Xuất phát từ người bạn thân cùng xóm thi rớt vào cấp III (PTTH) công lập, bạn ấy do hoàn cảnh nhà nghèo và phải vào đời mưu sinh bằng nghề phụ hồ xây dựng làm cho tôi đầy cảm xúc viết lên chủ đề này.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh. Đó là kỳ thi giúp cho các bạn có được tấm vé vào trường công lập cấp 3 mà mình mơ ước. Đây chính là kỳ thi mang biết bao  sức lực, nhiệt huyết của chính mỗi học sinh và hy vọng của gia đình. Nhưng nói đến kỳ thi thì chắc chắn phải có ‘đậu’ lẫn ‘rớt’. Theo thống kê, năm học năm 2015  Tp.HCM sẽ có 13.000 học sinh rớt công lập và Hà Nội sẽ là 20.000 học sinh, nếu ước tính trên cả nước số lượng có thể lên đến 100.000 học sinh.
Ai cũng có hoài bão riêng của mình, nhưng việc thất bại trong kỳ thi tuyển sinh này, cánh cửa ước mơ dần như khép lại trước mắt mỗi học sinh, để trong chính chúng ta mỗi  buồn thất vọng, hụt hẫn xung quanh. Một số ít học sinh rất may mắn khi gia đình đủ điều kiện sẽ cho du học nhưng các bạn chưa đủ ý thức để đón nhận, nỗi khổ đằn vặt về tâm lý xa gia đình,  những thách thức khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, cộng đồng. Một số bạn vào học trường cấp 3 dân lập với tâm lý mặc cảm thua kém bạn bè, học phí đắt đỏ là gánh nặng cho gia đình. Phần còn lại các bạn có gia cảnh nghèo khó sẽ theo học ở trường giáo dục thường xuyên hay dừng hẳn việc học tập ra đời kiếm sống, hoặc lông bông lêu lỏng và là gánh cho xã hội sau này.
Ở độ tuổi 15 hồn nhiên ngây thơ, chỉ biết học hành vui chơi với bạn bè và sự chăm sóc của cha mẹ giờ đây buộc phải xa tổ ấm, để bước chân vào xã hội mưu sinh là việc làm quá sức với bất kỳ bạn nào. Có ai hiểu được nỗi buồn và sự cô đơn của các bạn, có ai hiểu được niềm khát khao được tiếp tục học hành, đến trường của các bạn. Có mấy ai biết được tâm lý chịu đựng, nặng nề của các bạn rớt công lập, những lo toan trăn trở hằn  trên khuôn mặt cha, những lo âu in dấu trên mặt mẹ.
Với những bạn vào học trường giáo dục thường xuyên, lượng kiến thức hấp thụ tại trường không đủ cho bạn phát triển sau này. Làm sao ta so sánh được giữa các bạn với học sinh công lập. Học sinh công lập sẽ làm việc 3 ca: sáng, chiều và tối, từ học trên lớp đến đi học thêm. Được hướng dẫn học tập từ giáo viên giỏi nhất trong những trường danh tiếng và núi tài liệu, kiến thức ở cấp 3 sẽ được phân loại, định dạng, được luyện thi từng dạng đề chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào Đại Học.
Nền giáo dục dựa trên điểm số và thành tích cá nhân của nước ta đã bắt những em thiếu nhi ngay từ nhỏ phải cạnh tranh bằng điểm số để có vị trí học tập tốt nhất. Việc đánh giá kết quả học tập nặng về điểm số, thứ hạng làm cho tâm lý các em phải ganh đua với nhau và biểu hiện rõ nhất là việc học thêm và dạy thêm tràn lan ngay từ bậc tiểu học. Tại sao xã hội chúng ta phải bắt học sinh tranh giành nhau để lấy chỗ ngồi  tại trường cấp 3? Hiểu một cách đơn thuần, chính những bạn đạt điểm thi cao đã đẩy những bạn học sinh còn lại vào ngõ hẹp cuộc sống. Liệu như vậy có tốt hay không khi phải bắt một đứa trẻ phải đấu tranh ‘sinh tồn’ với bạn đồng trang lứa của mình? Đây có phải là tâm lý cạnh tranh in dấu từ trẻ thơ đến trưởng thành làm cho “Từng người Việt làm việc rất tốt, phối hợp với nhau lại rất dở” (lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Ở các nước phát triển, trẻ em được dạy nhiều về làm việc nhóm, kỹ năng sống, bíết đặc trách nhiệm hàng đầu lên mọi công việc. Đặc biệt là dành nhiều thời gian hoạt động ngoại khoá và tự học.
Vậy tại sao ta không tạo điều kiện cho mọi học sinh có thể đi học bình thường? Công bằng xã hội trong giáo dục được nói đến nhiều trong chế độ Việt Nam XHCN nhưng thực tế thì ngược lại. Đất nước ta ngày một phát triển vượt bâc những công trình hoàng tráng hàng tỉ đô la được xây dựng. Đó là toà nhà trung tâm hàng chính ở Đà Nẳng, Bình Dương, các tuyến metro đang triển khai tại Hà Nội, Tp.HCM. Đất nước đang hoạch định xây dựng sân bay Long Thành 18 tỷ đô la, đường sắt cao tốc Bắc Nam 50 tỷ đô la...Chỉ cần số tiền nhỏ trích ra từ dự án trên là chúng ta có thể xây đủ các trường cấp 3 cho tất cả học sinh theo học. Chỉ cần mỗi quận huyện tại Tp.HCM xây dựng thêm một ngôi trường cấp 3 đơn sơ thì cũng đủ đem lại hạnh phúc cho 13.000 học sinh bị rớt công lập, cũng như mang lại niềm chung cho toàn xã hội khi không phải lo lắng về kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Nhìn em tôi, hiện đang học tiểu học đã phải đi học thêm nhiều nơi, trong lòng tôi dâng trào cảm gíac lo lắng. Tôi lo em đánh mất nụ cười thơ ngây mà thay vào đó là gương mặt mệt mỏi, với đôi mắt nặng trĩu mỗi khi em đi học thêm về. Tôi lo em sẽ trở thành ‘con gà công nghiệp’ của nền giáo dục nước nhà. 
Tóm lại, xã hội cần xem lại nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng từng đi học, hãy đặt mình vào vị trí học sinh  và thử cảm nhận nỗi khổ của các bạn rớt lớp 10 công lập mà có những kế sách giáo dục hiện đại hơn, nhân bản hơn. Riêng tôi thầm mong cho các bạn có hành trình suôn sẻ để đến với ước mơ và hy vọng các bạn xem đây chỉ là thử thách đầu đời tiếp tục nỗ lực vươn lên đạt đến kết quả cao nhất.
Hè 2015.
L. K. Hưng, học sinh lớp 10-Tp.HCM