Bạn cầm trên tay tờ giấy khám bệnh của bác sĩ, bác sĩ khuyên bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt.
Bạn muốn giảm cân và từ bỏ đường là giải pháp giúp bạn giảm cân nhanh nhất.
Bạn đã thử nhiều lần nhưng thất bại, bạn chán nản và bỏ cuộc. Nếu đó là những vấn đề bạn đang đối mặt. Đọc hết bài viết để tìm ra giải pháp nhé bởi vì việc cai nghiện đồ ngọt không chỉ đơn giản bạn bảo ngừng là bộ não của bạn chấp nhận ngừng và không ăn nữa. Cơ thể của bạn không hoạt động đơn giản như vậy.
Bạn càng ép cơ thể, không cho nó làm đúng những gì nó muốn thì, “ha”, nó sẽ phản kháng lại và chống đối lại bạn. Bộ não của bạn cũng bướng bỉnh y chang như những đứa con nít, bạn càng cấm tụi nó “con không được chơi cái này”, “con không được ăn cái kia, bạn nghĩ khi bạn nói như vậy, tụi nó sẽ ngoan ngoãn vâng lời bạn ư, không tụi nó sẽ cố sống cố chết để làm cho bằng được. Cuộc chiến của bạn với đồ ngọt cũng y chang như vậy, kết quả là bạn càng thèm ăn đồ ngọt và công cuộc cai nghiện đồ ngọt thất bại.
Trước khi đến với bước làm thế nào để có thể cai nghiện đồ ngọt, mình muốn bạn biết nghiện đường là gì, dấu hiệu cho biết bạn đang nghiện đồ ngọt, tác hại của việc ăn ngọt quá nhiều. Cuối cùng, mình sẽ mách bạn một số mẹo để việc từ bỏ đồ ngọt trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Nghiện ngọt là gì?

Đầu tiên, cho mình giải oan cho đường một chút xíu. Đường không làm cho chúng ta nghiện cũng giống như các chất kích thích không làm cho bạn nghiện.
Thứ làm cho bạn trở nên thèm muốn khao khát đạt được nó là cảm giác đường mang lại cho bạn. Đó là cảm giác vui vẻ, hạnh phúc.
Khi bạn ăn đồ ngọt, cơ thể sẽ tiết ra một loại hocmon có tên là dopamine.
Dopamine là một loại chất dẫn truyền thần kinh do cơ thể tạo ra nhằm mục đích truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh.
Dopamine có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung và sáng tạo của con người. Dopamine hormone thường được sản xuất nhiều khi cơ thể mong muốn được tặng thưởng. Nó kích thích não bộ liên tưởng đến những ham muốn về các sở thích làm bạn cảm giác vui vẻ như ăn uống, mua sắm hoặc hoạt động tình dục.
Lúc này, vấn đề bắt đầu nảy sinh. Mỗi lần ăn đồ ngọt, não kích thích tiết ra dopamin, bạn thích cảm giác này, và bạn lại tiếp tục ăn để duy trì cảm giác vui vẻ này.
Dần dần, một miếng bánh sẽ không đủ để làm thoả mãn bạn nữa, bạn buộc phải ăn thêm 1 miếng, 1 miếng nữa.
Do đó, bằng một cách thần kỳ nào đó, bạn ăn hết hộp bánh lúc nào không hay. Và chuyện này tiếp tục xảy ra ngày qua ngày, mỗi ngày một ít. Kết quả của quá trình này đó là chúng ta dần trở nên phụ thuộc vào đồ ngọt.
Việc này cũng tương tự như khi bạn dành thời gian xem video ngắn.
Bộ não cũng tiết ra dopamin làm bạn cảm thấy vui vẻ trong lúc xem, và để làm thoải mãn nhu cầu vô tận của tụi nó, tụi nó buộc bạn phải xem càng nhiều clip hơn nữa. Kết quả là mỗi ngày bạn dành vài tiếng xem clip ngắn chỉ để làm hài lòng bộ não của bạn.

Vì sao nghiện đồ ngọt trở nên phổ biến trong thời buổi hiện nay?

Vì chúng ta đang được bao quanh bởi đồ ngọt, chỉ cần bạn bước ra cửa, đập vào bạn đó là quán cà phê, đi thêm vài bước nữa là các cửa hàng đồ ăn nhanh, thêm vài bước nữa lại là quán trà sữa bạn yêu thích. Chạy trời không khỏi nắng, bạn muốn yên bình nhưng nó muốn nhìn thấy bạn bình yên.
Tuy nhiên, đồ ngọt chỉ là một phần, thực phẩm chứa đường còn bao gồm snack, các loại thực phẩm được chế biến từ carb tinh chế.
Chúng đều là carbonhydrate, và khi carbonhydrate vào cơ thể cũng sẽ bị bẻ gãy thành đường glucose, cho dù bạn có ăn loại thực phẩm nào đi chăng nữa, cơ thể cũng sẽ coi chúng là một.
Chưa kể, ngay cả khi bạn không có ý định ăn đồ ngọt nhưng bạn đâu có biết rằng các công ty vẫn bổ sung đường vào thực phẩm để làm tăng thêm hương vị, dưới rất nhiều cái tên khác nhau.
Nếu không biết bạn có thể nhầm tưởng nhũng loại thực phẩm đó có đường. Do đó, việc của bạn là cần phải xem bảng thành phần xem thử loại thực phẩm đó có chứa đường hay không.

Dấu hiệu nào cho thấy bạn nghiện đồ ngọt

Nếu sau khi kết thúc bữa ăn, bạn cần phải tráng miệng một thứ gì đó ngọt thì đây là dấu hiệu bạn đang nghiện đường.
Đáng lẽ, bạn chỉ nên thỉnh thoảng tráng miệng bằng đồ ngọt sau bữa ăn thay vì ngày nào cũng ăn.
Cho dù việc kết thúc bữa ăn bằng đồ ngọt có vẻ là bình thường khi tất cả mọi người đều ăn như thế nhưng thực tế nó không hề bình thường chút nào.
Do đó, nếu bạn đang nghĩ về món tráng miệng trong lúc bạn ăn thì đây chính là lúc bạn nên xem xét lại tình hình của mình với đường rồi đó.
Dấu hiệu thứ 2 đó là bạn thích ăn tinh bột, tất cả các loại tinh bột. carb sau khi vào cơ thể cũng sẽ bị bẻ gãy tạo thành đường vì vậy, đây cũng là một cách ẩn danh của đường.
Nếu bạn là người đang bị hấp dẫn bởi các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn được chế biến từ carb tinh chế, thì bạn cũng nên cân nhắc lại.
Dấu hiệu thứ 3, bạn đang “vô tình” tăng mức độ ngọt vào các món ăn.
Cơ thể chúng ta rất thông minh. Khi bạn bắt đầu cho vị giác làm quen với đồ ăn chứa đường, bạn càng ăn nhiều đường, chúng lại càng nhạy và bắt bạn phải ăn thêm nhiều hơn nữa để làm thoả mãn chúng.
Do đó, dần dần theo thời gian những món ăn có vị ngọt tự nhiên sẽ trở nên nhạt nhẽo và bạn cảm thấy không còn hứng thú với những món đồ ăn đó nữa.
Khi bạn thấy mình không còn uống trà sữa ở mức 30% nữa mà là 100% thì bạn đang nghiện đồ ngọt rồi đấy.
Dấu hiệu khác. Bạn cảm thấy đầy hơi sau bữa ăn, có rất nhiều lý do khiến bạn cảm thấy đầy hơi sau bữa ăn nhưng một trong những lý do đó là do quá trình lên men đường trong đường tiêu hóa.
Hệ tiêu hóa của chúng ta là một hệ sinh thái mỏng manh gồm nhiều vi khuẩn và việc tiêu thụ quá nhiều đường dưới mọi hình thức, có thể phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của nó.
Tiêu thụ đường ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu và lượng đường trong máu ảnh hưởng trực tiếp đến mức năng lượng của chúng ta.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy tuyệt vời vào một vài thời điểm nhất định trong ngày, nhưng lại cực kỳ mệt mỏi vào những thời điểm khác, đó là một trong những dấu hiệu khác cho thấy bạn đang nghiện đường. Khi bạn ăn một lượng lớn đường hoặc một bữa ăn giàu carbohydrate, cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách sản xuất insulin để chuyển hóa đường trong máu.
Lượng đường (hoặc năng lượng) nạp vào cơ thể cao này giúp bạn tăng năng lượng nhanh chóng và mệt mỏi khi không có đường.
Sự gián đoạn liên tục của lượng đường trong máu không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi trong ngày mà còn khiến bạn thèm ăn nhiều đường và carbohydrate tinh chế để lấy lại mức năng lượng.

Tại sao chúng ta nên hạn chế đồ ngọt?

Đa số các loại thực phẩm chúng ta ăn được tiêu hoá, bẻ gãy thành glucose, cơ thể chúng ta cần đường, vì đó là nguồn năng lượng giúp cơ thể tạo các mô cơ, cơ quan, não hoạt động ổn định. Tuy nhiên, cơ thể không thể sử dụng Glucose làm năng lượng cho đến khi chúng đi vào các tế bào
Đến lúc này, nó cần sự trợ giúp của insulin, insulin là hocmon được tiết là từ tuyến tuỵ. nó đảm nhận vai trò giống như chiếc chìa khoá, mở cửa các tế bào để glucose có thể đi vào.
Nếu không có insulin thì sao?
Nếu không có insulin, đường sẽ trôi nổi ở trong máu và không biết đi đâu về đâu, và khi bạn càng ăn, lượng glucose tích tụ trong máu càng nhiều, đến lúc này lượng đường trong máu của bạn tăng cao dẫn đến sự phá huỷ cơ quan nội tạng, dây thần kinh, mạch máu, gây ra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Đường trong máu cao xảy ra ở người bị tiểu đường vì cơ thể họ không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả được.
Câu chuyện không dừng lại ở đó, khi lượng đường trong máu tăng, nó sẽ gây ra một số hệ quả. Đầu tiên phải kể đến năng lượng của bạn không ổn định,  có thể bạn cảm thấy mệt mỏi nguyên một ngày, không có năng lượng làm việc,
Thêm vào đó nữa, khi đường máu tăng thường xuyên, nó làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm cho tụi nó hoạt động không hiệu quả, và triệu chứng thể hiện rõ nhất đó là brain fog,  “Brain Fog” (tiếng Việt là: Chứng não sương mù) chỉ tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy không còn là chính mình và không thể suy nghĩ rõ ràng.
Sự tăng đột biến của glucose có thể dẫn đến các vấn đề về não lâu dài như chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer, đó là lý do tại sao việc nghiên cứu mức glucose là chìa khóa để có sức khỏe não bộ tối ưu.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên JAMA Internal Medicine, người ta đã tìm thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều đường và nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn. Trong suốt cuộc nghiên cứu kéo dài 15 năm, những người tiêu thụ 17% đến 21% lượng calo từ đường bổ sung có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 38% so với những người tiêu thụ 8% lượng calo từ đường bổ sung.
Lượng đường cao làm gan bị quá tải. Gan của bạn chuyển hóa đường giống như rượu và chuyển đổi carbohydrate trong chế độ ăn uống thành chất béo”. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo nhiều hơn, có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, góp phần gây ra bệnh tiểu đường và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng huyết áp và tăng tình trạng viêm mãn tính, cả hai đều là con đường dẫn đến mắc bệnh tim. Tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là trong đồ uống có đường, cũng góp phần làm tăng cân bằng cách đánh lừa cơ thể bạn tắt hệ thống kiểm soát sự thèm ăn vì lượng calo lỏng không gây cảm giác thỏa mãn như lượng calo từ thức ăn rắn. Đây là lý do tại sao mọi người dễ dàng bổ sung nhiều calo hơn vào chế độ ăn uống thông thường khi tiêu thụ đồ uống có đường.

Vậy làm thế nào để có thể ngưng ăn đường?

Đầu tiên, cách tốt nhất để bạn cai nghiện đồ ngọt đó là không ăn đồ ngọt nữa,
Như lúc nãy mình có nói, đường khiến cho lượng đường trong máu tăng cao, và khi đó lượng insulin cũng tăng để điều hoà lại lượng đường trong máu giúp làm giảm lượng đường xuống, chính thời điểm lượng đường này giảm đã tạo ra cảm giác thèm ăn, và bạn lại có xu hướng bổ sung thêm đồ ngọt để lấp đầy lỗ hổng đó,
Nếu ban đầu bạn không ăn đồ ngọt thì vấn đề này sẽ không xảy ra. Để làm được điều này, có hai việc bạn cần làm trước tiên, đó chính là dọn dẹp, vứt bỏ hết các loại thực phẩm chứa đường bao gồm bánh kẹo, snack…
Thứ hai, hạn chế mua các loại thực phẩm đó lại, chúng ta chỉ ăn khi các loiaj thực phẩm đó có sẵn, nếu giả sử bạn không mua, bạn không tạo điều kiện cho chúng ta có cơ hội tiếp cận đồ ngọt thì cơ thể cũng sẽ không ăn.
Cơ thể chúng ta không siêng năng như chúng ta nghĩ đâu, nếu bạn đang tạo ra một điều kiện bất thuận lợi như thế, cơ thể cũng sẽ có xu hướng “làm biếng” và không nghĩ đến việc đó nữa.
Giống như nếu bạn muốn cai nghiện điện thoại ? Đừng để điện thoại bên cạnh nữa, vì nếu điện thoại ở bên cạnh, chúng ta vô thức sử dụng nó lúc nào mà chúng ta không biết.
Nếu cách này không hiệu quả? Ok, mình đến với cách tiếp Theo nhé
Như mình đã nói, cơ thể của chúng ta bướng bỉnh như một đứa con nít vậy đó. Nếu bạn cấm không cho tụi nó ăn kem, bạn nghĩ tuị nó để yên cho bạn không? Tất nhiên là không, tụi nó sẽ mè nheo cho đến khi nào tụi nó có được chiếc kem trong tay mới thôi.
Nhưng nếu bạn không cấm ép tụi nó thì sao, tụi nó chả bao giờ điên lên để đòi ăn kem cho bằng được cả, bởi vì bạn không khiêu khích bản năng muốn chinh phục của tụi nó.
Quay lại với cơ thể chúng ta, chúng ta thèm đồ ngọt bởi vì bạn đang ép cơ thể không được ăn đồ ngọt. Khi bạn nói với cơ thể rằng: “Ê hường, m không đc ăn đồ ngọt nữa nghe chưa?” Thì cơ thể sẽ phản kháng rằng: “m càng cấm t càng muốn ăn.”
Do đó, điều này sẽ dẫn đến hệ quả là con Tim thì muốn ăn nhưng lý trí không cho ăn, dẫn đến việc bạn ăn trong tội lỗi. Mỗi lần ăn bạn lại tự trách mình, bạn không thực sự cảm thấy thoả mãn khi ăn uống. Vâỵ cách giải quyết đó là không ép nó nữa, không khiêu khích nó nữa, để cho con tim và lý trí quay trở lại làm bạn với nhau.
Bạn cần lập ra danh sách các loại đồ ăn ngọt đang cám dỗ bạn và phân chia vào bảng, với cột xanh là loại thực phẩm bạn thích ăn nhất, vàng là bạn thích nhỉ, đỏ là bạn ít thích nhất.
Ví dụ, bánh quy là món mình không thích nhất, mình sẽ để vào ô này, mình thích ăn kem, nên mình sẽ để vào ô màu xanh, bánh mì mình không quá thích và không quá ghét, mình sẽ để vào ô này. và cứ tiếp tục như thế để có một danh sách đầy đủ nhất. Sau đó lên kế hoạch ăn các món ăn này.
Mục đích của việc này là để cho não chúng ta nghĩ rằng, bạn sẽ đối xử với những món ăn này như cách bạn đối xử với các loại thức ăn khác, rằng bạn hoàn toàn có thể ăn bất cứ lúc nào bạn muốn. Bắt đầu từ những món ăn bạn ít thích nhất, kết hợp với các bữa ăn. Ví dụ nếu bạn thích kem nhất và ít thích bánh quy. Vậy, bạn có thể bắt đầu từ bánh quy, mỗi ngày sau khi kết thúc bữa ăn bạn có thể tráng miệng bằng 1-2 miếng bánh, để cho não bạn biết rằng bạn đang không ép cơ thể nhịn ăn bởi bất kỳ món ăn nào cả. Sau đó, chúng ta có thể từ từ đến những món ăn mình thích nhất.
Có điều, bạn cần lưu ý, ở đây, mình không nói là bạn có thể ăn chúng bất cứ lúc nào cũng được, đặc biệt là những lúc bạn thèm ăn. Vì bạn sẽ rất dễ rơi vào vòng lặp như ban đầu, vì chúng ta sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn để thoả mãn cảm giác thèm ăn nhưng kèm theo đó là cảm giác tội lỗi, hối hận, trách móc bản thân.
Do đó, ý mình muốn nói ở đây là chúng ta phải lên kế hoạch cho từng bữa ăn, sau khi kết thúc bữa ăn chính, bạn sẽ cho phép mình ăn tráng miệng bằng một thứ gì đó ở mức độ vừa phải.
Cuối cùng, đảm bảo rằng những bữa ăn của bạn là những bữa ăn lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng và hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn. Đặc biệt, không nên sử dụng các loại thực phẩm chứa đường, nhiều tinh bột thay thế cho bữa ăn của bạn. Vì đó không phải là cách giúp bạn cai nghiện đuòng. Bởi vì, những loại thực phẩm đó chỉ cung cấp cho bạn nhiều calories, nhưng lại không giúp bạn no lâu dài, chúng chỉ giúp bạn vượt qua cơn đói chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Do đó, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là protein và chất xơ để kéo dài thời gian no càng lâu càng tốt. Vì chất xơ giống như là một tấm chắn làm chậm quá trình hấp thụ đường vào trong máu của cơ thể.
Mỹ Hường