Mua được món hời là giấc mơ tiêu dùng của con người nói chung, không riêng gì người Việt. Giới kinh doanh đã tận dụng triệt để tâm lý này để bán hàng với số lượng lớn. Ở Mỹ, Black Friday được coi là "Ngày vàng mua sắm" với người tiêu dùng và là ngày "ăn nên làm ra" với người bán hàng khi người ta chen chúc, giẫm đạp lên nhau ở các cửa hiệu để mua đồ với mức giá giảm thường là hơn một nửa. Thế vẫn chưa đủ, sau khi thương mại điện tử ra đời, người Mỹ còn nghĩ ra Cyber Monday (Thứ Hai điện tử) - là ngày thứ Hai đầu tiên sau Black Friday, dành cho các hoạt động mua bán giảm giá với hình thức giao dịch qua Internet.


Ở Việt Nam, thương mại điện tử bùng nổ trong gần một thập kỷ qua cũng giúp cho người tiêu dùng tiếp cận thuận tiện và dễ dàng với các mặt hàng giảm giá. Vừa thoát ra khỏi cuộc sống thiếu thốn, khan hiếm hàng hóa từ những năm bao cấp, lại bắt đầu có chút tiền, không ít người rơi vào cạm bẫy ngọt ngào "mua hàng giá rẻ", bất chấp mua xong, những món hàng đó có thể bị cho đi vì không dùng đến hoặc sớm vứt xó vì hàng kém chất lượng.


Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thì giá là một trong hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người Việt (yếu tố còn lại là “hương vị” đối với các ngành hàng thực phẩm, và “thương hiệu” đối với các ngành hàng tiêu dùng khác). Và nếu được xếp ngang về mức độ quan trọng với “hương vị” và “thương hiệu”, thì “giá” có lợi thế hơn nhiều. Bởi vì có quá nhiều cách để giảm giá thấp đi.


Đó cũng chính là chìa khóa chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa Trung Quốc. Chính các doanh nhân Trung Quốc đã đưa ra cho thế giới những chọn lựa về giá, để đánh đổ cả chất lượng lẫn thương hiệu - thứ mà họ gọi là “hàng fake” - hay nói cách khác là hàng nhái với chất lượng thấp. Và chiến lược kinh doanh đó hoàn toàn phù hợp để áp dụng tại Việt Nam, một quốc gia trải qua nhiều năm thiếu thốn hàng hóa.


Hàng giá rẻ, chất lượng thấp được mua nhiều đến mức nhiều người đã chọn "khởi nghiệp" bằng cách mở một cửa hiệu quần áo đánh từ Quảng Châu sang, hay buôn điện thoại Bằng Tường... Bài toán của nhiều doanh nghiệp, không còn là làm thế nào có được sản phẩm tốt hơn với giá cạnh tranh hơn, mà là làm thế nào để có thể buôn được giá tốt hơn để bán được nhiều hơn nữa.


Đến một lúc nào đó, người Việt chìm ngập trong hàng hóa giá rẻ “Made in China” khiến những lời kêu gọi như “Người Việt dùng hàng Việt” hay “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cất lên một cách vô vọng.


Điều khiến tôi xót xa là chúng ta đang làm giàu cho người khác không phải vì chúng ta lệ thuộc vào những mặt hàng họ sản xuất mà chỉ bởi thói tham rẻ, thói tiêu dùng thiếu cân nhắc của bản thân.


Nguồn: vnexpress - Tác giả: Nhà báo Gia Hiền

Link full xem tại đây

-----------------------------

Bản thân tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tôi tin người Việt vẫn luôn có tinh thần ủng hộ hàng Việt nhưng họ không phải những đứa trẻ ngô nghê. Họ tin dùng sao được khi có một số hàng Việt giá cả chênh lệch so với chất lượng? Tại sao có thể cấm người dân dùng hàng Trung Quốc trong khi giá cả phù hợp và chất lượng ổn (không phải mặt hàng TQ nào cũng chất lượng thấp). Đơn giản tôi lấy ví dụ về 1 sản phẩm của người Việt là Bphone, và của TQ là Xiaomi. Hai sản phẩm này có giá cả hoàn toàn chênh lệch và chất lượng cũng chênh lệch theo... tỷ lệ nghịch. Thử hỏi trong trường hợp này người dân nên chọn sử dụng hàng Việt hay hàng Trung Quốc?