Bạn phải đối mặt với câu hỏi nào khi không tin vào thuyết Bigbang?
Thuyết bigbang có đáng tin không? Mình biết là nhiều bạn sẽ nghi ngờ thuyết này, bài viết này sẽ liệt kê cho bạn thấy, bạn sẽ...
Thuyết bigbang có đáng tin không?
Mình biết là nhiều bạn sẽ nghi ngờ thuyết này, bài viết này sẽ liệt kê cho bạn thấy, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề sau khi bạn lựa chọn không tin vào vụ nổ Bigbang.
1. Sự giãn nở vũ trụ.
Các nhà khoa học lần đầu tiên nghĩ tới Bigbang khi họ phát hiện vũ trụ đang giãn nở, các cụm thiên hà địa phương ngày càng rời xa nhau theo định luật Hubble, và theo quy tắc này, nếu ngoại suy ngược về quá khứ thì ta sẽ thấy vũ trụ sẽ rất nhỏ, mọi thứ sẽ dồn nén hết vào một chỗ và bùng ra theo thời gian.
Sau này người ta mới quan sát thêm nhiều thứ khác để tìm hiểu xem trong quá khứ mọi thứ đã từng gần nhau thế nào, nhiệt độ từng nóng ra sao, sự giãn nở bùng phát ra nhanh cỡ nào,…vv
Nếu chúng ta không chấp nhận việc quá khứ mọi thứ đã ở rất gần nhau như cách miêu tả của bigbang, vậy thì chúng ta phải đối mặt với câu hỏi: thế vũ trụ bắt đầu giãn nở từ khi nào? Nó đã giãn nở như vậy được bao nhiêu năm rồi? Và trước thời điểm nó bắt đầu giãn nở đó có phải nó đã từng tĩnh lặng không? Mọi thứ đều đứng yên và rồi bỗng một ngày đẹp trời có thứ gì đó đẩy mọi thứ ra xa nhau??? Tạo nên hiệu ứng giãn nở vũ trụ mà ta quan sát ngày nay ư?
2. Các thiên hà từng ở rất gần nhau. (sự đậm đặc của vũ trụ)
Einstein, nhà khoa học lỗi lạc nhất cũng đã từng phủ nhận ý tưởng về Bigbang, ông không tin điều đó, trước thời Hubble khám phá ra sự giãn nở của vũ trụ, các nhà khoa học cũng đều nghĩ vũ trụ tĩnh lặng và không có điểm bắt đầu, sau khi ý tưởng về Bigbang xuất hiện từ quan sát về sự giãn nở vũ trụ, họ vẫn còn nghi ngờ rất nhiều. Vậy nên các nhà khoa học đã không ngừng nỗ lực quan sát thêm sâu hơn vào vũ trụ. Và kính viễn vọng không gian Hubble đã quan sát được cách đây 10 tỷ năm ánh sáng, các thiên hà đã từng ở rất gần nhau. Mà bạn biết đấy, càng quan sát ra xa thì ta càng nhìn về quá khứ, nghĩa là 10 tỷ năm trước các thiên hà đã ở rất gần nhau hơn bây giờ, mật độ vật chất phân bố trong không gian trong vũ trụ cách đây hơn 10 tỷ năm đã từng đâm đặc hơn rất nhiều, không loãng như bây giờ. Bạn sẽ phải tự hỏi, vậy có phải vũ trụ chỉ giãn nở từ đây? trước đó thì không?
Hãy nghĩ xem, sẽ thế nào nếu vũ trụ tĩnh lặng? chắc chắn lực hấp dẫn sẽ tương tác giữa mọi thứ và kéo các thiên hà dù xa nhau cỡ nào cũng phải rơi vào nhau. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy, các thiên hà ở gần nhau mới rơi vào nhau, giống như Milky Way và Andromeda, còn nếu ở khoảng cách vừa phải, chúng sẽ cân bằng với nhau, vũ trụ giãn nở có xu hướng kéo chúng tách nhau ra, nhưng chúng cũng tương tác hấp dẫn với nhau theo xu hướng hút nhau vào, và hai hướng này cân bằng với nhau. Nếu 2 thiên hà xa nhau hơn nữa, chúng sẽ dần rời xa nhau, cụ thể là các thiên hà gần nhau trong phạm vi tương tác hấp dẫn đủ mạnh thì sẽ hình thành nên các cụm thiên hà địa phương, còn bên ngoài các cụm này, chúng sẽ rời xa nhau theo sự giãn nở của vũ trụ. Nếu vũ trụ không giãn nở thì sẽ không hình thành được cấu trúc cụm thiên hà như bây giờ, mà thay vào đó sẽ phải là sự co vào cục bộ của các thiên hà.
Nếu ta tìm được thêm dấu vết cho thấy rằng vũ trụ đã từng đậm đặc hơn nữa trước thời điểm 10 tỷ năm trước, tới mức mọi thứ đã từng nén lại gần nhau, gần đến nỗi tất cả mọi thứ đều chỉ ở dạng năng lượng bức xạ, đến nỗi các nguyên tử vật chất cũng chưa hình thành kịp, thì lúc đó ta có thể kết luận được là vũ trụ sinh ra từ Bigbang rồi. Vậy giới nghiên cứu vũ trụ học có tìm được những bằng chứng đó không?
Yep, có, họ đã tìm được.
3. Bức xạ phông vi ba
Năm 1964, hai nhà vô tuyến học Arno Penziasvà Robert Wilson tình cờ phát hiện ra bức xạ phông vi sóng vũ trụ CMB, một tín hiệu thuộc bước sóng vi ba đến từ mọi hướng trong không gian. Việc phát hiện này mang lại chứng cứ thực nghiệm quan trọng xác nhận những tiên đoán tổng quát về: bức xạ được đo với tính chất phù hợp hoàn hảo với phổ bức xạ vật đentrong mọi hướng; phổ này cũng bị dịch chuyển đỏ bởi sự giãn nở của không gian vũ trụ, với giá trị nhiệt độ ngày nay đo được xấp xỉ 2,725 K. Sự đồng đều tinh tế này là kết quả ủng hộ cho mô hình Vụ Nổ Lớn, và Penzias và Wilson nhận giải Nobel Vật lý năm 1978 cho khám phá của họ.
Năm 1989 NASA phóng tàu "Cosmic Background Explorer satellite" (COBE). Nhiệm vụ của nó là tìm bằng chứng thực nghiệm cho các đặc điểm của CMB, và nó đã đo được bức xạ tàn dư đồng đều theo mọi hướng với nhiệt độ 2,726 K (những khảo sát gần đây mang lại kết quả chính xác hơn là 2,725 K) và lần đầu tiên con tàu đã phát hiện ra sự thăng giáng nhỏ (phi đẳng hướng) trong CMB, với độ chính xác 1 trên 105
5. Sự hình thành các nguyên tố thời kì đầu vũ trụ”
Chắc có lẽ bạn đã biết tới bảng tuần hoàn hoá học, hãy lục lại kiến thức nào, nguyên tố đầu bảng là nguyên tố gì?? hydro đúng không? :v hydro chỉ cấu tạo từ một electron, 1 proton đúng chứ?
Chúng là nguyên tố cơ bản nhất vũ trụ, và cũng là nguyên liệu chính cấu tạo nên các sao cũng như tổng hợp hạt nhân giúp các ngôi sao phát sáng. vậy thời kì sơ khai của vũ trụ chắc chắn không thể có những nguyên tố nặng như sắt, vàng, chì, đồng, urani rồi.
Lý thuyết Vụ Nổ Lớn có thể tính được số lượng tập trung của các nguyên tố heli-4, heli-3, deuteri, và lithi-7 trong Vũ trụ theo tỉ số với lượng hiđrô thông thường. Tỷ lệ có mặt của từng nguyên tố phụ thuộc vào một tham số đó là tỉ số photon trên baryon. Giá trị này có thể tính độc lập từ chi tiết thăng giáng trong cấu trúc CMB. Kết quả lý thuyết cho các tỉ số (theo khối lượng) là khoảng 0,25 cho 4He/H, khoảng 10−3 đối với 2H/H, khoảng 10−4 đối với 3He/H và khoảng 10−9 đối với 7Li/H.
Tất cả các giá trị lý thuyết về tỷ số photon-baryon cho các nguyên tố đều phù hợp thô với kết quả thực nghiệm. Tỷ số này phù hợp tuyệt vời với phép đo cho deuteri, gần với của 4He, và lệch 2 giá trị thập phân cho 7Li; hai trường hợp cuối là do độ sai số hệ thống trong phép đo. Trên tất cả, sự nhất quán nói chung về số lượng các nguyên tố nguyên thủy tiên đoán bởi mô hình Vụ Nổ Lớn với giá trị thực nghiệm là manh mối thuyết phục cho lý thuyết này, do nó là lý thuyết duy nhất cho tới nay có khả năng giải thích cho tỷ lệ có mặt của các nguyên tố nhẹ từ thời điểm sơ khai. Và các nhà lý thuyết chỉ ra không thể điều chỉnh các tham số cho Vụ Nổ Lớn nhằm tạo ra lượng heli nhiều hay ít hơn 20–30%.Quả thực không thể có một lý do thích đáng nào ngoài mô hình Vụ Nổ Lớn, ví dụ, lúc Vũ trụ còn sơ khai (trước khi các ngôi sao hình thành, như giả sử các nguyên tố nhẹ được sinh ra bởi các phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lòng ngôi sao) mà có nhiều heli hơn deuteri hoặc lượng deuteri hơn 3He, và theo một hằng số duy nhất.
Còn nhiều hơn nữa, bạn có thể tham khảo thêm những kiến thức trên ở các tài liệu khác đầy đủ hơn. Chung quy lại thì đó là những dữ liệu mà bạn phải đối mặt khi không tin vào vụ nổ bigbang, bạn cần phải nghĩ ra một mô hình lý tưởng nào đó phù hợp với những dữ kiện đo đạc này mà không cần tới bigbang.
Hãy trình bày ý tưởng của bạn đi!!!
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất