Có một câu chuyện vui được lan truyền trên các trang mạng xã hội suốt một thời gian dài. Nói đúng hơn, đây là một câu chuyện buồn được tạo nên bởi những tình tiết hài hước. Một chàng trai đã quyết định chia tay bạn gái sau khi cô nàng ngồi mấy tiếng đồng hồ mà vẫn không thể quyết định mình muốn ăn gì vào buổi tối dù cậu chàng đã đưa ra nhiều gợi ý. Cơm sườn sợ béo, bún bò thì ngán, bánh mì quá khô,… và quan trọng hơn là cô nàng chỉ thấy những bất cập trong các sự lựa chọn thôi, chứ thật sự cô ấy chẳng biết mình muốn ăn gì cả. Dân mạng ồ ạt comment hiến kế chia tay cho chàng trai, khổ, có mỗi việc ăn gì mà cũng ỏng eo không biết.
Không bàn về việc đây là câu chuyện thực hay chỉ là sản phẩm của một trí tưởng tượng thú vị nào đấy, nhưng chậm lại một chút, có thực là chúng ta- những người đang phê phán cô gái ấy- luôn biết mình muốn gì không? Hay thực tế, chúng ta đều là những người thông tỏ mọi chuyện nhân gian nhưng lại mù mờ trước những câu hỏi về bản thân như Tôi là ai? Tôi thích gì? Tôi muốn gì? Đây cũng là lý do tôi bị thu hút bởi quyển sách của Hans Johansen ngay từ tựa sách “Bạn muốn làm gì với đời mình?”
Trong quyển sách này tác gỉa lại kể cho chúng ta nhiều mẩu chuyện vui. Nói đúng hơn, là những câu chuyện buồn cười bởi những yếu tố thoạt nhìn vô cùng hiển nhiên những ngẫm lại rất phi lý. Chẳng hạn như việc chúng ta lên kế hoạch đến từng phút giây cho chuyến du lịch ngắn ngày sắp tới mà không hề ngó ngàng gì đến việc lên kế hoạch cho chuyến đi dài hơn, quan trọng hơn- đó là cuộc đời của chính chúng ta. Tôi sẽ không nói thêm về việc có một kế hoạch cho cuộc sống quan trọng thế nào, tôi nghĩ chúng ta thừa thông minh để nhận thức được điều đấy. Chúng ta thường không làm bởi vì nó khó thôi. Việc dễ làm trước, việc khó để sau. Chúng ta đã áp dụng rất chính xác lời khuyên huyền thoại của các thầy Toán trong truyền thuyết.
Không may, dù điều này quan trọng nhưng chẳng ai thúc ép chúng ta làm. Cha mẹ không đòi hỏi chúng ta có một bản kế hoạch cuộc đời, họ chỉ cần ta có một công việc ổn định, đủ sống. Nhà tuyển dụng càng không, họ cần bằng cấp, kinh nghiệm của bạn. Và cô người yêu nóng bỏng thì chỉ cần một chiếc nhẫn đính kim cương và lời hứa hẹn cho lễ cưới hoành tráng. Thế đấy, chẳng ai chào nhau bằng câu “Bản kế hoạch cuộc đời của cậu đâu nhỉ?”, chưa kể nó lại khó và chẳng vui gì cho cam. Nên bạn bơ nó luôn, và đa phần chúng ta sẽ quên nó thật cho đến khi gặp được một số bước ngoặt khiến chúng ta hối tiếc vì sự thiếu định hướng của chính mình.
Vậy thì, quyển sách này mang lại gì cho chúng ta?
Điều đầu tiên, cũng là điều quý giá nhất, tôi nghĩ đó là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho việc ngồi xuống và suy nghĩ về việc “Bạn muốn làm gì với đời mình?” Đừng nhìn ra xung quanh, đừng nghĩ về niềm tin của ba mẹ đặt lên người bạn, đừng xem bảng báo cáo về nhu cầu công việc của đất nước, câu hỏi là MUỐN, không phải NÊN. Thứ bạn chỉ có thể tìm ở bên trong bản thân mình.
Có một điều buồn cười là khi bạn hỏi một đứa trẻ câu này, nó sẽ rất dễ dàng để đưa ra câu trả lời. Nhưng với người lớn thì lại là một chuyện khác, có vẻ cái giá của trưởng thành là khiến ta quên  đi những gì ta thật sự khao khát chăng? Tôi nghĩ cái khó nằm ở hai vấn đề: hoặc là ta muốn quá nhiều, hoặc là ta không biết mình muốn gì thật.
Và tác giả đã dành rất nhiều chương để giúp bạn tìm ra thứ mình thật sự mong muốn, bằng chuyên môn của một nhà huấn luyện thực thụ.
Tôi thiết nghĩ nếu chỉ đánh giá đây là quyển sách về kỹ năng thì thật thiếu sót, bởi nó bao hàm luôn cả yếu tố chữa lành mạnh mẽ. Tác giả đã rất tài tình khi trình bày theo hướng đưa bạn quay về thời điểm trước bước ngoặt của chính bạn. Bạn sẽ nhìn vào cuộc sống của mình bằng con mắt trong trẻo, như thể bước ngoặt ấy chưa từng diễn ra. Bạn sẽ cho phép mình được quyền lựa chọn lần nữa. Bạn có thể tự hỏi lòng “Tôi thực sự là ai?” và “Tôi thực sự muốn làm điều gì với cuộc đời mình?”. Tác giả cho bạn thấy những yếu tố quá khứ, những thế hệ cha ông đã biểu hiện thế nào trong con người hiện tại của bạn. Quan niệm “tập nghiệp” trong Phật giáo được Hans diễn giải khá thành công và thuyết phục bằng góc nhìn khoa học ở những chương này để những độc giả duy lý nhất cũng có thể đi sâu vào tâm khảm của chính mình. Và trong quá trình chữa lành cho bản thân, bạn cũng có thể chữa lành cho những người bên cạnh và cải thiện mối quan hệ với họ- đây cũng là một câu chuyện có thật từ độc giả của “Bạn muốn làm gì với đời mình?” .
Điều thứ hai mà bạn có được từ “Bạn muốn làm gì với đời mình?”  dĩ nhiên là các phương pháp để lên kế hoạch cho những khao khát bạn đã tìm ra phía trên. Để có một quyết định vững chắc, một kế hoạch đúng đắn mà dấn thân theo đuổi trong suốt hành trình cuộc đời, chúng ta không chỉ cần đam mê cháy bỏng mà còn phải có sự nhận thức và hiểu biết nhất định.
Đối với những “tấm chiếu mới”, tin chắc rằng những kiến thức được trình bày logic, dễ hiểu tiếp theo sẽ rất hữu ích cho các bạn.
Đối với những bạn đã tìm hiểu nhiều, đọc nhiều về kỹ năng, kinh doanh thì quả thật những kiến thức này không có gì mới mẻ nữa, thậm chí quá căn bản như lập mục tiêu SMART (Specific- Measurable-Attainable- Realistic- Time oriented), 6 người bạn phục vụ (ai, cái gì, ở đâu, khi nào, ra sao, tại sao)… nhưng điều tuyệt vời ở đây là cách tác giả giúp bạn nhận thức lại về chính hệ giá trị cốt lõi và thế giới quan của mình.
Một điều quan trọng hơn, khiến “Bạn muốn làm gì với đời mình?”  khác với những quyển sách về lập kế hoạch cuộc đời khác là không chỉ bàn về mặt sự nghiệp. Quyển sách đề cập đến cả 6 khía cạnh cơ bản của một người và cách cân bằng chúng: Sức khỏe- Tinh thần/ Tâm linh- Sự nghiệp- Tài chính- Cảm xúc- Các mối quan hệ.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn, bất kể bạn đang ở trước hay sau bước ngoặt lớn của đời mình. Đặc biệt, nếu vẫn chưa đi qua bước ngoặt ấy, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích to lớn vì bạn biết rõ mình sẽ phải bước qua những gì và chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó.
Bạn muốn làm gì với đời mình? Sleep on it!