(Hình ảnh được cung cấp bởi&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/users/bldrjanet-2747246/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=4452403">Janet Meyer</a>&nbsp;từ&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=4452403">Pixabay</a>)
(Hình ảnh được cung cấp bởi Janet Meyer từ Pixabay)
Gần đây mình có dịp đọc một bài báo với chủ đề “Top 5 điều mọi người thường hối hận trước khi qua đời” trên tờ báo The Guardian. 5 điều này được tổng hợp bởi cô Bronnie Ware, một y tá người Úc khi cô chăm sóc những bệnh nhân nặng ở 3 tháng cuối cùng của họ. Cô đã hỏi những người đó: Họ thấy hối hận về điều gì hoặc có điều gì họ muốn làm khác đi trước khi qua đời? Và đây là những lý do:
1. Tôi ước mình có đủ dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự cho bản thân chứ không phải cuộc sống theo mọi người mong muốn.
2. Tôi ước không làm việc điên cuồng như vậy.
3. Tôi ước có đủ dũng cảm để bày tỏ cảm xúc của mình.
4. Tôi ước luôn giữ quan hệ với người bạn tốt.
5. Tôi ước, giá như tôi trân trọng và để bản thân được hạnh phúc hơn.
Sau khi đọc xong mình cũng tự hỏi, liệu sau này lúc gần kết thúc hành trình, có điều gì sẽ khiến mình hối hận hay không? Mình cũng chẳng biết nữa, nhưng với hiện tại câu trả lời là không. Trong đại dịch Covid 19, chứng kiến rất nhiều mất mát, nhận ra bản chất của cuộc sống chính là vô thường. Vậy nên mình đã tự dặn bản thân sẽ luôn sống hết mình cho hiện tại, có như thế mình mới không thấy hối tiếc bất kỳ điều gì..
Với mình, sống cho hiện tại là cách mà bạn đưa ra các lựa chọn quyết định trong hiện tại. Theo nghiên cứu, một người lớn có khoảng 35,000 quyết định và lựa chọn trong 1 ngày, và chính những điều đó sẽ tạo nên một ngày, một tuần, một năm và cả một cuộc đời của chúng ta. Từ những việc rất đơn giản và nhỏ nhặt như “Sáng nay ăn gì?”, “Có nên mua cái áo này không?”, vv đến những quyết định quan trọng và mang tính dài hạn hơn như “Nên học trường đại học nào? Ngành nào?” “Nên làm việc ở doanh nghiệp lớn hay Startup ngay sau khi tốt nghiệp?”, “Có nên đầu tư không? Nên bỏ tiền vào kênh đầu tư nào thì phù hợp?” vv 
(Hình ảnh được cung cấp bởi&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/users/qimono-1962238/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=1767559">Arek Socha</a>&nbsp;từ&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=1767559">Pixabay</a>)
(Hình ảnh được cung cấp bởi Arek Socha từ Pixabay)
Và mọi quyết định không nhiều thì ít đều sẽ đi kèm với rủi ro. Đó là lí do tại sao chúng ta có xu hướng dành nhiều thời gian và công sức để cân nhắc những quyết định quan trọng, bởi vì chúng ta hiểu được nó đi kèm với những rủi ro lớn, nhiều khi mình không thể gánh nổi về sau. Ở phần này, mình có 2 câu hỏi cho bạn: 
1. Đâu là quyết định đi kèm với rủi ro lớn nhất mà bạn đã đối mặt? 
2. Kết quả của quyết định đó đến hiện tại như thế nào? 
Mình đề cập đến rủi ro vì muốn chia sẻ với các bạn về “Quản Trị Rủi Ro”. Nếu các bạn có quan tâm thì trên mạng có rất nhiều mô hình giúp bạn quản trị rủi ro. Tuy nhiên trong podcast hôm nay mình sẽ không đi vào giải tích chi tiết về cách thức và quy trình. Điều mình muốn nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của việc quản trị rủi ro là ra một quyết định với ít rủi ro nhất trong thời điểm hiện tại mà bạn có thể chấp nhận được. Điều này đòi hỏi trước khi ra quyết định bạn phải hiểu về vấn đề của mình và thu thập những thông tin cần thiết liên quan để quyết định có cơ sở và căn cứ thay vì chỉ nhắm mắt chọn đại. Ở đây, có hai yếu tố quan trọng mà tụi mình cần để ý đó là: Rủi Ro có thể chấp nhận và thời điểm ra quyết định.

I/ Rủi ro có thể chấp nhận:

Có một câu nói khá nổi tiếng trong đầu tư là: "Rủi ro càng nhiều, lợi nhuận càng cao." Với mình, câu nói này hoàn toàn đúng, tuy nhiên nhiều người chỉ quan tâm đến lợi nhuận cao mà vội vàng đưa ra quyết định và quên đi nhiều khi rủi ro họ phải đối mặt lại vượt quá sức chịu đựng của họ. Như thế là chưa phù hợp. Ví dụ như việc bạn lấy toàn bộ tài sản mà bạn có đem đi cá cược, nếu chẳng may thua thì bạn sẽ mất tất cả tài sản. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không có thể phải ra đường sống hoặc một cách đột ngột không có đủ cái ăn, cái mặc. “Đâu là rủi ro của từng lựa chọn?” “Liệu mình có chấp nhận được rủi ro đó hay không?” chính là câu hỏi mà bạn cần phải cân nhắc thật kỹ để không phải hối hận về sau.
Một ví dụ nữa, gần đây mô hình xài trước trả sau khá phổ biến ở Việt Nam và còn đơn giản hơn cả việc mở tài khoản tín dụng. Nhiều app điện tử cho phép bạn được mua sắm thỏa thích bằng tiền của họ và bạn sẽ trả lại sau. Điều này không có gì xấu, tuy nhiên ở thời điểm đưa ra quyết định có nên dùng hay không, mình hy vọng bạn có thể cân nhắc về rủi ro của nó và liệu bạn có thể chấp nhận hoặc giải quyết được về sau không. Có thể cân nhắc đến nguồn thu nhập hàng tháng và khả năng trả tiền đúng hạn của bạn. Nếu không thì rủi ro dễ thấy nhất là khoản nợ đó sẽ trở thành nợ xấu với lãi suất cao mà bạn có thể đánh đổi công sức, tiền bạc, thời gian của mình sau này để trả nợ. Và điều đó sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn như sức khỏe, chất lượng sống và các cơ hội trong tương lai... 

II/ Thời điểm ra quyết định

Ngược lại với trường hợp mù quáng vội vàng bên trên, nhiều người cũng sẽ hối hận khi họ đã chần chừ quá lâu trong việc đưa ra quyết định dẫn đến mất đi cơ hội tốt tại thời điểm đó bởi vì “Cơ hội chỉ đến một lần”. Với mình, thường thì những lúc như vậy mình đã có câu trả lời là mình nên làm gì rồi dựa vào những lợi ích, rủi ro mà mình đã phân tích, chỉ là mình còn chần chừ bởi vì mình SỢ. Có thể sợ vì mình chưa làm điều đó bao giờ, sợ vì mình chưa thấy ai làm điều đó, hoặc đơn giản chỉ là mình lo lắng quá mức là mọi thứ sẽ không diễn ra như cách mình mong muốn. Những lúc như vậy, mình sẽ nhìn lại một lần nữa những thông tin  mình có và hỏi bản thân: "Nếu như mình không đưa ra quyết định đó, đâu là rủi ro mà mình có thể đối mặt?” “Liệu mình có chấp nhận được rủi ro đó không?” Sau khi có câu trả lời, nếu nó không quan trọng mình sẽ mạnh dạn cho qua, còn nếu có điều gì đó khiến mình tin là mình sẽ hối hận trong tương lai thì mình sẽ hạ quyết tâm để thử làm nó. Cho nó một cơ hội, cũng như là cho bản thân mình một cơ hội. 
Mình sẽ lấy ví dụ của bản thân mình. Vào tháng 7 năm nay, sau khi hoàn thành dự án với một tổ thanh niên quốc tế tại Malaysia, mình đã đứng trước một lựa chọn là quay lại làm cho một tổ chức ở Việt Nam và ổn định cuộc sống ở Sài Gòn hay là thử sức ở một tổ chức thanh niên ở Úc. Lúc đó mình cũng lo lắng là nếu nhưng mình cứ làm việc ở các quốc gia khác thì khi trở lại Việt Nam mình sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trong khi bạn bè mình ở đây có thể đã lên những vị trí rất cao trong tổ chức/công ty luôn rồi. Tuy nhiên, sau khi mình nhìn lại thì mình thấy rõ ràng là dựa và những điều mình đã phân tích, việc nắm lấy cơ hội làm cho tổ chức tại Úc sẽ cho mình môi trường tốt để học hỏi và trải nghiệm mới lạ mà có thể mình sẽ không thể tìm thấy ở Việt Nam. Có thể kể đến như làm việc trong môi trường quốc tế với nhiều quốc tịch khác nhau, mình có cơ hội để sống và làm việc ở một quốc gia mà mình chưa từng đặt chân tới,... và biết đâu đây cũng sẽ là nơi mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời khác trong tương lại. Mình tự hỏi bản thân liệu sau này mình có thấy tiếc nuối nếu mình không nắm bắt cơ hội này không, và câu trả lời là “Có”, vậy nên dù vẫn còn nhiều nỗi sợ và lo lắng nhưng mình đã quyết định thử sức tại thời điểm đó bởi vì không biết là trong tương lai cơ hội như vậy có lại đến hay không.
(Hình ảnh được cung cấp bởi&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/users/%E5%AE%85-ken-21259066/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=6674689">宅-KEN</a>&nbsp;từ&nbsp;<a href="https://pixabay.com/vi/?utm_source=link-attribution&amp;utm_medium=referral&amp;utm_campaign=image&amp;utm_content=6674689">Pixabay</a>)
(Hình ảnh được cung cấp bởi 宅-KEN từ Pixabay)
THINGS NEVER STOP AT THE MOMENT YOU MAKE A DECISION.
Tuy nhiên, mọi thứ không dừng lại ở thời điểm bạn ra quyết định. Sau khi có cho bản thân một lựa chọn, mình luôn bắt tay vào lên kế hoạch để đạt được mục tiêu ban đầu và quản lí những rủi ro đi kèm theo lựa chọn đó. Ở thời điểm mình quyết định phát triển dự án Tình nguyện Online trong bối cảnh covid 19 cho các bạn trẻ ở Malaysia, không có điều gì chắc chắn là dự án đó sẽ thành công và tạo ra giá trị cho cộng đồng. Ở thời điểm mình quyết định sẽ làm việc ở Úc, không có ai chắc chắn với là mình sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời ở đó… Mà sẽ còn rất nhiều thử thách sẽ diễn ra trên hành trình mà mình phải đối mặt, giải quyết để đến cuối cùng mình có thể đạt được những điều mình mong muốn và có một trải nghiệm mà bản thân cảm thấy hài lòng.
Một ví dụ khác, với mình, việc học hay không học đại học cũng như vậy. Mọi thứ sẽ không kết thúc ở thời điểm bạn ra quyết định, những gì bạn làm sau quyết định đó sẽ quan trọng hơn rất nhiều để bạn có một cuộc sống mà bạn mong muốn ở hiện tại và tương lai. Anh Leader đầu tiên của mình ở AIESEC cũng lựa chọn bỏ đại học, tuy nhiên anh không bỏ học mà không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm cần thiết, thậm chí còn rất có chủ đích và thú vị. Vậy nên trong 4 năm sau quyết định đó (cùng khoảng thời gian với những bạn sinh viên bỏ ra tại đại học) anh vẫn rất tự tin để xây dựng sự nghiệp của mình, hơn thế còn có rất nhiều lợi thế cạnh tranh khác so với mặt bằng chung trong thị trường lao động.
“MAKE A DECISION AND MAKE IT RIGHT. THERE JUST ARE NO WRONG DECISION”
Abraham Hicks
“Không có lựa chọn nào là chắc chắn đúng cả. Hãy chọn, và biến nó thành lựa chọn đúng.” là điều mà mình luôn tự nhắc nhở bản thân. Không làm gì thì thôi, nếu đã quyết định làm, mình sẽ sẵn sàng bỏ công sức, nguồn lực và ý chí của mình vào đó để đạt được mục tiêu và có một trải nghiệm mà khi nhìn lại, mình sẽ thấy hài lòng vì mình biết mình đã cố gắng hết sức. (Mình có làm môt podcast đề cập đến những điều bạn cần làm để sẵn sàng hơn trong các dự định của bản thân. Bạn có thể nghe podcast tại đây để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những hành trình mới nhé.) 
Cuối cùng mình muốn chia sẻ một mô hình ra quyết định được Jeff Bezos - Ông chủ của Công Ty Công Nghệ Amazon - áp dụng gần như là trong mọi khía cạnh của cuộc sống: The Regret Minimization (Giảm thiểu sự hối hận). Đây là mô hình mà mình thấy mô hình này rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. 
Duy nhất một câu hỏi được đặt ra là: Trong X ngày/tháng/năm, bạn có hối hận không làm điều đó hay không? (X là số đếm). Nếu câu trả lời là “Có”, vậy bạn hãy làm nó. Còn nếu không trả lời là: “Không”, vậy bạn hãy bỏ qua không cần quan tâm đến đó nữa. 
Mình ví dụ như bạn cân nhắc có nên bước vào một mối quan hệ tình cảm hay không, bạn có thể hỏi bản thân: “Liệu trong vòng 1 tháng/ 1 năm hay 10 năm tới, bạn có hối hận nếu bỏ lỡ một quan hệ này hay không?” Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp bạn đưa ra một quyết định mà bạn sẽ cảm thấy ít hối hận hơn sau này. 
Mình hy vọng bạn có thể tìm thấy những thông tin bổ ích và phù hợp với bản thân trong bài chia sẻ này. Mình cũng hy vọng bạn sẽ có cho mình một kim chỉ nam trong cách ra quyết định để có một cuộc sống không hối tiếc. Mình nghĩ đến cuối dùng có lẽ chúng ta sẽ chỉ hối hận vì những điều mà mình đã không cố gắng hết sức. Và đó chính là kim chỉ nam của mình trong cuộc sống. 
Bạn đang cần phải quyết định điều gì? Bạn sẽ làm nó đúng như thế nào để không hối hận về sau? P/s: bạn có thể ghé thăm podcast của mình trên Spotify/Apple & Google Podcast để có thêm nhiều chia sẻ về chủ đề phát triển bản thân, team và tổ chức nhé: Lead Ờ