gì trong thời gian tự chữa lành:
Tôi học được sức khỏe thể chất và tinh thần của mình quan trọng như thế nào.
Tôi học được việc yêu một người sẽ như thế nào và sẽ khổ tâm ra sao.
Tôi học được cách nhận biết trầm cảm và cách vượt qua nó.
Tôi học được sự cởi mở với gia đình và bạn bè quan trọng như thế nào.
 
Công việc thứ tư: Chuyên viên phân tích đầu tư và phát triển BĐS. Thời gian: 6 tháng.
Công việc của tôi thiên về số liệu nhiều.
Tôi nhận ra mình có thể thích số (vì tôi thích học một số môn về thống kê, phân tích báo cáo, kế toán doanh nghiệp,…) nhưng tôi không hoàn toàn thuộc về nó. Và việc khảo sát nhưng phải lấp liếm với sự cảnh giác của người dân làm tôi cảm thấy dối trá, không phải là mình.
Tôi đã trải qua và học được gì: Tôi cảm thấy môi trường và công việc công ty mới không hoàn toàn phù hợp với mình. Tôi không thích nó vì nó cho tôi cảm giác bè phái, đối phó và không cảm nhận được mình là một cá thể của tập thể để cống hiến.
Tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những ì ạch về tâm lý sau trầm cảm, nhưng tôi cảm thấy tôi biết quý trọng bạn đồng nghiệp và có thể kết nối mọi người lại với nhau. Tôi vẫn còn những cuộc họp mặt định kỳ với những bạn đồng nghiệp này.
Tôi biết mình không thực sự thích số liệu phức tạp.
Tôi biết mình phải thay đổi.
 
Công việc thứ ba- lặp lại: Tôi quay lại nhà hàng cũ với sếp mình.
Và ở đây tôi tiếp tục lại những điều mình phạm phải, nhưng có hơi khác, rằng phải đối diện với một người luôn muốn tôi rời khỏi nhà hàng. Và tôi nghĩ rằng mình phải đấu tranh với họ, và tôi đã đấu tranh, liên tục trong vòng hơn 1 năm từ 01/01/2018 đến 15/03/2019. Tôi vẫn bị trả trễ lương trong suốt thời gian làm việc.
Cuối cùng, khi chịu không nổi những áp lực và khó chịu, những mâu thuẫn nội bộ, tôi đã nghỉ lần nữa.
Tôi đã trải qua và học những gì:
Sự mâu thuẫn nội bộ là điều đáng chú trọng nhất, nhất là đối với ngành cần làm việc nhóm trực tiếp như nhà hàng. Sếp tôi đã không làm được việc đó, và tôi nghỉ. Nhưng rõ ràng tôi đã ngu dốt trong nhận định tình hình và thiếu sự kiên quyết khi đưa ra quyết định nghỉ việc. Tôi là một người quá cảm xúc và vô cùng nhạy cảm.
Và khi nghỉ việc, tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng. Tôi hoảng loạn vì không biết mình sẽ làm gì, không có bất kì nền tảng nào để vin vào nữa, công việc liên quan đến nghệ thuật, kinh tế, dịch vụ, tôi đều đã làm, vậy tôi thật sự muốn gì? Đang ở đâu? Sẽ như thế nào?
Tôi đã vô cùng bế tắc.
Trước đó, tôi đã có người yêu được 1 năm. Lúc đó tôi chỉ có cách bám vào người yêu mình, là một người từng làm thiết kế và hiện tại là account cho một agency. Tôi đã hỏi người yêu mình về công việc của em ấy và tìm ra được con đường tiếp theo: Marketing.
Tuy nhiên, marketing thực sự quá rộng, còn tôi chỉ biết marketing là marketing, không gì hơn. Tôi chọn vì có một số điểm tôi thích: một ít về data, một ít về viết, một ít về thiết kế- ý tưởng,…nhưng tôi chỉ nhìn thấy những điều trong phạm vi hiểu biết của mình. Có nghĩa là có những thứ cao hơn, mà với sự non nớt của bản thân, tôi không thể hình dung được nó là gì để tìm hiểu, cũng không đủ khả năng để mở rộng ra thêm từ khóa để tra google. Tôi chỉ có thể tiếp xúc, nói chuyện với người khác, đọc các bài viết, tiếp tục tìm hiểu trên mạng để tăng các trường từ khóa, sau đó mở rộng phạm vi hiểu biết bằng các từ khóa, các khái niệm khác thông qua công việc của người yêu mình.
 
 
Công việc thứ năm: Marketing. Thời gian: 8 tháng.
Sau khi nghỉ việc, tôi hẹn sếp cũ gặp mặt. Tôi muốn xin ý kiến của ông về định hướng công việc và cho tôi lời khuyên, đồng thời nhận xét về tôi trong những năm qua.
Tôi xin chia sẻ để bạn cảm thấy chuyện này dễ tiếp nhận khi nghỉ việc 2 lần mà còn muốn hẹn sếp để xin ý kiến.
Bạn có nhận thấy tôi phải trải qua rất nhiều stress trong công việc nhà hàng 2 lần trước không? Tại sao tôi muốn làm lại ở lần thứ 2? Là vì tôi có tình cảm chân thành với sếp, tôi và sếp coi nhau như bạn bè. Đó là lí do vì sao tôi chấp nhận lấy lương trễ để những bạn nhân viên khác nhận trước.
Sếp tôi nói với tôi rằng: It’s never too late to change your career. Sếp tôi người Hàn, làm đạo diễn phim, TVC, chủ nhà hàng (giờ đã đóng cửa) và hiện tại đang làm thương mại mỹ phẩm.
Sếp gợi ý tôi làm marketing trong văn phòng của ông về mỹ phẩm. Tôi đã đồng ý.
Tôi dã trải qua và học những gì:
Bắt đầu công việc mới, ngồi gần sếp và biết cách làm việc của ông. Trong 3 tháng đầu tôi cảm nhận được rằng cách làm việc của sếp không hiệu quả. Sếp tôi thiên về ý tưởng chứ không thiên về vận hành. Các câu hỏi yêu cầu của tôi về nguyên liệu vận hành không được giải đáp hoặc cung cấp. Chúng tôi (cả những bạn nhân viên khác: dịch thuật, sales,..) đều không có chỉ đạo từ cấp trên có chuyện môn. Và tôi lại bắt đầu nản.
Nhưng bạn biết không, giờ tôi chả còn nền tảng gì, nhất là với marketing, nên tôi nghĩ mình nên ngồi đó, chờ cơ hội và liên tục đề xuất tuyển nhân sự cấp cao có chuyên môn để được học và làm việc. Sếp tôi đã cố gồng gánh những điều kiện bất ổn về tài chính và cuối cùng tìm được một team marketing và sales. Tôi được biết cơ bản về master plan, cơ bản về digital marketing. Nhưng chỉ đến đó thôi, team mới vào nhưng không có tiền để phát triển kế hoạch.
Tôi mệt mỏi với tất cả mọi thứ mình đang và đã có. Chỉ còn có tình yêu để mình có thể bấu víu vào đó.
Tôi cảm thấy bất an với công việc hiện tại, nhưng đồng thời cũng muốn chuẩn bị cho bản thân một cái gì đó khi thất nghiệp. Cảm thấy bất ổn mọi lúc, mọi nơi, tôi đã nhờ người yêu chỉ dẫn sơ về photoshop từ tháng 8/2019 và bắt đầu phụ giúp không công cho công ty em. Tôi và người yêu có hợp tác vài dự án lớn và nhỏ ở công ty em. Chúng tôi cũng có nhiều pha tranh cãi, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư hai đứa. Dù vậy, tôi vẫn tin mình có thể làm việc được với người yêu hoặc người thân, quan trọng là chọn đúng người, nếu không có ai phù hợp, không chọn.
Ngày 22/12/2019 tôi đã chịu hết nỗi chuỗi ngày vô nghĩa của các dự án treo và sự dẫn dắt cảm tính hời hợt của sếp. Tôi đã xin nghỉ việc. Và cùng ngày đã đón nhận một tin shock rằng người yêu muốn chia tay.
Tôi chia tay người yêu vào ngày 25/12/2019- noel, quyết định nghỉ việc hiệu lực ngay lập tức. Tôi chính thức mất hết tất cả- tôi đã nghĩ vậy.
Nhưng tôi cũng đã tiếp tục rải đơn xin việc, đồng thời như cách cũ, báo với bạn bè và người quen về việc đang tìm kiếm công việc về marketing, để họ có thể cho tôi thông tin hoặc gợi ý cho tôi một nơi nào đó để nộp đơn vào.
Như bạn thấy đấy, tôi viết những điều này cho bạn sau hơn 2 tháng chiến đấu với những điều sót lại của năm cũ. Trong 2 tháng đó tôi đã thế nào và đã làm gì để có tâm trạng tốt như hiện tại và làm thế nào có được công việc hiện tại?
 
Công việc freelance: thiết kế và đăng bài fanpage- bán thời gian. Bạn của tôi mở công ty (người bạn học luật, cô ấy thành công xin việc trong Sở Tư Pháp TP HCM, làm được 4-5 năm thì bỏ ngang ra kinh doanh) và nhờ tôi phụ trách việc này.
Tôi thực hiện các công việc thiết kế, viết bài ngắn có, dài có, và quan trọng là tôi cảm thấy thoải mái với nó.
Xin nhớ rằng từ 25/12/2019, tất cả mọi việc tôi làm, trải qua có bao gồm cả sự suy sụp về tinh thần về thất bại trong tình cảm, không có tiền, không có định hướng nhất định và bị truy lùng vì các khoản nợ cũ từ nhà hàng mà sếp tôi đã không thể trả.
Tôi đã trải qua và học những gì:
Tôi từ lâu đã im lặng với gia đình về công việc mình đang làm, những thay đổi của mình tôi không muốn gia đình biết, không muốn bị chú ý, bị so sánh. Tôi đã vô cùng tự ti, mệt mỏi vì những điều mà tôi cho là gia đình đang kì vọng ở tôi, ở công việc tôi làm, ở tiền lương tôi nhận.
Sau cú shock đó, tôi đã nói hết với gia đình, về suy nghĩ, hướng đi sắp tới, và nhất là sự thoải mái trong công việc freelance mới. Chỉ có về tình cảm cá nhân là tôi không nói gì. Mục đích là bỏ bớt đi những ôm đồm mệt mỏi, cởi mở hơn để sống.
Tiếp đó, tôi nhận thấy cơ thể bắt đầu đổi khác, sút 5kg trong 10 ngày, không thể ngủ được (có ngày không ngủ hoàn toàn, có ngày 1-2 tiếng, không ăn được bất kì cái gì, kéo dài trong gần 2 tháng). Tôi cảm thấy mình càng ngày càng sợ hãi, càng tự ti, càng mệt mỏi. Nhưng kì lạ là lần này tôi không ẩn mình một mình, tôi không khóc.
Và tôi biết mình bắt đầu trầm cảm từ giữa 2018, lúc còn đang làm nhà hàng, và nó tệ hơn khi tôi chia tay.
Tôi phải tự cứu lấy mình. Tôi tìm lại tất cả những người bạn mà trước giờ rất ít nói chuyện, tôi bắt đầu kể về những vấn đề của bản thân, có người bạn tôi chọn để kể về công việc- định hướng, có người bạn tôi kể hết, có người bạn tôi kể về tình cảm. Tôi nói chuyện với một hoặc vài người thân, em họ, chị họ, dì tôi, một người bà lớn tuổi là họ hàng nhưng rất cởi mở và sống thoáng.
Ngày 09/01/2020. Tôi về quê sớm để đón tết với gia đình, đồng thời F5 lại mọi thứ cho mình.
Lần nữa, tôi vô cùng biết ơn những điều mà gia đình, bạn bè đã gửi-cho mình. Và tôi chỉ có thể báo đáp bằng tình yêu thương dành cho họ.
Tôi cảm thấy năng lực yêu thương của bản thân vô cùng lớn mà có thể vượt lên trên sự đau khổ vừa rồi.
Tôi học được rằng, việc trải qua những đau khổ và cái mà mình hay gọi là bất hạnh, nó là một điều may mắn, một cơ hội trong đời, một bài học lớn nữa để tôi có thể thấy được rõ hơn bản chất của cuộc đời, bản chất sự việc, và biết về mình.
Và hãy luôn nhớ rằng, nếu tôi không trải qua nhiều thứ không phù hợp ở trên, thì tôi sẽ không biết tôi không phù hợp với cái gì để chọn cái phù hợp hơn/nhất đối với mình.
Tôi đã ở quê 1 tháng. Và nếu bạn thắc mắc tôi đã trải qua mọi chuyện tồi tệ như thế nào thì hãy để lại lời nhắn.
 
Công việc thứ sáu: Branding Development Coordinator thuộc khối Marketing & Branding. Đang thử việc.
Sau khi nhờ đồng nghiệp cũ ở công ty BĐS trước gợi ý, tôi apply vào vị trí content creator thuộc phòng Branding Development. Nhưng vì chưa đủ năng lực viết và kiến thức ngành BĐS, nên tôi được gợi ý qua vị trí Branding Development Coorninator. Và tôi đã nhận. Việc hồ sơ tôi được để ý là nhờ vào 6 tháng trải qua công việc trong ngành BĐS.
Tôi viết bài này khi đang ngồi đợi upload một mớ dữ liệu ảnh vào ổ chung của khối.
Viết tới đây, tôi chỉ xin chia sẻ với bạn những điều mà tôi còn lại khi chọn công việc này. Công việc của tôi thiên về Admin và thuộc vào Coordinator (hỗ trợ và liên kết nội bộ lẫn out source). Admin không phải là công việc mà tôi thích thú vì trước đó tôi có kì thị công việc này, mức lương cũng không như công việc chuyên môn, nhưng tôi không thể biết được điều gì sẽ đến, nhất là công việc này phục vụ cho ngành marketing, và tôi trân trọng nó.
Bạn thấy không, sau 7 năm ra trường, cuối cùng tôi lại quay lại với công việc mà tôi đã từng rất không thích, chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm. Mà giờ đây, khi tôi làm nó, đó không phải là thích hay không thích nữa, mà là trân trọng. Thái độ đó làm tôi tôn trọng tính chất công việc của mình và toàn tâm toàn ý hoàn thành các nhiệm vụ.
Tôi đã vượt qua được khoảng thời gian vô cùng vô cùng mệt mỏi và kiệt quệ, đấu tranh với chính mình trong suy nghĩ về mọi thứ, để trở nên như bây giờ.
Tôi cảm thấy mình chú ý đến bản thân nhiều hơn, biết chủ động giữ gìn sức khỏe hơn, đề cao những giá trị tâm hồn và sự theo đuổi cốt lõi tự nhiên về con người hơn. Tôi không tìm những điều xa xôi, không chạy theo tiền bạc, không chạy theo những điều tôi từng cho là lí tưởng.
Tôi chỉ mong được làm việc, được học, được đọc sách, trong những mối quan hệ với gia đình, bạn bè còn tiếp diễn. Tôi thật sự trân trọng từng phút giây của sự bình yên trong tâm hồn lúc này, cũng như sự bình yên trong các mối quan hệ thường ngày, nhưng cũng sẵn sàng cho các trắc trở sắp tới.
Khi bạn đến tuổi tôi, tôi nghĩ là bạn sẽ bắt đầu cảm thấy cuộc sống đáng sống hơn, và các thói quen của mình trở nên tập trung hơn vào việc củng cố thực tế cho bản thân mình.
Tôi còn một số dự định về những ý tưởng thiết kế graphic, viết một câu chuyện của riêng mình (mong muốn từ hồi đại học), du lịch thiện nguyện, học thạc sĩ ở nước ngoài (mong muốn từ ngay khi tốt nghiệp đại học nhưng vì tôi không cảm thấy bất kì công việc nào vừa khớp với mình nên chưa ra quyết định đi học, và giờ tôi đang xem xét mảng marketing).
Và tôi nghĩ, nếu tôi có thất nghiệp lần nữa, dù tuổi đã lớn rồi, nhưng ổn thôi, tôi sẽ làm một công việc khác và từ tốn bước đi. Không gấp gáp nữa, không để ý xung quanh nhiều nữa. Tôi sẽ yêu thương mọi người, đối diện với sự việc bằng tâm thế không có gì để mất. Không đặt nặng chuyện mua nhà, không đặt nặng chuyện kết hôn, không đặt nặng chuyện tìm người yêu để đỡ đầng cho những lúc trầm mặc và yếu đuối. Vì tôi đang cảm thấy thời gian cho bản thân chỉ vừa đủ (hoặc chưa đủ) thì không có cách nào cho thêm một người nào bước vào cuộc sống mình. Và lúc nào đó, khi tôi chấp nhận người nào đó đến, nghĩa là tôi sẽ chấp nhận bỏ bớt đi một điều gì đó gắng liền với cuộc sống và sinh hoạt của mình. Tôi đã từng thêm vài người vào cuộc sống như vậy khi chưa đủ hiểu chuyện và mọi thứ bắt đầu tệ hại. Tôi đã rút ra được bài học.
Bạn thấy đó, tôi không có gì ngoài việc muốn làm cái đó nên đi làm, rồi lại cảm thấy không thích, rồi lại đổi. Nếu tôi cố gắng theo lời gia đình (hoặc bạn bè) rằng hãy giữ gìn cơ hội hiện tại, hay hãy cố gắng hòa nhập và làm việc lâu dài, hoặc để ý đến mức lương để bảo toàn cho cuộc sống đầy đủ về sau,… thì có lẽ tôi đã không muốn viết những dòng này vì còn đang tuyệt vọng và trằn trọc với những điều bất mãn với bản thân, và đang làm thứ mà tôi chán ngán.
Hãy nhớ rằng, cứ mỗi lần tôi chuyển ngành, mức lương của tôi chỉ tăng rất rất ít nhưng lại là thấp nhất cho entry level so với các bạn cùng tuổi (bạn có thể hình dung tôi đánh đổi các kỹ năng sau mấy năm đi làm cũng chỉ bằng/hoặc hơn một chút xí so với một em sinh viên mới ra trường vì bắt đầu ở cùng vị trí công việc)
Tôi cũng từng như bạn, cũng lo lắng, hoài nghi, cũng vô định và không biết gì. Tôi cũng như bạn về việc gấp gáp muốn nhìn thấy mình sẽ ở đâu, tương lai có gì cho mình. Rồi bây giờ tôi có câu trả lời cho mình rằng: tôi không quan tâm lắm tương lai có gì (dù những người xung quanh tôi luôn đặt các câu hỏi thiên hướng về tương lai như công việc có mức lương tốt không, có cơ hội thăng tiến không, khi nào có gia đình, khi nào sinh con, khi nào mua nhà,…), nhưng đừng bao giờ mặc định rằng bạn phải biết để trả lời, bạn không cần biết đâu. Và đừng bao giờ gấp gáp để biết, để thấy. Bạn cứ làm việc bạn muốn làm, phải làm ngay hiện tại này. Việc nghĩ nhiều về tương lai khi bạn không biết gì về nó và cũng không có kinh nghiệm để ước đoán, sẽ khiến bạn không còn là mình, vì bạn đã quên mất hiện tại mình muốn và cảm thấy gì chỉ để tập trung tìm câu trả lời phù hợp cho câu hỏi của người khác.
Khi tôi nói về không quan tâm đến tương lai, tức là tôi bỏ bớt những kì vọng, những suy nghĩ đạt được điều gì thuộc về bên ngoài như lương, địa vị. Tôi muốn bản thân hiểu và tập trung hoàn thành tốt công việc hơn mỗi ngày.
Bạn chỉ nên từ tốn, kiên nhẫn. Nó giống như bạn mong muốn có một tình yêu đẹp, thế là bạn bôn ba tìm kiếm người yêu để nhanh chóng trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời mà bạn đã nghe mọi người ca tụng. Nhưng bạn có hình dung được việc gấp gáp tìm kiếm rất có thể khiến bạn lầm người không?
Về việc chọn ngành, bạn không thể nào một bước mà chọn đúng vào ngành định mệnh của mình, nếu không có sự may mắn, ý tôi  là may mắn về lợi thế năng lực nổi trội và yếu tố môi trường hỗ trợ. Còn lại, như tất cả những người bình thường khác, chúng ta chọn theo ý kiến người khác.
Chọn theo người khác không phải là một ý kiến tồi đâu (như tôi đã làm chẳng hạn), nhưng tôi chưa nói với bạn rằng lúc đó một người bạn thân rất thân với tôi nói rằng hãy học luật cùng cô ấy, vì tôi cũng thi khối D. Tôi đã từ chối, vì tôi biết chắc chắn mình không thích học thuộc bài quá nhiều, nhất là mấy bộ luật toàn chữ viết ấy.
Nếu trong quá trình học của bạn, bạn chỉ học không thôi, thì hãy chọn theo lợi thế năng lực học tập. Bạn học tốt và thích toán, tin học, các công việc bạn có thể tham khảo là công nghệ thông tin- IT, Khoa học máy tính- machine learning, khoa học dữ liệu- data science,… Hoặc bạn học tốt và thích văn (amateur như tôi thôi) thì có thể xem qua ngành luật, sư phạm, ngôn ngữ, các ngành về nghiên cứu văn hóa,…
Giả hoặc bạn không giỏi gì đi, bạn hãy xem ngoài các môn học bạn sẽ thích làm gì? May vá hoặc lắp ráp như vài bài trong môn công nghệ? Vận động, thể dục thể thao? Âm nhạc?
Tôi chắc chắn bạn phải thích cái gì đó, vì nếu không thích thì thời gian rảnh bạn làm gì? Không phải đá bóng hay chơi game sao? Nếu bạn cảm thấy mình cực kỳ cuồng nhiệt và có ý tưởng về một cuộc sống phấn đấu về đá bóng, thể hình hay sport gaming thì đó là điều tôi muốn nói.
Hoặc sẽ có những công việc mà bạn ít có thể hình dung tới, các công việc thiện nguyện, phi chính phủ, các công việc kết nối mọi người, hoặc những công việc về hỗ trợ trong các nhà tình thương, các viện dưỡng lão,…
Bạn hãy ngồi lại, nhẹ nhàng với bản thân, ngồi đó đủ lâu để lướt qua tất cả các hoạt động mình đã từng làm. Để biết mình thích gì.
Sau đó, tra google các ngành học mà bạn có thể tra, tìm hiểu cả trăm ngành đó, để chọn cái khớp với sở thích của mình. Trong quá trình đó, hãy hỏi thầy, hoặc nhờ bạn bè, ba mẹ giới thiệu người có thể cho bạn cái nhìn sâu hơn về cái bạn thích và ngành bạn nghĩ mình nên chọn. Đừng sợ chọn sai, đa phần mọi người đều đã chọn sai, vì bạn có thể chọn lại hoặc học thêm một ngành nữa.
Sau đó, bạn chỉ cần biết cái bạn đang làm, đang học có thực sự phù hợp không, nếu có sẽ tiếp tục, nếu sai thì thay đổi. Thế giới này không bao giờ tồn tại một phát ăn ngay, mà là cả một quá trình thử-sai-sửa liên tục.
Cũng như những điều tôi nói rõ ở trên, việc chọn ngành là đầu tiên, là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới chọn trường.
Bạn bè và người thân tôi có nhiều người hiện đang là giảng viên đại học, cao đẳng. Tôi chia sẻ điều này không phải để thuyết phục bạn rằng nên nghe theo, nhưng nó sẽ là một ý tham khảo. Rằng các trường công có tiếng thường có nhiều giảng viên cơ hữu giỏi (giảng viên chính thức- nhân viên của trường), còn những trường tư thường thuê giảng viên thỉnh giảng (giảng viên được thuê dạy), và những giảng viên thỉnh giảng, tùy vào kinh phí của trường, sẽ có người chất lượng, có người không. Nhưng việc đó lại mang tính tương đối, vì rõ ràng trường nào cũng muốn tối ưu giữa chi phí thuê và hiệu quả giảng viên. Vậy nên lựa chọn trường của bạn cũng sẽ mang tính tương đối khi cân chỉnh giữa học phí- chất lượng- năng lực.
Nếu năng lực của bạn rơi vào giữa ngưỡng phân vân, lời khuyên của tôi, chọn trường bạn chắc chắn. Vì có thể sau này bạn sẽ tiếc nuối việc năng lực của mình có thể vào trường tốt hơn, nhưng nếu bạn không đậu trường tốt hơn, bạn sẽ tiếc hơn nữa nếu bạn không vào được trường nào ở nguyện vọng đầu.
Cuộc sống sẽ có tiếc nuối, nên hãy chọn cái ít day dứt hơn hoặc tổn hại ít hơn.
Và đừng quên rằng, khi bạn lên đại học, không ai bắt ép bạn phải học, dù bạn có cúp tiết, bỏ thi, rớt môn thì cũng là chuyện của bạn. Đậu đại học là bạn đã có cho mình con thuyền, thuyền có thể lớn hoặc nhỏ, bằng gỗ, bằng thép khối, nhưng thái độ học tập, thái độ tự học, thái độ tìm tòi của bạn mới là cánh buồm đưa lối cho bạn về tới bến bờ.
Bạn có thể nghe người này người kia học giỏi, thi đỗ, thành công trong công việc, hết. Bạn chưa bao giờ tiếp xúc với họ để biết họ đã như thế nào. Vậy nên đừng tin gì cả, cái mà bạn thấy là bước cuối cùng trong chuỗi thử-sai-sửa để đạt được như ngày hôm nay. Cái bạn biết chỉ là cái cuối cùng, và cuộc sống của bạn cũng vậy, bước cuối cùng là bước bạn được trả lại những gì xứng đáng với nỗ lực của mình.
Câu hỏi mà các bạn hỏi: Cuộc đời mình sau này sẽ như thế nào?
Xin bật mí với các bạn là ai cũng từng hỏi câu đó, tôi cũng vậy. Và cũng nói cho bạn kết quả là, câu hỏi đó thật vô nghĩa, vì cái bạn đang làm mới là cái có thể mang bạn đến một tương lai tốt đẹp hơn như bạn mong muốn.
Hãy yên tâm và làm tốt chuyện của hiện tại, tương lai hãy để nó ở đó cho đến khi bạn tìm đến.
 
Xin nói thêm về sự trì hoãn, sự khôn ngoan và tính kỷ luật- những lời khuyên khi bạn tìm kiếm thành công. Nhưng ôi, nếu chúng ta biết mà làm được thì tất cả chúng ta đã giỏi giang và vĩ đại hết trong thời đại kết nối toàn cầu này rồi.
Về trì hoãn: Tôi nghĩ đa phần chúng ta đều trì hoãn, tôi cũng vậy, đến tuổi này tôi còn trì hoãn nhiều và rơi rớt nhiều thời gian trong ngày thì huống chi các em nhỏ.
Nhưng tại sao tôi trì hoãn? Tôi suy nghĩ nhiều năm nhưng không ra, cho đến gần đây tôi cảm thấy rõ hơn về lí dó đó. Là bởi vì tôi không thích điều tôi sắp làm hoặc một loại cảm xúc nào đó mà tôi không thích tiếp nhận, và chỉ dành thời gian để nghĩ về nó hoặc tìm gì đó khác để làm nhằm quên đi thứ mình không thích.
Nếu tôi không thích điều đó nhưng nó bắt buộc phải làm, trì hoãn là phải thôi, nhưng nếu tôi có gì khác thích thú để làm sau đó, rõ ràng là tôi phải cố gắng để làm cho xong điều mình ghét bỏ để làm thứ tôi thích.
Vì vậy, tôi phải có một vài điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống hàng ngày để duy trì việc nhanh chóng hoàn thành công việc không thích để làm việc mình thích một cách thoải mái. Đồng thời, một tâm trạng tốt chắc chắn sẽ khiến bạn xem các công việc là như nhau hoặc giảm thiểu mức độ không thích cho một công việc nào đó.
Và khi ta trì hoãn, ta sẽ làm thứ gì đó và thứ đó làm ta quên luôn thứ ta đang trì hoãn để làm. Hãy cố gắng nhận thức được việc lừa dối tâm trí này để trở lại tình huống hiện tại, đối diện với công việc mình ghét liên tục khiến bản thân cảm thấy khó chịu về thứ đang dang dở rồi sẽ bắt đầu kết thúc việc khó chịu đó bằng cách hoàn thành nó càng sớm càng tốt.
Về khôn ngoan: Tôi thấy ai đó khuyên người khác khôn ngoan thì thật “vô trách nhiệm”, vì nếu người ta có thể khôn ngoan thì người ta không cần đọc lời khuyên này.
Tôi cho rằng, bạn hiểu cảm xúc của mình từ đâu tới, tại sao nó lại tới, và nó muốn gì. Tôi nghĩ bạn chỉ cần tìm hiểu thật rõ để đối đãi nó mới là giải đáp thật sự cần thiết khi bạn phân vân trước điều khiến bạn bối rối.
Tôi, và nhiều người khác mà tôi biết (hãy cảm nhận chính bạn xem sao), đã luôn nghĩ mình biết mình muốn gì, cảm xúc mình như thế nào. Nhưng không hề, mọi thứ không thể đúng ngay từ lần đầu được, và việc bạn chưa hiểu thật sự trong thâm tâm mình có gì là điều hoàn toàn bình thường.
Như khi bạn giận một người vì họ làm sai với bạn, hãy xem tại sao bạn giận, vì người đó làm sai- bạn muốn cho họ bài học, hay vì bạn cảm thấy người ta vô tâm- là bạn muốn cảm nhận tầm quan trọng của mình đối với họ,…
Hãy học cách cảm nhận từ từ, để sống thật sự là mình. Cái bạn nghĩ thật sự là mình bây giờ, không hẳn là mình thật sự đâu. Vì nghĩ thì khác với cảm nhận. Bạn chỉ nghĩ cái mình muốn nghĩ thôi.
Về ký luật: Gò bó mình và cố gắng để lỷ luật nhưng thất bại. Đừng quá lo lắng và tự đánh giá bản thân. Khi bạn cảm nhận được điều đó là tốt, nhất định bạn sẽ theo được thói quen có ích đó. Còn việc bạn nghĩ nó tốt mà chưa cảm nhận được, bạn sẽ tự phá vỡ nó.
Quyết tâm với kỷ luật, nghĩa là bản thân vô cùng muốn, thật sự muốn kỷ luật, thì lúc đó kỷ luật cũng không là kỷ luật nữa, chỉ là một thói quen bạn muốn tiếp tục thôi.