Source: Bing AI
Source: Bing AI
Hẳn ai đó đã từng nói về chủ đề này và hẳn cũng có bài phản biết về vấn đề này, tuy nhiên, mình vẫn muốn viết về bài viết này theo các suy nghĩ riêng và cách viết riêng của mình. 
Con người – về bản chất là bản sao lỗi của nhau?
Con người, từ khi còn rất nhỏ, đã bắt đầu học hỏi bằng cách bắt chước những gì mà chúng ta được trông thấy hay trải nghiệm. Chúng ta học nói, học đi, học cách cư xử bằng cách quan sát và lặp lại những gì mình thấy từ những người xung quanh thường là những người thân trong gia đình mình như bố mẹ, ông bà, … Đây là một quá trình học hỏi tất yếu và gần như là vô thức (ít nhất là trong giai đoạn còn rất nhỏ).
Sau đó khi lớn hơn, tới giai đoạn đi học, đi làm quá trình học hỏi đến từ việc bắt chước người khác vẫn diễn ra. Chúng ta bắt chước, mô phỏng phương pháp học tập, cách làm việc, cách giải quyết vấn đề, hành xử, suy nghĩ của giáo viên, bạn bè sau đó là đồng nghiệp, sếp,  người nổi tiếng và thậm chí cả những người xa lạ mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Những ảnh hưởng này có thể định hình tính cách, giá trị quan và niềm tin của chúng ta. Ở giai đoạn này việc bắt chước bắt đầu ngày càng có lựa chọn hơn. Chúng ta không bắt chước mọi thứ chúng ta thấy, chúng ta lựa chọn một những điểm mà chúng ta nghĩ nó là “ngầu”, làm chúng ta nổi bật khỏi những người xung quanh và/hoặc những gì chúng ta cho nó là đúng, phù hợp với bản thân mình.
Bắt chước là một quá trình thiết yếu trong việc học tập và trưởng thành do nó cho phép con người tiếp thu được kiến thức và kỹ năng mới một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không cần phải trải qua quá trình thử và sai đầy vất vả và tốn thời gian của người trước đã trải qua. Phần lớn mọi người, trong một giai đoạn cụ thể nào đó, hẳn đã có một mong muốn mãnh liệt về việc được “trở thành” một ai đó hoàn hảo. Đó có thể là “hoàn hảo” như bố mẹ hay một người nổi tiếng, một người sếp, một đồng nghiệp tài giỏi nào đó. 
Và do vậy, con người về cơ bản là bản sao của nhau và bất chấp mong muốn mãnh liệt để trở thành một ai đó “hoàn hảo”, chúng ta sẽ chẳng thể nào trở thành một ai đó “hoàn hảo” như cách mà họ đang thể hiện ra với cả thế giới cả hay ít nhất với những thứ mà bạn nhìn thấy. Sự khác biệt của bản sao này với bản gốc có thể đến từ những khác biệt về thể chất, những trải nghiệm trong quá khứ hay cách suy nghĩ của bạn và người đó. 
Bản sao lỗi thì có sao?
Phải chăng cứ phải là bản sao hoàn hảo mới là tốt? Nếu việc sao chép hoàn hảo và trở thành một ai đó mới là điều tốt thì hẳn tự nhiên đã bỏ qua cơ chế hoán đổi gen trong quá trình sinh sản và trên thế giới này chỉ có một loài sinh vật duy nhất thay vì đa dạng thế này. 
Nếu chúng ta là bản sao hoàn hảo của tổ tiên chúng ta, không ai thực hiện các “lỗi” thì hẳn chúng ta giờ này hẳn vẫn đang phải tìm cách chống lại thú dữ trong các khu rừng già phải không? Nếu không có lỗi thì làm sao có tiến bộ được. Nếu như Einstein chỉ cố gắng đi sao chép các công trình khoa học của những nhà khoa học nổi tiếng trước đó như Newton thì hẳn chúng ta hẳn đã không có thuyết tương đối phải không?
Việc có thể được làm một bản sao lỗi mang lại cho bạn sự tự do. Bạn cứ thử tưởng tượng xem bạn có một quyển sách hướng dẫn chi tiết cách để trở thành một ai đó hoàn hảo với cả triệu nguyên tắc cụ thể trong từng hoàn cảnh thì liệu bạn có muốn tuân theo tất cả các nguyên tắc này không?
Đôi khi các lỗi nào đó, nếu được ứng dụng đúng chỗ, đúng cách sẽ có thể là một giải pháp mới tuyệt vời. Bạn hãy để ý mà xem giấy nhớ (giấy notes) tuyệt vời vẫn được sử dụng hiện nay là nhờ việc tình cờ phát hiện ra loại keo lỗi chỉ có sức dính yếu trong khi Spencer Silver thực hiện nghiên cứu để tìm ra loại keo dính mạnh. Hẳn nếu giấy nhờ mà dùng keo dính mạnh thì chúng sẽ làm ta sẽ phát điên với giấy tờ bị tàn phá nham nhở phải không?
Vậy thì khi là bản sao lỗi, chúng ta được tự do, được là chính mình, chúng ta sẽ có những điểm độc đáo của riêng mình, và đôi khi lỗi trong hoàn cảnh này lại là một thế mạnh hay điều tuyệt vời trong một hoàn cảnh khác phải không.
Một bản lỗi đầy tuyệt vời thì lại thành một bản gốc hoàn hảo trong mắt những người khác rồi phải không?
Kết
Liệu việc trở thành bản sao hoàn hảo của một ai đó có thực sự cần thiết? Hay bản sao “lỗi” lại tiềm ẩn nhiều thú vị và tiềm năng hơn? Việc được gọi là bản sao hay bản gốc hoàn hảo dường như phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Vậy bạn lựa chọn điều gì cho bản thân?
Dù bạn quyết định nhìn nhận bản thân mình với cái tên nào, điều đó không làm thay đổi bản thân của bạn ngay lúc đó. Nhưng cách chúng ta nhìn nhận và định nghĩa bản thân có thể ảnh hưởng đáng kể đến quan điểm và tâm trạng của chúng ta. Và dù bạn có quan tâm đến cách gọi tên hay không, việc hiểu rõ về bản thân và chấp nhận mọi khía cạnh của mình chắc chắn sẽ mang lại một cái nhìn sâu sắc và lành mạnh hơn về bản thân mình và hành trình tận hưởng cuộc sống.
Giờ tới phiên bạn, lựa chọn của bạn là gì?
Mong là những điều chia sẻ này có thể giúp ích được các bạn. Gửi yêu thương tới tất cả mọi người!
Mời các bạn ghé thăm blog của mình tại: